Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Giai thoại văn học: Khổ vì nói lái! (1) - ST: QV

Ấy là cái Tết Kỷ Tỵ 1989, cũng năm Con Rắn, cách đây tròn hai giáp.
Chuẩn bị cho ngày Tết, ông Chủ tịch UBND thành phố mới nhậm chức muốn mở đầu nhiệm kỳ bằng một Hội chợ tưng bừng với nét văn hóa độc đáo khác những năm trước, bèn mời tôi đứng ra đảm nhiệm gian hàng Câu đối Tết. Ông Chủ tịch còn gợi ý cụ thể là tôi nên mặc lễ phục truyền thống, áo the khăn xếp, cầm bút “đại tự”, bày mực tàu giấy đỏ, trải chiếu viết câu đối như những cụ đồ năm xưa.
Việc phụ trách gian hàng Câu đối thì tôi nhường ông Huỳnh Trùm, một người khá quen biết với dân Đà Lạt, tôi chỉ nhận sẽ đóng góp vào phần nội dung.
Tôi thức gần trắng đêm để tự tay viết một bảng quảng cáo (hình 1). Toàn viết phóng bằng tay, vì hồi ấy chưa hề có sự hỗ trợ gì của những kỹ thuật vi tính. Các Câu đối giới thiệu phần lớn là để cho vui vẻ ngày xuân, năm Rồng sang Rắn, có gắn với xứ hoa Đà Lạt.


Ví dụ:
- Hội hoa Xuân bán khóm LONG TU, tiễn chú Rồng đi! (Long tu là tên một giống hoa Lan)
- Phiên chợ Tết mua rượu TAM SÀ, đón chàng Rắn tới!
Ngoài nghĩa Long là Rồng, Sà là Rắn, câu đối nói đến chuyện bán-mua để mang tính chất một Hội chợ.
- Dân Cao nguyên mừng Tết bằng hoa, hoa BẤT TỬ, tình người bất tử!
- Người Đà Lạt đón Xuân ở gốc, gốc TRƯỜNG SINH, chân lý trường sinh!
Bất tử  Trường sinh là tên hai loại hoa và cây cảnh ở Đà Lạt, câu đối ngợi ca phong thái sâu lắng của thành phố tiểu Parissang trọng này.
Tự sự thì có câu:
- Nồng hương rượu mới, thơm bình cổ!
- Chai bàn tay trắng, giữ lòng son!
Ra điều rằng hình thức Câu đối đây tuy là bình cũ nhưng rượu rất mới, mà rượu này làm thơm cho bình! Còn “ông đồ” như tôi đây thì cũng “chai tay” cuốc vườn, “ông bà đồ” sáng sáng vẫn thường chở “đá cây” bằng xe đạp đến bán cho các tiệm cà phê để thêm thu nhập, chứ chả được thanh nhàn như ông đồ của cụ Vũ Đình Liên, thực cảnh gia đình tôi lúc ấy như vậy.
 “Phạm huý” nhất thì cũng “lèng nhèng” mấy câu chạm đến nỗi GIAN KHỔ của dân và sự Ô UẾ của các quan:
- Đêm Ba mươi dựng NÊU thẳng lên Trời, hỏi người tốt không GIAN sao lắm KHỔ?
- Sáng Mồng một vẽ CUNG luôn xuống Đất, bực sân rêu đã UẾ lại nhiều…Ô!
vân vân…
Ấy, đại khái thế, tóm lại là mọi chuyện bình thường. Chuyện rắc rối phát sinh là do mấy câu thơ “chết tiệt” được viết vào giấy khổ lớn treo ở gian Câu đối (rất tiếc khi dẹp Hội chợ không giữ lại hay chụp lại được, nhưng nhiều anh em giờ còn nhớ như in).
Nguyên là, để cho rôm rả, ông chủ gian hàng Huỳnh Trùm viết một bài thất ngôn bát cú, cũng chuyện vui vẻ ngày Xuân, nhưng cả 8 câu, câu nào cũng có chữ Xuân (vừa là mùa Xuân vừa là quý danh của phu nhân ông Trùm. Tác giả Huỳnh Trùm ra lời thách ai họa được bài thơ hơi rắc rối này sẽ có phần thưởng! Bốn câu đầu của bài thơ như sau:
Hội chợ hoa Xuân chẳng phải nghèo
Vui Xuân dân Việt nhớ làm theo
Tùy duyên văn ý đề Xuân đối
Xướng xuất thơ Xuân họa cảnh treo…
Chờ mãi chưa thấy thi sĩ nào ra bài “họa", tôi là một trong hai “khổ chủ” đành “thân chinh” họa mấy câu, chỉ xin hoạ 4 câu đầu. Làm xong cũng phải viết ra giấy lớn, treo bên cạnh để gợi ý cho bà con hưởng ứng. Bốn câu ấy như sau, đề là Vịnh gian hàng Câu đối:
Giữa chốn Uy danh, cảnh ĐỐI nghèo!
Thấy ĐỐI thì anh cũng ĐỐI theo!
Thời đại mưu lanh nhiều… ĐỐI thủ,
Dân quyết làm ra ĐỐI để… treo!
Trong bài chủ mỗi câu đều có chữ XUÂN thì bài hoạ câu nào cũng có chữ ĐỐI để “tức cảnh” cái gian Câu đối trong hội hoa Xuân. Rất nghiêm, rất chỉnh.
Hôm tổng kết Hội chợ, có mặt các quan chức tỉnh và thành phố, Ban Tổ chức nhận thấy về gian hàng Câu đối thì Tú-Xuân (bút danh của Hà Sĩ Phu lúc ấy) có công đóng góp nhiều về thơ và Câu đối tất nhiên khen thưởng. Phần thưởng có gì đâu, một cuốn lịch Kỷ Tỵ, in đẹp, khổ lớn. Thì đáng quý là ở cái tinh thần, chứ sống với nhau ai lại “duy vật duy viếc” cho nó tầm thường con người ra?
***

Không có nhận xét nào: