Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Ngày này 40 năm trước (KQ)

Vĩnh Yên. Năm học 1972-73. Khóa 5 chúng tôi lên năm thứ 3 và chuyển từ Khoa Cơ bản lên các khoa chuyên ngành. Bọn học viên điện tử chúng tôi từ C153 nhập về C343 (cùng khóa 4), Khoa Vô tuyến. Đại đội đóng không xa bãi tập xe tăng và núi Trống - nơi có kho vật tư khổng lồ gồm nhiều máy phát điện, ô tô do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ. Lớp học, nhà ở từng trung đội dựng ngay sườn đồi, xen giữa rừng bạch đàn. Công sự, tăng-xê đào có hướng chạy về phía chân đồi, nhìn sang núi Trống. Sát nhà ở có 1 hồ nước thủy lợi (bà con đắp đập trữ nước, tưới tiêu thủy lợi).


Chuẩn bị vào học thì cuối tháng 9, kho vật tư bị máy bay Mỹ ném bom. Trận bom khủng khiếp nhất trong đời. Từ hướng tây (phía Hòa Bình) máy bay cắt Ba Vì, bổ nhào rồi cắt bom. Toàn loại bom phát mới được dùng ở phía Bắc. Báo động, cả bọn phải xuống hầm nhưng vì có hướng nhìn sang núi Trống cách có 500m mà thấy thảm khốc. Trâu bò chạy loạn như trong "đại hồng thủy". Khói lửa mịt mù. Cây cối đổ rạp vì bị phát ngang thân. Lệnh trên lại cấm nổ súng vì sợ lộ đội hình nên dù có súng trong tay mà thằng lính cảm thấy bất lực, hoảng sợ. Bom ném chệch sang cả khu trường Xây dựng. Quãng 40 thầy trò bị chết. Trường Quân sự cử ngay thầy trò Khoa Công trình sang ứng cứu.
Ngay đêm ấy, có lệnh trên: hành quân vào Tam Đảo. Cứ vai ba lô, lầm lũi hàng dọc đi tới cây số 10, sát đường lên khu nghỉ Tam Đảo thì theo dọc đường dã chiến phía tây dãy Tam Đảo. Tới xã Đại Đình thì dừng chân. Từng tiểu đội được phân vào nhà dân. Sau đó là những ngày khai thác sặt về làm doanh trại. (Sẽ có chuyện sau).
Khai thác sặt khoảng 2 tháng thì trên lại lệnh: C343 di chuyển xuống ven bờ đê sông Hồng, bên kia là đò Mía, gần thị xã Sơn Tây. Lại 1 cuộc chuyển quân (tất nhiên bằng đôi chân, thằng nào có xe đạp thì hạnh phúc vì ba lô, sách vở buộc hết sau xe) về xã Đại Tự, thuộc huyệnYên Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. (Còn C333 thì về xã Liên Châu, Hồng Châu không xa).
Yên Lạc là huyện thuộc đồng bằng Bắc Bộ, nằm bên bờ tả ngạn sông HồngPhía Tây giáp huyện Vĩnh Tường, góc phía Tây Bắc giáp huyện Tam Dươngphía Bắc giáp thị xã Vĩnh Yênphía Đông Bắc giáp huyện Bình Xuyênphía Đông Nam giáp huyện Mê Linh.
Ở đây khá trù phú và đã lâu lắm, suốt từ 1954, chưa có bộ đội về nên bà con rất hồ hởi. Từng tổ tam tam ghép vào từng nhà dân. Ăn, ngủ trong dân. (Gạo, thực phẩm được cấp nhỏ lẻ theo tiểu đội). Ven bờ sông có những cánh đồng ngô xanh mướt. Thu hoạch xong, dân cày vỡ để chuẩn bị vụ ngô xuân. Mẹ ơi, cóc nhiều vô kể. Mấy bố bộ đội tập kết lớp tôi phát hiện ngay ra nguồn thực phẩm dồi dào - thịt cóc. Tôi biết làm thịt cóc từ đây.
Lúc đầu thì sợ, theo chân các bố già, cũng vai đeo bao tải, ra bờ sông mà không dám nhặt cóc. Dưới ánh trăng đêm, cứ giả vờ vồ trượt. Rồi thử nhặt 1 chú, chả thấy gì và cứ nhặt rồi quen tay. Nhặt như nhặt sỏi. (Thật ra không làm cóc đau thì nó không tiết ra nhựa để phòng vệ). Nhặt cả bao tải cóc mà tay vẫn sạch. Cóc mang về tống ngay xuống tăng-xê. Cả đêm nghe tiếng lóc cóc ở góc vườn.
Thấy các chú bộ đội làm các món từ thịt cóc: chả cuốn lá lốt, cóc tẩm bột rán, ruốc cóc, canh cải nấu thịt cóc thì bà chủ và con cái chẳng sợ, ăn tuốt. (Ngày đó phải đến tết mới có miếng thịt đụng mấy nhà liền). Riêng ông chủ sợ chết, không dám chén, chỉ dám lấy thìa thử tí canh cải nấu cóc rồi lắc đầu: "Chết, các chú nấu canh gì mà cho nhiều mì chính thế? Ngọt quá!". Kì tình ngọt từ chính thịt cóc ra, chứ làm chó gì có mì chính. Sau mới biết thịt cóc là thịt cao đạm nhất. (Bà con thường nói: thối như cóc chết mà!).
Nghe bảo trứng, gan, mật cóc độc nên mổ ra là vứt phéng. Mà lạ, cứ ném ra sân, gà chạy tới mổ và ngửa cổ lên nuốt nhưng chả chú nào chết. Mấy ông lính gìa Bích, Phôi làm cóc giỏi lắm, chỉ bẩn đúng 3 ngón tay. Ông thì chặt đầu cóc, bỏ ra 1 chỗ. (Bảo như vậy nó không còn điều khiển tiết ra nựa!). Ông thì cầm lưỡi lam dọc 1 đường ở chân rồi bóc cái xoẹt, còn trơ lại 4 cái đùi và thân trắng nõn. Chặt 4 móng chân đen đen đi rồi thả thịt cóc làm xong vào bát nước muối để "lỡ có dính tí nhựa cóc nào thì nước muối nặng hơn sẽ đẩy nhựa nổi lên trên". (Nhựa cóc chỉ làm ta bí tiểu tiện).
Sau này cả làng ai cũng biết làm cóc. Mấy bụi xương sông, lá lốt ngay đầu làng chả mấy ai ăn, nay hết sạch, không kịp mọc. Đó là chuyện lính tráng ăn uống. Tất nhiên chúng tôi còn phải học tập nữa.
Và... những ngày tháng 12/1972. Trên cho biết, B52 sẽ rải thảm ra HP, rồi tới HN. Từ Đại Tự đường chim bay về HN cũng chỉ chừng 20km. Những đêm ấy cả bọn thức trắng, chạy ra bờ đê nhìn hướng về HN mà lo âu. Nơi ấy còn nhà mình, chả hiểu mẹ và các em đã kịp đi sơ tán?
Khi B52 vào, nhìn rõ mồn một ánh sáng của chớp bom. Liên tục, sáng cả góc trời. Rồi đạn phòng không nổ trên bầu trời, rồi tên lửa của ta vút lên không, 1 chùm lửa bùng lên, thấy xác B52 kèm theo lửa rơi lả tả.
Đau xót nhất khi nghe Đài Tiếng nói VN báo tin: B52 trải thảm xuống Khâm Thiên, BV Bạch Mai, Đông Anh... Đêm 29/12 ngày cuối cùng của 12 ngày đêm. Sáng 30/12, trên đài báo: Nixon tuyên bố ngừng ném bom bằng B52 ra miền Bắc. Ngay hôm đó, chúng tôi quay trở về ngay Vĩnh Yên.
Thứ bảy tuần ấy, anh em có nhà HN được đi tranh thủ. Khi đạp xe qua Đông Anh, nhìn thấy những vệt bom kéo dài hàng mấy cây số,  không còn 1 nóc nhà, phẳng như ruộng vừa bị cày xới, vẫn nghi ngút khói bom. Khét lẹt. Đâu đâu cũng thấy những vành khăn tang, những nấm mồ mới...
Thầm nghĩ, đã thực sự kết thúc chiến tranh hay chưa?

