Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Giải mật cuộc chiến tranh 2 đầu biên giới (2)

Khmer Đỏ thảm sát dân xã Ba Chúc và vụ di dời dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang (cũ)
Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thời gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta ở An Giang vô cùng to lớn, có hai sự kiện đau thương dù thời gian lùi xa, nhưng bất cứ ai chứng kiến nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động:
Khi chiến tranh bùng phát, mặc dù có chủ trương ven tuyến biên giới sơ tán người già, phụ nử, trẻ con, nhưng khi Khmer Đỏ đánh vỡ tuyến phòng ngự của quân ta tràn vào chiếm Núi Tượng xã Ba Chúc mười ngày trong tháng 4 năm 1978 phần lớn dân vẫn không sơ tán, Khmer Đỏ gây ra vụ thãm sát kinh hoàng giết chết 3.157 người! Nghe những nạn nhân sống sót kể lại và xem các bức ảnh chụp sau khi quân ta đánh Khmer Đỏ rút chạy, xác người chết nằm chất chồng la liệt khắp nơi…! Tội ác giết người man rợ như thời trung cổ của bọn Khmer Đỏ “trời không dung đất không tha”!!


Sự kiện đau thương nầy tôi nghĩ có phần trách nhiệm của đảng bộ, chánh quyền sở tại thiếu kiên quyết vận động, thuyết phục dân sơ tán. Ngày nay, các nhà viết sử trong tỉnh viết về sự kiện nầy chỉ đổ lỗi đồng bào xã Ba Chúc theo đạo Hiếu Nghĩa, vì “…mê tín nên nghe lời bọn xấu chạy vào chùa Phi Lai đọc kinh cứu mạng không chịu di tản…” (dự thảo Lịch sử tỉnh và huyện Tịnh Biên).
Về vụ di dân Khmer Bảy Núi, gần cuối năm 1978 khi chiến tranh đang diễn ra có lệnh Trung ương: An Giang phải di dời khẩn cấp toàn bộ dân Khmer Bảy Núi về định cư ở tỉnh Hậu Giang. Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn gồm các vị lãnh đạo hai huyện Bảy Núi Tri Tôn, Tịnh Biên và các ngành tỉnh liên quan triển khai kế hoạch thi hành. Các vị lãnh đạo tỉnh giải thích: Theo chỉ đạo Trung ương, phải đưa dân Khmer Bảy Núi về các tỉnh phía sau, “để ngăn cắt không cho Khmer đỏ lợi dụng móc nối tổ chức chống ta”. Lý lẻ không thuyết phục, nhưng không ai dám có ý kiến khác!
Việc di dời 70 ngàn dân Khmer với chặng đường dài hằng trăm cây số, trong khi phương tiện vận tải của ta, chủ yếu đường sông rất hạn hẹp vô cùng khó khăn! Nhưng, khó khăn nhất là giải thích, động viên dùng “con ngáo ộp” Khmer Đỏ hù dọa, thúc ép đồng bào chịu rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng ra đi, vì họ nào muốn xa lìa nơi chôn nhao cắt rún, sinh cơ lập nghiệp từ bao đời trên mãnh đất nầy, trong khi hiểm họa Khmer Đỏ lúc ấy không như cán bộ tuyên truyền. Có mấy lần tôi cùng các vị lãnh đạo Tỉnh ủy vào Bảy Núi kiểm tra, đôn đốc việc di dân, chứng kiến cảnh người dân than khóc, kể lể trước khi ra đi trong lòng vô cùng đau xót, thương cảm đồng bào, nhưng lệnh là phải thi hành không có chọn lựa nào khác!
Thực hiện cuộc di dời dân không nhanh gọn như kế hoạch, kéo dài đến đầu năm 1979, quân ta mở chiến dịch tổng phản công tiến chiếm Phnom Phenh, đưa cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lên đất Campuchia vẫn chưa xong. Khi ấy ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Dân vận đến An Giang, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy, ông Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), Bí thư tỉnh ủy báo cáo với ông Nguyễn Văn Linh việc di dân Khmer, đề nghị ông cho đình chỉ, vì ta đã đánh chiếm Phnom Phenh, hiểm họa Khmer Đỏ không còn. Ông Nguyễn Văn Linh viết điện mật gởi Bộ Chính trị chuyển đề nghị của Tỉnh ủy. Hôm sau, điện mật của Tổng bí thư Lê Duẩn gởi phúc đáp viết vắn tắt: “Việc nầy (di dân Khmer) do anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chỉ đạo chiến trường Tây Nam) chịu trách nhiệm, phải có ý kiến của anh…”! Thế là việc di dân vẫn phải tiếp tục…!
Chủ trương di dời dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang, xuất phát từ quan điểm không tin người Khmer Bảy Núi, cho rằng nếu không di dời vào sâu nội địa họ sẽ theo Khmer Đỏ chống ta, không phải để “bảo đãm an toàn, tính mạng, tài sản của dân” như các nhà viết sử trong tỉnh viết. Tôi nói chuyện nầy, những người cùng thời với tôi còn sống trong tỉnh không lạ gì.
Việc đưa 70 ngàn dân Khmer an cư lập nghiệp từ bao đời ở Bảy Núi về vùng đất lạ, khác nào một cuộc “đi đày”, làm tiêu tan tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đảo lộn cuộc sống người dân, mà các vị lãnh đạo cấp cao đất nước khi ấy ra quyết định bất chấp hậu quả, bất chấp lòng dân và chẳng đếm xỉa ý kiến đảng bộ, chánh quyền địa phương! Khi còn đánh nhau với Khmer Đỏ ở biên giới thì nói sao cũng được, nhưng khi không còn đánh nhau vẫn phải tiếp tục cuộc di dời dân Khmer, thì các nhà viết sử giải thích sao đây?
Sau khi đưa dân Khmer đi chuyến cuối cùng, khắp vùng Bảy Núi các phum sóc người Khmer nhà cửa, chùa chiền hoang tàn, xơ xác…! Mặc dù tỉnh Hậu Giang tiếp nhận người Khmer tích cực giúp đỡ tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, nhưng không thể kham nỗi, phát sinh nhiều vấn đề ngoài tầm khả năng của tỉnh. Vã lại, người Khmer Bảy Núi ở vùng cao đã quen, nay đưa họ về sống ở đồng bằng không thích nghi, vài tháng sau toàn bộ 70 ngàn dân Khmer lục tục dắt díu nhau trở về Bảy Núi! Có ai nhìn thấy cảnh đồng bào tay xách nách mang, gánh gồng tài sản, lùa dắt trâu bò đi bộ hằng trăm cây số trở về phum sóc cũ, mới thấu hiểu cãm thương nổi gian nan, vất vả của đồng bào!! Về đến nơi chôn nhao cắt rún đồng bào trắng tay, không nhà ở, không có gì để ăn, đau ốm không thuốc chữa trị, trẻ em không có trường đi học… đồng bào lâm vào cảnh khốn cùng, chánh quyền phải cứu đói và giải quyết mọi hậu quả. Nhưng trong điều kiện khi ấy ngân sách tỉnh nghèo nàn, dù có cố gắng cũng chẳng thấm vào đâu, đồng bào phải tự xoay sở để sống còn…! Tôi nghe có không ít người chết đói và chết vì bịnh tật do thiếu đói, nhưng không biết bao nhiêu!?
Kế hoạch di dân Khmer phá sản, ta không thể bắt đồng bào quay trở lại Hậu Giang, Tỉnh ủy báo cáo Trung ương, nhận điện chỉ đạo của Trung ương: Tỉnh phải bố trí lại nơi ở của đồng bào Khmer, tập trung ở từng khu vực sâu trong nội địa, không để ở rải rác các phum sóc cũ, nhất là các phum sóc gần biên giới, để “Khmer Đỏ không thể thâm nhập…”. Lại tiếp tục một chủ trương sai lầm, nhưng tỉnh không thực hiện được và Trung ương cũng lờ đi… !!


Sau cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam
Ngày 7/1/1979 quân ta đánh chiếm Phnom Penh, 3 ngày sau tôi tháp tùng đoàn cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang thăm thị xã Tàkeo. Trên đường đi từ thị trấn Tịnh Biên theo Quốc lộ 2 lên thị xã Tàkeo, hai bên đường làng mạc, phố phường hoang vắng, đó đây xác người còn nằm phơi nắng giửa trời, từng tốp xe bọc thép, xe vận tải chở quân của ta chạy trên đường, hay cụm lại nghỉ ngơi dưới bóng râm. Thị xã Tà keo như một thành phố chết, không điện nước, không chợ búa, không bệnh viện, không trường học, nhà cửa, phố phường xơ xác, tiêu điều…Người dân từ đâu đó lục tục kéo về đi thất thểu trên đường, quần áo rách rưới toàn một màu đen…! Hai lần tôi đặt chân lên Campuchia, không như lần năm 1970 đánh Lon Nol người dân vui mừng chào đón “anh bộ đội Việt Nam” như người thân, lần này tôi cãm nhận trong ánh mắt họ như vừa vui, vừa e dè, ngại ngùng điều gì đó…! Tôi cùng đoàn đi xem nơi ở của Tà Mốc - tên đồ tể Khmer Đỏ và xem toà nhà của cố vấn Trung Quốc giửa hồ nước rộng như nhà thuỷ tạ.
Theo sự phân công của Trung ương, An Giang chịu trách nhiệm tỉnh Tà keo, tổ chức đoàn chuyên gia chánh trị và đoàn chuyên gia quân sự mang phiên hiệu Đoàn 9905, cùng các đơn vị bộ đội địa phương tỉnh tiếp tục truy quét tàn quân Khmer Đỏ và giúp bạn xây dựng lực lượng, phát triển kinh tế, xã hội…từ con số không kéo dài suốt 10 năm, tổn thất về người và của không đo đếm được!
Cuộc kháng chiến chống Mỹ chấm dứt, hòa bình được lập lại, những tưởng bước vào thời kỳ xây dựng hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc… Thế nhưng, niềm tin và hy vọng dần dần tan theo mây khói, do những chánh sách đối nội sai lầm của Đảng, làm chồng chất thêm khó khăn sau chiến tranh, nhân dân nghèo đói, cùng với sai lầm trong đối ngoại, đất nước bị bao vây cấm vận và rơi vào thãm họa chiến tranh một lần nữa với hai người “đồng chí” láng giềng…!

