Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Cơn bão Mặt trời mạnh nhất năm 2013 vừa "phun trào" (ST)


Theo SPACE, vụ phun trào năng lượng Mặt trời này được coi là mạnh nhất từ đầu năm tới nay.
Theo trang SPACE.com đưa tin, một ngọn lửa năng lượng Mặt trời khổng lồ đã phun ra từ bề mặt của Mặt trời vào sáng ngày 13/5 theo giờ Việt Nam. Chưa đầy 24 giờ sau, một vụ nổ mạnh hơn đã xảy ra. Theo các chuyên gia, vụ nổ phun trào năng lượng Mặt trời này được coi là mạnh nhất trong những trường hợp được phát hiện tính từ đầu năm tới nay.
Cụ thể, ngọn lửa đầu tiên giống như một vụ phun trào năng lượng Mặt trời Lớp X1.7, đạt cực đỉnh lúc 2h17' GMT (khoảng 9h17' theo giờ Việt Nam) ngày 13/5.


Bão Mặt trời nổ ra với ngọn lửa năng lượng Mặt trời X1.7.
"Lớp chớp sáng X" dựa trên hệ thống phân loại chia chớp sáng Mặt trời theo sức mạnh của chúng. Những chớp sáng nhỏ nhất (gần cấp nền tảng), sau đó là B, C, M và X. Mỗi ký tự đại diện cho một sự gia tăng gấp 10 lần mức năng lượng. Vì vậy, X (mức độ mạnh nhất của cơn bão năng lượng Mặt trời) gấp 10 lần M (thuộc tầm trung) và 100 lần C (ở mức độ yếu nhất). Trong mỗi lớp ký tự lại có quy định cường độ mạnh dần đi từ 1 tới 9.
Chưa đầy 24 giờ sau đó, Mặt trời bắn ra ngọn lửa X2.8, đạt đỉnh lúc 16h05' GMT (khoảng 23h05' theo giờ Việt Nam) hôm 13/5. Theo cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA), đợt bùng phát thứ hai này hiện là vụ phun trào năng lượng Mặt trời mạnh nhất năm 2013. Cả hai cơn bão Mặt trời này đều được vệ tinh Solar Dynamics Observatory của NASA ghi lại.
Đợt bùng phát này đã tạo ra một làn sóng hạt mang điện tích vào không gian, gọi là sự phun trào nhật hoa (CME). Mặc dù CME không hướng vào Trái đất, những chúng cũng gây ảnh hưởng nhỏ đến các vệ tinh viễn thông.
Nếu nhằm trực tiếp vào Trái đất, cơn bão lửa Mặt trời này có thể gây ảnh hưởng tới các vệ tinh trong quỹ đạo và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc trên mặt đất. Cơn bão Mặt trời mạnh mẽ cũng có thể gây nguy hiểm cho các phi hành sống trên Trạm vũ trụ quốc tế.
Hoạt động năng lượng Mặt trời có chu kỳ 11 năm. Theo tính toán thì năm 2013 sẽ xuất hiện những trận bão Mặt trời lớn.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Không có nhận xét nào: