(Ghi theo lời kể của Tuấn N)
Sáng nay lên văn phòng sân bay bổ túc nốt giấy tờ chuẩn bị về hưu, tay trợ lý phòng tổ chức cán bộ dọa:
- Hồ sơ của ông lem nhem quá, bảo quản cất giữ thế quái nào mà mối mọt ăn lung tung mất hết cả ngày sinh tháng đẻ, năm tháng nhập ngũ… toàn những thông tin quan trọng. Hồ sơ thế này thì chằng thằng chó nào dám ký đâu. Ông về cố chạy bổ sung thêm cho tôi cái quyết định nhập ngũ, nhớ là phải là bản chính đấy, nếu không thì cũng phải bản copy có triện đỏ, không khéo mất toi chế độ 20 năm quân ngũ đấy.
Vừa bước chân xuống cầu thang vừa lẩm bẩm chửi cái cơ chế lằng nhà lằng nhằng chả đâu vào đâu. Ra khỏi bãi giữ xe móc điện thoại, rủ thằng bạn đi ăn sáng uống café tâm sự cho đỡ tức. Nhấn OK một lúc lâu mới thấy giọng thằng bạn già ấp úng:
- Tớ …tớ … ớ … đang tranh thủ đưa người bạn đi ăn sáng.
- Về hưu mẹ nó rồi, đi ăn sáng là đi việc quái gì mà phải tranh thủ.
- Bạn giai hay gái? - Tôi tò mò hỏi\.
- Ờ!…ờ! …ờ! ... b…ạ…n…
- Bạn gì?
- B…ạ…n… g…á…i…
- Tiên sư ông! Có thế mà cũng ấp a ấp úng không ra hơi. Lên khu sân bay có quán bánh cuốn nóng Hải Phòng ngon, ăn xong uống café luôn.
- Ôi! Thế thì tốt quá tôi cũng đang thèm bánh cuốn đây, cho tôi cái địa chỉ ông cứ tới trước đợi tôi nhé.
- Ok!
Tới quán gọi thêm được hai thằng bạn nữa cũng vừa “về vườn” đó là Tô Tâm và Tuấn N.
Ăn sáng uống café ngồi tán phét tới 10g30 thì Tuấn N đứng dậy:
- Các ông ngồi chơi, tôi có tý việc trong sân bay 15 phút sẽ quay lại.
Một loáng sau đã thấy Tuấn loẹt quẹt dép lê từ ngoài cổng với hộp đồ ăn trong tay.
- Tôi có món này mời các ông còn nóng vừa từ máy bay xuống, trưa rồi phải làm mấy ve mới chia tay nhau được
Hai đĩa to vật, những miếng thịt bò Úc tái, thái mỏng, to bằng nửa bàn tay, mềm ngọt, có cả bì gân chấm với tương bần cùng rau thơm, khế chua, chuối chát... Uống bia bên bạn hiền thật không gì tuyệt bằng.
Trong buổi gặp mặt cả bọn được nghe Tuấn N kể về một kỷ niệm của mình hơn 40 năm trước. Tôi được yêu cầu viết lại câu chuyện này để hầu mấy ông bạn Trỗi khóa 6 đáng kính.
Chuyện là thế này... "Khi đang học lớp 8 ở Hưng Hóa một buổi chiều sau giờ học tại sân bóng đá, tôi không nhớ lý do gì mà tôi vả Chỉnh thọt (một trong những thằng to cao nhất khóa) lao vào túm ngực, chửi nhau, suýt ẩu đả. Đang hồi gay cấn thì tự dưng ở đâu một ông nhỏ con lao vào giữa hai chúng tôi, chửi rất tục, đẩy tôi ra tay, vỗ vào ngực mình, hất hàm thách thức Chỉnh thọt:
- Mày muốn chơi Tuấn N thì hãy chơi với tao trước đã.
Thằng cha nhỏ con đó các ông có biết là ai? Đó là Thanh Trung thằng bạn nối khố của tôi.
Chơi thân với nhau nhưng chưa bao giờ tôi được chứng kiến hành động nghĩa khí như thế của thằng bạn. Chỉ với hành động thời con trẻ đó thôi mà tôi mê tín hắn. Tới độ giờ đây giả sử tôi là Murray Guterson (tay luật sư nổi tiếng người Mỹ), còn thằng bạn chẳng may là thân phận Dương Chí Dũng tôi thề, sẽ nhận bào chữa không công bằng được cho thằng bạn và sẽ cãi cho nó trắng án để trả món nợ nghĩa khí ngày xưa.
- Thôi! Thôi! Thôi! Tôi xin các ông, các ông có muốn "bổ sung quân cho Thạch Thất" (ý: nghịch quá, thầy cho tập trung xuống dưới đó học tập, cải tạo - NV) nữa không thì bảo???
