Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Tôi đi du lịch 5 (Trần Thắng)


HỘI AN – PHỐ CỔ
Theo kế hoạch 14g chiều nay (17/6), sẽ đi Đà Nẵng tham quan Non Nước, Ngũ Hành Sơn và bãi biển Mỹ Khê. Mẹ Dung định tắm biển nữa. Tối ra sân bay về SG. Sáng ra, hơn 8g, cả nhà xuống ăn sáng cho no rồi đi chơi phố cổ. Tới phố cổ, mua 3 vé tham qua rồi bắt đầu từ Chùa Cầu.
Chùa Cầu thực ra là một cây cầu gỗ bắt qua một nhánh sông nhỏ. Cách nay hơn 300 năm, những người Nhật đến cư trú ở đây khởi công xây dựng. Rồi qua năm tháng, các cư dân người Hoa, người Việt tiếp tục xây thêm và tu bổ. Giữa cầu người ta làm rộng thêm để lập gian thờ cúng. Có thể nói: ở HA, Chùa Cầu là điểm tham quan số 1. Cả nhà lên cầu cùng các du khách các nước. Có một đoàn khách Nhật khá đông. Đó là đoàn du khách xem lâu và kỹ nhất.
Chùa Cầu Hội An

Trong vé tham quan phố cổ giá 45k, du khách được vào 4 điểm tham quan, vào mỗi điểm, họ cắt 1 ô trên vé. Nhà này tham quan Chuà Cầu xong thì vào một ngôi nhà cổ có hơn 200 năm tuổi. Hiện gia đình họ vẫn ở và sinh hoạt tại đây. Ngôi nhà cổ khá lớn, tường xây gạch; cột nhà, vì kèo gỗ đen bóng. Đồ gia dụng còn lưu giữ khá nhiều: hoành phi, câu đối; bàn ghế; giường tủ; đồ sứ… Mọi người trong nhà tham gia dịch vụ du lịch như: giới thiệu; thêu khăn; làm đèn lồng… Khi ra sân thượng, mọi người nhìn tận mắt mái ngói âm dương. Ở nhiều vùng quê, mái ngói âm dương chỉ xếp lên là xong. Còn ở đây, do bão tố thường xảy ra nên hàng ngói úp xuống được xây rất chắc chắn như một hàng gạch.
Bên trong ngôi nhà cổ

Đồ sứ cổ trong nhà trưng bày

Hai mẹ con Nghĩa.
Cả nhà còn tham quan một ngôi nhà cổ nữa của tư nhân. Nói chung cho ta một cảm nghĩ: bao đời nay người dân nơi đây gắn bó với ngôi nhà mà tổ tiên cha ông họ đã tạo dựng nên. Họ quí trọng, chăm chút, giữ gìn di sản đó rất tốt. Cuối cùng, cả nhà đến điểm tham quan “trưng bày gốm sứ cổ” do nhà nước quản lý. Quang cảnh khác hẳn. Nơi trưng bày cũng là dạng nhà cổ kiểu như hai nhà vừa xem, nhưng rõ ràng là bẩn thỉu và nhếch nhác. Ngoài cửa là một nhân viên ngồi thờ ơ soát vé. Du khách vào rồi cứ tự đi xem. Các tủ trưng bày bụi bặm, cũ kỹ. Đồ sứ trưng bày khá nhiều, có ghi chú nhưng rất khó xem vì tối quá. Hàng chục cái tủ trưng bày nhưng chỉ có 1, 2 tủ là còn sáng ánh đèn; còn tất cả tắt ngấm. Mình có phàn nàn với anh bảo vệ thì anh ta chợt như giật mình: "Thế ạ! Cháu tưởng…". Nhà nước làm du lịch kiểu này cũng lạ thật.
Khoảng 12g, cả nhà tìm một quán kem để giải khát. Quán kem trong một ngôi nhà dạng cổ nhưng bài trí hiện đại kiểu Ý. Nhâm nhi ly kem, nhìn sang bên kia đường là một quán ca fe rất đông khách, chủ yếu là “Tây”. Người thì ca fe, người thì bia, người thì ăn, người thì đọc báo, người thì lướt web... Một quang cảnh hưởng thụ nhàn nhã rất “Tây” giữa lòng phố cổ.

ĐÀ NẴNG
Khoảng 12g ngày 17/6. Cả nhà trả phòng và xuống sảnh đợi. Tranh thủ mỗi người ôm một máy tính giải trí. Đúng 14g, xe đến đón. Cậu lái xe, tên Tuấn, khoảng 30 tuổi, khỏe mạnh lịch sự. Trên đường đi cậu ta rất vui vẻ trò chuyện, tranh thủ giới thiệu HA, ĐN… Có một chi tiết ít gặp là: cậu ta rất khen chính quyền và lãnh đạo, nhất là ông Nguyễn Bá Thanh. Khen qui hoạch, xây dựng khang trang, hợp lý. Khen giải tỏa đền bù công bằng và coi trọng cái lợi cho dân… nên dân khá đồng tình. Quả thực trên quãng đường dọc bờ biển đi từ HA tới ĐN hơn 20km, phải nói là đẹp. Đường tốt và đẹp, khu vực qui hoạch xây dựng qui mô và cũng đẹp. Nhất là bãi biển Mỹ Khê trải dài sạch sẽ, trật tự. Sáng sớm và chiều chiều, dân ĐN và du khách kéo ra đông nghịt. Đặc biệt hầu như không có hàng quán, xe đẩy, gánh rong gì hết. Hóa ra dân người ta khen lãnh đạo là phải. Làm cho khang trang, sạch đẹp, trật tự, qui củ là dân ủng hộ ngay.
Tháp Xá Lợi.

Bên tượng Phật chùa Linh Ứng.

Nhìn ra Mỹ Khê.

Kế hoạch tham quan ĐN có thay đổi: một là núi Non Nước thì như cũ, hai là chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà thay cho bãi Mỹ Khê. Việc thay đổi này tốn thêm 250k, nhưng phải nói là khá hợp lý. Ngũ Hành Sơn – Non Nước là một quần thể 5 ngọn núi có tên là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn, ở gần thành phố ĐN. Từ trên đỉnh ngọn núi Non Nước có thể nhìn thấy phía trước là biển rộng và phía sau là thành phố ĐN trải rộng. Điểm tham quan chủ yếu là Thủy Sơn. Thủy Sơn cao khoảng 120m, có ba đỉnh tạo nên ba tầng gọi là Tam Thai. Hàng trăm năm trước, người dân và các tín đồ đã xây dựng nhiều chùa, cải tạo các hang động làm nơi thờ cúng và tu hành… Gần đây để tạo thuận lợi cho du khách, ĐN đã làm thêm một thang máy cao cỡ 4, 5 chục mét. Để tham quan, du ngoạn nơi này phải tốn nhiều mồ hôi và công sức. Mình cố tập tễnh theo vợ con đi gần hết các điểm tham quan. Vừa ra khỏi thang máy, cả nhà đi vào khu vực có bảo tháp Xá Lợi. Mấy ông bà chụp hình gợi ý: chụp cả người cả tháp, ảnh màu lấy ngay sau 1 phút. Có vẻ hấp dẫn đây. Cả nhà xếp đội hình chụp ngay một phát. Xong, bà phó nháy nèo thêm: làm cái nữa? Mình “khôn ngoan”: in ảnh đi, đẹp thì chụp tiếp. Bà ta ra gốc cây, mở miếng vải mưa, cho cái máy in hình nhỏ chạy liền. Vài chục giây sau tấm hình màu hiện ra, nói thực: nó nhòe nhòe thế nào ấy. Vậy là kết thúc, trả 10k/1 tấm hình.
Hành trình chinh phục Thủy Sơn bắt đầu. Căn cứ bảng hướng dẫn tham quan cả nhà bắt đầu leo từng bậc, từng bậc. Chiều nay du khách khá đông, có tới 70% là thanh niên và bà con ĐN thì phải. Thanh niên, trẻ con thì nhảy nhót tung tăng, cánh già như mình thì nặng nhọc lê bước, nghĩ cũng chán, nhưng luôn nhủ thầm: cố lên! Cố lên! Đang leo mệt, nóng, mồ hôi nhễ nhại thì tới một bãi phẳng, trên là trời cao; xung quang là vách núi; có lối vào ra thông nhau; gió biển ùa vào mát rượi. Thôi ngồi nghỉ một lúc. Chỗ này nhà nước có cho mở vài chỗ bán hàng cho du khách giải khát; còn lại hầu như không có bán hàng rong, vé số, ăn xin… À có vài bác phó nháy nhưng rất văn minh, lịch sự.
Bảo tháp Xá Lợi ở Thủy Sơn Tượng Phật chùa Linh Ứng ở Sơn Trà Sau khi nghỉ chân ít phút, cả nhà viếng chùa Tam Thai; chùa Tam Tôn, là một ngôi chùa bằng gỗ rất đẹp; chùa Từ Tâm, hang Huyền Không; cũng ghé Vọng Hải Đài một chút… Khi đi xuống có qua viếng chùa Linh Ứng.
Về nơi gửi xe. Đây là một tiệm đá lớn. Vùng Ngũ Hành Sơn này từ lâu đã có nghề chế tác đá. Ngày trước đá được khai thác tại các núi gần đây. Nay thì đá ở khắp nơi đưa về: từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng, Khánh Hòa; từ Trung Quốc đến Pakistan…
Chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà nhìn ra biển, có phong thủy rất tốt cho Đà Nẵng. Mẹ Dung sà ngay vào tủ đá trang sức, cùng cháu gái bán hàng trao đổi, lựa chọn, đổi qua, đổi lại… Mình ngồi nghỉ chỗ bộ bàn ghế rất đẹp. Hỏi cháu thì biết: đó là đá Pakistan. Hỏi giá bao nhiêu? Cháu nói: 120 triệu. Mình gật gù: ừ cũng tàm tạm (thế mới oách chứ). Hơn nửa tiếng trôi qua, Mẹ Dung “gút” lại: Mấy món đồ trang sức bằng đá nho nhỏ để làm quà, tính chính xác là 950k. Vấn đề “tồn tại” là: 1 cái vòng đeo tay cẩm thạch. Mẹ Dung chọn mãi mà chưa ưng cái nào hết. Cháu gái cố thuyết phục. Mẹ Dung “lỡ” nói nhỏ: cô thấy cái vòng cháu đang đeo là được. Cháu gái bùng lên: Cháu tháo ngay để cho cô. Chưa kịp nói gì cháu đã chạy đi, lát sau cái vòng được đưa ra. Xem một lúc, Mẹ Dung ngần ngại: hình như nó hơi nhỏ. Ba cô bé bán hàng xúm lại: không nhỏ đâu, vừa lắm cô ạ. Cô đeo thử xem. Mẹ Dung chưa kịp nói thì các cháu đã hè nhau tìm mọi cách đeo cái vòng cho cô. Mẹ Dung kêu đau oai oái, các cháu mặc kệ cứ thế đeo vào và nó vào thật. Các cháu hỉ hả, Mẹ Dung thấy cũng hay hay. Khi thử tháo ra thì gay quá, các cháu lại xúm lại giúp nhưng không sao ra được. Vậy là… tính tiền, nhưng mình nói thật: hết tiền rồi. Cô cháu nhanh nhảu: Chú đưa thẻ cháu quẹt. Mình rút ngay thẻ ATM ra và xong (bụng thầm nghĩ: quái, sao nó biết mình có thẻ?).
Khi lên xe Mẹ Dung ngắm mãi cái vòng và có vẻ ưng ý. Hơn 5g chiều, Tuấn đưa cả nhà đi ra bán đảo Sơn Trà. Cảnh hai bên đường thật đẹp: con đường uốn lượn theo vách núi và bờ biển. Một vùng biển rộng xanh ngắt, những đám mây phản chiếu ánh hoàng hôn vàng rực… Chùa Linh Ứng là một quần thể các ngôi chùa to lớn, các sân rộng trưng bày nhiều loại cây cảnh. Ở vị trí trung tâm có hướng nhìn ra biển, lưng tựa vào núi là một bức tượng đức Phật Bà Quan Âm trắng toát to lớn và cao phải đến 7, 8 chục mét. Vào viếng chùa, thắp nhang và công đức xong, cả nhà dạo quanh ngắm cảnh. Quả thực vị trí này rất đẹp về phong thủy, không cần hiểu sâu xa, chỉ cần đứng ngắm cảnh vật là thấy nhẹ nhõm thư thái. Khách tham quan khá đông, nhưng trật tự và tôn kính. Vẫn không có hàng rong, vé số, ăn xin. Duy nhất có một anh chàng đi xe máy cà tàng với sọt bắp luộc. Mẹ Dung mua vài cái và được biết anh ta từ HA ra đây bán liều chứ không phải dân ĐN. Vẫn một câu hỏi: Tại sao ĐN lại làm được như vậy?
Trời tối nhanh, cháu Tuấn đưa cả nhà qua hiệu Lộc giò bò ngon có tiếng, Mẹ Dung mua ba cái 0,5kg x 280k/kg =420k. Món quà này hôm sau ai ăn cũng khen ngon. Tới một quán bún cá, cũng ngon có tiếng ở đường Nguyễn Chí Thanh. Kêu ba tô đặc biệt. Khá ngon. Miếng chả cá chiên rất ngọt và thơm, nhưng không biết là cá gì? Hình như 25k một tô thì phải. Hơn 7g tối, cả nhà vào sân bay. Khoảng 8g làm thủ tục. Bị quá 6kg, phải nộp 300k. Chuyến bay khởi hành tầm gần 23g. Khoảng 24g, máy bay từ từ hạ cánh xuống TSN. Vậy là kết thúc mấy ngày “tự đi du lịch”.
Trần Thắng 6/2012

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Theo rõi bài của gia đình ông Thắng,bà Dung du lịch Hội An như xem truyên Trinh Thám,thú vỵ.Thật ra mình cũng đến Hôi An,Đà Nẵng vài lần,những gì qua cách ông Thắng kể lại vẩn luôn mới,vì Hôi An còn nhiều điều cần khám phá . Tuổi cao chúng ta nên bố trí cùng gia đình đi du lịchnhư gia đình ông Thắng ,trên đất nước ta có rất nhiều nơi có phong cảnh đẹp mà cúng ta chưa đặt chân đến.Đi du lịch cũng là đóng góp cho kinh tế du lịch phát triển.
Sau chuyến du lịch vừa qua tinh thần vui vẻ hơn ,khỏe hơn,như vậy là lãi rồi phải không ông Thắng? KC