Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Sự ra đời của VnExpress (tiếp)


Từ 12/10, tôi và Đình Anh phỏng vấn 90 ứng viên được mời sau vòng thi viết. Ba ngày liền chúng tôi hầu như ngồi lỳ trong phòng phỏng vấn từ sáng đến chiều… Hơn 20 người được tuyển dụng tập trung lần đầu tiên vào ngày 30/10. Tại phòng họp tầng 2 ở 89 Láng Hạ, tôi mời họ ngồi thành vòng tròn. Mỗi người lần lượt giới thiệu về mình – quá trình học tập, công tác trước đây, năng lực sở trường… Nhờ đó họ nhanh chóng trở nên thân thiện, gần gũi nhau. Phần lớn là những người vừa tốt nghiệp đại học, rất trẻ, chưa làm báo bao giờ. Đó là những người thông minh nhất mà tôi có thể có được vào thời điểm đó. Tôi cũng đứng lên tự giới thiệu, nói về kế hoạch xây dựng VnExpress. “Tôi sẽ làm cho các bạn trở thành các nhà báo. Đến ngày nào đó, những gì các bạn viết ra sẽ có hàng nghìn người đọc. Rồi nhiều hơn thế, và có thể ở nhiều nước trên khắp thế giới. Đến ngày nào đó, trên các màn hình máy tính ở mọi nơi sẽ thường xuyên hiện lên cái tên VnExpress…”. Tôi nhìn vào mắt họ, và nghĩ, có lẽ họ tin tôi.

Tiếp đó là hai tuần đào tạo nghiệp vụ báo chí.Diện tích xây thêm ở 75 Trần Hưng Đạo đang định hình từng ngày.Đình Anh bắt tay vào viết phần mềm biên tập VnExpress. Trong đó có một số yếu tố sẽ mang tính cách mạng đối với báo chí Việt Nam. Trước hết, đó là cách thức phát hành mỗi bài báo theo con đường độc lập của nó. Tức là các bài báo sẽ không chờ đợi trang báo của nó (ví dụ bài về văn hoá thì phải chờ các bài khác để lên layout trang Văn hoá hoàn chỉnh), và các trang sẽ không chờ đợi số báo của nó.
Trước đó, khi nói đến báo chí, nhất thiết người ta phải nói đến tính định kỳ của nó: “Báo của anh là ra hàng tháng, hay bán nguyệt san, hay tuần báo, hay ra hàng ngày?…”. Định nghĩa báo, tạp chí trong giáo trình khoa Báo chí Đại học QG Hà Nội viết: “Báo, tạp chí là một loại hình thông tin đại chúng thực hiện các chức năng cơ bản như thông tin, định hướng dư luận, giải trí…, và được phát hành định kỳ”. Thậm chí các báo điện tử tồn tại trước đó cũng lên mạng theo “số báo”. Ví dụ, người ta còn viết: “báo Nhân Dân Điện tử số ra ngày…”(!).
Cách thức xuất bản VnExpress sẽ thể hiện đặc thù phi định kỳ của báo trực tuyến, và đó chính là lợi thế về tốc độ cập nhật thông tin. Thứ hai, phần mềm này phải cho phép thực hiện một loại hình gọi là “bài báo mở” – tức là bài báo sau khi đã phát hành vẫn còn tiếp tục được cập nhật. Với khả năng đó, VnExpress sau này đã có các hình thức bài “Tường thuật trực tiếp” và “Phỏng vấn trực tuyến”. Thứ ba, cấu trúc website phải giúp giải quyết “bài toán trang nhất”. Ngay từ ngày báo in ra đời đến nay, các biên tập viên luôn luôn đương đầu với mâu thuẫn là: làm sao đưa được hết những cái hay nhất của số báo ra trang nhất để mời chào độc giả. Tờ báo càng hay thì càng không thể đưa được hết nội dung ra ngoài. Nhiều tờ báo hiện nay tìm mọi cách cắt xén các bài gần như chỉ còn lại headlines để đưa ra manh mún trên trang nhất. Với báo trực tuyến, trang nhất còn tệ hại hơn, nhỏ hơn: chỉ còn bằng màn hình. Nhiều websites đã cố đưa ra trang home hàng chục, thậm chí cả trăm tít bài, nhưng vẫn không hấp dẫn được độc giả.
Chúng tôi chọn nguyên tắc “Nắm cỏ thơm cho con lừa”. Nghĩa là chỉ bằng một nắm cỏ nhỏ bé, nhưng thơm ngon nhất, để dụ con lừa vào kho cỏ mênh mông, trù phú bên trong. Hình tượng “con lừa” ở đây hoàn toàn không có ý coi thường độc giả, mà chỉ là thuật ngữ nói lên tính thụ động của người đọc: họ không có nhiệm vụ phải đọc báo của bạn, họ thụ động và lười đọc báo của bạn vì còn có nhiều thứ hấp dẫn khác. Do đó mỗi trang chuyên đề bên trong VnExpress chỉ được giới thiệu ra trang nhất một headline với đoạn đầu bài mà chúng tôi gọi là “lead”. Việc lựa chọn tin nào, đặt cho nó tựa đề gì, và lead viết ra sao sẽ có thể quyết định số phận của cả trang trong. Tất cả phụ thuộc vào trình độ của biên tập viên.
Tiếp nữa, font chữ trước đó luôn là vấn đề đau đầu của các websites tiếng Việt. Giải pháp của Đình Anh là mạnh dạn chọn Unicode, và VnExpress là website Việt Nam đầu tiên dùng font này. Ngày 22/11, chúng tôi tiếp quản Newsroom của mình – cả tầng ba vừa xây xong ở 75 Trần Hưng Đạo. Hàng ngày thực tập làm tin, nhưng không đăng đi đâu – chờ chương trình. Mấy tháng liền Đình Anh ngồi một mình viết chương trình. Ngày nào cũng đến 7-8 giờ tối. Có lần đổ ốm, sốt cao mấy ngày.
Ngày 4/12, chúng tôi bắt đầu tập làm tin bằng phần mềm chạy thử mới viết xong. Thỉnh thoảng lại “chết”. Có người bối rối: “Tốc độ chạy thử thế này, đến Noel lên mạng được là may”. Quả thật – đã không may, đến tận ra Tết, 15/2/2001 VnExpress Editor mới được hoàn chỉnh, nhưng vẫn phải chạy thử.
Ra mắt
Cuối cùng, ngày 26/2, mặc dù còn khiếm khuyết, chúng tôi quyết định “phóng” VnExpress lên Internet. Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác. Không quảng cáo trên báo chí, không có lễ khai trương, diễn văn và champagne. Chỉ có một thông báo qua e-mail cho các khách hàng của FPT Internet. Nhưng đó là một ngày trọng đại của VnExpress. Chúng tôi bắt đầu theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu hits. Liệu những nắm cỏ thơm của chúng tôi có mời chào được ai không? Liệu người ta có hiểu ý chúng tôi để click vào xem tiếp những trang trong? Liệu những tính toán của chúng tôi có đúng không? Hay mọi công sức đều đổ đi hết?… Một trăm, rồi hai trăm máy tính truy cập trong một ngày… Tôi ngồi trước máy tính của mình, muốn nói: “Hãy vào xem đi các vị. Sẽ có nhiều thông tin hữu ích đấy. Hãy xem đi, các vị sẽ hiểu chúng tôi và yêu mến chúng tôi”. Sau tuần đầu, số máy tính truy cập trong một ngày đạt mức 1.000. Các biên tập viên trẻ của tôi ngỡ ngàng vui mừng. Tin họ vừa biên dịch xong có những 1.000 người đọc.
Một tuần sau, số độc giả hằng ngày đã tăng gấp đôi… Sau nửa năm, VnExpress có 300.000 độc giả… Phần lớn thư bạn đọc kể rằng họ biết đến VnExpress là nhờ bạn bè giới thiệu. Đó là những ngày đầu tiên trên con đường tiến tới được xã hội chấp nhận, rồi đến chính quyền phải xem xét lại các quy chế về quản lý báo chí, rồi mở ra những hành lang mới để thừa nhận VnExpress về mặt pháp lý.
Qua những ngày đó mới hiểu, tại sao ngày 25/11/2002, khi cầm trên tay tờ giấy màu vàng giản đơn ghi dòng chữ “Giấy phép hoạt động báo điện tử số 511/GP – BVHTT”, Đình Anh đã nói: “Tôi thực sự xúc động”. Sau đó, VnExpress được báo giới Việt Nam bình chọn là một trong 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin của năm 2002 “do đã thực sự là một biểu tượng cho sự phát triển nội dung Internet ở Việt Nam”.
Những người viết sử thường nhấn mạnh những gian truân lúc sơ khai để đề cao sự việc. Nhìn lại sự ra đời của VnExpress, tôi thấy hầu như không có gian truân gì. Mọi việc nói chung đã diễn ra đúng hoạch định, nhẹ nhàng và thuận lợi. Phần lớn những thuận lợi có được là do cơ chế của FPT. Tôi thấy mình đã may mắn đến với FPT, đã may mắn có những người cộng sự và đồng nghiệp như hiện nay. (Trong trang sử ký này tôi không nêu nhiều tên người, vì như vậy sẽ rất nhiều: để làm tờ báo, cần có một tập thể lớn).
Tôi không hề nghĩ VnExpress là to tát. Ngược lại, tôi thực lòng mong rằng, sau này nhìn lại thấy VnExpress chỉ là một mầm non ban đầu, qua năm tháng biến thành cây đại thụ nhiều cành nhánh sum suê. Cây đại thụ đó chính là hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng hùng mạnh dưới sự điều khiển của tập đoàn FPT.

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Hay thật. Bài viết nhẹ như con người Thang Đức Thắng!

Nặc danh nói...

Thang Đức Thắng cùng lứa với Trần Hữu Nghị của nhà 99, sau khi tốt nghiệp phổ thông được sang Liên Xô học Đại học vào 1975.Thắng học , tốt nghiệp loại ưu Khoa Ngữ Văn MGU. .Về nước Thằng làm việc cho một tờ báo do Bộ ngoại giao quản lý.Thắng sang MGU bào vệ luân án phó tiến sỹ về chuyên ngành báo chí(ở Việt Nam ta váo thời điểm đầu những năm 90 rất hiếm loại cán bộ chuyên ngành này).Trong số các bạn Thắng cùng lứa,tôi nhân thấy Thắng có tư chất,thông minh hơn người song lại rất khiêm tốn.Việc Thắng bỏ công việc tại báo Lao động sang thành lập tờ báo mạng Vnexpess chúng tỏ Thắng có tầm nhìn hơn người,có khí phách ,giám từ bỏ cái đang thuận lợi,tiếp nhận xây dựng cái mới đấy thách thức .Tôi chúc cho Thắng thành công hơn nữa trong công việc tại VNEXPESS,một tơ báo tôi yêu thích, thường theo rõi. Trần Kháng Chiến

TranKienQuoc nói...

Khi NCS ở MGU, Thắng còn tranh thủ làm luận án PTS cho Tiến Long; còn ông bạn Long thì đi buôn. Thế mới biết Thắng rất thộng minh.