|
Tổng thống Đức J.Gauck. |
Ngày 23.5 vừa qua đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã tổ chức lể kỉ niệm 150 năm ra đời (1863-2013) tại thành phố Leipzig, cái nôi của đảng này. Trên 1600 khách mời, trong đó có nhiều chính khách Đức, Âu châu và quốc tế, như Thủ tướng Đức A. Merkel, Tổng thống Đức J. Gauck, Tổng thống Pháp F. Hollande, Chủ tịch Quốc hội Âu châu M. Schulz…
Đảng Dân chủ Xã hội là đảng lâu đời nhất của Đức, từ một „Hội của những người lao động“ được thành lập ở Leipzig trước đây 150 năm đã trải qua nhiều thăng trầm. Từ một đảng giai cấp với các chủ trương cực đoan, nhưng những người có trách nhiệm trong đảng đã sớm nhận ra con đường thực tế trong đó Dân chủ và Xã hội là những yếu tố cơ bản để kiến tạo một xã hội nhân bản với công bằng, bình đẳng và hạnh phúc cho mọi công dân. Những biến động chính trị lớn ở Đức, Âu châu và quốc tế cũng đã được các người có trách nhiệm trong SPD sáng tạo ra những chương trình và kế hoạch phù hợp để đưa đảng và nước Đức vượt qua những khó khăn và trở thành một cường quốc kinh tế thứ 4 trên thế giới với chính trị ổn định, nhân dân hạnh phúc. Chế độ dân chủ đa nguyên hiện nay ở Đức đã có sức thuyết phục nhiều nước ở Đông Âu Cộng sản trước đây. Chính vì thế trong diễn văn chào mừng quan khách Chủ tịch đảng SPD S. Gabriel đã nói rằng, đảng SPD không coi các chính đảng khác ở Đức là kẻ thù mà chỉ là đối thủ chính trị, nghĩa là cùng tồn tại nhưng cạnh tranh trong chính trị. Từ sau Thế chiến 2 ngoài đảng SPD còn có đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) thay nhau cầm quyền ở Đức. Các Thủ tướng nổi tiếng của SPD là W. Brandt, H. Schmidt và G. Schröder.
Trong lễ kỉ niệm này Tổng thống Đức J. Gauck đã đọc một diễn văn quan trọng và đặc biệt. Tuy không thuộc một chính đảng nào, nhưng Tổng thống Gauck đã nhấn mạnh tới vai trò cần thiết và quan trọng của các chính đảng dân chủ trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Ông ca ngợi sự sáng suốt và can đảm của SPD, nhưng đồng thời cũng lưu ý các chính đảng dân chủ phải luôn luôn thức tỉnh, biết nghe chỉ trích, can đảm tự phê bình và dám có những quyết định nhiều khi đau đớn cho đảng nhưng nếu nó có lợi cho nhân dân và đất nước. Ông gọi đó là tinh thần ý thức trách nhiệm của những người giữ trọng trách trong đảng.
Tổng thống J. Gauck đã đưa ra quan điểm thẳng thắn trên có lẽ bắt nguồn từ ngay con người của ông. Trước đây khi còn là Mục sư Tin lành ở Đông Đức Cộng sản, ông đã từng lên tiếng bênh vực những người chống đối chế độ toàn trị và sau đó tham gia „Diễn đàn mới“ của phong trào đòi dân chủ ở Đông Đức vào cuối thập niên 80. Sau khi Đức thống nhất ông là Giám đốc đầu tiên của trung tâm trữ liệu các tài liệu liên quan tới các hoạt động của Cơ quan An ninh mật vụ Đông Đức cũ. Đây là một bộ máy tương tự như cơ quan mật vụ KGP của cựu Liên xô, chuyên đàn áp và giam giữ những người khác chính kiến. Cùng với nhiều chính khách và cả các cựu tù chính trị ở Đông Âu, ông Gauck đã cùng kí tên trong „Tuyên ngôn về tội ác của chủ nghĩa Cộng sản“. Từ tháng 3. 2012 ông J. Gauck được bầu làm Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức.
Dưới đây là bản lược dịch diễn văn của Tổng thống J. Gauck tại lễ kỉ niệm 150 năm thành lập đảng Dân chủ Xã hội ngày 23.5.2013. Các phần trong […] là ghi chú bổ túc của người dịch.
*
Một dịp hiếm có và với niềm tự hào đã đưa chúng ta gặp nhau ngày hôm nay: Đảng Dân chủ Xã hội Đức kỷ niệm Sinh nhật 150 năm. Không có một chính đảng nào đã có thể tồn tại lâu như vậy, mặc dầu những đòi hỏi căn bản của nó đã và vẫn giữ nguyên tính thời sự: quyền tự do, công bằng xã hội và dự phần tham gia chính trị.
Đây là ngày kỉ niệm của chính đảng lâu đời nhất ở Đức. Nó cũng là một ngày hội của cuộc đấu tranh ở Âu châu cho Tự do và Dân chủ. Nó cũng là một lịch sử của những chiến thắng và thất bại, với những cuộc chiến tranh khủng khiếp và tàn bạo, cùng với nổi dậy và kháng cự. Đặc biệt với nhận thức rằng, các xã hội đều có thể thay đổi, dân chủ cũng đạt tới, nếu chúng ta biết những giá trị nào chúng ta muốn kiến tạo cho xã hội, hoặc bảo vệ và tranh đấu, và nếu chúng ta có đủ can đảm để vượt qua những trở ngại.
Có những lúc phải tự an ủi trước những cảm giác bất lực, như thế để hiểu cho chính mỗi người chúng ta và cả các chính đảng, và như thế cũng để biết nắm bắt những diễn biến mới. Nhiều nam nữ đảng viên Dân chủ Xã hội cũng đã từng trải qua như thế trong quyết tâm hành động trong quá khứ đầy biến động của đảng mình. Họ đã xả thân cho niềm tin của mình: Vì sự thăng tiến, sự công nhận của xã hội và sự tồn tại của chính mình. Nhiều người đã hi sinh cả cuộc sống của họ.
Đây là di chúc để lại của những người dũng cảm, vì vậy không nên coi dịp kỷ niệm này chỉ là „nơi tưởng niệm“. Chúng ta hãy tự vấn về những nhiệm vụ tương lai của chúng ta, chúng ta tự hỏi, trong bối cảnh của ngày hôm nay thì cụm từ „Tiến lên“ [Một trong những khẩu hiệu chính của SPD trong suốt 150 năm qua] thời trước đây còn có ý nghĩa như thế nào?
Xin Quí vị hãy để tôi bắt đầu vào năm 1863, với đói nghèo và bóc lột, trong điều kiện làm việc khi ấy, như chúng ta biết hiện nay chỉ có trong một số nước đang phát triển và chúng ta đang chỉ trích. Nhưng đó chính là cuộc sống thê thảm hàng ngày của hàng triệu người Đức khi ấy. Nên có phản ứng ra sao trước tình hình này để tạo nên sức mạnh phản kháng?: Nên có cuộc nổi dậy, rồi cách mạng và thiết lập một chế độ mới cho những người từng là bị trị? Đó có thể là một chọn lựa dễ hiểu. Nhưng Ferdinand Lassalle [Chủ tịch đảng đầu tiên của SPD], người đã từng trải qua cuộc cách mạng năm 1848 ở tỉnh Rhein, tìm ra một câu trả lời để đối phó với nghèo đói và thiếu tự do. Chúng ta nghe giải pháp của ông – Thay đổi xã hội thông qua giải phóng chính trị với sự tham gia của đông đảo quần chúng. Trong đó đi đầu phải là giáo dục, cưỡng bách học đường với mọi người, các tổ chức huấn nghệ cho người lao động để tạo cơ hội thăng tiến nhờ kiến thức. Như thế sự giải phóng được thực hiện thông qua cách giành quyền một cách chắc chắn và thông qua cả bằng việc tự trao quyền – . Đây là phương pháp mang tính cách mạng trước đây 150 năm, nhưng nó vẫn còn nguyên giá trị cho ngày nay.
Tất nhiên trong giai đoạn thành lập đảng Dân chủ Xã hội thì cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng của người lao động bị áp bức được xếp hàng đầu. Chương trình Eisenach năm 1869 đặt trọng tâm vào bầu cử tự do, phổ quát và bình đẳng, không phân biệt nguồn gốc của cử tri, việc cấm lao động trẻ em và sự độc lập của tòa án.
Trong cuộc đấu tranh nội bộ lâu dài của đảng lập trường chung đã đạt được là, không thiết lập ưu dãi giai cấp, bất bình đẳng không nên thay thế bằng bất bình đẳng mới. Eduard Bernstein, lí thuyết gia quan trọng và lâu của SPD, gọi Dân chủ sau 35 năm thành lập đảng của Lassalle là “phương tiện và mục tiêu cùng là một.” Đối với tôi, sự hiểu biết chính trị mới này thực sự là một trong những thành tích lịch sử lớn nhất của đảng ông. Chính đảng Dân chủ Xã hội đã biết kết hợp sớm, nhanh chóng và mạnh mẽ một phần quan trọng của lực lượng công nhân và phong trào xã hội chủ nghĩa ở Đức với dân chủ. Cũng chính SPD đã dựa trên cải cách chứ không phải là cách mạng. Và cũng chính SPD đã kiên tâm và cuối cũng đã thành công vạch ra con đường đấu tranh chiếm được đa số, từng bước cải thiện cuộc sống của người dân một cách cụ thể, chứ không đưa ra những mục tiêu không tưởng xa vời.
