Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Thiên An Môn (Huy Đức)



Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương đã dùng phần lớn nội dung cuốn hồi ký của mình để viết về cuộc thảm sát Thiên An Môn. Ông tiết lộ: “Lúc ấy Đảng có thể dễ dàng thoả thuận với sinh viên, nhưng đã quyết định đè bẹp họ bằng xe tăng, súng đạn”.


Những sinh viên có thể đã tuyệt thực quá lâu, nhưng Bắc Kinh đã không đối thoại với sinh viên như cách mà ông Triệu đã làm và đã cho hiệu quả. Người ta đã gán cho những người biểu tình ở Thiên An Môn tội “phản cách mạng”, kể cả Nhân Dân Nhật Báo cũng chỉ “đổ thêm dầu”. Theo một số tài liệu được nói là “báo cáo mật” vào thời điểm ấy, thì có rất nhiều “thế lực thù địch” đã xúi giục sinh viên. Suốt 20 năm trôi qua, không hề có bằng chứng nào được đưa ra về những âm mưu thù địch ấy. Chỉ có sự thật là người Trung Quốc muốn chống tham nhũng và muốn cải cách theo hướng dân chủ mà thôi.





Những người Trung Quốc chứng kiến sự kiện Thiên An Môn vẫn còn nhớ lại, nhiều giáo sư già cũng đã sát cánh với sinh viên trong các cuộc biểu tình. Khẩu hiệu của họ đã nói rất là đầy đủ: “Quỳ gối lâu rồi chúng ta phải duỗi chân”. Người dân Trung Hoa đã tưởng là có thể “bắt đầu đứng dậy” khi nghe Mao Trạch Đông nói ở Thiên An Môn trong ngày quốc khánh 1-10-1949. Nhưng sự thật là, như nhiều người Trung Hoa đã nói, từ ngày ấy, chỉ có ông Mao là người được đứng; kể cả Chu Ân Lai, cũng cùng phải quỳ gối, dạ vâng.
Triệu Tử Dương đã gặp gỡ sinh viên và, với các nhà lãnh đạo Trung Hoa, ông cố công thuyết phục: “Những người biểu tình không hề muốn lật đổ mà chỉ muốn thực hiện những đổi thay”. Nhưng không ai nghe ông. Những người không đứng về phía nhân dân không cần nghe sự thật. Và các “nguy cơ” càng được thổi phồng để họ có thể sử dụng xe tăng. Thủ tướng Lí Bằng, đã thành công khi dùng vụ Thiên An Môn để hất chân ông Triệu. Nhưng, cho dù người ta đã thay đá trên quảng trường thì cũng không thể nào rửa sạch máu nhân dân.
Ở đâu cũng có những kẻ như Lí Bằng. Nhưng, chỉ những nơi mà vận mệnh của một quốc gia nằm trong tay một vài cá nhân thì sinh mạng của nhân dân mới có thể bị xe tăng nghiến lên như thế. Triệu Tử Dương, trong hồi ký của ông, mô tả Bộ Chính trị Trung Hoa thời đó như là các phe nhóm và ông già 85 tuổi Đặng Tiểu Bình thì ngồi ở sau lưng “như một Bố Già”. Chỉ vì Đặng ngả theo nhóm của Lí Bằng mà hàng nghìn thanh niên phải chết.
Không phải ngẫu nhiên mà Triệu Tử Dương nhận ra: “Trung Quốc chỉ có con đường trở thành một nhà nước dân chủ”. Không có “tự do ngôn luận, tòa án độc lập” thì theo ông Triệu: “Giới chính trị, kinh tế và trí thức tinh hoa sẽ liên kết và thoả hiệp với nhau trong các quyền lợi, đứng trên cả lợi ích của đất nước, của nhân dân”.
 
Năm 1989, ở Bộ Chính trị Trung Quốc, ông Triệu là người đơn độc. Có lẽ hình ảnh của ông cũng có thể ví với hình ảnh của chàng thanh niên đứng chặn trước xe tăng đang tiến vào Thiên An Môn hôm 5-6. Suốt 16 năm, Triệu Tử Dương bị các đồng chí của ông giam lỏng. Ngày 17 tháng 1 năm 2005, khi ông qua đời, báo chí nhà nước chỉ thông báo một dòng vắn tắt “đồng chí Triệu Tử Dương đã ra đi”. Không ai nhắc rằng, ông đã là Tổng Bí thư; đã là Thủ tướng; đã là nhà tư tưởng của cuộc cải cách đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia phát triển.
Nhưng lịch sử sẽ không bao giờ đi qua đơn giản. Cũng như người thanh niên kia, có lẽ đã bị giết, đến giờ vẫn vô danh, nhưng sẽ bất tử. Khát vọng của nhân dân thì không bao giờ có thể đè bẹp bằng xe tăng hay súng đạn.
Huy Đức

10 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Có dân chủ thực sự đất nước mới phát triển. Một bài học đau lòng ở TQ.

