Tôi biết và quen Kh tình cờ trong lần tiễn thằng bạn lính chuyển vùng ra Hà Nội. Bạn tôi có người cô là giáo viên dạy hóa trường cấp 3 gần nhà tôi. Ông cậu bạn đã mất khi cô còn trẻ. Ngày ấy cô còn đẹp. Mỗi lần theo bạn tới thăm cô tôi thường chào chị. Cô không được vui. Mãi sau nghe bạn nói tôi mới biết lý do. Từ đó tôi gọi chị là cô. Cô là công dân phố cổ, nhà ở Triệu Việt Vương. Có lần cô cho tôi xem tấm hình khi còn là nữ sinh Trưng Vương cùng một người bạn nữa chụp chung với Bác Hồ khi ông tới thăm trường, Tấm ảnh này hiện còn lưu trữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Năm ấy tôi gần 30, độc thân. Cô nói sẽ giới thiệu cho tôi cô giáo dạy cùng trường. (Sau mới biết người mà cô định giới thiệu cho tôi là H, em ruột thằng bạn Trỗi mà ông già hắn với ông già tôi là bạn thời kháng chiến). Đã nhiều lần cô sắp xếp cho chúng tôi gặp nhau, khi được em thì tôi trực đơn vị, khi có tôi thì em lại vướng bận. Rút cục tôi và em chẳng bao giờ gặp được nhau.
Kh là bạn thân học thương nghiệp cùng với cháu gái cô, là dân Hàng Bông. Kh thích xa nhà nên thi vào Sài Gòn học và ở nhờ nhà cô. (Sau này khi tôi và Kh đã thân nhau, cô mới nói).
Đã có ý định giới thiệu tôi với Kh nhưng thấy gia cảnh hai đứa không hợp nên thôi. Cô chép miệng “Đúng là duyên tiền định, người cố gán gép giới thiệu thì chẳng bén duyên, người không tình ý thì duyên cứ tới”.
Bố mẹ Kh có cửa hiệu trồng răng nổi tiếng Hà Nội, tiệm răng Sinh Sinh, ngay Hàng Bông. Anh chị em Kh đông, bố mẹ dựng vợ gả chồng cho con cũng đều chọn dân buôn bán khu Tạ Hiện, Cầu Gỗ, Hàng Bè cả. Rồi dâu rể có người gốc gác Hoa kiều năm 79-80 tứ tán kéo nhau xuất ngoại, mớ Canada, mớ Úc… Nhà đã khá lại khá thêm khi nguồn ngoại tệ quay trở về cố hương trả ơn bố mẹ.
Tôi đã tới nhà thăm bố mẹ Kh. Nhà Kh ngay mặt phố. Phía ngoài là cửa tiệm, bên trong nằm chính giữa nhà một cái sập lớn bằng gỗ lim khảm trai đen bóng nằm phủ phục. Đối diện là cái tủ chè thấp, trạm trổ tinh vi, lên nước lóng lánh như bôi mỡ. Phía trên và trong tủ toàn đồ gốm cổ. Nằm khép một bên sập là con Pegeore máy và hai con xe đạp cùng thương hiệu màu đồng còn mới lắm hoặc gia chủ ít sử dụng, (có thể ông bà mua để đấy vì sở thích hoặc giữ của?). Một bên sập là lối đi nhỏ về khu phụ phía sau nối với cầu thang để lên lầu.
Năm 1991 tôi lấy vợ, vợ tôi chẳng phải Kh mà cũng không phải H. Trong những lần hầu rượu bố vợ tôi được nghe ông kể về người bạn thân của ông thời thuộc Pháp. Bạn ông là chủ tiệm trồng răng Minh Sinh trên phố Hàng Bông. Mùa đông năm 1946 ông bị Pháp bắt giam vì đánh bị thương thằng Tây say ngay tại ngôi nhà này. Thì ra ngôi nhà có tiệm răng Minh Sinh của bạn ông già vợ tôi. Sau khi đình chiến gia đình này kéo nhau di cư vào nam đã bán lại cho bố mẹ Kh. Tận dụng thương hiệu Minh Sinh bố mẹ Kh chuyển đổi thành tiệm Sinh Sinh và theo đuổi nghề răng cho tới tận những năm 80 thế kỷ trước. Tôi có tả lại căn nhà. Ông già vợ gật đầu, bao nhiêu năm vẫn vậy vẫn cái sập ấy, vẫn cái tủ chè ấy còn in trong trí nhớ của ông như những người muôn năm cũ níu kéo quá khứ.
Giữa năm 1985 tôi đi học xa. Trước khi đi chúng tôi có làm một cái tiệc nho nhỏ để chia tay nhau. Ngồi đối diện với Kh và cô là tôi, bên cạnh tôi là Quyên, cháu cô. Trên chiếc bàn ăn nhỏ tại nhà đồ ăn có vịt quay và một vài món nữa do Kh và cô làm, đồ uống có rượu nho và bia.
Sáng hôm sau ra sân bay, qua nhà lần nữa chào cô và tạm biệt Kh. Khi chỉ có tôi và cô tôi thấy mặt cô đỏ lên tiếng cô nhẹ đi đứt quãng: "Tối qua nhầm cô với Kh phải không?". Cô hỏi tôi nhưng tôi có linh cảm như cô không thực sự tin rằng đó là sự lầm lẫn !!!…
Tôi như độn thổ xuống đất, mặt tôi lúc đó chắc còn đỏ hơn cả mặt cô. Các bạn có biết vì sao không?
Nó là thế này: Kh và cô đều mặc váy trong nhà. Là thằng đàn ông chưa có kinh nghiệm nhất là khi đã có chút men, chả biết các bác có phân biệt được chân cẳng chị em hay không? Chứ đối với tôi thì chân cẳng đàn bà tuổi 40 với chân cẳng thiếu nữ tuổi đôi mươi đều như nhau hết. Cứ thế dưới gậm bàn, bàn chân tôi xoắn xuýt bắp chân cô (mà tôi tưởng bắp chân nàng). Có lẽ vì sắp xa nhau nên “nàng” mặc kệ tôi “thỏa sức”, chỉ khi nào bàn chân tôi leo lên quá cao mới phản ứng …
Kh hoàn toàn không biết gì. Còn tôi, trước mặt cô tôi chỉ muốn chết quách đi cho nó xong vì ngượng. Cho tới bây giờ bao nhiêu năm rồi tôi vẫn canh cánh bên lòng câu trả lời bỏ ngỏ: “cô nghĩ gì về tôi???…”
Thưa các bạn từ mùa hè năm 1985 chia tay nhau bao nhiêu biến cố xảy ra. Sau khi tôi đi học được mấy năm thì Kh vượt biên qua Hongkong, sau đó được các anh chị bảo lãnh qua Canada. Còn cô, sau thời gian Kh đi được một thời gian, cô cũng xuất cảnh. Nghe nói sau khi qua Úc, cô đã lấy chồng, rồi chồng cô cũng đã mất. Từ đó tới nay tôi hoàn toàn không biết tin cô.
Sau 16 năm, năm 2001 Kh có về Việt Nam một lần, vào đúng dịp tết, chúng tôi đã gặp lại nhau. Kh già đi nhiều, người cao lên có lẽ vì ốm do hút thuốc nhiều. Kh sống độc thân có nhà riêng và cửa hiệu buôn bán tại Toronto…
Lại một cái tết sắp đến. một năm nữa xa dần về quá khứ Ngồi viết lại những kỷ niệm của mình trong nền nhạc của ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao mà lòng man mác chạnh buồn. Ai trong chúng ta cũng vậy thôi phải không các bạn, cũng có một thời để nhớ, một thời để tiếc.
Chúc các bạn một mùa xuân vui tươi, may mắn.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Nghề xin ăn không chỉ có ở VN (ST: Trần Đình Ngân)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
4 nhận xét:
Đọc bài này trên Facebook của KQ thì bạn bè comment liên tục.
Ông này viết lách cứ tưng tửng. Hay thật.
Lâu quá mới đọc chuyện của Duy Đảo.Vẫn chuyện hay với chuyện đời thừong.
Khi đọc bài này tác giả Duy Đảo ,ngẫm ra mỗi người ( trong đó có tôi) đều có "Một thời để nhớ" ngô nghê, thi vỵ như vậy .
Mỗi chúng ta trân trọng ký ức xưa ,thì cuộc sống hôm nay sẽ đẹp hơn nhiều lần.
Cám ơn tác giả có một bài viết hay cho những ai có quá khứ tương tự. K.Chiến
Đăng nhận xét