Mấy thằng bạn xúm lại can ngăn. Rồi một cuộc dàn xếp chóng vánh. “Tối nay tại bãi cỏ trước nhà thờ đổ (vị trí mà các quý ông khóa 6 ngày xưa hay ị bậy) hai thằng sẽ gặp nhau”. Thế rồi hai đội tiếp tục như không có gì xảy ra, tỷ thí hết trận bóng với kết quả 15-9.
Buổi tối, đúng hẹn, tôi và Thanh Trung có mặt. Tôi vẫn còn nhớ như in lời dặn dò của thằng bạn buổi chiều hôm đó dù thời gian đã quá vãng: "Bữa cơm chiều nay tuyệt đối ông không được ăn no, không được húp nước rau nhiều để tránh bị ói khi dính đòn và phải đái ỉa cho thật hết. Ông còn nhớ hồi ở Đại Từ không? Máy bay Mỹ nó phải cắt thùng dầu phụ cho nhẹ tải trước khi công kích, việc ỉa đái của ông cũng tương tự thế. (Nghĩ bụng, thằng này đúng là dân chuyên nghiệp!).
- Mấy miếng đòn tôi chỉ cho ông chỉ khi nào bí lắm ông mới đem ra sử dụng, chứ chẳng may đối phương dính đòn, lăn đùng ra bất tỉnh thì chết ông, chết tôi, chết luôn cả thằng Chi cố - thầy dạy võ của tôi... Đặc biệt lúc nào ông cũng phải nhìn thẳng vào mắt đối phương như gái trai bên châu Âu chúng nó yêu nhau. (Về phần này thì tôi không chịu cãi lại “thầy”).
Trời tối thui đến cứt bò dưới chân còn không tránh được lấy đâu mà nhìn thấy mắt nhau. Phía bạn cũng có mặt đúng giờ, ngoài Chỉnh thọt có thêm một ông bạn nữa, trời tối quá nên một lúc sau tôi mới biêt quý danh, đó là Thắng híp.
Sau khi giao hẹn trận đấu bắt đầu. Tôi hạ thấp trọng tâm tay múa chân lướt chữ chi trên mặt cỏ mềm đã đẫm sương đêm, mùi cỏ ngai ngái, mùi cứt và nước đái bò hăng hăng... mặc, tôi cứ sàng xê di chuyển giống như con trâu bị buộc dây loay hoay xung quanh cái cọc (mà cái cọc đó là Chỉnh thọt). Tôi thấy Chỉnh thọt không có phản ứng gì, chân hắn chỉ hơi khuỵu xuống, hai tay đưa trước ngực giống như võ sỹ quyền anh thủ thế. Một lúc sau dường như không đủ kiên nhẫn chờ đợi hai ông thầy dùi đứng ngoài thúc:
- Vào! Vào! Vào đi! Vào đi…
Thế là tôi nổi máu liều, nhắm mắt mím môi lao vào đối phương. Hai đấu sỹ sau một hồi tỷ thí văng ra mỗi đứa mỗi nơi nằm thở hồng hộc.
- Thôi! Xong! Xong! Hòa! - Tiếng hai ông trọng tài cùng lúc vang lên.
Hai thằng tôi lồm cồm bò dậy bắt tay rồi thầy thợ kéo nhau lủi nhanh vào màn đêm.
Sau này tôi mới biết lý do vì sao chân tôi sưng vù và vì sao Chỉnh thọt hắn không di chuyển được khi tôi múa may trước mặt hắn. Chẳng biết Thắng híp hay thằng võ sư quạt mo chết tiệt nào chỉ vẽ cho Chỉnh thọt mà trước khi vào trận hắn âm thầm đút đầy hai túi quần toàn đá. Thế có chết tôi không cơ chứ, may mà hòa nếu không chắc tôi no đòn vì củ đậu với hắn.
…
Cuối năm đó trường giải tán bạn bè tứ tán chia tay nhau và chia luôn những kỷ niệm êm đẹp sau bốn năm chung sống.
…
Năm 1971 chúng tôi nhập ngũ. Thế quái nào Thanh Trung và tôi lại về cùng đơn vị trong quân chủng do ông già tôi làm phó tư lệnh. Cùng đợt còn có Công sìn, Bình tũn… Đầu năm 1972 cả đơn vị tôi nhận lệnh chuyển quân sang Ba-cu, thủ đô của Aizerbaizan, chuyển loại tên lửa mới.
Mùa hè năm 1972 thật đẹp. Trời Ba-cu cao xanh, phía xa xa qua khu rừng dương trong trung tâm huấn luyện tên lửa là thành phố và biển. Sau một tuần huấn luyện vất vả chúng tôi được nghỉ xả hơi ngày chủ nhật. Một phần vì tiền hẻo (có 30 rúp một tháng tiêu vặt), một phần là hạ sỹ quan, chiến sỹ nên hầu như bọn tôi bị cấm trại, chỉ loanh quanh trong trung tâm. Nói là trung tâm nhưng nó như một thị trấn rộng lớn với phố xá cửa hàng và khu gia binh.
Một buổi sáng được trực ban báo có khách tới thăm. Nghĩ bụng chắc ông già bay sang kiểm tra kết quả huấn luyện đơn vị. Rủ thêm Thanh Trung, hai thằng quân phục mũ mão chỉnh tề. Đang tuổi 18-20 được ăn uống luyện tập với chế độ đặc biệt nên hình hài hai thằng trông bắt mắt lắm.
Vào phòng khách chúng tôi thấy có hai học viên sỹ quan hải quân áo bay mỡ gà, quần dạ tím than, ủi phẳng lỳ, giày đen bóng loáng nheo nheo mắt nhìn rồi bất đồ hai thằng cha ấy lao ra ôm chầm lấy chúng tôi la toáng lên
- Thanh Trung phải không? Tuấn N phải không?
- Tao đây! Thắng híp đây! Chỉnh thọt đây!
Sau phút giây ngỡ ngàng mừng rỡ vì sự trùng phùng ngẫu nhiên tại thành phố bên bờ biển Caxpia xa xôi. Bốn thằng kéo nhau vào cánh rừng dương trong trung tâm. Hai sỹ quan hải quân tương lai lôi trong túi du lịch ra nào giò hun khói, nào xúc xích, bánh mỳ đen, bơ, có cả Vodka, bia và nho vùng Capcaz ngọt lịm...
Tay cầm tay, mắt nhìn mắt, chúng tôi không thể tin về sự gặp gỡ tình cờ của những thằng bạn cũ. Cùng kể lại những kỷ niệm ngày xưa khi học cùng nhau ở trường Trỗi và tất nhiên có cả kỷ niệm trận quyết đấu trên bãi cỏ cạnh nhà thờ đổ… rồi ôm nhau cười.
Qua tâm sự được biết sau tốt nghiêp phổ thông, một số bạn cùng khóa: Chỉnh thọt, Thắng híp, Hưng gô… được chọn sang Ba-cu học sỹ quan hải quân. Ngoài ra, tại Ba-cu còn có Thiệp bệu, Thiện Lương… học dân sự bên trường Dầu khí.
Trung tâm huấn luyện chúng tôi chỉ cách Học viện Hải quân có mấy bến xe nên thời gian ở bên đó, chúng tôi thường xuyên qua lại thăm nhau.
Cuối năm 1972, hai thằng tôi về nước tham gia vào trận chiến bảo vệ bầu trời thủ đô.
...
Thời gian qua mau sau hơn 40 năm, giờ đây chúng tôi đã "về vườn" - cả hai thằng đại tá, một thằng công tác trong ngành hải quan, một thằng “tuột xích” làm công dân tự do đã lâu (sướng nhất thằng này!). Mỗi đứa mỗi việc nhưng tình bạn và những kỷ niệm giữa chúng tôi thì vẫn bền chặt, trong sáng như thuở nào.
3 nhận xét:
Văn Duy Đảo hay ở cái giọng bỗ bã, lính tráng và thoáng. Chi tiết" nhìn thẳng vào mắt đối phương khi bãi cứt bò dưới chân còn không nhìn thấy mà tránh" hơi thậm xưng nhưng dễ chịu, có lý.
Nghe chú em nói đã làm thủ tục hưu? Ừ, gần bốn chục năm rồi còn gì!Chả biết giờ Nó hình hài thế nào?
Bia bọt, bè bạn thế thì chắc là nhẹ nhõm, tươi tỉnh lắm? ( Anh TĐ)
Nhân chuyện hồ sơ nghỉ hưu của bác mà tôi cũng chạnh lòng thông cảm. Ở đơn vị tôi nhiều trường hợp khốn khổ về cái "hồ sơ" đấy ông ạ.Mình chỉ biết dốc lòng mà chiến đấu, mà làm việc chứ đâu ôm khư khư cái quyết định nọ kia. Việc giấy tờ dấu má là do cơ quan quản lý chứ. Ở Pháp, Nhật ai làm việc cho họ thì họ gọi một cái là trúng phóc (dù từ thời Pháp thuộc). Tôi về hưu họ hỏi giấy gọi nhập ngũ năm 1965. Tôi vái, may mà còn tấm huy CSVV TT PV Đồng ký 1970 mà họ tha không thì phải bỏ 4 năm quân ngũ, lúc cần thì họ tung hô, khi không cần thì họ đòi dấu đỏ không thì cắt, thế đấy! Chúc bác làm thủ tục hưu nhẹ nhàng, không gây bức xúc không đáng có.
Mới lúc đó đã biết nghĩ ra bỏ đá vào quần để làm "áo giáp", thật là thông minh, vậy mà không truyền nghề cho người khác !!!.
CB
Đăng nhận xét