Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Nơi bắt đầu câu chuyện và... (6)

Giống như trong sử xanh, khi một vị lương tướng qua đời bậc minh quân xót thương vô cùng, nhất là vị lãnh tụ và những bậc trung thần đã cùng trải qua một chặng đường dài nếm mật, nằm gai, tay trắng dựng lên đại nghiệp. Có lẽ cha tôi bên cạnh nhiệm vụ quan trọng của Đảng giao cho còn là một chiếc cầu nhỏ nối góc riêng tư của Bác với những người rất gắn bó thời kỳ Bác hoạt động ở Trung Quốc. Và rồi, suốt cuộc đời Bác đã tiễn biệt bao nhiêu vị “thủ túc” như thế này?


Đám tang cũng rất đặc biệt mang đặc thù của giai đoạn chiến tranh bắn phá ở miền Bắc. Để tránh những chuyện bất trắc có thể xảy ra trong tang lễ, chính phủ ta đã thỏa thuận “ngầm” với chính quyền Mỹ: ngừng ném bom trong 3 ngày: mùng 3 - mùng 4 - mùng 5 Tết. Chiều tối mịt, sau lễ truy điệu chiếc xe chở linh cữu cha tôi đi trước, theo sau là khoảng gần 40 chiếc ô tô con đi thành đoàn rất chậm, mỗi xe cách nhau 10m chỉ bật đèn chống mù đủ nhìn được 5 mét phía trước, đây là nguyên tắc bảo vệ cẩn mật, nhất là đối với những cán bộ cao cấp nhất của đất nước có mặt đưa tiễn, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là không quân Mỹ phá vỡ cam kết bất ngờ đột kích thì mức độ nguy hiểm cũng sẽ là thấp nhất, vì thế trên quãng đường từ phố Hoàng Diệu qua Điện Biên Phủ đi dọc theo đường Nam Bộ (bây giờ là Lê Duẩn) đến nghĩa trang Văn Điển có 12 cây số mà đoàn xe đi mất hơn 1 giờ! Hồi đó ô tô rất ít chỉ cán bộ trung ương và cấp Bộ trưởng mới có xe riêng, loại xe là ô tô Von-ga hay Mat-cơ-vich để tập trung một đoàn nhiều xe như vậy trong thời chiến, trong một tang lễ cho thấy Bác, Đảng, Nhà nước và quân đội đã dùng một nghi thức trang trọng nhất ở giai đoạn này, kể cả việc thỏa thuận ngừng ném bom với đối phương để tiễn biệt một người đồng chí “một cán bộ ưu tú của Đảng” như lời điếu do bác Lê Đức Thọ đọc.
Liền ba tháng sau khi cha tôi ra đi, sự bi thương, hụt hẫng, cô đơn đã cướp đi trọn vẹn những giấc ngủ của mẹ tôi mà rất cần thiết đối với một người ở giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Nhưng các bác, các chú trong Trung ương đã dành một sự đùm bọc, quan tâm đặc biệt, đây chính là động lực giúp mẹ tôi vượt lên vững vàng đi tiếp trên hành trình phía trước. Đã có một sự thỏa thuận hay “phân công” giữa những cá nhân, để trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, một trong các bác thay nhau đến an ủi, động viên mẹ tôi là bác Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt. Cứ khoảng 5 giờ chiều là một bác lại dành khoảng 1 giờ đồng hồ đến thăm, cứ như thế cho đến hết thời gian 3 tháng đầu tiên khi cha tôi mất. Hôm nay, khi kể về tình tiết lịch sử này rất nhiều người đều có chung một nhận xét: thế hệ cán bộ cách mạng đầu tiên của nước ta cùng với tình đồng chí cao cả thiêng liêng, chia ngọt xẻ bùi trong tù ngục, gian khổ hy sinh để cùng lập nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc – một nhà nước của nhân dân, còn có một tình cảm như ruột thịt, như  anh em, chân thành tự đáy lòng giành cho nhau, có niềm tin và tôn trọng, trung thực và độ lượng… rồi đến khi một người nằm xuống thì những người ở lại đùm bọc, chở che cho gia đình của người đã khuất. Cũng giống như Bác Hồ, thế hệ cách mạng này do dân tộc, đất nước Việt Nam sinh ra, liệu các thế hệ cán bộ sau này có tiếp nhận và cư xử theo “mẫu” cao quý này không?

Không có nhận xét nào: