Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Phơi-ơ-tông nhiều kì: Những mẩu chuyện còn nhớ lại


Tự sự
Sau khi gửi bài “Học võ ở Vĩnh Yên” cho Ban biên tập của Báo liếp, tôi thấy rất vui về những comment của độc giả lưu lại ở mỗi đoạn trích cùng với những “cú” phone của các anh học sinh trường Trỗi.
Thế là bài viết đã đạt được mục đích: làm tái hiện lại chuyện đã qua của gần 40 năm về trước, mà là về học sinh của trường Trỗi chứ không phải là về Tây – Tàu – Ta!
Anh Phúc Chiến có yêu cầu tôi viết về đoạn đường sau này tôi trải qua khi đã được các anh chỉ bảo, anh Phan Nam thì đã “theo sát” từng bước trưởng thành của tôi trong học thuật. Còn BBT lại chuyển đề nghị của anh em “chiến hữu” muốn tôi viết về hai lĩnh vực Võ học và Y học.
Cũng để “Giương cao” tinh thần quân tử thượng võ mà tôi đã ngấm vào người từ các anh trong gia đình và nhất là các anh học K5-K6-K8 của trường Trỗi, mặc dù trường chỉ tồn tại trong 5-6 năm thời kỳ chống Mỹ, nhưng trường Trỗi đã có một nét rất riêng mà các trường khác như trường Bé, trường học sinh miền Nam cũng “thèm”; đó là tính cách cao thượng trung thực. Tôi gửi tiếp mấy bài đã viết cách đây không lâu để BBT biên soạn trên báo của mình.
Mong rằng cái thân thiết, ấm cúng, gắn kết và tự hào của trường Trỗi luôn luôn được nhắc đến một cách gián tiếp, vì đây cũng là nét đẹp trong cuộc sống và tâm hồn mà học sinh Trỗi đã có.
Thanh Trần




Những mẩu chuyện còn nhớ lại
Trong ngôn ngữ Việt có câu “Ngựa non háu đá” rất đúng. Con trai, mồ côi sớm, đi sơ tán các nơi trong thời chiến, mẹ mắc bệnh hiểm nghèo phải đi rất xa và rất lâu để chữa bệnh, các anh và chị lớn đi học ở trường thiếu sinh quân và đi học rồi đi làm…thời gian tự do rất nhiều mà không nghịch ngợm mới lạ! Điều duy nhất mình phải giữ và giữ đến cùng, mà đó cũng là kết quả của sự giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ với đàn con trong gia đình, giữa anh chị em với nhau, đó là danh dự của gia đình. Không để người ngoài động đến tên cha mẹ vì con cái hư hỏng. Nói vậy thôi, đôi khi ranh giới của sự nghịch ngợm và sự hư hỏng cũng chỉ mong manh như sợi chỉ vì mình đã đủ sự kiềm chế đối với cái xấu đâu.
Khi ở cấp II phổ thông, được học lớp chọn có giáo viên giỏi dậy nên còn ngoan học giỏi, may mà được kết nạp vào Đoàn trước khi vào cấp III, vì mấy năm học cấp III là thời kỳ nghịch ngợm và háu đấm đá nhất.
Tuổi học sinh ở Hà Nội
Hà nội khi đó, từ năm 1973 trở đi ở vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, tất nhiên không còn ném bom bắn phá sơ tán như hai đợt trước, như thế đã là thanh bình rồi, nhịp sống đô thị trở lại bình thường như đi làm công sở, nhà máy, học tập, chỉ trừ có việc tuyển quân nhập ngũ là còn nhắc người ta nhớ đến cuộc chiến đang diễn ra ở miền Nam.
Ở các trường cấp III phổ thông, học sinh đang bước từ tuổi thiếu niên sang thanh niên, cuộc sống kinh tế còn rất hạn hẹp, lương cán bộ, công nhân chỉ có từ 36 đến 64 đồng một tháng, lương cán bộ phó phòng mới được 73 đồng, trưởng phòng thì tươm tất hơn là 84 đồng trở lên, nên quần áo giầy dép mới chỉ được bố mẹ mua cho vào đầu năm khai giảng. Con gái bước vào tuổi dậy thì nên xinh đẹp hơn nhiều và có nét làm dáng nhất là khi có bọn con trai, còn bọn con trai thì sức vóc đang lớn, hiếu động và nghịch ngợm. Do vẫn còn trong thời chiến nên “mốt” ăn mặc mang nặng chất lính, áo Đại cán được cả con trai con gái đều rất thích, trang phục sĩ quan mà! Còn “áo bay” được mang từ Liên Xô về thì đó là “xịn” lắm, áo “bay phin” đẹp hơn “bay gỗ”, dép cao su phổ biến ngoài xã hội nên dép “đúc” là đẹp tuyệt vời. Mũ cối bọc vải xanh làm theo dáng của mũ cát ngày trước, nên mũ cối Tầu là sang lắm, có thể ngồi lên mà không bẹp.
Thế nên vào những ngày đầu tiên khai giảng năm học mới, học sinh ăn mặc “diện” đến trường, áo mới, quần mới, dép mới, mũ mới, anh hay chị nào có chiếc đồng hồ đeo tay thì được gọi là “con nhà giầu”! Đó là nhưng vật có giá trị nhất định bán được tiền, nên các nhóm trấn lột cướp giật ở các cửa trường cấp III cũng hay xuất hiện.
Vào lớp 8 là lớp bé nhất của trường, nhưng tôi có vóc người cao nên trông cũng không “lép vế” lắm. Đá bóng hay, đá cầu khéo, hình thức “bắt mắt” nên cũng được gọi là trông nổi trong lớp và trong khối, nhưng dù sao thì vẫn còn non nớt cần phải quan sát để thích nghi dần với môi trường. Những chuyện trấn lột xảy ra ngoài trường như cơm bữa, làm cho chúng tôi phải tụ tập đông để tự vệ. Nhưng lên lớp 9 thì khác rồi! Qua những ngày hè lên Vĩnh Yên với anh Quốc, được anh Phan Nam dạy môn Sơn Đông và anh Phúc Chiến dạy môn Bình Định tôi đã tự tin hẳn vì tự coi mình là đã luyện chính thống võ chứ không còn “nhặt nhạnh” như trước đây. Sẵn sàng đương đầu với bọn ở ngoài đến trấn lột là trạng thái tinh thần mỗi khi đi học, thấy bọn ở ngoài đến trường đứng vật vờ rình rập như đàn chó linh cẩu là cảnh giác, nếu chúng nhẩy bổ vào lớp mình hay vào các lớp khác cùng trường, nhất là các em lớp dưới, là chúng tôi lao vào đánh ngay. Nhóm chúng tôi có Chính “bắp ngô”, Thép “lớn”, Thức “mẩu”, Thiệu “lùn” và được tăng cường thêm Vinh từ trường Chu Văn An về thường xuyên cùng các bạn trai khác trong lớp tự tin đánh nhau, tôi luôn là con chim đầu đàn.
Những trận đánh như thế thường chỉ diễn ra nhanh, bọn đến trấn lột thường đội mũ dạ tá, áo bay, quần ka-ki bộ đội, đi dép nhựa tiền-phong cài quai hay dép cao su bắt chặt chân, đèo nhau bằng xe đạp cũng khoảng trên dưới chục đứa có vẻ “quân khu” (từ “quân khu” dùng để chỉ các khu tập thể quân đội ở như: Nam đồng, Lý Nam Đế, 28 Điện Biên, 1A Hoàng Văn Thụ, K94, con em cán bộ hay tụ tập liên kết và nghịch ngợm). Một lần đang ngồi ở phố Thợ Nhuộm trước giờ vào trường, tôi nghe tiếng gọi “Trung ơi” rồi đã thấy Chính “bắp ngô” đang sàng xê với hai thằng, Thức “mẩu” cũng nhảy vào hỗ trợ Chính, mấy bạn cùng lớp vùng dậy ôm cặp lao vào đập túi bụi, hai thằng trấn lột thấy lớp tôi đông và cùng hợp lực vội bỏ chạy, thì vừa lúc tôi đứng chặn giữa đường, tôi đạp một thằng văng vào chân tường của tòa nhà Câu lạc bộ Giáo dục, xốc cổ nó lên đấm cho hai trái vào bụng cực nặng rồi đưa nó cho một bạn trong lớp giữ, tôi đuổi theo bọn kia để xem có dám nghênh chiến không, tôi đang hăng. Thấy tôi dữ dằn và lớp tôi đoàn kết, bọn nó không dám chiến tiếp. Hỏi ra mới biết là bọn đàn em của Công Bình nhà ở tòa báo Hà Nội! Tôi dằn mặt cấm đến trấn lột ở trường này nhất là khi gặp bọn tôi, rồi cho nó chở đồng bọn đi.
Một lần khác, nhân lúc đang ngồi ở vỉa hè ngã tư Quang Trung - Lý Thường Kiệt chờ tiếng trống trường để vào học, có một em trai lớp 8 đang đứng đá cầu chinh để đôi dép nhựa bên cặp sách thì một thằng thanh niên đi dọc theo hè phố cúi xuống cầm nhanh đôi dép lên và dọa cậu bé. Trông thấy cảnh đó xảy ra không xa chỗ đang ngồi, tôi đứng dậy đi đến. Tay thanh niên kia mặt gườm gườm nhìn tất cả mọi người, miệng vừa chửi bậy, vừa dọa dẫm vừa thánh đố. Không nói một lời, tôi đi vào phóng một đạp vào gối của hắn kèm theo là hai đòn chặt cổ, mũ cối đội trên đầu hắn văng ra. Tôi nhanh tay chộp lấy chiếc cối gọi “Vinh ơi”, vừa nghe tiếng đáp “đây” tôi hất chiếc mũ cối về phía Vinh và lao vào đánh tiếp. Gã thanh niên không cự lại được vội vàng bỏ chạy. Thế là ngoài việc lấy lại đôi dép cho cậu bé, chúng tôi còn có “chiến lợi phẩm”.
Bên cạnh chuyện đánh nhau với bọn trấn lột, còn có những trận đánh với bọn ở ngoài đến đánh học sinh của trường vì lý do trả thù hay mâu thuẫn. Tất nhiên, học sinh ở trường nào cũng có nội quy cấm đánh nhau, thế nhưng nếu bảo vệ học sinh của trường thì lại được, đôi khi còn được tuyên dương! Trường Lý Thường Kiệt hồi đó có Thầy An Văn Thọ là giáo viên dạy môn Chính trị, là bộ đội thời chống Pháp và là thương binh, giọng ồm ồm nên mọi người gọi là Thầy Thọ “khàn”, Thầy phụ trách công tác bảo vệ cờ đỏ. Đánh nhau lần nào tôi cũng “bị” Thầy gọi lên tường trình sự việc rồi khuyên giải đừng đánh nhau nhiều, nhưng trong ánh mắt nghiêm khắc đó luôn luôn có sự khích lệ tôi vì tinh thần quật cường không chịu đè nén và đùm bọc che chở học sinh nhỏ yếu cùng trường.
Trong tất cả những lần đụng độ, không lần nào tôi dùng “đồ” (“đồ” là từ chỉ vũ khí như dao, búa, xích, đoản côn…) vì vẫn được dậy: Quân tử là phải đánh tay không, dùng “đồ” là tiểu nhân! Tất nhiên về mặt nào đó cũng đúng do nêu cao tinh thần thượng võ quân tử, nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh đối phương đông mà đều dùng vũ khí thì rất nguy! Và tôi cũng đã rơi vào hoàn cảnh đó, chuyện này sẽ được nêu sau.
(Còn tiếp)

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tuổi trẻ điên cuồng và dại dột nhưng được hướng dẫn đúng cũng tốt phết!

Nặc danh nói...

Quân đội Philippine có thể thao truyền thống là đấu võ que trúc và đấu dao găm ( tất nhiên là dao gỗ, nhuộm với phấn đỏ và khi tính điểm là những vết phấn trên người đối thủ).
Quân đôi chinese biểu diễn võ thuật bằng những dẫy người dùng tay không chặt vỡ gạch (ừ, thì cứ nói là những hòn gạch thủ thuật đi, nó cũng phải có 1 độ cứng nhất định).
Võ phái shaolin là của những nhà sư trong chùa Shaolin.
Thailand có môn thể thao là quyền Thái, gồm có đấm bốc như quyền Anh, nhưng có thêm cả đá chân nữa. xem trong võ Thái, cách dùng đầu gối và khuỷu tay thật là nghệ thuật.
Người Ấn có môn Yoga, có những người có thể nằm trên những mảnh thủy tinh, chai lọ vỡ, còn để độ 2-3 người dẫm lên, sau đó đứng dậy không hề có 1 vết đứt da thịt.
Người Nhật nói: chúng tôi đi khắp thế giới để học những điều hay nhất về để xây dựng nước chúng tôi.
Vậy người Việt Nam không làm được điều đó sao? không xây dựng được cho mình một môn thể thao sao?
CB

Nặc danh nói...

Thì có cái thứ gọi là VOVINA đó!

HMK6