Có một điều mà bà Lê Thị Thành (phu
nhân của Thiếu tướng Hoàng Trà – Chính ủy Hải quân) luôn tự hào về gia đình của
mình: dù ông bà đến với nhau là rổ giá cạp lại, nhưng suốt những năm tháng vợ
chồng, tình yêu thương luôn ngự trị tuyệt đối trong gia đình có đủ “con anh,
con em, con chúng ta” của ông bà. Bởi như bà nói ông bà đến với nhau, trước hết
là tình thương, là sự đồng cảm của số phận, sau đó mới là tình yêu
Vài năm trở lại đây, bà Lê Thị Thành (phu nhân của Thiếu tướng
Hoàng Trà) đã bắt đầu mắc phải căn bệnh nhớ nhớ quên quên của tuổi già. Thế
nhưng khi nhắc đến hai người chồng của
mình, người chồng đầu đã hi sinh khi bà mới 23 tuổi, người chồng thứ hai là Thiếu
tướng Hoàng Trà – bà vẫn kể rành rọt từng việc nhỏ.
Năm 23 tuổi, bà Lê Thị Thành góa chồng sau một năm làm vợ.
Người chồng đầu tiên của bà là Đỗ Trung
Bảo – một cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch ở khu vực Mai Dịch đã hi
sinh vì bị địch tra tấn. Bà kể: “Vợ chồng tôi cùng hoạt động ở khu vực Mai Dịch,
tôi làm công tác phụ nữ, chồng tôi làm công tác thanh niên. Cưới nhau năm 1949,
thì đến năm 1950, ông ấy hi sinh. Trong 1 năm ấy, chúng tôi ở bên nhau chưa đầy
1 tuần, sinh được người con trai duy nhất là Quang Việt. Quang Việt được 6
tháng tuổi thì tôi nhận được tin chồng bị giặc đánh đến chết trong nhà tù. Sau
này tôi cứ thương Quang Việt mãi vì sinh ra mà chẳng có bất cứ ký ức nào về cha
mình”.
Thời đó, khi mới lấy một người chồng đi theo cách mạng, bà
đã xác định những mất mát đó. Nhưng bà bảo, với thế hệ bà, sự hi sinh là lớn
lao và tự hào. Bà đón nhận cái tin chồng mất, chấp nhận sự thật rằng mình đã trở
thành góa phụ khi mới 23 tuổi, với một tâm trạng vừa đau thương, mất mát, nhưng
cũng rất đỗi tự hào về người chồng của mình. Bởi đến lúc chết, chồng bà cũng
không khuất phục quân thù. Những năm tháng khó khăn ấy, bà vừa gánh guốc gỗ,
gánh nồi đất đi bán rong để nuôi con vừa bền bỉ hoạt động.
Mất chồng khi còn rất trẻ, nhưng suốt gần 10 năm sau đó, bà
Lê Thị Thành chưa một lần nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Mỗi lần bạn bè đồng chí
động viên, bà đều nói: “Tôi đã có một đứa con trai. Tôi sẽ ở vậy nuôi con”.
Nhưng dự định ấy của bà đã thay đổi, khi bà gặp Thiếu tướng Hoàng Trà năm 1958:
“Hồi đó ông Mậu, cán bộ cùng đơn vị với ông Hoàng Trà có quen với một người bạn
của tôi. Nghe kể về hoàn cảnh của tôi, thấy tôi góa chồng 8 năm mà vẫn ở vậy nuôi con, ông ấy đã ngỏ ý
giới thiệu tôi với ông Hoàng Trà. Sợ tôi băn khoăn về chuyện con cái, ông Mậu động
viên là đi xây dựng gia đình thì mang con đi, có ai bắt phải xa con đâu. Thế là
tôi và ông Trà được ông Mậu giới thiệu để làm quen với nhau”.
Sự đồng cảm về những mất mát đã qua có lẽ là một trong những
lý do khiến Thiếu tướng Hoàng Trà và bà Lê Thị Thành đến với nhau. Bà kể, bà gặp
Thiếu tướng Hoàng Trà khi ông đã góa vợ 4 năm, một mình nuôi 3 con nhỏ. Vợ ông,
bà Trịnh Thị Năm làm nghề y, từng theo chồng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ
năm 1954 rồi hi sinh trước ngày chiến thắng. Suốt 4 năm sau khi vợ mất, xung
quanh không biết bao nhiêu người giục ông lấy vợ, mối mai cho ông đám này đám
kia, ông vẫn lần lữa chối từ nhưng sau buổi đầu tiên gặp bà ở Hà Nội, nghe bà kể
về hoàn cảnh của mình, về đến đơn vị, ông đã viết thư cho bà: “Mới gặp Thành lần
đầu, tôi đã thấy yêu thương”.
Một trong những lý do quan trọng khiến bà Lê Thị Thành đồng
ý trở thành vợ của Thiếu tướng Hoàng Trà sau gần 10 năm ở vậy thờ chồng chính
là bởi bà thương 3 đứa con côi cút của ông thiếu thốn tình cảm của người mẹ,
cũng như bà thương con trai Quang Việt của mình sinh ra đã không có được hơi ấm
của cha. Nên lúc đồng ý trở thành vợ
ông, bà đã tự hứa với lòng mình sẽ yêu thương các con ông như con ruột của
mình. Sau khi người vợ đầu tiên qua đời,
vì đơn vị phải đóng quân trên Mộc Châu (Sơn La), Thiếu tướng Hoàng Trà phải gửi
các con mỗi người một nơi cho gia đình hai bên nội ngoại nuôi giúp. Lúc về làm
vợ ông, bà đã đón các con ông về chăm sóc, sẵn sàng nhận cùng một lúc hai trọng
trách quan trọng: làm vợ của một người lính thường xuyên xa nhà và làm mẹ của 3
đứa con không chung máu mủ.
Hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Trà chính
là sự ủng hộ tuyệt đối của các con với cuộc hôn nhân của cha mẹ. Bà kể: “Quang
Việt sinh ra không biết mặt cha, gần 10 tuổi, khi tôi đến với ông Trà, Quang Việt
mới lần đầu tiên được gọi tiếng cha. Tôi nhớ ngày đó Quang Việt vui và háo hức
vô cùng vì biết mình có cha. Lễ cưới của vợ chồng tôi được tổ chức ở quân ủy quận
5 Hà Nội (khu vực đường Bưởi ngày nay). Hôm đó cả Quang Việt và Hoàng Sơn (con
trai út của Thiếu tướng Hoàng Trà – pv) đều tham dự lễ cưỡi. Hai đứa bằng tuổi
nhau, không biết là vì vui khi thấy bố mẹ làm đám cưới, hay vui vì thấy có bạn
chơi cùng, mà vừa gặp nhau, chúng đã thân nhau như anh em một nhà. Vợ chồng tôi
chứng kiến cảnh đó đều mừng rỡ, vì chúng tôi hiểu, vợ chồng yêu thương nhau
chưa đủ, con cái hai bên có hòa thuận, thì gia đình mới êm ấm được. Người vui
nhất khi chúng tôi kết hôn có lẽ là Quang Việt, con trai tôi. Kết hôn xong, ông
Trà quay lại nơi đóng quân ở Tây Bắc rồi cứ thế đi biền biệt chẳng mấy khi về
nhà. Nhưng về nhà ông rất dịu dàng với vợ con, đặc biệt chẳng bao giờ mắng con.
Ông Trà yêu Quang Việt như con đẻ nên Quang Việt cũng rất yêu bố. Mỗi lần nghe
tin bố đi công tác về, dù thức khuya đến mấy, Quang Việt cũng thức bằng được để
đón bố về. Ông Trà cứ về đến nhà là Quang Việt chạy theo bố tíu tít”.
Tất cả những người con trong gia đình Thiếu tướng Hoàng Trà
đều ý thức được hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt của mình. Sau khi bà sinh cho
ông hai người con là Hồng Châu và Hải Âu, ông bà đã có tất cả 6 người con, đủ cả
“con anh, con em, con chúng ta”. Nhưng chưa bao giờ bà để cho các con ông phải
trải qua cảm giác “mẹ ghẻ con chồng”, cũng chưa bao giờ ông để Quang Việt – con
trai riêng của bà tủi thân nghĩ rằng ông không phải cha đẻ của mình. Những năm
ông đi công tác xa nhà, bà một mình nuôi
cả mấy người con, cả con chung, cả con riêng, nhưng không khí gia đình vẫn êm ấm.
Buổi tối bà ngồi dóc mía cho các con ăn, mấy mẹ con cười nói vui vẻ, yên bình
trong ngôi nhà của mình, không có cảm giác chung riêng, không có sự phân biệt.
Bà kể: “Quang Việt và
Hoàng Sơn đều bằng tuổi nhau, nên vì Hoàng Sơn sinh trước Quang Việt mấy tháng
nên được là anh. Ngày nhỏ, có lần Hoàng Sơn nghịch ngợm, lấy lá tre đốt ở bếp,
Quang Việt ngăn anh lại vì sợ cháy. Khi về nhà, nghe hàng xóm kể lại, biết là
con trai mình không sai, nhưng tôi vẫn bắt cả hai anh em nằm xuống, hỏi tội và
dọa đòn, xong rồi thôi”.
Về làm vợ Thiếu tướng Hoàng Trà, bà phải đối mặt với áp lực
không nhỏ vì sẽ không ít người chăm chăm nhìn vào, chú ý xem bà sẽ cư xử ra sao
với con riêng của chồng. Nhưng bà đối xử với các con chồng như con mình, dành
cho con riêng của chồng những tình cảm chân thành tự đáy lòng, nên chuyện yêu
thương, công bằng giữa các con không có gì là khó. Quang Việt con trai riêng của
bà và Hoàng Sơn con trai riêng của Thiếu tướng Hoàng Tra sinh cùng năm, đi học
cùng một lượt, đến khi lấy vợ, sinh con cũng cùng một năm. Thế nên suốt mấy chục
năm trời, mua sắm đồ gì cho hai con, bà cũng sắm đồ đôi. Khi Quang Việt và Hoàng
Sơn đi học, may quần, may áo, mua dép, mua sách, vở, bút, bà đều mua hai thứ giống
nhau. Đến cái quần đùi hai anh em mặc, bà cũng mua giống nhau. Sau này đến lúc
hai người con trai của ông bà lấy vợ cùng năm rồi sinh con cùng một tuổi, bà vẫn
tặng quà “sinh đôi”: Mỗi người một cái chậu, một cái rổ, một cái cốc, tất cả đều
giống hệt nhau. Sống với nhau bao năm, Thiếu tướng Hoàng Trà chưa bao giờ phải
phàn nàn về cách cư xử của vợ với những người con riêng của mình.
Dù sớm phải chịu những mất mát, thiệt thòi từ khi còn rất trẻ,
nhưng gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với Thiếu tướng Hoàng Trà đã khiến bà luôn cảm
thấy mình là người hạnh phúc, may mắn. Ông cư xử rất dịu dàng với vợ. Có lần
đang đóng quân ở xa, nghe tin bà bị ốm, ông chạy từ nơi đóng quân về, chỉ để
nhìn bà một lúc rồi đi. Suốt bao năm sống với nhau, trước khi chào từ biệt vợ mỗi
lần đi công tác, ông chưa bao giờ quên dành cho bà một nụ hôn nhẹ.
Ngày người chồng đầu tiên hi sinh, bà đã xác định mình sẽ phải
gánh vác trên vai nhiệm vụ vừa làm cha vừa làm mẹ, nhưng sau này khi về làm vợ
Thiếu tướng Hoàng Trà, bà đã thực sự yên lòng khi tìm thấy cho con trai mình một
người cha tuyệt vời. Bà kể: “Chồng tôi dạy con bằng chính tâm gương của mình.
Tính ông Trà rất tốt, nên cán bộ cấp dưới, từ bí thư đến công vụ đều yêu quý. Có
lần, ngày thành lập QDND, đi thăm lính tráng các đơn vị, thấy một người lính trẻ
đang rét run vì chỉ có một manh áo mỏng trên người, ông ấy đã áo len ra tặng
cho người lính ấy mà không chút do dự. Sau này ông Trà mất rồi, lính cũ của ông
đến nhà chơi đều nói ông không bao giờ mắng lính, không bao giờ quát lính. Cả cuộc đời
ông Trà sống liêm khiết, đến lúc về hưu, cả gia tài chỉ có cái tủ chè và cái xe
đạp. Nhưng vợ chồng tôi sống rất đơn giản. Khi về hưu, ông ấy cuốc đất, trồng
rau, ăn mặc giản dị, vợ nấu cho món nào thì ăn món đó, chẳng bao giờ biết đòi hỏi
gì”.
Có lẽ chưa nhiều người biết về Thiếu tướng Hoàng Trà – vị
chính ủy của lực lược Hải quân, nhưng chắc không xa lạ với Hoàng Hải Âu, người
rất quen mặt và rất được ngưỡng mộ trong các chương trình “Làm giàu không khó”.
Khi kể về cha mình, anh đã nói: “Ông là người giản dị,
bao dung và chân thành. Ông đeo lon tướng nhưng ở nhà ông làm mọi việc, dù là
việc nhỏ nhất. Tôi nhớ là trước khi mất, nằm trong bệnh viện, cha tôi còn gượng
dậy cảm ơn các bác sĩ, y tá đã chăm sóc mình. Tôi học được nhiều điều từ cha. Tất
nhiên không phải không có lúc bị "ăn đòn" từ đời sống vì chính những
điều mình đã học được ấy. Bởi lẽ, mình đã không hiểu được, có những thứ ngày
hôm nay đã đổi khác so với thời của cha rồi”. Tất cả những người con của ông,
dù con riêng hay con chung của ông bà đều có chung một tình yêu và một sự kính
trọng như thế với cha mình.
Hương Thảo Nguyên
11 nhận xét:
Thế hệ các cụ sống trong sáng và giản dị thật. Họ sống bằng cái tình, thế nên bền mãi.
Ngày ở Vĩnh Yên, anh Hoàng Sơn k3 trước khi ra trường có "bàn giao" lại cơ sở CM là nhà bà bác kinh doanh vàng ở thị xã, gần chợ. Chúng tôi thỉnh thoảng qua lại và bác coi như cháu Sơn. Bác có em Minh thân thiết với lính Trỗi và QS.
Sau này anh Việt cũng kể nhiều về bác và quan hệ tình cảm, yêu thương lẫn nhau của các thế hệ trong gia đình. Cảm phục!
Tôi biết Quang Việt từ hè 1967,khi cùng tập trung đi học Liên Xô, Tôi đượccác bạn học tại Học viện không quân Jukovxkii (MAtxcova) cho biết biết,Việt được anh ,em quý mến,học giỏi. Tháng 5-2010 tôi và Vũ Minh Trực con trai cụ Vũ LẬP nguyên tư lệnh quân khu Tây Bắc (cùng công tác với cụ Hoàng Trà nhiều năm) cùng Quang Việt về thăm lại Quế Lâm.Anh Trực và Quang Việt quen nhau từ lâu, anh hiểu gia đình cụ Hoàng Trà như trong bài viết trên của nhà báo Hương Thảo Nguyên.
Riêng tôi trong chuyến về Quế Lâm được tiếp xúc với Quang Việt ,tôi biết thêm một nhân cách đẹp,một con người thông minh,coi trọng tình bạn.Tôi theo rõi trên blog Bantroik5 thấy Qng Việt giành nhiều thời gian,tâm trí cho anh Sôn khi lâm trọng bệnh , lo cho cháu con anh Sơn có công ăn việc làm .Anh tham gia các hoạt động góp phần củng cố quang hệ tốt đẹp của bantroi.Điều đó chứng tỏ cụ Hoàng Trà,cụ Thành giáo dục con rất chu đáo .
Trong số bantroi tôi biết,anh là một nhân cách rất đáng trân trọng.
Bài viết này có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay trong việc xây dựng một gia đình hạnh phúc trên nền tảng của sự thông cảm, vỵ tha,tình yêu chân thành. KC
hồi đó cô chị họ của Hoàng Sơn khá xinh xắn.tiếc là đã có người yêu rồi,không thì cũng chịu khó"tấn công".có lần mình chở em về HN thăm chú Trà theo ủy nhiệm của bà mẹ.bây giờ KQ nhắc mới nhớ.
Minh bây giờ sống trong SG, ở Tân Bình, làm ăn khá lắm. Hôm nọ sau chuyến đi Cà Mau có chở anh Việt trả về nhà Minh. Cô em cũng ngờ ngợ vì chuyện đã gần 40 năm. Minh lấy 1 đ/c chồng là kĩ sư Xây dựng.
Sao ko dám tấn công vào đồn có địch PC ơi? Đánh đồn ko có địch thì ai chả đánh được. Tiếc thật, ko thì PC đã là anh họ mình rùj.:D
Hồi đó cô chị họ của Hoàng Sơn khá xinh xắn.tiếc là đã có người yêu rồi,không thì cũng chịu khó"tấn công".có lần mình chở em về HN thăm chú Trà theo ủy nhiệm của bà mẹ.bây giờ KQ nhắc mới nhớ.
Hồi đó cô chị họ của Hoàng Sơn khá xinh xắn.tiếc là đã có người yêu rồi,không thì cũng chịu khó"tấn công".có lần mình chở em về HN thăm chú Trà theo ủy nhiệm của bà mẹ.bây giờ KQ nhắc mới nhớ.
Hoàn toàn OK với NX của bác KC.
Anh QV tưởng sống trong nhung lụa, vậy mà kg phải.Có lẽ vì thế mà anh luôn cảm với những nhân tình thế thái, luôn quan tâm đến những mảng cơ cực ở đời chăng !
Xin chân thành chúc anh QV luôn hạnh phúc, và luôn mang HP đến cho muôn người như đang từng như vậy.
Bài viết hay trong kỷ nguyên chẳng hay này.
Các bác khen quá lời. Thực ra nếu chỉ được một phần như vậy thôi cũng đã OK. Các bác làm em lại phải cố. QV.
Cứ âm thầm và giản dị như bác QV là tốt lắm rồi.
Đăng nhận xét