Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Vài điều biết về Thủ trưởng cũ của mình (Trần Đình Ngân, Berlin)

 (Chuyện những 40-50 năm trước, không tránh khỏi chỗ nhớ, chỗ quên, xin lượng thứ!)

Anh Lê Phương Cảo,  kháng chiến chống Pháp đã có thời làm việc trong nhóm thư ký cho tướng Trần Đăng Ninh. Năm 1958  được phong hàm Đại úy.  Năm 1963 sau thời gian học Văn hóa và Nga văn tại Kiến an, anh  là trưởng đoàn  lưu học sinh quân sự tai Học viện Tên lửa-Phòng không Kiep ( Đại úy Đỗ Hữu là bí thư, chính trị viên, với các anh Thanh Hoa, Lâm Quang Phụng, Trần Thâm, … ).


Năm 1964, từ Liên Xô về nghỉ Hè và dự  chỉnh huấn chống xét lại ( Nghị quyết 9 ), đại úy  học lớp Trung văn tại Trường Văn hóa quân đội Lạng sơn (10-1964 ). Lớp Trung văn rất vui, vì  học viên trong lớp trẻ gìa, cán bộ úy tá  và chiến sỹ đều cùng là học viên đang học dở từ  các học viện, nhà trường Quân sự Liên xô bị gọi về như Học viện xe tăng Mockva,  Cao đẳng pháo binh Penza,  Hoá học QS-Mat, Hải quân Bacu, Tên lửa- Phòng không Kiep, Thông tin Leningrat, Không quân Guikov, Biên phòng Minck…
Giữa khóa học có đêm vui  liên hoan văn nghệ nhân kỷ niệm 22-12.  Màn vũ kịch mà lớp Trung văn 20  đảm nhiệm có tôi ( vừa được phong quân hàm từ  binh nhì lên trung sỹ ) là       “ trợ lý đạo diễn „.  Cả lớp cùng góp ý xây dựng tiết mục nhưng các diễn viên chính là  Đại úy Cảo vai khổ tù Sơn La, Thiếu tá Thái vai sỹ quan cai tù Pháp và nhiều anh em trong  lớp tham gia các vai phụ họa, quần chúng.
Màn kịch vừa bắt đầu thì sẩy ra chuyện vui cười ra nước mắt.  Anh Cảo và 5-6 sỹ quan khác có dáng người nhỏ thấp nên đóng vai tù nhân Cộng sản bị địch bắt. Tù nhân đang làm khổ sai nên  cởi trần mặc quần đùi, một sợi xích dài xích đoàn tù thành hàng ( do các anh  mới từ Liên xô về, còn béo tốt nên đạo diễn cho bôi nhọ nồi trên lưng giả giơ xương gầy còm, ốm yếu )! Thiếu tá Nguyễn công Thái phong cách oai vệ, tay cầm dùi cui, quát tháo đánh đập tù nhân …« Sơn La âm u ...đồi núi nhấp nhô…đoàn quân hùng trong lao tù“…  
Hàng  tù nhân lom khom từ cánh gà đi ra trong tiếng hát đệm của dàn đồng ca và cả tiếng violon réo rắt của nghệ sỹ Cao Bình.                               
Hội trường gần nghìn người im phăng phắc.
Cai ngục Thái nhập vai qúa  đạt. Anh khệnh khạng theo nhịp bài hát,  vung roi quất thật lực lên lưng đám khổ sai!  Bị đau thật sự, tù nhân Cảo oằn lưng quay lại :             
 - Đóng kịch  mà ?  Đánh đ. gì mà đánh đau thế ?.. Cai tù Công Thái bừng tỉnh, anh cúi xuống nhìn bạn không biết cười hay mếu!
Hội trường đang im lặng do bị tiết mục hút hồn, bật vang lên tiếng nói cười  náo động.

 Thời gian đó, các anh thuộc Học viện phòng không Kiep  nhận được thư của cô giáo tiếng Nga từ Liên xô gửi sang . Cô giáo thăm hỏi cả lớp và do không  biết   việc các Học viên của mình bị giữ lại ở Việt nam,  không  sang học tiếp  nữa, cô  lo lắng cho các bài khóa tiếng Nga bị lãng quên.  Cô mong thầy trò sẽ sớm gặp mặt nhau trên giảng đường… . Cảm kích trước tình cảm  của cô giáo gìa, với lòng kính trọng và biết ơn, cả lớp đã cử lớp trưởng  Cảo thay mặt anh em viết thư trả lời( bằng tiếng Nga ) an ủi cô giáo.  Các anh cũng không quên kể để cô biết, từ 5-8-1964 cuộc chiến tranh chống Mỹ đã lan ra trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Học viên của cô là những người lính phòng không nên lúc này  vị trí của họ là ngoài mặt trận!

Không biết lệnh từ đâu nhưng mọi  thư  viết đi, gửi đến cho anh em học viên chúng tôi  từ Liên xô về đều bị kiểm duyệt ở cấp chính trị viên đại đội !  ( Cán bộ khung của trường Văn hóa QĐ khi đó là những sỹ quan sơ cấp được điều từ các đoàn thu dung  chiến trường miền Nam!  nhiều người chỉ có trình độ văn hóa lớp5, lớp 7, 100% không biết tiếng Nga.  Tất cả mọi người sau đợt chỉnh huấn chống chủ nghĩa xét lại Liên xô đều có nhận thức chung  cho rằng cứ dính đến Liên xô là có dính đến xét lại!) … Chính trị viên khung của lớp là trung úy Phùng văn Tằng ( người dân tộc Thái)  sau khi kiểm duyệt thư của Đại úy Cảo, anh ta đã có  báo cáo lên trên : Đai úy Lê Phương Cảo vẫn còn có liên hệ với xét lại Liênxô-Bằng chứng là lá thư viết gửi cho một phụ nữ Nga có tên là  Irina Patranova! .
Không biết việc xét xử sau đó ở cấp cao hơn thế nào ( không ai được giải thích! ) nhưng việc đi học tiếp  của anh Cảo bị đình lại. Bốn tháng sau, trong lúc anh em trong lớp Trung văn lần lượt về lại Hà Nội nhận hộ chiếu đi học tiếp chuyên ngành tại Trung Quốc thi Đại úy Cảo  bị điều về  phụ trách  nhóm  đào hầm phòng không cho một xưởng Quân giới tại Yên bái dưới sự giám sát của trung úy Đỗ văn Thọ ( Anh Thọ sau này do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã được chính anh Cảo giúp đỡ tận tình bằng cách nhận cả hai vợ chồng về  làm giáo viên công nghệ của HVKTQS ) !

Tháng 2-1968 Đại úy Lê Phương Cảo có quyết định  về Phân hiệu 2 ĐHBK làm cán bộ khung. Tháng 7-1968, sau khi học xong tôi về nước và  một lần nữa trở thành cấp dưới của Đại úy.
Thủ trưởng Cảo đang là chủ nhiệm khoa Cơ điện, khi đó Phân hiệu 2 đã tách ra thành Đại học kỹ thuật Quân sự,  ông có quyết định phong  hàm thiếu tá. Trong căn  lán trại dưới bóng một cụm  vầu lớn giữa rừng Tuyên Quang, trong tiếng cười vui của lớp giáo viên trẻ  chúng tôi khi Thủ trưởng  được phong hàm mới ( ông  mời chúng tôi mấy phong kẹo lạc và gói chè Hồng đào phân phối từ  cangtin coi như là khao ), Anh Cảo vừa giót nước pha chè, vừa  nhẹ nhõm tâm sự :   "Mười  năm một cấp cũng sốt ruột! nhưng đâu đã phải là dài !!!"
                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  
                                                                                                 Viết tại Berlin gửi đăng BT5


 
Bác Lê Phương Cảo (đội mũ) trong buổi gặp mặt nhân hôn lễ của cháu Trần Đình Quân (con trai  Trần Đình Ngân). Quây quần bên Bác Cảo là các anh Đinh Bá Trụ, Vũ Quốc Hùng Nguyễn Viết Tiến, Phạm Ngọc Việt, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Thanh Chiêu, Nguyễn Văn Thàng, vợ chồng cháu Quân và chị Điềm (vợ anh Ngân). Xa xa hàng đứng nhìn thấy Nguyễn Mạnh Kính, Dương Minh Đức, Trần Kiến Quốc .

                           







1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ông còn được nhà văn Hà Phạm Phú viết 1 bài trong Văn nghệ QĐ với cái tên Cao Hỏi.