Quang Vinh nói...

Thật đáng sợ khi người ta muốn đồng chí hướng với những người như vậy? Có người còn muốn coi đó là hình mẫu để học theo? Không biết căm ghét cái xấu thì không thể là người tốt.

Nặc danh nói...

Sự trỗi dậy của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc. Những nhà lãnh đạo của Việt Nam đã có giai đoạn đánh giá không đúng, chủ quan về người bạn láng giềng này. Đến khi nhận thức được thì họ đã tiến quá xa. Cả thế giới lo ngại.
Chúng ta học tập cái tinh thần đi lên thần kì của người Trung Quốc. Cái gì đã giúp họ không rơi vào khủng hoảng về chính trị như các nước XHCN khác? Phong trào đòi dân chủ của sinh viên Trung Quốc bị đàn áp năm 1989 là điều đáng tiếc. Thử hỏi nếu phong trào này thắng lợi, đất nước Trung Quốc sẽ như Liên Xô và các nước Đông Âu. Không hiểu đất nước Trung Quốc khai sinh có bằng nước Trung Quốc với nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới như bây giờ không?

Nặc danh nói...

Các nhân tố để Trung Quôc phát triển như ngày hôm nay có trước khi xẩy ra sự kiện Thiên An Môn.Thanh niên,sinh viên,trí thưc Bắc Kinh muốn có sự thay đổi,dân chủ hơn,minh bạch hơn,để đất nước phát triển bền vững hơn.Giới lãnh đạo Trung Quốc có sự hậu thuẫn của Đặng Tiểu Bình muốn duy trì những gí đang có ,không muốn thay đổi,muốn giữ "ổn định".Họ dùng xe tăng tàn sát những người Trung Quốc bất bạo động.Lịch sử sẽ phán xét tội ác này.
Tôi cho rằng Việt Nam muốn phát triển bền vững phải xây dựng một Nhà nước dân chủ của nhân dân.. KC

Nặc danh nói...

Nước Trung Quốc phát triển mạnh mẽ như ngày nay không thể tách rời công lao của Đặng Tiểu Bình - cha đẻ của học thuyết "Mèo đen, mèo trắng". Chính tầm nhìn và ý chí của Đặng Tiểu Bình đã mở đầu cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nặc danh nói...

Sự phát triển kinh tế của TQ là theo đúng quy luật của kinh tế thôi. Khi mà cái thành phố Thẩm Quyến chỉ là cái làng trồng lúa vói độ nghìn dân, bài học Singapore rành rành ra đấy, chỉ có cách là đầu tư của nước ngoài, lại có cái thành phố HK ngay bên cạnh để buôn bán với nước ngoài. "có làm thì có ăn" và dần dần nó lan ra cả nước tầu, để bây giờ Thẩm Quyến trở thành thành phố 10 triệu dân, "mèo trắng hay mèo đen" là vậy.
Còn cái nhà cầm quyền Bắc Kinh nó gọi nó là cái gì không thành vấn đề: đảng CS, nhưng nó là một trung tâm mưu đồ khôi phục một phong kiến tầu bá chủ hoàn cầu.
Nền kinh tế tầu hiện nay đứng thứ 2 vì tính theo tổng thu nhập quốc gia, chứ thu nhập bình quân của dân tầu chẳng phải cao, nếu muốn biết sự thật dân tầu sống thế nào, hãy về những ngọn núi ở Quảng Đông để xem những "Hoa kiều" từ Indonesia về tầu trong những năm 60s, từ VN về trong năm 1980 để xem họ đi 10 km để gánh nước ăn.
Tầu "bình đẳng" đối với tầu còn như vậy, nói chi đến người TÂY TẠNG (bây giờ trở thành thiểu số trên đất nước họ) nên 2 tuần trước một thiếu nữ 16 tuổi người TÂY TẠNG phải tự thiêu ở Bắc Kinh.
Hay người Tân Cương phải nổi loạn mấy năm nay.
Còn những người dân của những làng VN biên giới hiện nay mà thuộc về sở hữu của tầu, cuộc sống của họ thế nào? chắc làm con trâu cầy ruộng ở VN còn sung sướng hơn vì có người thương và chăm sóc cho.
Nhà cầm quyền hiện nay ở Bắc Kinh chính là nguồn gốc bất ổn định nhất ở châu Á.

