Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

ĐIỀU QUAN TÂM HAY SỰ LO LẮNG (Thanh Trần)



Thế là học kỳ đầu của năm học 2012-2013 đã qua, các em học sinh thở phào nhẹ nhõm. Với kết quả đạt được, nhiều em vui sướng vì được xếp loại học sinh giỏi, nhiều em buồn phiền thất vọng khi được xếp là học sinh trung bình hay yếu. Đó là lẽ thường! Sự chăm chỉ đều đặn, nghiêm túc sẽ luôn mang lại kết quả khá hoặc giỏi, ngược lại khi chểnh mảng lúc ham chơi thì khó có kết quả tốt lắm.
          Rồi việc cần làm ở mỗi lớp là buổi họp phụ huynh. Thầy cô chủ nhiệm sẽ thông báo tình hình học tập của lớp, của các trò để cha mẹ các em nắm và hiều về lớp và con mình. Và trách nhiệm đóng góp chi phí cho con!
          Người viết bài này muốn nói về một buổi họp phụ huynh diễn ra trong một thời gian như bao nơi khác, những nội dung cần phải làm giữa thầy chủ nhiệm và các phụ huynh tuy không khác nhiều với các lớp khác nhưng để lại một ấn tượng đặc biệt.


          Buổi họp diễn ra lúc 14h giờ chiều ngày 13 tháng 01 năm 2013 kéo dài đến 17h30 phút! Các lớp khác đã họp xong từ lâu rồi, chỉ còn lớp 10D4 trường Việt Đức do thầy Trần Anh Tuấn làm chủ nhiệm. Buổi họp kéo dài là do các vị phụ huynh đóng góp, trao đổi, giãi bày những suy nghĩ của mình trong việc giáo dục con cái chứ không phải là về kết quả học tập! Thầy Tuấn là một giáo viên đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và phụ trách chủ nhiệm đã rất chăm chú lắng nghe ghi chép và trao đổi.
          Sau buổi họp, sự quan tâm của Ban phụ huynh vẫn còn tiếp tục về sự thiết thực và cấp bách của cha mẹ với con cái. Thế là phụ huynh và thầy giáo đã có một bức thư gửi cho các con như sau:


“ GỬI CÁC CON LỚP 10D4 – VIỆT ĐỨC”
          Các con yêu thương!
Buổi họp phụ huynh tổng kết học kỳ I vừa qua của lớp mình thật kỳ lạ mà mỗi bậc cha mẹ có “thâm niên” đi họp đều cảm nhận rõ ràng vì nó không giống như bất cứ các cuộc họp tương tự nào khác trước đây. Các con biết không cuộc họp “vô tiền khoáng hậu” – tức là từ trước đến nay chưa từng có (nhưng từ nay sẽ có, sẽ duy trì) đã diễn ra hơn 2 tiếng rưỡi. Không ai muốn đứng dậy về trước (dù rất bận), và nhiều bậc cha mẹ còn chưa có cơ hội để giãi bày tâm tư vì thời gian không cho phép kéo dài thêm nữa, bởi các lớp khác đã xong việc từ rất lâu. Sau đó tại hành lang, tại sân trường, các cha mẹ còn tiếp tục trao đổi với nhau, với thầy - vì điều gì các con có đoán ra không? Vì chính các con, về việc học tập, nhân cách sống, thái độ ứng xử… bởi tất cả các bậc sinh thành cùng thầy chủ nhiệm lớp đều mong muốn tìm ra giải pháp nào, phương cách nào vun đắp cho các con có tâm thế để lãnh hội được tất thảy những yếu tố NGƯỜI cơ bản đó, một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đó là lý do mà giờ đây có bức tâm thư này kết quả của cuộc hội ý các cha mẹ với nhau – như anh em một nhà – đúc kết nên thử ngỏ này gửi các con, với thiện tâm chia sẻ gửi gắm kỳ vọng, gợi mở và khích lệ các con vững bước trong cuộc đời
          Hẳn các con đều biết câu hát: Trái đất này là của chúng mình! Đúng quá đi mất. Xã hội con người đang phát triển với những kỳ tích về khoa học kỹ thuật và nhân văn đã biến trái đất bao la rộng lớn trở thành một cái làng. Mọi ranh giới cứng (lãnh thổ), ranh giới mềm (văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ…) dường như không còn là trở ngại lớn, hoặc bị xóa nhòa, hoặc trở nên ít ngăn cách hơn (để có được như thế, các con nên chú ý vấn để ngoại ngữ nhé!). Sự ngăn cách, chia rẽ, phân biệt, đối đầu (trong khi mà đối thoại luôn tốt hơn) hay hòa đồng để cùng nhau sánh vai đi tới tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ sống của CHÚNG TA. Điều đó có cần bàn cãi hay chứng minh gì thêm không hả các con yêu quý? Hỡi các BIẾT TUỐT?!
          Nhưng chúng ta là ai? Ai biết giơ tay! Xin tiết lộ với các con yêu, trong phạm trù CHÚNG TA đó, các con, lứa tuổi trẻ - chiếm phần đông áp đảo, cả về số lượng và chất lượng sống! Thế còn người lớn (ông bà, cha mẹ) thì sao? Thời gian đã biến họ (cả những người đang tâm sự với các con đây) dần dần trở lên già cả, xưa cũ, chậm chạp. Tre già Măng mọc! Đó là quy luật sống. Quy luật sống với chu kỳ diễn tiến lạnh lùng SINH – LÃO – BỆNH – TỬ. Nhưng không chỉ đơn giản là sinh ra (hưởng thụ) để rồi chết. Cái khoảng giữa sinh – tử đó được gọi là đời người. Ngắn dài tùy Thượng Đế lập trình. Nhưng con yêu ơi, chất lượng sống lại phụ thuộc vào yếu tố khác nữa cơ (có nhiều người, chết khi đang sống/ có những người sống trong khi chết). Điều đó liệu có đúng không hả các con?
          Ngạn ngữ xưa có câu: Gieo hành động/ Gặt thói quen/ Gieo thói quen/ Gặt tính cách / Gieo tính cách/ Gặt số phận! Nói nôm la là gieo gì gặt nấy, lẽ đương nhiên trong đời, logic giản đơn không cần chứng minh các con ạ! Vậy chúng mình nên sống ra sao? Gieo gì đây? Mầm ác hay mầm thiện? Tình người ấm áp hay tâm địa lạnh lùng? Sự rỗng không phù phiếm hay hiểu biết rộng sâu? Nhưng các con không thể gật gù (hay phản bác) trong im lặng. Các con phải LÊN TIẾNG!
          “Em chở mùa hè của tôi đi đâu?” Câu hát tuổi học trò đẹp đến nao lòng đó tự nó đã hiện hiện yếu tố THỜI GIAN! Thời gian là thứ mà Bà Mẹ Tạo Hóa vốn hào phóng đầy nhân ái không ban phát cho chúng mình quá nhiều – chỉ vừa đủ - để chúng mình không vung phí, “tiêu hoang” nó đâu đấy nhé! Lứa tuổi học đường của các con là quãng thời gian đẹp nhất đời người. Đẹp đẽ và có giá trị không thể thay thế. Hãy sống như – cần phải sống! Đây là quãng thời gian không dài, xã hội và gia đình đã ủy quyền cho các con thoải mái, tùy sức nạp Năng lượng sống (sức khỏe – tri thức – nhân cách – bản sắc cá nhân…) để một mai thế chỗ lớp người đi trước, vận hành tiếp xã hội này. Liệu các con có sẵn sàng? Đã sẵn sàng? Tự tin? Ai có ý kiến giơ tay?
          Các con ơi. Mười năm trước đây thôi (không dài, không xa quá) cha từng đội các con lên vai, lên đầu, bé xíu yêu quý cười như nắc nẻ vì bé mà cao hơn, nhìn mọi sự thích hơn. Rồi các con lớn, trưởng thành từng ngày, các con đã tự đi – những – bước – đi – đầu – tiên bằng chính đôi chân và trái tim non nớt của mình. Những bước đi dần vững chãi, tự tin đến thành công/ thành đạt/ thành quả… bằng chính đôi chân mình – trên mặt đất này. Con ơi, Napoleon Bonapac đã nói câu bất hủ rằng: Độ cao CON NGƯỜI đo từ trời xuống!
          Các con gái, con trai vô cùng yêu thương luôn rất đáng được quý trọng, nâng niu của chúng ta (các cha mẹ), các con là Quà – Tặng – Cuộc – Sống của cha mẹ dâng cho đời. Không bao giờ ai đó lại kể cho các con biết là bố mẹ từng thức trắng đêm lo lắng cho các con mỗi khi đau ốm. Nhưng, giờ đây cha mẹ của các con sẵn sàng thức trắng đêm vì  - vui – sướng, khi các con đạt được những thành quả dù nhỏ nhoi, khiêm nhường (chưa cần lớn lao, vĩ đại). Luôn và Hãy – là niềm tự hào của cha mẹ. Điều đó khó lắm không hả các con yêu quý?
          Chúng mình luôn – và ngay – và mãi – là những người bạn?! “

