Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Chiều nghĩa trang (Quang Việt)

Hôm 26/7 mình đi viếng mộ bố ở NTLS Nhổn, gặp cụ già đi viếng con trai. Nói chuyện với cụ và về viết nên những dòng này:

Chiều nghĩa trang
Mẹ già tóc bạc phơ,
Lưng còng
Tay chống gậy,
Những bước chân lẩy bẩy,
Đi giữa hai hàng mộ nghĩa trang.
Mẹ đi thăm mộ con,
Đứa con trai cưng của mẹ.
Mẹ thương nó
Mố côi bố từ tấm bé,
Lớn lên nào đã biết mặt cha.
Ngày ông ấy đi xa,
Cu cậu vẫn còn ẵm ngửa.
Mẹ nuốt nước mắt vào lòng, tần tảo nuôi con.
Đến ngày lớn khôn,
Nó nằng nặc đòi đi bộ đội.
Mẹ nhớ như in những lời nó nói:
“ Con phải đi trả thù cho cha”.
Dù trong bụng xót xa,
Nhưng làm sao ngăn
Chí trai của nó!
Bây giờ cu cậu đang nằm đó,
Dưới nấm mồ
Lặng im….
Xung quanh là đồng đội kề bên,
Vẫn hàng lối chỉnh nghiêm,
Thẳng dọc, bằng ngang,
Như duyệt binh thưở trước.
Vì dân, vì nước,
Chúng đã dâng cả tuổi thanh xuân.

Mẹ già lưng còng,
Tóc bạc bay theo gió,
Tay run run
Cắm những bông hoa vào lọ.
Và thắp những nén nhang.

Nước mắt lăn dài
Trên gò má
Đầy những nếp nhăn .
Thầm thì mẹ khấn:
” Con yêu ơi”,
“Đợi thêm một  chút,”
“Rồi mẹ con mình lại gặp”,
“Mẹ lại ru con như tự thưở nào”.
“Ngủ yên nhé con trai thân yêu”

Bóng mẹ liêu siêu trong ánh nắng chiều.
                                   QV - 27/7/2013

5 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Những vần thơ xúc động từ đáy lòng của người con LS. Có phải ai cũng sẻ chia được nỗi đau ấy.

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Đúng vậy.Thật cảm động.

Tô Lan Hương nói...

Đây là bài thơ gây xúc động nhất của chú Quang Việt mà cháu được đọc. Cháu thấy ứa nước mắt vì thương xót! Có lần cháu nhìn thấy bức ảnh bà mẹ Việt Nam ngồi thẫn thờ nhìn những bằng khen của người con liệt sĩ - những tấm bằng khen đã rách nát vì mối mọt. Cháu đã nghẹn giọng một lúc lâu khi nhìn bức ảnh đó. Chẳng cần nói gì nhiều. Chỉ 1 bức ảnh đó thôi, là đủ để ta ám ảnh

QV nói...

Bố chú hy sinh cũng hy sinh khi chú mới được 6 tháng tuổi TLH à. Chú thấy bà cụ ấy giống bà nội chú ngày xưa quá.

Nặc danh nói...

Bài thơ cảm động quá! Nhưng tác giả là Quang Việt nào? Quang Việt (Bắc bu) thì có thấy làm thơ bao giờ đâu?