Nhân
sự kiện trên các phương tiện thông tin đại chúng đang sôi nổi “tranh cãi” về
việc bảo tồn cầu Long Biên, một “nhân chứng lịch sử quí hiếm” của Thủ đô Hà
Nội. Tôi xin nêu một vài hồi tưởng về cây cầu hơn trăm tuổi lấp lánh nhiều kỷ
niệm trong tuổi thơ tôi và của bao người cùng thế hệ.
Quân Pháp phải rút quân khỏi HN, 10/10/1954. |
Nhà ở khu dân cư ven sông, nên vào mùa
nghỉ hè, các bậc cha, mẹ lũ trẻ con vô cùng lo lắng, vì bọn nhóc rất khoái ra
sông Hồng nghịch nước cùng các anh lớn. Mấy ông anh lớn trong khu thường đầu
têu dẫn bọn nhóc chúng tôi ra bãi bồi ven sông Hồng, chui vào ruộng ngô đánh
trận giả rồi ra ven sông nghịch nước. Lũ trẻ con chúng tôi khoái nhất là mùa
nước lên, nước sông tràn vào tận ven con đê quai ngăn cách vùng ngoài bãi với
khu nội thành. Mùa nước, đứng trên con đê sát đường Trần Quang Khải nhìn ra khu
dân cư bên ngoài đê thấy nước ngập mênh mông, khi đó những gia đình sống ngoài
đê như gia đình tôi thường phải vào trong phố, làm những túp lều tạm bằng vải
bạt hoặc ny-lon trên vỉa hè để ăn, ở tạm chờ nước rút, thường thì phải ăn chực,
nằm chờ hàng tuần lễ, rất vất vả. Vậy mà lũ trẻ con chúng tôi lại rất khoái
chí, vì được nghịch ngợm và lội nước bì bõm, hay đi thuyền vào trong phố. Người
dân ngoài bãi đa số là dân lao động nghèo, thì nhân mùa nước tranh thủ vớt các
thân cây trôi nổi ngoài sông dạt vào để làm chất đốt, bởi vì khi đó loại chất
đốt phổ biến của cư dân thành phố là củi và dầu hỏa được bán phân phối rất hạn
chế. Cũng chính vì chuyện vớt củi rều vào mùa nước, nên lũ trẻ con ngoài bãi
ven sông Hồng khi vào phố đi học với lũ trẻ trong nội đô, thường bị trêu chọc
là: “Băng củi rều”. Còn bọn trẻ ở khu vực Nhà thờ Lớn thì có tên là “Băng Nhà
Thờ”, bọn nhóc ở khu vực phố Lò Đúc, nơi có hàng cây Sao Đen cổ thụ chạy dọc
hai bên vỉa hè, đêm đêm hàng đàn cò, diệc bay về đậu trên các cành cây để ngủ,
cứt cò ỉa trắng hè phố, thì bọn nó lại có tên: “Băng cò ỉa”… Thân nhau vậy mà
nhiều khi bị trêu chọc là “Băng củi rều” hay “Băng cò ỉa”… là hai bên lại xông
vào oánh nhau túi bụi, khi “dàn trận”, mỗi bên cắt cử một hay hai đứa nhỏ con
nhất ngồi trông cặp sách hẳn hoi.
Nơi khu tập thể tôi ở, tiếng là “khu
bờ sông”, nhưng cũng nằm ở vị trí rất gần gũi với những địa điểm văn hóa lịch
sử và kiến trúc nổi tiếng của Thủ đô như: Bảo tàng Lịch sử, bảo tàng Cách mạng,
Nhà hát Lớn thành phố, Ô Quan Chưởng, chợ Đồng Xuân… Nhưng ký ức sâu đậm trong
tôi trước tiên phải nói đó là cây cầu Long Biên.
Bộ đội ta vào tiếp quản. |
Những ụ pháo bảo vệ cầu Long Biên. |
Đối với người Hà Nội, ngoài Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc tử Giám, Tháp
Rùa ở trung tâm Hồ Hoàn Kiếm, thì có lẽ cầu Long Biên là hình ảnh tiêu biểu thứ
ba của Thủ đô. Còn đối với lũ trẻ con khu tập thể Bờ Sông chúng tôi, thì ngay
từ cái tuổi “thò lò mũi xanh”, mỗi khi lang thang ra mé bờ sông, chúng tôi đều
thấy cây cầu thân thuộc đã gần trăm tuổi nằm vắt ngang sông Hồng mênh mang phù
sa nước đỏ. Chỉ riêng cái tên của cây cầu thôi, cũng đã có nhiều thú vị. Lớp
người già thời Tây (thời Pháp thuộc) thì gọi là cầu Đu-me. Hỏi ra mới biết, đó
là tên của ông Toàn quyền người Pháp là Paul Doumer, cai trị toàn cõi Đông Dương những năm
đầu Thế kỷ XX. Ông Paul Doumer là người nêu lên ý tưởng và quyết tâm
thực hiện cho được mạng lưới đường sắt trên toàn cõi Việt Nam và Đông Dương,
trong đó có cả cây cầu có đường xe lửa chạy qua, là cây cầu Long Biên ngày nay,
nên trước kia, người Hà Nội thường gọi đó là cầu Đu-me. Còn các bà, các chị bên
mạn Gia Lâm, Đông Anh, từ bao đời sinh sống bằng nghề buôn bán rau, quả từ
ngoại thành phía Bắc vào chợ Long Biên hay chợ Đồng Xuân, Bắc Qua phía bờ Nam,
thì lại gọi tên cầu Long Biên bằng cái tên dân dã là “Cầu sông Cái”, hay “Cầu
Bồ Đề”. Có lần tôi hỏi mẹ tôi ý nghĩa của tên “Cầu sông Cái” là gì, thì bà trả
lời: “Từ xưa tới nay, người Việt sống hai
bên bờ sông Hồng đều trông cậy vào dòng sông mang nặng phù sa này nuôi sống họ,
nên dân gian còn gọi sông Hồng là Sông Cái, tức Sông Mẹ. Còn cái tên Long Biên
là lấy tên xã Long Biên bên bờ Bắc sông mà đặt tên cho cây cầu”. Tụi nhóc
chúng tôi còn được nghe mấy ông già thời Tây nói vẻ trịnh trọng: “Các cháu có biết không, vào đầu thế kỷ 20,
cầu Long Biên là một tuyệt tác kiến trúc bằng kim loại độc nhất, vô nhị ở Châu
Á. Nhiều người đã lầm tưởng tác giả thiết kế cây cầu do kiến trúc sư Gustave
Eiffel danh tiếng của nước Pháp vẽ và tính toán; Tuy
nhiên chính các kỹ sư tài năng của công ty Daydé & Pillé đã thiết kế cây cầu với
kiểu dáng thật độc đáo, sau này đã trở thành một hình ảnh thân thương của bao
thế hệ người Hà Nội”. Bọn trẻ con chúng tôi nghe cứ là tròn xoe cả mắt vì kinh ngạc. Và
trong các cuộc triển lãm về Hà Nội, chúng tôi được xem những bức ảnh lịch sử
chụp đoàn quân chiến thắng của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong
ngày tiếp quản Thủ đô (10/10/1954) đang hiên ngang cầm súng bước qua cây cầu
Long Biên lịch sử, trong khi đội quân viễn chinh xâm lược thất trận đang ủ rũ
lê bước rút qua cầu xuống Hải Phòng.
Cho đến những năm cả miền Bắc tiến hành cuộc chiến đấu chống chiến tranh
phá hoại bằng không quân của giặc Mỹ (1965- 1972), đôi lần từ chỗ sơ tán trở
về, khi lũ trẻ con đang ngồi lắc lư trên chiếc xe buýt già nua do Liên Xô sản
xuất có tên Trai-Ka (Hải âu) của cơ quan đi qua cây cầu Long Biên thân thương,
chúng tôi còn chứng kiến lực lượng “Tự vệ sao vuông” của Hà Nội lập những trận
địa cảm tử trên các nóc cao của đỉnh cầu, kéo súng máy 12,7 ly và súng trường
lên đó trực chiến. Trong những năm chiến tranh, cầu Long Biên đã từng nhiều lần
bị không quân Mỹ oanh tạc dữ dội, trong đó có những lần trúng bom sập mấy nhịp
cầu, nhưng công nhân cầu đường đã nhanh chóng khắc phục tuyến giao thông huyết
mạch này để phục vụ cho vận tải quốc phòng và dân sinh. Những lần nghe tin cầu
Long Biên bị máy bay Mỹ đánh trúng, lòng tôi lại quặn thắt như bị vỡ mất một
hình ảnh kỷ niệm thật thân thương và thiêng liêng của tuổi thơ. Có thể nói, đối
với người dân Hà Nội, những năm tháng chiến tranh, cầu Long Biên không những là
nhịp nối tuyến giao thông huyết mạch lên phía Bắc thành phố, mà cây cầu còn là
biểu tượng của ý chí quật cường quyết không khuất phục dưới bom đạn giặc Mỹ của
Thủ đô.
Cầu được xây trong 3 năm (1899-1902). |
Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa, Thủ đô Hà Nội đã
và đang tiếp tục xây dựng những cây cầu mới bắc qua sông Hồng như cầu Thanh
Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, nhưng với
tôi và có lẽ với các thế hệ người Hà Nội, cầu Long Biên vẫn là một biểu tượng
đẹp, một phần “hồn” không phai mờ của Thăng Long – Hà Nội.
Giờ đây, mỗi lần từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, tôi đều dành thời
gian đi suốt đường Trần Quang Khải dọc bờ sông, con đường gắn với bao kỷ niệm
tuổi thơ trong tôi, rồi đi lên mạn chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, thong thả tản bộ
lên đầu cầu Long Biên trong buổi chiều đông, để thấy mình thật bé nhỏ trước con
sông Hồng hùng vĩ, để chút gió lạnh đầu đông đưa mình trở lại tuổi thơ trong
hồi tưởng về những năm tháng: “Nhớ những cơn
mưa dài cuối Đông, áo chăn chưa ấm thân mình. Và nhớ lúc bom rơi thời chiến
tranh, đất rung ngói tan gạch nát…” (Lời
bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp).
Vâng,
cách ngày nay nửa thế kỷ, tôi và bao bạn bè đã sống cuộc sống nghèo nàn, hiểm
nguy trong thành phố luôn nằm dưới tọa độ bom đạn giặc Mỹ, nhưng mỗi khi nhớ
những kỷ niệm năm xưa, trong tôi vẫn tràn ngập tình yêu Hà Nội và niềm hạnh phúc
thật giản dị của cái thời đôi khi trốn học, cùng bạn bè ra đá bóng ở bãi Long
Biên, cạnh cây cầu lịch sử.
11 nhận xét:
Ngày xưa, bọn trẻ con khu 38 Trần Phú chúng tôi từng ra khúc sông Hồng tạo thành bãi giữa để bơi lội. Đó là vào chiều thứ năm được nghỉ học. Đầu têu là ông Châu Lé (con đại tá Phan Bình, Cục phó Cục Quân báo, anh mất cũng đã lâu); đồng bọn là Trung Việt, Toàn Thắng, Thắng Lợi, Linh Ngổ, Đồng Tiến, Bá De... Lần đó chú Công nhà tôi chưa biết bơi mà dám lặn ngụp ra xa, bỗng nhiên mất hút, may được anh Châu Lé cùng cánh lớn mò được. Hôm đó Công mà không về thì chả hiểu sẽ thế nào?
Sau này lên Trỗi, biết nhiều bạn là cư dân K95 ở ngoài bãi giữa sông Hồng: Phùng Thối tai, Trương Liên, Châu... Mỗi lần nghỉ phép, chúng tôi hay đạp xe vượt đê sông Hồng, ra chơi với các bạn.
Nhìn về phía xuôi là cầu Long Biên sừng sững với kiến trúc rất đẹp. Thỉnh thoảng có đoàn tầu chạy qua.
Cầu Long Biên được nhiều nhà văn nhà thơ viết về hoặc nhắc đến trong tác phẩm của mình. Có những câu thơ về cầu hay, nhiều người yêu thơ còn hằn trong trí nhớ, chẳng hạn những câu thơ của Bằng Việt trong bài “Tình yêu và báo động” ông viết năm 1967:
-Sông Hồng nước lên. Em đưa anh qua
-Tháng tám cầu nhô hai nhịp gãy
Sông Hồng nước lui khi anh trở lại
-Ta nắm tay nhau trên nhịp đã liền
-Hai bên bờ Long Biên
Nghìn lá sắc trổ cờ trên ngọn mía
-Hạnh phúc lớn, tự hào, đơn giản thế
-Ngày xưa anh chưa nghĩ ra...
Sân vân động Long Biên năm ngay sáy chân cầu Long Biên ,nơo tôi thường tậpo thể lực vào mùa đông vì tham gia đội bơi lội Hà Nội.mùa đông không bơi được nên Sở thể dục thể thao cpo1 kế hoạch cho lũ chúng tôi tập ,chạy,tập tạ,tại sân.
Năm 1964 khi học cùng Hoàng Vĩnh Giang tại 10E Trường Hà Nội B ,tôi tham gia giải bóng đá cùa Trường tổ chức tại sân Long Biên ,bị chơi xấu , gẫy tay phải phải bó bột. Cứ mổi lần về Hà Nội lại nhớ đến kỷ niệm vè san Long Bien,ve Câu Long Biên. Moi chung ta cân co y kien bảo vệ chiếc cầu lịch sử gắn bó với Hà Nội này.