Những sự thật cần biết
Đạo diển Lê Phong Lan mong muốn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam được “giải mật”, nhưng qua những gì tôi biết, tuy chỉ trong phạm vi địa phương cũng đủ nói lên tất cả, tôi thấy không có gì bí mật, có điều người dân không dám nói và Đảng không muốn nói, hay nói không đúng sự thật, thành ra chuyện không bí mật thành bí mật.
Bộ phim tài liệu của đạo diển Lê Phong Lan phát sóng trên kênh HTV9, với tên “Biên giới Tây Nam – cuộc chiến bắt buộc”. Gọi đây là“cuộc chiến bắt buộc” là chính xác, vì Khmer Đỏ vô cớ xăm phạm biên giới Tây Nam nước ta, buộc ta phải đánh trả tự vệ và tổng phản công đánh chiếm Phom-Phenh, để loại trừ hiểm hoạ Khmer Đỏ cho đất nước. Sau đó, không thể không giúp những người Khmer trong nhóm Hunsen, Heng Samrin…ly khai Khmer Đỏ, họ với hai bàn tay trắng như Khmer Đỏ năm 1970, ta hết lòng hết sức giúp họ từng bước phát triển trưởng thành. Điều quan trọng là giúp họ nhằm xây dựng một thể chế chánh trị thân thiện với ta, để bảo đãm sự bình yên lâu dài vùng biên cương này của Tổ quốc.
Nói “cuộc chiến bắt buộc” là đúng, dù Khmer Đỏ thực hiện chánh sách diệt chủng với người dân của chúng, nhưng nếu không động chạm đến biên giới lãnh thổ nước ta, thì liệu ta có đưa quân đánh chúng phải chịu “sa lầy” hao người tốn của trong 10 năm, còn mang tiếng “xâm lược” không? Theo tôi là không! Nên nhớ, thời điểm ấy tình cảnh nước ta “rối như nồi canh hẹ”, giải quyết những vấn đề trong nước và ngoài nước của ta đã hết hơi hết sức, còn đâu lo chuyện “ăn cơm nhà vát tù và hàng tổng”. Làm gì có chuyện tự dưng đưa “bộ đội tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên nước bạn”, “cứu nhân dân Campuchia thoát hoạ diệt chủng Khmer Đỏ”.
Bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin tại lể kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ tại Hà Nội ngày 5/1 ông nói: “Chỉ có đất nước Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã tự nguyện đưa con cháu và những người thân yêu của mình đến giúp giải phóng và cứu tính mạng của người dân Campuchia trong lúc vô vàn nguy nan…”. Đại diện cho người dân Campuchia ông phải nói như vậy và nói như vậy là đúng, nếu ta không tiêu diệt Khmer Đỏ thì làm gì có đất nước Campuchia ngày nay, nhưng đó chỉ phản ánh một phần sự thật lịch sử, chưa phải căn nguyên việc ta can thiệp vào Campuchia.
Đạo diển Lê Phong Lan nói: “…sau cuộc chiến Mậu Thân 1968, khi một phần quân đội của chúng ta bị đánh dạt qua biên giới Campuchia, lập căn cứ bên đó thì nhiều khu tập kết vũ khí, đạn dược của chúng ta bị Khmer Đỏ tấn công, giết người và cướp đi hết”. Sự thật là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ sau Đồng khởi năm 1960, cho đến Lon Nol đảo chánh ở Campuchia năm 1970, lực lượng kháng chiến các tỉnh ven biên giới giáp Campuchia, kể cả của Miền (R), khi nào bị quân Mỹ và Sài Gòn càn quét, đánh phá gặp khó khăn thì thường chạy sang trú ẩn ven biên giới trên đất Campuchia trong thời gian nhất định hoặc lâu dài, kể cả xây dựng căn cứ hậu cần ở đó, không phải chỉ đến sau trận Mậu Thân 1968. Và, như tôi viết ở trên, năm 1970 khi ta buộc phải đưa quân lên Campuchia đánh Lon Nol, cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) thực lực chưa có gì, chúng không có khả năng và cũng chưa ra mặt chống ta, nên không có chuyện tấn công giết người và cướp vũ khí của ta khi ấy.
Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: “… tại sao Khmer Đỏ lại cố ý kích động sự thù hằn giửa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia?” và đạo diển Lê Phong Lan hỏi: “Đằng sau cuộc chiến nầy là ai?” .
