Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Nghề khắc bút của Hà Nội xưa (KQ)

Không biết ở HN có nghề này tự bao giờ; nhưng đầu những năm 1960, khi đã hơi lớn (chừng 6-7 tuổi), được cha mẹ cho ra Bờ Hồ (mà bọn trẻ con hay nói là Bồ Hồ) chơi đã thấy ở chân Bút Tháp, ngay đầu cầu Thê Húc hay cửa chùa bên kia đường (sau này thêm đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh) có những bác thợ đang hí húi khắc bút. Xung quanh là bọn trẻ con xúm đông xúm đỏ ngó xem.
Ngày xưa cái bút máy là quý lắm. (Học sinh toàn phải viết bút sắt (ngòi lá tre) chấm mực. Trong cặp đứa nào cũng có lọ mực Cửu Long bằng thủy tinh bọt (tồi); tay chân, sách vở đứa nào cũng dính mực. Sau này mới có lọ mực nhựa không đổ). Phổ cập nhất là bút máy Trường Sơn rẻ tiền (hình như có mấy hào bạc) bán ở các cửa hàng mâu dịch, sang hơn là bút Kim Tinh của TQ, xịn nữa là Parker (dân ta quen gọi là Pắc-ke). Ông nào có bút nắp vàng gài túi là dân có thứ hạng (biết chơi!). Nhân ngày sinh nhật hay cưới hỏi mà tặng nhau cái bút máy là văn minh lắm.



Sau 1954, ở bên phía Hàng Trống có CLB Thống Nhất (những năm sau 1975 là phòng bán vé máy bay của Vietnam Airlines, nay là nhà hát dân tộc), nơi dành riêng cho cán bộ miền Nam tập kết sinh hoạt mỗi sáng chủ nhật hay họp đồng hương các tỉnh. Các cô chú cán bộ, bộ đội miền Nam tới họp rồi dắt nhau dạo quanh Hồ Gươm tâm tình, để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê. Thấy lạ, họ cũng tạt qua các quầy khắc bút.
Gọi là quầy cho nó oai, chứ thật ra là cái hộp gỗ đặt nằm ngang, nắp hộp gắn bản lề, căng lưới thép. Nhìn vào bên trong thấy đủ các kiểu bút từ sang nhất đến rẻ nhất. Sau quầy là bác thợ với mục kỉnh hạ trễ sống mũi, tay giơ bút lên ngó ngó nghiêng nghiêng rồi kẹp ngang bút vào ê-tô, rồi khắc; đít thì ngồi trên cái ghế gỗ cao chừng 30 phân. Quầy núp dưới bóng mát của cây bằng lăng; mưa thì chạy sang trú nhờ hiên nhà chùa hay hiên che của Cửa hàng bách hóa thiếu nhi (đối diện bến xe điện). Họ cứ thế cần mãn làm việc.
Trên bút khắc những gì? Nhớ tới vợ con, người thân sống lại ở miền Nam thì khắc tên vợ con, người yêu lên cây bút làm kỉ niệm. Bút muốn tặng ai thì khắc tên mình  bên cạnh hình Tháp Rùa. Nhớ về quê hương miền Nam thì nhớ tới hàng dừa trĩu quả, nhớ tới ngôi nhà nhỏ bên bờ kênh, những đàn cò trắng bay trên cánh đồng bát ngát hay những cánh buồm đang lộng gió biển... Vậy là ý tưởng khắc những hình ảnh này trở thành mode cho các bác thợ khắc thực thi. Còn trai gái yêu nhau thì mũi tên bắn xuyên trái tim; chồng tặng vợ sắp cưới đôi chim cặp mỏ cùng cặp chữ lồng.
Phải nói bàn tay các bác thợ khắc bút thật khéo léo, dù phải nhìn qua kính lúp mà vẫn khắc được những nét uốn lượn, thậm chí có cả nét thanh, nét đậm. Khắc xong, họ lấy tí thuốc đánh răng bôi lên thân bút rồi cầm miếng bông đánh bóng lại; sau đó lấy phấn trắng tô lên chỗ đã khắc. Lau sạch là hiện lên chữ, lên hình. Bọn trẻ con phục lác mắt. 
Có lẽ phải có đến hàng vạn cái bút được khắc ở đây. Nhiều anh bộ đội đã mang những cây bút được khắc ở Bờ Hồ, vượt Trường Sơn vào Nam. Nay còn tìm thấy nhiều kỉ vật kháng chiến từ chiến trường xưa là những cây bút có khắc chữ.
Sau này khi nhu cầu thị trường tăng vọt, có nhà đã mua hẳn máy khắc bút chạy điện. Nghĩa là, sau khi khách chọn tên, chọn hình và kiểu chữ thì máy sẽ chép từ mẫu ra, đầu dao khắc cứ thế vẽ lên thân bút. Làm như thế nhanh hơn nhưng không có nét thanh, nét đậm như khắc bút bằng tay.
Hà Nội 1 thời đã có 1 nghề rất nghệ thuật và đáng trân trọng đến như thế!

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhớ các nghề làm thêm của cán bộ ta thời bao cấp:
Bơm mực, sửa bút bi
Lộn cổ áo sơ mi
Gia công quy gai xốp
Cân vành, vá xăm xe

Nặc danh nói...

'rửa bút bi' chứ!

Thằng Bờm nói...

Bên gôc cây đa già có bộ rễ sần sùi (đối diện với Tháp bút bên kia đường còn có hai bác bán sáo trúc, mỗi khi có khách đến xem, các bác lại thử sáo véo von, nghe rất vui tai.