Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

Thông tin thêm về Võ Dũng, bạn mình (tiếp 4 và hết)



Sau này khi gặp nhau trong chiến trường miền Nam, nghe Võ Dũng kể, ông Kiệt mới hiểu những đứa trẻ học sinh miền Nam như Dũng có mặc cảm, người lớn ở miền Bắc không bao giờ chịu nghe chúng nó. Ông Kiệt nói: “Khi mới vào nó cũng thăm dò ngay cả mình. Nó nghĩ mình cũng giống như mấy ông bà ngoài Bắc quen áp đặt, có nói lại thì không nghe không hiểu ngôn ngữ của nhau. Ở chiến trường một thời gian, nó nói, mấy chú trong này mới lắm”.




Cái chết của mẹ và hai em trở thành một động lực trực tiếp để Võ Dũng kiên quyết vào Nam, phần để “trả thù cho mẹ”, phần để thoát khỏi không gian tù túng đang bó chân một chàng trai mười tám. Năm 1969, anh nhập ngũ sau đó đi thẳng vào Trung ương Cục. Lần đầu vào chiến trường nhưng khi phải di chuyển xuống Khu IX, Võ Dũng đã chọn con đường công khai. Trong vai một Khmer kiều, Võ Dũng được người giao liên của bố anh, bà Sáu Trung, đưa về từ Châu Đốc, theo xe đò xuống Rạch Giá.
Sau khi vợ và hai con mất, ông Võ Văn Kiệt vừa cần một người thân ở bên cạnh vừa, trong thâm tâm, muốn giữ an toàn cao nhất cho con mình. Võ Dũng được đưa về ở trong cơ quan Khu ủy, cạnh cha. Bác sỹ riêng của ông Võ Văn Kiệt, ông Huỳnh Hoài Nam kể: “Ổng dặn tôi kèm Dũng, ‘có khó khăn gì mày lo’. Nhưng Dũng rất ngang bướng, nó cứ đòi xuống đơn vị. Dũng kêu: Em về đây để chiến đấu chứ đâu phải để đào hầm cho ba em núp”.
Năm 1971, sau khi lãnh đạo Khu lấy lại được tư thế sau những tổn thất ghê gớm của Mậu Thân, ông Võ Văn Kiệt phát động đưa con em cán bộ ra mặt trận. Dũng nhân đấy nói, không lẽ kêu gọi con người ta ra trận mà con mình ngồi trong cứ, thế là đòi đi. Bác sỹ Nam kể: “Ổng kêu tôi làm
công tác tư tưởng. Tôi nói: ‘Dũng, em về miền Nam làm gì?’. Nó bảo: ‘Chiến đấu trả thù’. ‘Vậy em có thấy bọn anh chiến đấu không?’. Nó bảo: ‘Có, nhưng chiến đấu trong xó không hà’. Tôi lấy chuyện mẹ và các em đã mất ra khuyên can, Dũng vẫn dứt khoát. Ông Kiệt thấy thế đành bảo, thôi để nó đi”.
Dũng đòi bằng được ra một đại đội trinh sát. Ông Kiệt nhớ lại: “Ông Lê Đức Anh biết chuyện định chuyển cháu về pháo binh, chưa kịp ra quyết định thì Dũng mất”. Võ Dũng hy sinh ngày 29-4-1972 khi đang luồn qua những hàng rào dây thép gai trinh sát. Theo anh Hồ Văn Út, cận vệ của ông Kiệt: “Hôm sau, mấy bà má phải vào đồn lính, xin xác Dũng về an táng bên kênh Tư Ký, Sóc Trăng”. Ông Võ Văn Kiệt nhận được tin con trai hy sinh khi đang chủ trì cuộc họp Thường vụ Khu ủy. Gương mặt người chính ủy tái lại, nhưng ông chỉ mím môi để cho nước mắt chảy vào trong.
Những người cận vệ luôn sống cách ông vài bước chân cũng không khi nào nhìn thấy ông Kiệt khóc. Trước ba quân, vẫn là một ông Tám Thuận mạnh mẽ. Nhưng, khi trở về trong chòi riêng ông trở thành một con người khác, lặng câm, cô độc. Bác sĩ Huỳnh Hoài Nam kể: “Ông thích uống cà phê sữa nhưng dạo ấy ông thường kêu tụi tôi làm ‘chà và đen’, cách ông gọi cà phê không. Đó là loại cà phê dành cho những đêm không ngủ. Kể từ khi bà Trần Kim Anh và hai đứa con thơ mất tích trên sông Sài Gòn, có hai kỷ vật lúc nào cũng được ông Kiệt giữ bất li thân đó là bức chân dung của bà và bộ đồ bà ba may bằng lụa tơ tằm. Bác sĩ Nam kể: “Mỗi khi dời cứ, thường chúng tôi giúp ông xếp đồ. Riêng tấm hình và bộ đồ của bà thì tự tay ông làm lấy”.

1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Chiến tranh giữ nước thì nhà nào cũng có hy sinh, mất mát, mà nhà chú Sáu là một nhưng mất lớn quá. Hơn nữa Võ Dũng lại là bạn chúng mình.
Năm mới sắp qua, bạn đi đã sang năm thứ 41. Xin thắp những nén nhang cho Dũng và cả gia đình chú Sáu.