Như tôi viết ở trên, năm 1970 bất đắc dĩ ta đưa quân lên Campuchia đánh Lon Nol vì sự sống còn của ta và giúp Khmer Đỏ dần dần xây dựng phát triển thực lực “đủ lông đủ cánh”, thì cũng dần dần Khmer Đỏ bộc lộ dã tâm chống Việt Nam, cho đến ngày 30/4/1977 ồ ạt đưa quân tấn công toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Và, kẻ đằng sau Khmer Đỏ chính là Trung Quốc, không có Trung Quốc Khmer Đỏ không dám liều lĩnh gây chiến tranh biên giới chống ta với qui mô chừng ấy, nhưng Trung Quốc nhúng “bàn tay lông lá” của họ vào nắm Khmer Đỏ từ lúc nào và vì sao Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ chống ta và sau đó xua quân gây chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một bài học”, cho đến sau khi kết thúc hai cuộc chiến tranh nầy một thời gian khá dài, Trung Quốc còn tiếp tục “bảo trợ” Khmer Đỏ, đấu tranh giử ghế chúng ở Liên hiệp quốc, làm cho cộng đồng quốc tế ngộ nhận “Việt Nam xâm lược Campuchia”, phạm vi bài viết nầy tôi chưa nói được.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ, đạo diển Lê Phong Lan nói: “Để lấy lòng dân và tập trung quyền lực thì kích động thù hằn dân tộc và gây chiến là biện pháp đơn giản nhất…”. Ý kiến nầy tôi xin trao đổi làm rỏ thêm:
Quê hương An Giang của tôi là vùng biên giới giáp Campuchia, thuở nhỏ tôi đã biết người dân hai nước ở hai bên biên giới quan hệ gần gũi như người láng giềng; trong kháng chiến chống Mỹ tôi từng sống cùng đồng chí, đồng đội của tôi ở vùng biên giới trên đất Campuchia, người dân Campuchia rất có cảm tình với chúng tôi, nếu không chúng tôi không thể sống yên ổn ở đó và những năm tháng đánh quân Lon Nol tôi cũng có mặt, chúng tôi rất hiểu tấm lòng người dân Campuchia với Việt Nam, chỉ có một bộ phận nhỏ người Campuchia nhẹ dạ, cực đoan bị thế lực phản động trong nước và nước ngoài, sau nầy là Khmer Đỏ tuyên tuyền lôi kéo theo chúng chống Việt Nam, chứ đa số người dân Campuchia rất thân thiện với Việt Nam, Khmer Đỏ xây dựng quân đội chuẩn bị chiến tranh chống ta hàng vạn quân, nhưng chắc chắn không phải tất cả đều tự nguyện theo chúng chống Việt Nam. Khmer Đỏ hoặc thế lực nào khác ngày xưa, hay phe đối lập Sam Rainsy ngày nay ở Campuchia muốn chống Việt Nam bao giờ chúng cũng giở luận điệu tuyên truyền moi móc chuyện lịch sử xa xưa, kích động hận thù dân tộc rằng “Việt Nam chiếm đất Campuchia…”, nhưng hiệu quả luận điệu ấy không như chúng mong muốn.
Tôi đồng ý ý kiến đạo diễn Lê Phong Lan: “…Lịch sử là cái đã qua, nhưng chúng ta có thể học hỏi nhiều từ lịch sử cho hôm nay và mai sau…”. Và, đã là lịch sử thì phải khách quan, chân thật, che dấu hay “vo tròn, bóp méo” sự thật lịch sử là có tội con cháu mai sau./-
Tháng 01 năm 2014
Nhân kỷ niệm 35 năm kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chính xác vì lịch sử là sự thật. Ngày nay trong thời đại thông tin toàn cầu không ai có thể bóp méo hay viết lại lịch sử được nữa.

Nặc danh nói...

Bài này rất bổ ícch đối với cá nhân tôi.Cám ơn.KC

TranKienQuoc nói...

Quá thực, quá hay và quá dũng cảm.

Nặc danh nói...

Điều cuối cùng tôi muốn nói là: cứ chắp nối tất cả các mắt xích lại, từ khi Tần Thủy Hoàng (hay người Hán) "có công thống nhất đất nước", cho đến tận bây giờ khi Sihanouk được china nuôi 1970, binh pháp Tôn tử "một mũi tên 2 cái đích" cho Giang Trạch Dân đi tắm biển Đà Nẵng, đẳng cấp của những người nói tiếng Bắc Kinh là trên những người nói tiếng Quảng, nên từ trước đến nay những kẻ lãnh đạo ở Bắc Kinh là người gì,vv, thì sẽ biết.