Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

CÔ GIÁO TÔI (Chu Kì Minh)

Lớp mẫu giáo năm xưa gặp lại cô Hòa.
            Vào buổi chiều mùa đông đầu tháng 11 đột nhiên chuông điện thoại của tôi kêu vang, thì hóa ra đấy là một tin nhắn của người bạn đồng môn từ hồi còn học mẫu giáo trên Việt Bắc “Minh ơi cô Hòa mất rồi, tang lễ sẽ cử hành vào…ngày… tại Viện Quân Y 108…” tôi bàng hoàng, rụng rời chân tay, những dòng chữ trong máy điện thoại như nhẩy múa trước mắt và không nghĩ rằng điều đó lại là sự thật. Đã đành Sinh – Lão – Bệnh – Tử là qui luật của muôn đời, rồi ai cũng phải đến với giai đoạn ấy, nhưng tại sao với cô nó lại đến nhanh và phũ phàng đến như vậy. Cách đây 3 hôm khi cô từ bệnh viện về tôi vừa mới ghé thăm cô, cô yếu và gầy lắm, nhưng cô vẫn tỉnh táo, vẫn nhận ra tôi. Tôi hỏi cô có nhận ra con không? Cô còn nói:  mày là thằng Minh, em thằng Thanh. Thế mà hôm nay thì…không còn nữa.


 Trại trẻ của chúng tôi được thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1951 theo gợi ý của Bác Hồ với cơ quan Bộ Quốc Phòng và giao cho Tổng Cục Hậu Cần (lúc bấy giờ là Tổng cục cung cấp) thành lập, chiêu sinh và đảm nhiệm dậy dỗ khoảng 100 cháu, con của các đồng chí cán bộ, bộ đội đang công tác tại các cơ quan Bộ Quốc Phòng. Trại của chúng tôi nằm im lìm giữa rừng già Việt Bắc, rất gần với nơi làm việc của Bác Hồ. Bác vẫn thường sang thăm trại, có khi còn ngủ trưa với các cháu. Những ngày đó với chúng tôi như một ngày hội. Cô thường hay kể chuyện về Bác, nhưng tôi nhớ nhất là chuyện lần đầu Bác đến thăm, đúng giờ cô đang lên lớp. Cô đang mải mê dán những bài bích báo lên bảng thì Bác vào, Bác nói: “xin chào cô giáo, cô đang làm gì đấy ? cô giáo cho tôi tham gia lớp học với nhé”, cô giật mình quay lại, cô đột ngột và xúc động quá (vì Bác đi thăm có bao giờ Bác báo trước đâu), suốt cả giờ học đó cô mất hết cả bình tĩnh và nhầm lẫn rất nhiều. Bởi đó là lần đầu cô gặp Bác và lúc đó cô mới có 19 tuổi. Những năm sau đó thì cô gặp Bác nhiều hơn, nhưng buổi đầu ấy cô không bao giờ có thể quên. Cô đối với  chúng tôi còn hơn cả một người mẹ, cô chăm lo săn xóc từng ly, từng tý, cô thuộc cái nết ăn, nết ở của từng đứa trẻ, đứa nào hay khóc, đứa nào biếng ăn cô đều để ý đến hết, không đứa nào “thoát” khỏi cô. Kỷ niệm lúc nhỏ thì cô nhớ nhiều, chúng tôi chỉ được nghe lại và nghĩ rằng lúc bé mình là thế đấy.
Sau này khi đã lớn cả rồi thì năm nào sinh nhật cô chúng tôi cũng đến chúc thọ cô. Cô còn làm bài thơ lục bát đầy đủ tên của các học trò của cô hiện đang sống ở Hà Nội, cũng phải đến khoảng 30 đứa với đầy đủ cá tính và thói hư tật xấu từ hồi còn nhỏ. Cách đây khoảng 10 năm cô vẫn còn đi khiêu vũ tại CLB khiêu vũ cổ điển Nam Đế. Chỉ sau lần cô bị ngã bong gân chân phải thì mới chịu thôi, nhưng cô vẫn đi bơi, chơi bóng bàn tại CLB Ba Đình với chú và các Cụ trong tổ cựu chiến binh của phường. Đầu tháng 6 chúng tôi còn tụ họp tại nhà cô để chúc mừng cô chú nhân 60 năm ngày cưới, 60 năm một chặng đường, tôi còn dìu cô đi trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, êm dịu của điệu slow vals. Cô vẫn còn “te” được, vẫn còn khỏe lắm. Đầu tháng 7 tôi đến CLB Ba Đình vẫn còn gặp cô đi đánh bóng bàn, cô vẫn còn nói đùa với chúng tôi. Hôm 1/6/2013 chúng tôi tụ họp ở nhà cô để kỷ niệm 60 năm ngày cưới của cô, chú.
Cô chú là một cặp đôi hoàn hảo (mọi người ở 14Lý Nam Đế đều nói thế). Cô, chú đã có hơn 60 năm sống bên nhau, nhưng vẫn quấn quýt nhau, chiều chuộng, chăm sóc, thông cảm với nhau đó là một điều hiếm thấy. Cô lúc nào cũng vui vẻ, yêu đời, luôn hòa nhập trong mọi hoàn cảnh. Cô là một nhà giáo, trải qua nhiều năm làm nghề dậy học, điều đó đã giúp cô có một nếp sống sư phạm mẫu mực. Cô là cô giáo thời mẫu giáo của rất nhiều học sinh trường Trổi từ Khóa 1 như Chu Thành, Văn Bổng, khóa 2 như Lương Hòa, Kỳ Minh, Ngọc Nguyên, Lương Nghĩa, Tăng Cường…khóa 3 như Nguyễn Hà Bắc… đến khóa 4 như Châu Nguyên, Tuấn Quảng…
 
Nhảy cùng cô Hòa.
Cô giáo của chúng tôi có một lòng thương người đặc biệt, cô quí chúng tôi như con đẻ, vì thế chúng tôi đều tôn trọng, thương yêu, chăm sóc cô như bố mẹ đẻ của mình. Với người giúp việc cô coi như người trong nhà, các cháu trẻ bà còn xin cho đi học lớp trung cấp mầm non, ra trường cô lại xin công việc cho. Nói sâu sa hơn cô là đặc trưng tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam, sự nhẫn nại với chồng con, năng nổ, nhiệt tình trong công việc của nhà giáo và là mẫu mực cho rất nhiều chị em phụ nữ học tập.
Cô không còn nữa. Nhớ cô, thương cô, biết ơn cô rất nhiều. Nhân ngày 20/11 tưởng nhớ tới cô bằng bài viết này để không bao giờ có thể quên được cô, để thắp một nén hương cầu cho cô mãi mãi an lành nơi vĩnh hằng.

1 nhận xét:

Thu Nga nói...

Tôi không phải là học trò của cô, nhưng mẹ tôi và mẹ cô là bạn vong niên. Ra HN gặp anh Minh mới biết cô đã mất. Xin chia buồn với chú Nhạn, các em và gia đình.