Những kỷ niệm thật vui.Cô cũng có nhiều kỷ niệm đẹp nơi chiếc cầu Long biên ấy.Đó là sau khi cô tốt nghiệp cấp ba cô được đưa vào trường chuyên tu ngoại ngữ chuẩn bị sang Nga học Đại học.Trường ở ngay cầu Đuống.Thế là hàng tuần lại qua cầu Long biên vào Hà Nội chơi hoặc có những chiều buồn rủ lũ bạn(là HSMN xa nhà)ra cầu Long biên ngắm sông để nhớ về con sông nơi quê hương Miền Nam của mình.Mấy bữa nay cô cũng quan tâm sự kiện chiếc cầu và thấy lòng bất an.
Từ khi có đập thủy điện Hòa Bình thì không còn thấy mùa lũ lụt trên sông Hồng. Chứ ngày xưa, mùa lũ, các cửa cắt bờ đê mở ra khu dân cư phía ngoài đê phải đóng lại, chèn thêm bao tải cát. Bà con sống ngoài đê phải mang đồ đạc, di tản vào nương nhờ nhà bà con, người quen trong phố, hoặc giăng lều trú dọc bờ đê. Thương lắm.
Những cái thuộc về lịch sử mà không gìn giữ thì không bao giờ có thể có lại được nữa, giá trị của nó là vô giá!
Có thể 1 ngày nào đó du khách đến HN chỉ là để đến xem cái cầu Long Biên.
Cầu long biên đi vào lịch sử. đọc bài này mói hiểu thêm về cầu long biên, vì thế hệ bọn em sinh sau đi qua sông hồng chỉ quen đi cầu chương dương . nhìn sang biêt là cầu long biên nhưng chưa hiểu biểt sâu về cầu long biên.Hôm nay đoc mói hiẻu gốc tich " bang củi rều" là vây.
Anh Văn Tiến Tình (anh Văn Tiến Huấn K5)nhâp ngũ 1963,từng là trắc thủ khẩu đội súng phòng không14,5 lỵ đặt trên cầu Long Biên.Có lần hai anh em gặp nhau ,anh tâm sự :"Chiến đấu trên cầu với máy bay Mỹ rất gian khổ,nhưng chúng tao đều quyết đánh,không sợ hy sinh".Tôi biết một thế hệ thanh niên Hà Nôi như vậy từng gắn bó với cầu,bảo vệ cầu trong chiến tranh chống chiến tranh phá hoại, chống lại không quân Mỹ.
Tôi ủng hộ việc bằng mọi giá bảo vệ cầu, một công trình lịch sửcho thế hệ mai sau.KC
Đúng vậy, trong quá khứ Cầu Long biên là hình tượng trong văn học, sân khấu, thơ ca, nhạc họa của nhiều thế hệ, mang nhiều dấu tích lịch sử của năm tháng, nhưng hiện tại vẻ đẹp cuả chiếc cầu cũng dần biến vào quá khứ chỉ còn đọng trong ký ức của lớp cha ông, thật thương hại cây cầu khung sắt cũ kỹ, mất nhịp, không sơn, chật hẹp, lạc hậu luôn in vào mắt người HN mỗi khi đi làm và mỗi khi về nhà. Giá gì cây cầu được phục hồi, nâng cấp, đổi đời trên chính vẻ đẹp hiện hữu của nó, có đủ nhịp, hai bên cầu có lòng đường rộng thoáng, ở giữa có hai làn đường sắt. Hy vọng ý tưởng đó là điều mà Chính quyền HN cũng đang xúc tiến trưng cầu ý dân, rất mong thành hiện thực.
Đỗ Tấn Mỹ, Tô Hoành và Nguyễn Văn Ngọc (k5 Trỗi) từ Quế Lâm, TQ về nước (hè 1967)đã được các chú tăng cường về F361 phòng không và từng chiếm lĩnh trận địa pháo 12,7mm ngay sân bóng Long Biên, để bảo vệ cầu Long Biên.
Tại đỉnh cao của cầu từng có cả khẩu đội 37mm túc trực bảo vệ. Họ không hề sợ chết.
Trong số 3 bạn về nước, về F361 ngày ấy, Nguyễn Văn Ngọc đã hy sinh tại Thành Vinh ngày 10/10/1968 (khi chỉ còn tuần lễ nữa là Mỹ phải ném bom hạn chế).
Thật đáng tự hào 1 thời vẻ vang. Vậy mà ai đó định dỡ cầu này???
Xin đừng nhắc nhiều về ký ức, những kỷ niệm quá khứ về cây cầu Long biên mà ai đó thử đứng trên đê sông hồng nhìn cây cầu và tự cảm nhận .......
Đăng nhận xét