[sửa]

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hôm nay 22-12-2012 ,ngày thành lập Quân đội,đọc bài này của Kiến Quôc tôi ngẫm lại đời lính thật gian khổ.Thử thách chiến tranh mà từng ngườilính trải qua làm cho mỗi chúng ta lớn lên,mỗi chúng ta quý trọng hơn cuộc sống Hòa Bình hôm nay.Những ký ức chiến tranh sẽ sống mãi trong cuộc sống tinh thần của chúng ta,nhắc chúng ta hãy sống tốt hơn cho ngày hôm nay. KC

Carot nói...

Đêm 29/12/72. Em sơ tán tại Đông Anh dọc đường quốc lộ 23 - đường từ phà Chèm lên Phúc Yên, đơn vị tên lửa của 361 di chuyển trên đường này, đường anh em HV đi xe đạp tranh thủ về HN. Bom B52 rải thảm cắt ngang qua làng. Sau ngừng chiến mới biết Đông Anh là nơi ác liệt nhất trong 12 ngày đêm.
Lúc bầy giờ, cứ nghĩ, làng quê là nơi thanh bình nhất trong mọi cuộc chiến, trẻ em chân đất, mũ rơm, túi vải đến trường.

Nặc danh nói...

80% Trỗi K2 không có may mắn được trải nghiệm những giờ phút ác liệt và hào hùng như KQ kể. Cuối 1972 bọn mình đang kết thúc HK1 năm cuối ở bên Nga. Rất lo lắng và sốt ruột ko biết ở nhà ông bà, bố mẹ, anh chị em và mọi người ra sao. Thư thì hàng hơn tháng mới sang tới nơi. Chỉ có tin chiến thắng là TV và báo đăng ngay lập tức hàng ngày. Mỗi tin bắn rơi máy bay đều làm bọn mình nức lòng. Người Nga và HV các nước nhìn bọn mình cảm phục. Bọn mình được trực tiếp hưởng niềm vinh quang đổi bằng xương máu đồng chí, đồng bào. Cũng có người lo hộ "liệu bọn mày có thắng được không?", "Liệu Hà nội có bị san phẳng?". Bọn mình trả lời:"Chúng tao nhất định thắng".
Chẳng biết làm gì để đóng góp cho sự nghiệp chung, chỉ biết bảo nhau thi đua học tập thật tốt. Học viên Đức, Bungari học cùng lớp đều nể phục kết quả học tập của quân VN.
QV

TranKienQuoc nói...

Tư liệu cha6b=n thật là những gì anh em đa ghi lại.