Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

CHUYỆN ANH VĂN ĐI THĂM HÀ NỘI VÀ ĐI TẦU ĐIỆN LẦN ĐẦU VÀO NĂM 1929 (ĐINH VIỆT DŨNG)


        Người học trò xuất sắc của trường Quốc học Huế.

Cụ Văn đến thăm cụ Nguyễn Tạo.
       Năm 1925, trong số thí sinh mới nhập học tại trường Quốc học Huế có một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt thông minh, đôi mắt sáng, tên là Võ Nguyên Giáp. Trong hồ sơ nhập học của anh ghi ngày và nơi sinh:  Sinh ngày 25/8/1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thời kỳ đó, ở Trung kỳ chỉ có ba trường tương đương bậc tú tài dạy bằng tiếng Pháp là Quốc học Huế, trường Vinh (Nghệ An) và trường Qui Nhơn (Bình Định). Sau bốn năm học, học sinh sẽ thi lấy bằng tốt nghiệp cao đảng tiểu học Đông Dương. Những học sinh nào tốt nghiệp hệ bảy năm sẽ được cấp bằng tú tài.




Xe điện ở HN những năm sau này.

Bút tích của cụ Giáp về người bạn cũ.
        Tại cố đô Huế, bên cạnh việc học tập và là một trong những học sinh đứng đầu của trường Quốc học Huế, cậu học sinh Võ Nguyên Giáp còn nhanh chóng hấp thụ tư tưởng yêu nước của nhà ái quốc Phan Bội Châu, khi ông đang bị chính quyền thực dân quản thúc tại gia ở đây. Ngày chủ nhật hàng tuần, Võ Nguyên Giáp cùng nhiều bạn bè trong trường đã đến thăm và nghe nhà cách mạng họ Phan sôi nổi giảng giải về tiền đồ sán lạn của đất nước khi thoát khỏi ách ngoại xâm. Sau này, trong hồi ký của mình, Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Cụ thường kể cho chúng tôi những điều đang diễn ra trên thế giới. Trên tường Cụ treo chân dung Tôn Dật Tiên, Lênin và Đức Phật Thích Ca. Bọn trẻ chúng tôi lúc đó rất say mê đi tìm chân lý”. Từ đó, xu thế chính trị và lòng căm thù chế độ áp bức của người Pháp trong tâm tư Võ Nguyên Giáp cùng một số bạn bè đồng chí hướng ngày càng được định hình rõ.


       Năm 1926, đám tang nhà cách mạng Phan Châu Trinh là dịp để hàng ngàn thanh niên và học sinh Huế thể hiện tinh thần phản kháng thực dân. Ở trường Quốc học Huế, để tưởng nhớ Phan Châu Trinh, những học sinh có tư tưởng chống Pháp như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Thúc Hào…cùng hàng trăm học sinh đã mặc quần trắng, áo trắng và chít khăn trắng. Không chấp nhận thái độ “nổi loạn” này của học sinh, viên Hiệu trưởng trường Quốc học đã phối hợp với cơ quan mật thám Trung kỳ điều tra những người mà họ cho là “tích cực”, “cầm đầu” rồi đuổi học. Tháng 4/1927, học sinh trường Quốc học Huế kêu gọi bãi khóa để phản đối. Cuộc bãi khóa từ trường Quốc học Huế đã lan sang trường nữ sinh Đồng Khánh, rồi đến cả trường dòng Thiên chúa giáo, sau lan ra khắp các trường học ở Trung Kỳ. Với sự tiếp tay của bộ máy mật thám Trung kỳ, phong trào bãi khóa nhanh chóng bị dập tắt. Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn... cùng với nhiều bạn bè tham gia phong trào bị đuổi học.

*
      Gia nhập Tân Việt Cách mạng Đảng và gặp gỡ ông Nguyễn Tạo, người phụ trách Kỳ bộ Bắc kỳ của Tân Việt tại Hà Nội.
        Sau khi bị đuổi học, Võ Nguyên Giáp không trở về quê ngay, anh đi vào Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định… vừa thăm thú bạn bè, vừa nghe ngóng tình hình. Trong thời gian ở Quảng Nam, anh đến viếng nhà thờ cụ Phan Châu Trinh mới được lập ở Đà Nẵng, rồi trở về quê hương.
        Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế và dấn thân vào cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng. Tại Huế, người bạn cũ cùng trường Quốc học Huế là Nguyễn Chí Diểu giới thiệu anh đến làm việc ở Quan Hải tùng thư, một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt điều hành, trụ sở đặt ở phố Đông Sa. Sáng lập viên là Đào Duy Anh.
       Với sự nhanh nhậy và thông minh vốn có, Võ Nguyên Giáp nhanh chóng được giữ vị trí thư ký của nhà xuất bản, anh sinh hoạt trong một tiểu tổ bí mật của Đảng Tân Việt do Đào Duy Anh làm tổ trưởng. Tại đây Võ Nguyên Giáp có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc, cách mạng. Đặc biệt là các tài liệu của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc như "Bản án chế độ thực dân Pháp" và báo "Người cùng khổ" từ Pháp gửi về. Từ năm 1929, Võ Nguyên Giáp là thành viên trong nhóm hạt nhân của Đảng Tân Việt. Anh tích cực vận động cho tổ chức này chuyển hẳn sang lý tưởng của chủ nghĩa Cộng sản theo chủ nghĩa cách mạng khoa học của Mác- Lênin. Với tư cách là Tổng biên tập báo Tiếng Dân, Đào Duy Anh giới thiệu Võ Nguyên Giáp với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh đã từng là một trong những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân, cùng với các chí sĩ yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Trần Quý Cáp. Cụ Huỳnh cũng dã bị nhà cầm quyền Pháp bắt trong năm 1908, rồi bị đày đi Côn Đảo suốt 13 năm, đến năm 1919 mới được trả tự do.
      Vào năm 1929, trong một lần ra Hà Nội để gặp gỡ với các yếu nhân của đảng Tân Việt phía Bắc, Võ Nguyên Giáp đã gặp ông Nguyễn Tạo, một đảng viên Tân Việt tiền bối, lúc đó đang giữ cương vị phụ trách Kỳ bộ Bắc kỳ của Tân Việt. Trong cuốn “Những chiến sỹ cộng sản ưu tú và cơ sở cách mạng ở Hà Nội” (do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ấn hành. NXB Hà Nội, năm 2006) có nhắc nhiều đến ông Nguyễn Tạo trong thời kỳ hoạt động tại Hà Nội “Tại số 5, phố Ô Chợ Dừa (nay là 304 Tôn Đức Thắng), anh Nguyễn Tạo hầu như ăn ở thường xuyên. Đây là nơi qua lại của các đảng viên Tân Việt trong đó có các ông Lê Duẩn, Ngô Đình Mẫn, Nguyễn Tuân Thức, Tôn Quang Phiệt, Hoàng Mai, Vũ Đức Diệu và những người khác". Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Năm 1929, lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi được anh Tôn Quang Phiệt đưa tôi đến gặp anh Nguyễn Tạo (còn gọi là Tạo Rỗ) ở số nhà 24 phố Huế”.
        Qua gặp gỡ, tiếp xúc, Võ Nguyên Giáp đã bàn với ông Nguyễn Tạo vận động chuyển Tân Việt thành một tổ chức cộng sản, trong khi có một nhóm muốn bỏ Tân Việt thành lập đảng mới với tôn chỉ, mục đích khác. Đến tháng 9/1929, những đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng theo xu thế cộng sản đã thống nhất thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn, đây là bước chuyển hoàn toàn của Tân Việt Cách mạng Đảng từ lập trư­ờng của chủ nghĩa yêu nước sang lập trường cộng sản, theo lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin.

*
      
Người đưa anh Văn (Võ Nguyên Giáp) đi thăm Núi Nùng, sông Nhị và đi xe điện lần đầu tại Hà Nội năm 1929.
       Đó là ông Nguyễn Tạo (tức Trần Châu Phong; Nguyễn Phủ Doãn), một đồng chí của anh Văn trong Tân Việt Cách mạng Đảng, sau này đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Sau  khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập (3/2/1930). Những thành viên ưu tú nhất của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn như Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tạo…đã sẵn sàng cho việc sáp nhập tổ chức với Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo.
        Sau này, trên bước đường hoạt động cách mạng, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn… và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng chí Nguyễn Tạo một tình cảm thân thiết và quí trọng. Sau khi cách mạng tháng Tám (1945) thành công, người chiến sĩ Cộng sản kiên trung Nguyễn Tạo được TƯ Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ những trọng trách trong lực lượng Công an nhân dân như: Cục trưởng Nghệ An Công an Cục, đơn vị thiền thân của Ty Công an Nghệ An sau này (8/1945), Trưởng ban Trinh sát Nha Công an (1946), Trưởng Ty Điệp báo Nha Công an (1947 – 1949), Trưởng Ty Công an Hà Nội (5/1950), rồi Giám đốc Ban Chấp pháp (sau đổi thành Vụ Pháp chế) đầu tiên của Bộ Công an (1953)…
        Nhớ lại thời kỳ hoạt động bí mật tại Hà Nội, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Tạo (1905 – 1994) vẫn kể lại cho con, cháu nghe về một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông là đã đưa đồng chí Võ Nguyên Giáp đi thăm Hà Nội và đi xe điện lần đầu vào năm 1929. Về sự kiện này, vào mùa Xuân năm 2002, trong dịp xác nhận lại một số tư liệu lịch sử cách mạng giúp Ban Tuyên giáo Hà Nội, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có những dòng ghi lại câu chuyện gặp nhà lão thành cách mạng Nguyễn Tạo năm 1929 tại Hà Nội như sau:
        “Năm 1929, tôi ra Hà Nội tìm gặp anh Nguyễn Tạo, còn gọi là Tạo Rỗ, lúc đó là người phụ trách Kỳ bộ Tân Việt Bắc kỳ để bàn chuyện chuyển Tân Việt thành tổ chức Cộng sản. Anh Tạo đồng ý và đề nghị lấy tên là Tân Việt Cộng sản Đảng. Biết tôi lần đầu ra Hà Nội, anh Tạo đã đưa tôi đi thăm Núi Nùng, sông Nhị…Và lần đầu tiên tôi được đi tàu điện. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tôi có nhiều dịp làm việc với anh Tạo. Anh Tạo là một người ngay thẳng, kiên cường, toàn tâm, toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, trọn vẹn thủy chung với đồng chí, đồng bào.
                                                                       Hà Nội ngày 23/1/2002
                                                                      Đại tướng Võ nguyên Giáp”
        Kỷ niệm mùa Xuân đầu tiên vị Anh hùng dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, được sự giúp đỡ về tư liệu của gia đình nhà lão thành cách mạng Nguyễn Tạo, tác giả xin nêu một tư liệu thú vị về những khoảnh khắc đời thường trên mảnh đất Hà Nội lịch sử từ năm 1929, của hai vị cách mạng tiền bối, hai đồng chí thân thiết từ khi còn trong Tân Việt Cách mạng Đảng: Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Tạo.



