HỘI AN – CÙ LAO CHÀM
07g sáng ngày 15/6, cả nhà xuống ăn sáng. Có bánh mì bơ, ốp la. Có các loại bánh ngọt. Có cơm chiên, mì xào. Có nước cam, nước táo, sữa tươi. Có chuối, xoài, cam, dưa hấu. Cả nhà ăn chút chút, mỗi thứ một tí kiểu thưởng thức là chính. Kết thúc là tách trà hay cà fe. Hôm sau mới vỡ lẽ là… ăn kiểu này thì chỉ có thiệt thôi! Nghỉ một lúc khoảng 08g thì xe tới, cả nhà lên xe. Bác tài tầm 45 – 50 tuổi, người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, khá vui chuyện. Trên đường ra bến tàu cao tốc, bác tài đã tranh thủ giới thiệu về tiềm năng của quê nhà, các dự án đã hoàn thành, các khu resort đang xây dựng… như một “tour guide chuyên nghiệp”. Cái nghề du lịch đã thực sự thấm vào máu người dân HA rồi thì phải, cũng hay.
Tour đi CLC này bắt đầu từ 08g và kết thúc lúc 14g. Sau khi đón một cặp vợ chồng “tây”, xe chạy ra bến tàu. Vừa tới bến đã thấy người điều hành nhanh nhẹn dẫn ra mép nước, đợi 1 chiếc ca nô ghé vào. Trên ca nô đã đầy người, ba người nhà mình chen lấn mãi mới có một chỗ ghé “mông”. Ca nô từ từ lùi ra xa, quay đầu và bắt đầu phóng nhanh dần. Vài phút sau bác tài đã đẩy tốc độ lên cao, ca nô như bay trên mặt nước, gió biển ào ào mát mẻ. Mình để ý mấy cái đồng hồ chỗ bác tài, thấy có một cái kim chỉ số 60, không biết là km hay hải lý? Ngồi trên xuồng phải bám chặt, thỉnh thoảng nghe tiếng đập thình thịch ở dưới đáy xuồng, thấy cũng ghê ghê. Thôi mặc kệ. Khoảng 20 phút sau, xuồng giảm tốc độ và ghé vào cảng Cù Lao Chàm. Leo lên cầu tầu, thấy chới với 1 tí. Một anh hướng dẫn viên nhỏ người nhưng rắn chắc, da đen sạm đến đón mọi người. Hóa ra ba người nhà mình ghép vào một đoàn khoảng chục anh từ Đà Lạt xuống. Còn 4 người nữa hóa ra là cán bộ gì đó của HA đi “ké”. Lên cầu cảng, một cái biển thật dễ nhìn có ghi: “Du khách không mang túi ni lon lên đảo”.
Anh chàng hướng dẫn viên dẫn mọi người vào một khu nhà có một phòng chờ rộng có sẵn ghế ngồi như ở bến xe. Mươi phút sau, anh ta cầm một lá cờ xanh nhỏ dẫn đoàn vào thăm các phòng trưng bày kiểu như “bảo tàng” của Cù Lao Chàm. Ở đây giới thiệu lịch sử, thiên nhiên, con người CLC. Hướng dẫn viên cũng có giới thiệu nhưng cũng chả ai nghe được gì. Thôi thì cũng cứ tự xem. CLC là một quần đảo gồm 8 đảo, trong đó có một đảo lớn nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 20km. Hòn đảo lớn và các đảo nhỏ trông như một thiếu nữ nằm nghiêng nghiêng trên biển. Trời trong xanh, biển trong xanh, những bãi cát vàng nho nhỏ sạch sẽ. Trên hòn đảo lớn có khoảng hai nghìn dân sinh sống. Hồi thế kỷ 14, 15 chủ yếu là người Chàm, sau đó họ bỏ đi và người Việt đến định cư cho đến ngày nay. Dân cư tập trung ở một khu vực tương đối bằng phẳng ở phía Tây của đảo, có làng, có phố, có chợ, có bến tàu… Du khách đi đến nhộn nhịp. Sau khi xem 1 lúc, anh hướng dẫn viên đưa đoàn ra một cái sân nhỏ và bảo chờ. Anh ta mời cả nhà mình đứng trước một cái phông để chụp ảnh.
Wellcome to Cu Lao Cham |
Trong lúc ngồi đợi, mình để ý một cục đá cao cỡ 0,6 – 0,7m, đục đẽo xấu xí, đặt ở giữa cái sân nhỏ này. Bên trên hòn đá có tượng một con chim xòe cánh bay cũng xấu xí, gắn xộc xệch vào hòn đá. Nghĩ mãi không biết là gì bèn hỏi một anh chàng mặc đồng phục bảo vệ gì đó. Anh ta nói: đó là “đài tôn vinh chim yến”! Ôi trời? Chim yến là một “đặc sản” ở CLC, ở các hang đá trên các đảo, chim yến làm tổ rất nhiều, có cả tiết mục tham quan chim yến nữa đấy. Cũng hơi buồn vì khu trưng bày nghèo nàn, xấu xí, cũ kỹ có vẻ như từ lúc khánh thành đến nay không có lau chùi, quét dọn, sửa sang gì. Hư hỏng, mốc meo cũng mặc kệ thì phải. Cái cảm giác này hôm sau lại đến khi đi thăm các điểm tham quan do nhà nước quản lý ở khu phố cổ. Anh chàng hướng dẫn viên vào dẫn cả đoàn đi. Đầu tiên vào một chỗ như đầu làng, có cây cổ thụ và một cái giếng nước ngọt trong vắt, nghe nói nó đã tồn tại hai trăm năm rồi. Nước ngọt trên đảo không hiếm, khoan xuống vài chục mét là bơm lên sài vô tư. Từ vách núi có các khe suối nhỏ, nước chảy quang năm. Giữa làng có một cánh đồng trồng lúa nhỏ, nước trong ruộng săm sắp.
Giếng nước 200 tuổi. |
Chùa Hải Tạng |
Qua hết đám nhà cửa là thấy một cánh đồng nhỏ, phía xa xa là các ngôi chùa dựa vào vách núi. Mọi người đi xuyên qua cánh đồng mất 15 phút để đến điểm tham quan là chùa Hải Tạng, nghe nói có từ 300 năm rồi. Ngôi chùa nhỏ nhưng khá đẹp, người xem, vào lễ đông nghịt. Nóng và đau chân, mình ngồi dưới gốc đa nghỉ, Mẹ Dung vào lễ chùa cầu an, Nghĩa ngơ ngác nhìn quanh… Ngoài chùa Hải Tạng, còn có Lăng Ông, Miếu Bà, miếu tổ nghề yến và có một ngôi chùa khá to đang được xây dựng. Nghe nói Việt Kiều tài trợ xây?
Giếng làng Chùa Hải Tạng Một lúc sau, mọi người được hướng dẫn đi tiếp. Trên con đường tráng xi măng uốn lượn trên sườn núi, các căn nhà nhỏ ẩn hiện trong vườn cây xanh mát. Nếu như lúc đi vào làng ta thấy quang cảnh như một làng đồng bằng thì lúc đi ra ta lại thấy như đang đi qua những ngôi làng miền núi. Cảnh trí, địa hình thay đổi trong một phạm vi hẹp 1, 2 cây số thấy cũng hay hay. Đi theo các du khách là một đoàn xe ôm, toàn xe đời mới, các bác tài mời chào nhã nhặn. Các cụ già, các em nhỏ lần lượt lên xe. Mình cũng mệt và đau chân nhưng vẫn đủ sức đi được, hơn nữa có Nghĩa luôn đi bên đỡ đần rồi. Khi đổ xuống hết con dốc là một khu chợ nhỏ bán đủ thứ. Hướng dẫn viên thông báo mọi người vào chợ mua sắm. Chủ yếu là các đồ lưu niệm, các loại hải sản khô đóng gói. Bà con mời chào nhiệt tình, khách hỏi mua tíu tít… Mẹ Dung chọn mua một cái tượng Phật nhỏ bằng đá cẩm thạch có 50k, lồng dây vào đeo luôn. Khoái quá rơi chiếc mũ nan mượn của KS lúc nào không biết. Cứ chờ xem có ai trả lại của rơi không mà không thấy.
Lúc này khoảng hơn 10g, nắng chói chang và khá nóng, cả đoàn lại lên xuồng cao tốc đi tới chỗ tắm biển, lặn biển và ăn trưa. Ca nô phóng mất hơn 10 phút. Đây là một bãi cát vàng nhỏ hẹp kín đáo nên biển hầu như không có sóng.
Dọc bãi biển có những hàng dừa và cây bóng mát, dưới tán cây có kê nhiều ghế nằm. Lùi vào một chút là khu kê bàn ghế ăn uống của nhà hàng. Trưa nay ta dùng bữa ở đây. Kế hoạch là: ca nô sẽ đưa mọi người đi tới bãi để lặn ngắm san hô, ai không đi lặn thì có thể tắm ở bãi biển, ai không tắm thì nằm nghỉ. Mẹ Dung rất “máu”, rất thích tắm biển nên cùng mọi người đi thay đồ tắm rồi lên ca nô đi lặn. Ba và Nghĩa nằm nghỉ như hai “bạn già”. Ngắm cảnh chán, hai cha con vào chỗ bàn ăn kêu hai trái dừa uống. Uống xong thanh toán hết 80k! Khoảng hơn tiếng sau thì đoàn lặn biển về, Mẹ Dung tranh thủ bơi thêm một lúc. Sau đó là ăn trưa, một bữa cơm canh bình thường. Có món trứng chiên được Nghĩa nhiệt liệt hoan nghênh. Muốn ăn đồ biển phải gọi thêm, 1 đĩa khoảng 20 con sò hay nghêu gì đó là 250k, đắt ra phết. Khoảng hơn 13g mọi người lên ca nô cao tốc quay về bến Cửa Đại. Lên bờ chưa tới 14g, nhưng đã thấy bác tài vui tính ra đón. Bác nói: hướng dẫn viên có kêu bác ra đón sớm. Cũng hay. Phải nói rằng: CLC là một điểm đến lý thú. Thiên nhiên còn giữ được vẻ hoang sơ, môi trường khá sạch và người dân rất có ý thức trong việc bảo vệ những gì đang có. Họ hiểu rằng đó là cái đã và đang giúp thêm cho cuộc sống của họ khá nhiều. Chiều về nghỉ ngơi tới tận 18g. Tối nay phải tự đi kiếm ăn thôi. Cả nhà xuống kêu taxi vào trung tâm, taxi đưa tới quán cơm gà. Mỗi người kêu 1 đĩa cơm đùi gà chiên. Ăn khá ngon vì đùi gà ta chiên ròn cộng với cơm nấu nước luộc gà vàng ươm. Nghĩa cũng sơi tuốt, ở nhà mà ăn thịt gà thì nó coi như cực hình. Ăn xong, đón taxi về ngủ sớm để mai đi Mỹ Sơn. Trời trở mưa, đỡ nóng nhiều.
2 nhận xét:
Bơi biển ở Cù Lao Chàm rất khoái,nước trong ,bãi đẹp .Cái thú đó tôi được hưởng vào hè 2007. Ai chưa đi Hôi An nên đi,nhớ đến Cù Lao Chàm.KC
Kỳ đó, ra Long Hải, tụi tôi có thuê 1 cái thuyền ra mũi xem chơi. Thằng chèo thuyền (ko co máy) chèo ngược sóng, thuyền đi chồm lên chồm xuống, cả bọn (toàn dân Saigon) mặt nặt xám nghoét, ko nói nên lời. Tôi bực mình xẵng giọng: "Ê, mày đi kiểu gì chòng qua chòng lại thấy ghê vậy mày?" - "Nhưng mà đâu có sao" Thằng chèo thuyền nói. - "Mẹ, mày ko sao, nhưng mà tao có sao!". Nó tủm tỉm cười đưa nhẹ mái chèo 1 cái, thuyền trở nên im ả tức thì. Đúng toàn là dân hàng hải trên PC!
HMK6
Đăng nhận xét