Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Lạ lùng chuyện tìm mộ vợ cố TGĐ Ngân hàng VN Tạ Hoàng Cơ (ST: Trần Đình)


Di ảnh cố Tổng giám đốc NHNN Việt Nam 
Tạ Hoàng Cơ 
và cụ bà Nguyễn Thị Thọ.


Người trong nhà cố Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Tạ Hoàng Cơ nói rằng, chuyện tìm mộ của gia đình mình cũng có nhiều điều lạ lùng không thể nào lý giải được.

1. Đại tá Tạ Hoàng Bùi, nguyên Trưởng phòng Quân huấn Bộ Tư lệnh Công binh, là con trai út trong gia đình có 5 người con của cụ Tạ Hoàng Cơ, chờ tôi ở nhà riêng trong một con phố gần Công viên Nghĩa Tân, Hà Nội.
Cụ Tạ Hoàng Cơ sinh ngày 22/12/1911, là một trong những người nắm cương vị lãnh đạo lâu nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong số 14 đời kể từ thời Tổng giám đốc đầu tiên Nguyễn Lương Bằng cho tới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình đương nhiệm hiện nay: hơn 10 năm trời. Ngày 2/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 12-LCT bổ nhiệm Tạ Hoàng Cơ làm quyền Tổng giám đốc, từ tháng 8/1964 cụ chính thức trở thành Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giữ cương vị đó tới tận năm 1974.


