Nhân kì niệm 40 năm Trường Đại học Kỹ thuật Hàng không vũ trụ Quế Lâm, đơn vị tiếp quản khuôn viên Nghiêu Sơn (Phong Khẩu) của trường ta 1973-2013, theo đề nghị của bạn, BLL trường đã gửi bài viết này để đưa vào ấn phẩm của trường. Xin trân trọng giới thiệu!
VÀI NÉT VỀ TRƯỜNG VĂN HÒA QUÂN ĐỘI- THIẾU SINH QUÂN
MANG TÊN ANH HÙNG LIỆT SỸ NGUYỄN VĂN TRỖI
Năm 1954 sau khi Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Hiệp định Genéve được kí kết. Nước Việt Nam tạm thời chia cắt làm hai miền tại Vĩ tuyến 17. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng CNXH. Nhiều cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) được cử vào miền Nam chiến đấu, gia đình, vợ con ở lại hậu phương miền Bắc XHCN .
Theo Hiệp định Genéve quy định sau 2 năm (1956) sẽ có tổng tuyển cử ở cả hai miền, thực hiện thống nhất đất nước. Nhưng ở miền nam chính quyền Mỹ-Diệm đã không thi hành Hiệp định, chúng đàn áp dã man những người kháng chiến cũ. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. Phong trào cách mạng ở miền Nam ngày càng phát triển. Sau trận Ấp Bắc 1963, chiến tranh “đặc biệt” của đế quốc Mỹ bị phá sản. Ngụy quyền Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ, buộc người Mỹ phải trực tiếp đưa quân vào miền Nam tham chiến.
Ở phía Bắc, dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh phá hoại bằng hải quân, không quân nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá"... đánh phá hậu phương XHCN, làm mất khả năng chi viện cho tiền tuyến. Mục tiêu nhắm vào các thành phố, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng , những trục giao thông huyết mạch… Học sinh thành thị phải sơ tán về nông thông, tránh bom đạn Mỹ.
Lúc này, Trung ương Đảng, Bác Hồ nhận định cuộc kháng chiến chỗng Mỹ sẽ còn phải kéo dài và ngày càng ác liệt, nhưng ta nhất định thắng lợi. Với tầm nhìn xa trông rộng, lãnh đạo Quân uỷ và Bộ quốc phòng nhận thấy cần phải chuẩn bị lực lượng hậu bị cho quân đội, mà lấy con em những cán bộ, sĩ quan trung cao cấp trong và ngoài QĐ đang chiến đấu ở các chiến trường là đối tượng chính. Việc tổ chức một trường TSQ là tạo điều kiện cho con em họ học tập, rèn luyện trưởng thành, mặt khác cũng là giảm bớt một phần gánh nặng cho hậu phương để họ yên tâm dồn hết trí tuệ, sức lực cho chiến đấu và chiến thắng ngoài chiến trường.
Tháng 3/1965, những học sinh đầu tiên được tập trung lên Trường Văn hóa QĐ (đóng ở Hiệp Hòa, Hà Bắc). Quân số lúc đầu là 108 người, gồm các học sinh lớp 5, 6, 7 (học tiếp học kỳ 2 của cấp 2); tới tháng 9/1965 thì chiêu sinh thêm các lớp 8, 9, 10 (cấp3). Cuộc chiến ngày càng ác liệt. Địa hình vùng Hiệp Hòa trống trải, không được an toàn. Nhà trường được chuyển lên vùng chân núi Tam Đảo (địa bàn thuộc xã An Mỹ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái).
TRƯỜNG ĐƯỢC MANG TÊN "NGUYỄN VĂN TRỖI " :
Ngày 15/10/1964, chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi anh dũng hy sinh trước họng súng thù tại Khám lớn Chí Hòa (Sài Gòn). Đúng một năm sau, Tổng cục Chính trị QĐNDVN quyết định cho Trường VHQĐ chiêu sinh, đối tượng là con em cán bộ, chủ yếu là cán bộ quân đội, trình độ từ lớp 5 đến lớp 10. Trường được mang tên người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, chính thức khai giảng khóa học đầu tiên vào ngày 15/10/1965. Khi kết thúc khoá học 1965-1966, tháng 6/1966, khoá đầu tiên của nhà trường làm lễ tốt nghiệp, 100% quân số tình nguyện nhập ngũ, được vào học tập tại Đại học Kỹ thuật quân sự.
NHỮNG NĂM THÁNG Ở QUẾ LÂM :
Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ càng ngày càng ác liệt hơn. Nhà nước và Bộ quốc phòng lại chọn Quế Lâm – nơi đã có 2 trường là: Trường Lục quân Việt Nam (ở Nam Khê Sơn) và trường Thiếu nhi Việt Nam (ở Giáp Sơn) từng đóng quân từ 1953 đến năm 1957 – làm nơi sơ tán cho Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Được sự đồng ý của Đảng và Chính phủ Trung Quốc, đầu tháng 1/1967, chuyến tầu hoả liên vận đặc biệt đã đưa hơn 1000 thầy trò của trường từ Việt Nam tới ga Nam Quế Lâm. Chúng tôi được nhân dân Quế Lâm đón tiếp nồng hậu như “đón các chiến sĩ từ chiến trường trở về”, Trống giong, cờ mở rợp trời... Địa điểm tá túc đầu tiên của chúng tôi là trong khuôn viên Trường Trung học số 1 Quế Lâm (Y- trung).
Trường TSQ VN được sự quan tâm đặc biệt của Ủy ban Nhân dân Thành phố Quế Lâm và Ban giám hiệu Trường Y-trung. Lúc bấy giờ, thầy trò trường Y-trung đang nghỉ học, tập trung vào cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa vô sản”. Hiệu trưởng Lăng Hán Dân thường xuyên làm việc với Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh và Hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho thầy trò trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi. Hết năm học 1966-1967, toàn bộ học sinh khóa 2, sau khi thi tốt nghiệp phổ thông đã tình nguyện nhập ngũ, trở về Việt Nam tham gia chiến đấu.
Cũng thời gian này, ngôi trường mới khang trang, đầy đủ tiện nghi được gấp rút xây dựng tại Nghiêu Sơn (nay là khuôn viên của Đại học Kỹ thuật Hàng không-Vũ trụ Quế Lâm). Ngay từ tháng 8/1967 khi còn chưa hoàn tất, Trường TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã bắt đầu chuyển số học sinh cấp 3 (lớp 8, 9, 10) sang Nghiêu Sơn trước, đến cuối năm 1967 thì chuyển xong toàn bộ số học sinh cấp 2 ( lớp 5,6,7 ).
Mặc dù được học tập ở trên đất nước Trung Hoa tươi đẹp ,nhưng thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi luôn nhớ về đất nước Việt Nam thân yêu đang ngút trời khói lửa. Nhà trường có phong trào “Hướng về tiền tuyến lớn, thi đua dạy tốt, học tốt”. Thời kỳ này, Cách mạng Văn hóa đang trong giai đoạn căng thẳng, Nhà trường bị cúp điện, việc cung cấp lương thực, thực phẩm rất khó khăn. Vậy mà những người công nhân Trung Quốc theo xe Quân giải phóng vượt qua trận tuyến, đi lấy máy phát điện, đi chở từng xe gạo tiếp tế về cho nhà trường.
Kết thúc khoá học 1967-1968, tháng 5/1968, khóa 4 của trường vừa tốt nghiệp lơp 9 được lệnh về nước "rèn luyện" - sẵn sàng nhập ngũ. Cuối Tháng 6/1968, học sinh khóa 3, sau kì thi tốt nghiệp lớp 10 cũng hành quân về nước nhập ngũ .
Tết Mậu Thân (1968), toàn miền Nam Việt Nam đồng loạt tấn công và nổi dậy. Cách mạng miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Mỹ buộc phải tuyên bố tạm ngừng ném bom trên miền Bắc Việt Nam. Tháng 9/1968, toàn bộ thầy trò Nguyễn Văn Trỗi chia tay nhân dân Quế Lâm thân yêu, trở về Tổ quốc. . .
Tuy chỉ có chưa đầy 2 năm gắn bó với Quế Lâm nhưng những kỉ niệm về thành phố xinh đẹp “sơn thủy hữu tình” và những người thầy, người bạn của Trường Y-trung cùng các bác công nhân xây dựng, những chị bán bách hóa,những bác sĩ y tá, những nhân viên phục vụ Trung Quốc… từng gắn bó với nhà trường luôn in đậm trong tâm trí tuổi thơ của mỗi học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi.
Trở về nước, trường Nguyễn Văn Trỗi đóng quân ở Trung Hà (tỉnh Sơn Tây) và Hưng Hóa (tỉnh Phú Thọ) – cách nhau bởi con sông Đà. Các khóa 4, 5 tốt nghiệp năm 1969, 1970 đều tình nguyện nhập ngũ.
Năm 1970, cục diện trên chiến trường miền Nam VN đã có sự thay đổi căn bản, có lợi cho cách mạng, Mỹ đã hạn chế ném bom ở miền Bắc. Trường Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành được 5 khoá học và kịp thời bổ sung gần 1000 chiến sỹ cho quân đội. Số học sinh khóa 6, 7, 8 chưa tốt nghiêp câp 3 được chuyển tiếp nhập học ở các trường phổ thông. Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành nhiệm vụ.
CỰU HỌC SINH TRƯỜNG NGUYỄN VĂN TRỖI sau 1970 :
Sau khi thất bại trên chiến trường miền Nam, năm 1971, Mỹ trở mặt. Cả nước Tổng động viên cho chiến tranh. Nhiều cựu giáo viên và học sinh Nguyễn Văn Trỗi còn chưa tốt nghiêp phô thông đã đăng kí nhập ngũ, tình nguyện ra chiến trường.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc, trường có 2 thầy giáo (Nguyễn Văn Phố, Nguyễn Văn Đạo) và 28 học sinh đã anh dũng hy sinh (trong đó có nhiều con em cán bộ cao cấp như: Võ Dũng - con trai Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Nguyễn Lâm – con trai Cục trưởng Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng; Y Hòa – con trai Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc Quốc hội; Nguyễn Tiến Quân – con trai Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn…). Trong đó liệt sỹ Huỳnh Kim Trung (con trai Đại tá Kiến trúc sư Huỳnh Kim Trương) đã anh dũng hy sinh năm 1972 trên chiến trường, được nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Các bạn của chúng tôi ra đi khi mới mười tám đôi mươi, nhiều bạn chưa biết hơi ấm của bàn tay con gái. Cho đến nay, đã gần 40 năm sau chiến tranh, nhiều bạn đến nay vẫn còn chưa tìm đươc hài cốt.
Đa số chúng tôi sau khi ra trường đều tình nguyện nhập ngũ, người thì ra chiến trường, người thì vào các trường Đại học Kỹ thuật quân sự, Đại học Quân y... Sau chiến tranh nhiều bạn lại trở về các trường đại học trong nước và ngoài nước. Với hơn 1000 học sinh có trình độ đại học, trở thành những kĩ sư, bác sĩ, cử nhân… gần 1000 bạn là sĩ quan QĐ, công tác tại các quân binh chủng, các cục-vụ-viện, trường đại học... trong số đó có hơn 100 bạn là giáo sư, tiến sĩ.
Tính tới nay, hầu hết cựu học sinh Nguyễn Văn Trỗi còn tại ngũ là cán bộ cao cấp trong QĐ. Trong đó có 3 bạn là trung tướng (Nguyễn Chiến, Phạm Ngọc Quảng, Trần Duy Anh) và 14 bạn mang hàm thiếu tướng. Về cán bộ dân sự, có 10 bạn là cán bộ cao cấp (thứ, bộ trưởng). Nhiều bạn là giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiêp lớn trong và ngoài QĐ. Đặc biệt, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân (học sinh khóa 5) hiện là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ.
Tình cảm sâu đậm với Quế Lâm và Đại học Kỹ thuật Hàng không-Vũ trụ :
Giờ đây, hầu hết lứa học sinh Nguyễn Văn Trỗi (khóa 1 đến khóa 6) qua tuổi 60, đều đã nghỉ hưu. Chỉ có số ít học sinh các khóa 7, 8 còn đang công tác. Điều cần nhấn mạnh là, trong tâm tư tình cảm của thầy trò trường Nguyễn Văn Trỗi đều có góc dành riêng cho Quế Lâm, Xuyên Sơn, Phong Khẩu.. .
Từ sau chuyến thăm đầu tiên năm 2003, liên tục các năm 2007, 2010, 2012, Ban Liên lạc trường Nguyễn Văn Trỗi đã tổ chức các đoàn về thăm lại đất cũ người xưa. Tới Phong Khẩu, thấy các bạn còn giữ được một số công trình như: giảng đường, thư viện, nhà ăn, kí túc xá từ những năm nào... chúng tôi thực sự cảm động. Cứ mỗi lần trở về thăm Đại học Kỹ thuật Hàng không-Vũ trụ, chúng tôi như được trở về với ngôi nhà tuổi thơ của mình.
Mong rằng, chúng ta mãi giữ gìn, trân trọng những kỉ niệm tốt đẹp này, cùng nhau góp phần xây dựng mối tình hữu nghị Việt – Trung “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững” như Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch cùng nhân dân 2 nước từng đặt những viên gạch đầu tiên, dày công vun đắp.
Hà Nội, ngày 19/12/2012.
4 nhận xét:
Một bài viết rất hay,nhưng KQ cần chú ý-năm 64 tại miền nam chưa có lực lượng đặc công,mà chỉ có[một lực lượng nhỏ]mang tên biệt động.Anh Trỗi là một trong số ít đó.
Và cũng nên xem lại mốc thời gian của chiến thắng Ấp Bắc ( 1963).
Cảm ơn 2 đóng góp:
- NVT chiến sĩ biệt động thành
- Trần Ấp Bắc - 2/1/1963.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%ADn_%E1%BA%A4p_B%E1%BA%AFc
Sửa ngay!
Chuyến tầu chở quân ta sang Quế Lâm chuyển bánh ngày 1/1/1967 Quốc à.
Đăng nhận xét