Quang Vinh nói...

Không biết những bạn ca ngợi họ Đặng có biết chuyện Vệ ưởng với thuyết Đế đạo, Vương đạo và Bá đạo không? Cái thuyết "mèo trắng hay mèo đen", nói trắng ra là "bất chấp thủ đoạn". Vụ Thiên An Môn là thể hiện rõ của kiểu cai trị Bá đạo, có từ đời Tần. Hậu quả sẽ thấy trong một ngày gần đây. Kiểu cai trị bá đạo với các hình phạt thảm khốc, quản lý chặt chẽ có thể đưa đất nước vào nề nếp và phát triển khá nhanh trong một giai đoạn ngắn nhưng không thể phát triển bền vững. Nó nuôi lòng căm hận trong người dân và khi ngọn lửa âm ỉ bùng cháy thì không có cách gì dập tắt được.

Nặc danh nói...

Lịch sử thế giới có ghi những trường hợp đàn áp đẫm máu các cuộc biểu tình: Nga hoàng cho lính bắn xối xả những người biểu tình tay không; Napoleon nã đại bác vào đám đông biểu tình. Và, Trung Quốc đã dùng xe tăng nghiến nát những người đòi dân chủ và cải cách trên quãng trường Thiên An Môn. Tôi nghĩ rằng, họ hoàn toàn có thể giải tán những người đòi dân chủ trên quãng trường Thiên An Môn mà không cần dùng tới xe tăng. Rõ ràng đây là một vết nhơ không dễ gì xoá được.
Tôi có suy nghĩ rằng, đa số người Trung Quốc hiện nay có tinh thần ngạo mạn. Họ ngạo mạn vì sự lớn mạnh của đất nước họ. Họ đã xoá được cái nhục khi bị các cường quốc viết câu "Cấm chó và người Trung Quốc tới đây" trên đất nước họ. Chưa biết chừng họ còn muốn thanh toán ân oán giang hồ với các nước đã từng giày xéo, nô dịch họ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rất rõ những mâu thuẫn nội tại của họ và họ đang cố gắng điều chỉnh để không xảy ra. Họ đã đưa việc phát triển khoa học kĩ thuật vào điều lệ đảng và coi đó là cứu cánh cho chế độ. Tôi cho rằng nếu họ thành công thì thể chế của họ khó mà tan vỡ được.

Quang Vinh nói...

Người ta có thể giành chính quyền bằng nòng súng,người ta có thể chinh phục thế giới bằng tên lửa tàu bay, người ta có thể đàn áp dân chúng bằng dùi cui báng súng nhưng không một đất nước nào có thể phát triển lâu dài nếu thiếu sự đồng thuận của nhân dân. Những khẩu hiệu với những lời có cánh, những viễn cảnh tươi đẹp được vẽ ra cũng có thể lôi kéo người dân tạm thời nhưng nếu thiếu nền dân chủ thực sự thì không thể có chế độ bền vững. Mấy ngàn năm phát triển qua các chế độ chính trị khác nhau, sự tiến bộ của xã hội được đo chính bằng mức độ dân chủ. Mức độ dân chủ cũng là thước đo sự vững mạnh và đúng đắn đường lối chính trị của người cầm quyền. Chỉ những người có đường lối chính trị sáng suốt, tự tin, thật sự vì dân vì nước mới dám mở rộng tối đa quyền dân chủ. Chưa có nước nào trên thế giới trong suốt quá trình lịch sử đem đến cho người dân cuộc sống thanh bình, ấm no bằng nhà tù, cảnh sát cả.

Nặc danh nói...

Qua những ý kiến về bài viết về ông Triệu Tử Dương , về sự kiện Thiên An Môn -1989 của Nước láng giềng, cho tôi thấy chúng ta đều mong có một xã hội dân chủ tiến bộ hơn trong qua trình phát triển đất nước Việt Nam ngày hôm nay.
Với tôi cho dù Đặng Tiểu Bình có công với sự phát triển của Trung Quốc hôm nay,ông ta vẫn là người phải chịu trách nhiệm trước nhân dân TQ về cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 , cuộc chiến tranh xâm lược việt nam 1979.
Có những trí thức Trung Quốc gặp tôi vào năm 2000 cũng có ý kiến như vậy.
Tôi dống ý với ý kiến :" Chưa có một nước nào trên thế giới trong suốt quá trình lịch sử đem đến cho người dân cuộc sống thanh bình ,ấm no bằng nhà tù ,cảnh sát".
Những gì xẩy ra tại TQ 1989 là bài học rất quý cho Việt Nam chúng ta.
KC