Khi nghe nói về buổi họp phụ huynh và lại được đọc bức thư ngỏ này, tôi nghĩ đến nhiều vấn đề ngày hôm nay chúng ta đang trực diện:
          - Với phụ huynh: không nên có quan niệm là đi họp để đóng tiền cho xong, đừng bao giờ nghĩ rằng việc giáo dục con cái của mình là “trăm sự nhờ thầy”! Con mình như cái cây còn non, còn phải uốn nắn nhiều, sự uốn nắn đó là do cha mẹ, do thầy giáo và do con mình nữa chứ!
          - Với các con: các con khi bước vào cấp 3 phổ thông bây giờ là phổ thông trung học, có nhiều điều thay đổi lắm! Xã hội có quá nhiều điều quan tâm, các con cũng đang hình thành nếp sống từ tuổi thiếu niên sang thanh niên có quá nhiều sở thích bên cạnh việc học hành. Vậy chúng ta sẽ học tập và sống thế nào đây? Tương lai tươi đẹp luôn luôn được hình thành từ hiện tại đúng đắn.
          - Với các thầy cô: có lẽ cả xã hội đang nói nhiều về các vấn đề của ngành giáo dục. Nhưng đây là một điển hình. Cái tốt đẹp, cái truyền thống của thầy cô dành cho học trò vẫn hiển hiện, vẫn được thực thi với trách nhiệm và niềm yêu nghề chân chính. Tôi vẫn thấy rõ sự gắn kết của thầy giáo với gia đình trong việc giáo dục con cái như 30-40 năm về trước.
          Viết bài này, tôi muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các con học trò của chúng ta ở Thủ đô cũng như ở các thành phố, thị trấn và các miền xa xôi về một buổi họp phụ huynh, về nhũng quan tâm của cha mẹ dành cho con cái, của thầy cô dành cho trò để chúng ta cùng suy ngẫm và làm được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
                                                                                                Thanh Trần

                                       

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đầu tiên phải dạy các con thành NGƯỜI!

Nhat Trung nói...

Tôi đồng ý với nhận xét trên.Nhưng bạn mình trong một lần tiếp xúc với HS nhân ngày khai trường có hỏi:"Các con có muốn trở thành con người ko?".Câu hỏi này đã bị nhiều người"ném đá".

TranKienQuoc nói...

Nói vậy đâu phải để xem thường các cháu mà muốn các cháu thành CON NGƯỜI thực sự.

Nặc danh nói...


Con thấy bức thư và bài viết nghiêm túc và cảm động. Tại đọc cái thư thì đôi chỗ thấy giống văn phong của ba, chỗ thì có vẻ do bác Tuấn viết (cái đoạn "Em chở mùa hè của tôi đi đâu" con đoán đến 90% là của Mr. Tuấn) nhưng con không nghĩ ba hay bác Tuấn có thể viết toàn bộ cái thư này, vì ba thì không "mùi" đến thế và bác Tuấn thì không "sâu" đến thế (nếu thế thì đúng là a big surprise beyond expectation).

Anyway nhờ ba châm ngòi mà những người được gọi là phụ huynh ngày nay mới có được nỗ lực vượt bậc thế này, hy vọng bọn trẻ con nó hiểu và cảm thấy inspired. Nhưng để trẻ con nó Gieo hành động/ Gặt thói quen/ Gieo thói quen/ Gặt tính cách / Gieo tính cách/ Gặt số phận! thì phụ huynh và giáo viên cũng cần làm y như vậy, tức là những việc như thế này phải được lặp đi lặp lại và nhân rộng. Con chợt nghĩ là, ai bảo chỉ có trẻ con mới cần được giáo dục? Chính phụ huynh và giáo viên cũng cần được bổ túc thường xuyên (ai đủ trình để bổ túc cho các đối tượng này nhỉ, Pính đoán xem ).

Nặc danh nói...

Thuc ra sau khi nghe Ba phat bieu ve chuyen day con, ket hop voi thay giao... tat ca phu huynh deu bi SOC, ban phu huynh ca tuan gap bac Tuan trao doi va cung viet buc thu do. Moi nguoi muon nho bac Tuan moi ba vao ban phu huynh, nhung bac Tuan noi Ba ban lam viec lam, khi nao co chuyen quan trong thi hoi y kien ba.

Viên Thạch nói...

Mình không đủ kiên nhẫn để đọc đồng thời cảm thụ bức thư này, bởi mình cũng thấy trong đó tình cảm và trách nhiệm thể hiện mong muốn chung của tất cả các bậc phụ huynh dành cho con cái. Nhưng, mình lại đọc đi đọc lại comment của ND mà theo suy đoán thì đó là con gái của tác giả. Quá sâu sắc bạn ạ. Bạn đã nhìn và nêu vấn đề rộng hơn, xa hơn với tâm tư của một người được giáo dục cẩn thận. Nếu bạn đã là một người mẹ, bạn đáng được những người xung quanh tôn trọng, tự hào. Cảm ơn vì được thấy một tư duy quá chuẩn !

Nặc danh nói...

Con gái viết cho ba giờ cũng là 1 bà mẹ. Cháu từng học trường đó và đồng cảm với ba.
BT5

Nặc danh nói...

Con thấy bức thư rất công phu và tình cảm, nêu những vấn đề rất bản chất về con người, thời gian. Đúng là khg có nhièu buổi họp phụ huynh có kết quả như thế. Con chỉ khg biết là các em học sinh có thể tiếp thu đến đâu vì bọn nó hay bị phân tán nhiều.
Suy nghĩ cho cùng, để giáo dục tốt thì bố mẹ và thầy cô phải là tấm gương cho bọn trẻ noi theo. Con nghĩ bức thư này có tác dụng truyền cảm cho phụ huynh khg kém gì với học sinh. Khg có mấy phụ huynh đã là chuẩn mực về sự kiên định và thủy cho như ba. :)!
TMP