9 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chuyện hay, chân tình, giờ mới biết.

TranKienQuoc nói...

Ông em Nguyễn Trung Quốc có phụ huynh tài ba, tâm huyết, thẳng hắn nhưng rất bình dị.

TranKienQuoc nói...

Gia đình cụ còn lưu băng video ghi lại lễ sinh nhật cụ Tạo 90 tuổi (1904-1994) tổ chức tại HN. Nhiều bạn bè, thân hữu thuở xa xưa đến chúc mừng, có cả ông Cù Huy Cận, bà tư sản dân tộc Đỗ Đình Thiện (phu nhân người giúp cho cụ Tạo vượt ngục Hỏa Lò, nhà ngay ngã 4 Trần Bình Trọng - Nguyễn Du)...
Cụ Văn và bà Hà cũng đến chúc thọ. Ngoài chuyện kể được cụ Tạo đưa đi tầu điện, thăm núi Nùng, cụ Văn còn nhắc lại: "Khi đó chúng tôi có ở 26 Phố Huế. Bên kia bờ tường là nhà cô đầu. Anh Tạo và tôi còn kê ghế lên, ngó qua bờ tường nhìn các cô đầu".

Cháu Thủy nói...

Cháu đã đọc bài viết rồi chú ạ. Bài viết thật cảm động và sâu sắc. Cháu rất tự hào vì có một người ông như thế. Cháu cũng rất mừng vì chú vẫn còn lưu giữ được nhưng tư liệu quý như vậy.
Cháu cám ơn chú nhiều nhé.
Cháu Thủy

Tôn Gia Hóa nói...

Cha tôi (Tôn Quang Phiệt) và Bác Tạo có rất nhiều kỷ niệm với nhau từ tuổi thanh niên cho đến năm 1973, khi cha tôi qua đời. Vài ngày sau khi cha tôi mất, Bác Tạo chủ động đề nghị có một buổi nói chuyện riêng với gia đình tôi, lúc đó Bác xưng là "Chú" vì Bác ít tuổi hơn Cha tôi.Tôi được phân công ghi chép lại lời của Bác nói chuyện với gia đình,Chúng tôi hiểu Cha mình hơn qua những lời Bác nói...Có lẽ tới đây tôi sẽ có dịp để trao lại cho gia đình Bác Tạo những câu nói đầy ân tình của Bác với Gia đình chúng tôi !

TranKienQuoc nói...

Cảm ơn anh Hóa, thành viên trong gia đình bác Phiệt, có tâm sự với Báo liếp về bài viết này.
Em và Quý giống anh, rất cảm phục con người cụ Tạo. Khi bắt đầu có những bài viết về cụ post trên báo này, Qúy bảo: ông già tao thân chú Tạo lắm.
Có nhiều chuyện hay phải hàng chục năm sau mới biết, anh ạ.

TranKienQuoc nói...

Cụ Nguyễn Tạo sinh 1905. Theo lịch ta thì đầu năm 1994 là 90 và gia đình tổ chức sinh nhật cho cụ. Vài tháng sau thì cụ đi.

NS nói...

sau khi ông Tôn Quang Phiệt mất,ô Nguyễn Tạo Đã có một bài viết rất cảm động về người đồng chí cách mạng đã hiến đâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng người em gái Tôn Thị Quế...Tài liệu đang được lưu trữ, sẽ khai thác,gửi a.Hóa sau.
NS

TranKienQuoc nói...

Rất muốn liên lạc với bác NS. Có gì bác email về: kienquoc.tr@gmail.com. Gia đình và chúng tôi thấy tư liệu của bác quá hay.