Phong trào Cộng sản Thế giới đã quyết định khác – nhưng tất yếu đã dẫn tới những hậu quả khốc hại. Nó tạo ra một giai cấp mới của những người cai trị để thay thế giai cấp cũ nay không còn quyền lực. Ở đó những người lao động uổng công chờ đợi tự do, công bằng xã hội và hạnh phúc!
Chính vì vậy ngày nay chúng ta càng thấy cần vinh danh các phương pháp cải cách của đảng Dân chủ Xã hội. Chúng ta cảm ơn họ nhiều thứ, đặc biệt về đạo luật bảo vệ lao động lần đầu tiên và quyền bầu cử của phụ nữ. Nền dân chủ đầu tiên của Đức, Cộng hòa Weimar, có lẽ đã không thành hình nếu những đảng viên Dân chủ Xã hội dưới sự lãnh đạo của Friedrich Ebert và Philipp Scheidemann không đủ can đảm hợp tác chính trị với các lực lượng ôn hòa của các chính đảng tư sản. Đặc biệt là các đảng viên Dân chủ Xã hội đã từ lâu dũng cảm bảo vệ nền dân chủ này hơn hầu hết những người Dân chủ khác. Những đảng viên Dân chủ Xã hội đã giữ vững lí tưởng tự do, công bằng, đoàn kết và quyết tâm chống lại những ai đi ngược với tự do và cổ võ chiến tranh.
Không thể nào quên diễn văn của Otto Wels ngày 23.3.1933, khi Đức quốc xã đã cầm tù nhiều người đối lập và buộc phải di cư. „Người ta có thể tước tự do và sinh mạng của chúng tôi, nhưng không thể tước đoạt được danh dự của chúng tôi“: Đó là – như Peter Struck từng miêu tả – „Bài phát biểu dũng cảm nhất đã được tuyên bố trong Quốc hội Đức.“
Chúng ta muốn lưu ý việc này. Vào thời điểm đó 94 đại biểu Quốc hội của SPD đã bỏ phiếu chống Đạo luật gọi là „Trao toàn quyền“ không chỉ cứu danh dự của chính họ, nhưng còn cứu danh dự cho cả nền dân chủ đầu tiên của Đức. Họ đã cống hiến cho chúng ta – tất cả người Đức – một phần của lịch sử dân chủ can trường, đối nghịch với tội lỗi và xấu hổ. Đây là một kinh nghiệm quý báu cho thấy, mọi người thậm chí có thể trung thành với các giá trị của họ, nếu một khi họ bị chế nhạo, bị làm nhục và bị ngược đãi. Ngày hôm nay chúng ta chân thành cảm ơn sự dũng cảm của họ.
Trong số những người này có Kurt Schumacher, một trong những đại biểu Quốc hội đã chống lại cái gọi là “Đạo luật trao toàn quyền”.Sau mười năm tù trong trại tập trung, sau chiến tranh [Thế chiến 2] ông đã chống lại việc đòi những người Dân chủ Xã hội cùng với những người Cộng sản đứng chung trong một đảng những người lao động. Vì ông đã nhận ra rằng, Đảng Cộng sản Đức – lời của ông – “không phải là một đảng giai cấp của Đức, nhưng là một đảng của nước ngoài”. Ở Đông Đức một SPD tự chủ thực sự mới có thể tái xuất hiện từ sau năm 1989. Tôi vô cùng biết ơn việc này.
Ngược lại, ở Tây Đức SPD cùng với những người bảo thủ và tự do đã nắm phần quyết định trong việc đảm bảo rằng, Cộng hòa Liên bang Đức trở thành Nhà nước liên bang hoạt động hữu hiệu, hợp pháp, “dân chủ và xã hội” – theo như qui định của Hiến pháp chúng ta, một văn kiện, như tất cả chúng ta biết, cũng được khai sinh vào ngày 23.5.
Vào những ngày như hôm nay chúng ta cần ý thức rằng, nền dân chủ của chúng ta khá ổn định, nhưng đôi khi cũng giao động như chuyện của các cánh trong các chính đảng. SPD không thể chỉ nhìn lại những truyền thống lâu đời nhất của những đảng ở Đức. Nó cũng đã phải trải qua thay đổi nội bộ sâu sắc nhất. Vì SPD hôm nay thực sự không còn là đảng của giai cấp nữa. Nó đã phát triển trong quá trình học tập lâu dài và khó khăn để trở thành một đảng của đại chúng. Chương trình Godesberg năm 1959 đã minh chứng, củng cố và thúc đẩy sự thay đổi này.
Các thành quả của SPD ở Cộng hòa Liên bang Đức hiện ra trước mắt chúng ta. Tôi đơn cử cuộc cải cách xã hội của những năm 70 dưới thời Willy Brandt, tôi đơn cử giai đoạn đầu nhiều sáng tạo của Ostpolitik [Chính sách hướng Đông – „sách lược tiếp cận để thay đổi“ các chế độ toàn trị ở Liên xô và Đông Âu], nó tạo cơ hội mở cửa với Đông Đức và các nước láng giềng khác ở Đông Âu và nhờ đó Bức màn sắt đã bị tan vỡ.
Bộ phim [chiếu trong buổi lễ này] cũng đã cho chúng ta thấy ảnh hưởng của các Thủ tướng Helmut Schmidt và Gerhard Schröder, cả hai vị đều có mặt hôm nay cùng với chúng ta. Thành công của SPD tạo dựng cho Cộng hòa Liên bang Đức gắn bó chặt chẽ với thời kì đảng này cầm quyền.
Trọng tâm của vấn đề Dân chủ Xã hội vẫn tồn tại nguyên vẹn trong 150 năm: xã hội đoàn kết, trong đó dân chủ không ngừng được nâng cao. Nhưng trong thế giới thay đổi của ngày hôm nay, nó tạo ra những thách đố mới cho SPD cũng như cho tất cả các chính đảng khác. Trong đó bao gồm trung tâm là, các chính đảng luôn luôn phải là một phần của xã hội công dân dấn thân và sau đó có thể tạo những sự liên kết đáng tin cậy cho một kế hoạch chính trị toàn diện.
Nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi vì trong những năm gần đây chúng ta đã thấy nhiều phong trào phản đối mang tính cực đoan hơn cả của các chính đảng đại chúng – thường tập trung chỉ vào một vấn đề – cũng có thể trở thành đối thủ của các chính đảng. Các phong trào phản đối này đã cho thấy, ý chí của nhiều công dân muốn có tiếng nói của mình. Tôi hoan nghênh và ủng hộ việc này. Các chính đảng không nên sợ hãi trước sự kiện này, trái lại nên hiểu các hình thức tham gia như thế có thể coi như là một hệ thống cảnh báo sớm để các chính đảng luôn luôn thích ứng với tình hình. Đồng thời các hình thức tham gia mới cũng cần cho chính ngay cả các chính đảng, để từ đó những sự thôi thúc của nó giúp tìm ra hướng đi cho sinh hoạt hàng ngày của một nền dân chủ đại nghị. Tóm lại: Những phương thức tham gia mới là một bổ sung quan trọng, nhưng nó không thể thay thế cho nền dân chủ đại nghị.
Chúng ta hãy nhìn vào đó một lần nữa – việc này trở nên rõ ràng trong vấn đề: Các nhóm công dân đại diện quyền lợi – phần lớn là chính đáng- chỉ cho một thành phần, trong khi ấy các đảng chính trị lại phải hướng tới bao quát hơn để giữ được cái nhìn toàn diện. Đôi khi các chính đảng đã thành công thậm chí dám thử thách cả cử tri của mình xuyên qua các quyết định ngược với đường lối hiện nay hoặc trái với quyền lợi ngắn hạn của đảng. Tôi hiểu, những việc như thế thường không được ưa thích trong một đảng. Nhưng chúng ta đã chứng nghiệm: Chính những quyết định như vậy nhiều khi lại là những quyết định có tinh thần trách nhiệm cho toàn bộ đất nước!
Hôm nay tôi xin chúc mừng SPD nhân dịp 150 năm ra đời. Tôi nói lời cảm ơn và đánh giá cao tất cả những người đã chiến đấu trong 150 năm cho tự do, công bằng và đoàn kết và nhờ đó đã cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.
Tôi kết nối sự cám ơn với SPD cùng với sự đánh giá cao của tôi tới tất cả những ai đang hoạt động trong các đảng dân chủ vì lợi ích chung của chúng ta – cho dù trong các hội địa phương hoặc trong bình diện chính trị châu Âu, cho dù tình nguyện hoặc làm toàn thời gian. Việc đóng góp của họ góp phần vào sự thành công của nền dân chủ của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi chúc mừng tất cả chúng ta – vì rằng, chúng ta có các chính đảng dân chủ. Các chính đảng này cũng như con người có thiếu sót và không hoàn hảo và do đó nên biết học tập, biết nghe các chỉ trích và tự phê bình. Các đảng dân chủ của chúng ta đã luôn luôn rất cần thiết cho sinh hoạt dân chủ của chúng ta và nó cũng sẽ không thể thiếu trong tương lai. Trong ý nghĩa này: Chân thành chúc mừng ngày Sinh nhật!
|
1 nhận xét:
Kỷ niệm 150 năm thành lập Đảng SPD ( Đức), trưởng đoàn đại biểu Đảng CSVN sang dự là ông Trần Bình Quân- Trưởng ban đối ngoại TW Đảng và nhiều thành viên trong đoàn .
Đăng nhận xét