Vốn là một đảng viên từ năm 1930, ông cụ nổi tiếng là một người liêm khiết. Nghe đâu, bà vợ của một đồng chí Phó tổng giám đốc dưới quyền, trong một bận thanh lý tiền cũ có nhầm lẫn chi đó ít đồng bạc vụn. Thời ấy, tham nhũng có chăng chỉ là thứ tơ hào vặt vãnh như thế thôi nhưng mà được xử lý nghiêm lắm, đến vị đứng đầu ngành là Tạ Hoàng Cơ cũng bị liên đới nặng. 
Theo lời ông Trương Đình Song - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ Tạ Hoàng Cơ ở nhà tập thể trên tầng 3 khu tập thể Kim Liên cho đến tận lúc cuối đời. Đó là một căn phòng trần nhà chỉ cao cỡ 2,5-2,7m, chẳng rộng rãi gì. Còn gia đình kể lại rằng, vị khách cuối cùng mà cụ Tạ Hoàng Cơ tiếp trên giường bệnh tại nhà riêng là cụ Đỗ Mười. Không rõ hai người nói chuyện riêng với nhau những gì, nhưng sau đó một ngày thì cụ Tạ Hoàng Cơ thanh thản ra đi. Hôm ấy là ngày 29/4/1996, tức ngày 11 tháng 3 âm lịch, sau giỗ tổ Hùng Vương một ngày.
Lúc trăng trối, cụ Tạ Hoàng Cơ dặn lại các con rằng, phải tìm cho ra được mộ vợ mình là cụ bà Nguyễn Thị Thọ. Bà sinh năm 1917, vốn cùng chồng hoạt động ở Ban Tài chính Liên khu 3 ở Hà Nội. Khi Hà Nội khởi nghĩa, các cơ quan sơ tán ra ngoài, bà về hoạt động ở Khu Cháy, Đồng Vàng ở mạn Hà Nam, giờ là thị trấn Kiện Khê. Cuối năm 1950, bà ốm nặng. Em bà cùng hoạt động cách mạng, biết tin chị ốm về thăm, nhưng vừa đi khỏi thì chị mất. Cụ Tạ Hoàng Cơ nghe tin vợ ốm nặng, lặn lội đi bộ từ Việt Bắc về, nhưng về đến nơi thì vợ không còn nữa. Nơi ấy hoang sơ, chỉ có mỗi một cái nhà thờ Kiện Khê là đáng nhớ, cách thị xã Phủ Lý quãng 10km, nhà thờ hai tháp chuông xây bằng gạch đỏ từ cuối thế kỷ 19 nhưng vẫn vững chãi tới tận bây giờ.
Vốn là dòng dõi nhà nho ở làng Nội Am, tổng Ninh Xá, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, nên những ngày cuối đời cụ Tạ Hoàng Cơ ghi chép lại cẩn thận các dữ kiện về gia phả cũng như các sự kiện chính của đời mình và giao cho con út Tạ Hoàng Bùi bảo quản. Ông cụ viết về vợ, vắn tắt như sau: “Bà sinh năm Đinh Tỵ 1917, là con gái cụ Nguyễn Sinh, quê gốc làng Vũ Trung, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cụ làm công chức ngành Thương - Chính hồi thuộc Pháp. Không rõ gia đình rời ra Hà Nội năm nào. Bà Thọ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hai ông anh lớn không cùng chính kiến với bà Thọ.
Nghe nói khi kháng chiến chống Pháp, ông anh cả có sơ tán ít lâu, khi giặc Pháp đánh tới quê thì ông theo Pháp về Hà Nội; gần đây được biết đã rời cả gia đình sang ở bên Mỹ, trừ một con trai có đi dự lớp cải tạo là còn ở ta. Khoảng năm 1942 tới ngày toàn quốc kháng chiến, bà Thọ ở ngõ Chợ Mơ (Bạch Mai), làm nghề in, đóng sách và đan len để nuôi mẹ. Khi có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, bà cùng các anh chị em như Lê Uy Vệ, Vũ Văn Quý… tham gia dạy chữ ở các lớp học ban đêm tại Đình Đại (Bạch Mai), sau mở rộng tới các làng lân cận, có về mở lớp ở làng Hạ Thái (Thanh Trì); ở nội thành có mở lớp ở vùng chợ Hôm, phố Huế…
Năm 1944, bà đã có liên hệ với tổ chức Phụ nữ Cứu quốc cùng nhóm bà Trinh (sau kết hôn với đồng chí Nguyễn Lương Bằng). Bà thường trao đổi báo Cờ giải phóng và các tài liệu của Đảng với nhóm cứu quốc Tô Hoàng, sang năm 1945 bà chính thức chuyển về hoạt động cùng nhóm Bạch Mai. Từ sau ngày 9/3/1945, bà liên tục tham gia các cuộc tuyên truyền xung phong, trương cờ Mặt trận, diễn thuyết ở nhiều nơi như Hạ Trì, Thanh Trì, Thường Tín… Ngày 18/8/1945, bà mang cờ trong người, tham gia cướp chính quyền ở huyện Thường Tín. Ngày 19/8/1945, bà huy động cả nhóm Phụ nữ Cứu quốc và các chị em có cảm tình tham gia biểu tình cướp chính quyền thành phố Hà Nội. Tháng 10-1945, bà trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công phụ trách tổ chức phụ nữ trong toàn khu Bạch Mai.
Từ năm 1947 đến 1949 bà công tác ở Ban Tổng quản lý thuộc Ủy ban Kháng chiến hành chính khu 11, tức Đặc khu Hà Nội. Bà phụ trách bộ phận may quần áo, sau bà sang bộ phận sản xuất thủy tinh, làm các ống đựng thuốc tiêm và các đồ dân dụng do khu tổ chức.
Bà mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ, sau thành suy tim. Tháng 9/1950, bệnh lại tái phát, bà phải đi điều trị ở Trạm an dưỡng của Đảng bộ Liên khu II ở Sở Kiện. Khi bà đến nằm bệnh xá, các anh chị em xưởng thủy tinh thường xuyên cử người đến săn sóc, các bác sĩ hết lòng điều trị, nhưng vì bệnh tim quá nặng, chữa mãi không giảm, tới ngày 15-11-1950 bà trút hơi thở cuối cùng. Nhà an dưỡng mai táng bà ở thôn Kiện Khê. Bà hưởng thọ 33 tuổi”.

Gia đình anh Tạ Hoàng Bùi bên mộ mẹ, được xây cất ngay sau khi tìm thấy (ảnh tư liệu gia đình).

"Tìm như thế nào, xin xem hồi sau sẽ rõ".

Không có nhận xét nào: