Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN? (VIỆT DŨNG)


         Ngay sau cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, lo lắng đến việc xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở. Người đã sớm nhận ra những căn bệnh nguy hiểm của đảng cầm quyền. Đó là các căn bệnh: “Nhũng nhiễu” dân, “Quan liêu” xa rời quần chúng, căn bệnh “Ngông nghênh”, “Cậy thế, cậy quyền” … của những “Ông quan cách mạng”.    
Bác thăm bà con nông dân.

         Chỉ hơn một tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong bài viết tựa đề “Chính phủ là công bộc của dân” ký tên Chiến Thắng đăng trên báo Cứu Quốc, ngày 19/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Trước cuộc khởi nghĩa 19/8/1945, nói tới hai chữ Chính phủ, người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa: Chính phủ đối với ta như người  “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gưỉư số mệnh vào. Người xưa nói: quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh.”


        Cũng trong tháng 9/1945, trên báo Cứu Quốc ngày 26/9, trong bài viết có tựa đề: “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”, cũng với bút danh Chiến Thắng, Bác căn dặn các “Công bộc của dân”: “Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quí đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.
        Từ thực tiễn hoạt động của bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng bộ máy công quyền cấp cơ sở ( cấp làng, xã, thôn), vì đây cũng chính là cấp chính quyền sát dân nhất, dễ bộc lộ những ưu việt cũng như yếu kém của đội ngũ cán bộ. Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân” đã nói ở trên, Bác chỉ rõ vai trò của các Uỷ ban nhân dân cơ sở: “Các uỷ ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm”. Và để chứng minh cụ thể một số thói hư, tật xấu trong chính quyền nhân dân cấp xã, trên bài viết “Bỏ cách làm tiền ấy đi” (Báo Cứu Quốc số 69, ngày 17/10/1945- Bút danh Chiến Thắng), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Một ông chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã nọ, sang dự cuộc hội họp tại một thôn bên cạnh, nhân nói chuyện về những việc cải cách trong làng mình lại khoe rằng:  thôn ông trong tháng vừa qua đã bán thứ vị như chánh phó lý, khán thủ, v…v…và đã thu được một món tiền khá lớn!... Không được! Tiền là mạch máu cho mọi công việc, tiền là cần thật nhưng không phải vì cần tiền mà cứ đi đè đầu, bóp cổ hay dùng những thủ đoạn không chính đáng để vơ vét lấy tiền. Trong lúc xung quanh mình, người ta mở ngày Vàng, ngày Văn hoá, diễn kịch để lấy tiền giúp quỹ này, quỹ khác, Uỷ ban nọ còn quay lại lối làm tiền cũ rích, bán ngôi thứ, thật đã tỏ rõ một khối óc đặc sệt. Những cuộc “làm tiền” phải đem theo nó một ý nghĩa tuyên truyền nữa mới được. Sao cho người ta nhận thấy rằng đồng tiền của người ta bỏ ra là một viên gạch để góp vào việc xây đắp nền móng quốc gia”.
        Và để chính quyền nhân dân ngày một vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra một vấn đề để cho cán bộ các cấp đều phải quan tâm, thực hiện cho được: Sao cho được lòng dân? Cũng trong bài viết trên báo Cứu Quốc (Số 65, ngày 12/10/1945, bút danh Chiến Thắng), với tựa đề: “Sao cho được lòng dân?”, Bác nêu rõ thực trạng của chính quyền cơ sở: “Ta nhận thấy xung quanh các Uỷ ban nhân dân, một vài nơi tiếng phàn nàn, oán thán nhiều hơn tiếng người khen. Dân chúng tín nhiệm ở Chính phủ trung ương nhiều hơn các Uỷ ban địa phương. Những Uỷ ban đó không những không được dân yêu, còn bị dân khinh, dân ghét là khác nữa…Thứ nhất dân ghét các ông chủ tịch, các ông uỷ viên vì cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lăm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta. Người ta còn bĩu môi nói đến bà “phủ trưởng” nọ bận quần áo chẽn, tóc cắt ngắn, cưỡi ngựa đi rong khắp chỗ mà chẳng có việc gì, người ta còn chỉ trỏ ông tỉnh trưởng kia vác ô tô đưa bà “tỉnh trưởng” đi chơi mát mỗi buổi chiều. Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế, cây quyền, làm nhiều điều quá tệ. Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
         Về bản chất tốt đẹp của chính quyền nhân dân, qua bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẵng định: “Uỷ ban nhân dân làng trái với các hội đồng kỳ mục cũ thối nát, sẽ làm những việc có lợi cho dân, không phạm vào công lý, vào tự do của dân chúng. Nó hết sức tránh cuộc bắt bớ, đánh đập độc đoán, những cuộc thu tài sản không đúng lý. Uỷ ban nhân dân thận trọng hết sức trong chỗ chi dùng công quĩ, không dám tuỳ ý tiêu tiền vào những việc xa phí như ăn uống. Những nhân viên Uỷ ban sẽ không lợi dụng danh nghĩa Uỷ ban để gây bè, tìm cánh, đưa người “trong nhà, trong họ” vào làm việc với mình. Nói tóm lại, bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Uỷ ban nhân dân bây giờ. Uỷ ban nhân dân là Uỷ ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó” (Báo Cứu Quốc số 46, ngày 19/9/1945, bút danh Chiến Thắng).
        Tuy nhiên, để những điều tốt đẹp được khẳng định và ngày càng thắng thế trong các cấp chính quyền cơ sở, các Uỷ ban nhân dân các cấp phải được tổ chức Đảng nắm vững và điều hành hiệu quả. Trong bài viết “Chi bộ ở nông thôn”, Bác nêu rõ sức mạnh của tổ chức Đảng: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt. Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong chi bộ phải thật thà đoàn kết nhất trí. Cách mạng tháng Tám thành công, trường kỳ kháng chiến thắng lợi, một phần quan trọng là do chi bộ nông thôn đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn, lãnh đạo nhân dân, động viên thanh niên tham gia chiến đấu, động viên đồng bào hăng hái sản xuất và đóng góp” (trích bài “Chi bộ ở nông thôn”, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập V, trang 317- nxb Chính trị Quốc gia, năm 2002).
         Sao cho được lòng dân? Là câu hỏi lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cách mạng đặt ra trước Chính phủ, trước hệ thống chính quyền nhân dân non trẻ từ những ngày đầu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập (8/1945). Thiết nghĩ cho đến tận ngày hôm nay câu hỏi đó vẫn không hề cũ đối với hệ thống chính trị của Đảng, cũng như đối với mỗi cán bộ, đảng viên, những “Công bộc của dân” như Bác kính yêu thường nhắc nhở.

                                                                                                           


5 nhận xét:

Minh Tâm nói...

Bài viết xúc động. Ngay từ TK 14, Nguyễn Trãi đã nói: "ĐẨY THUYỀN VÀ LÀM LẬT THUYỀN CŨNG LÀ DÂN". BÁC HỒ dã cảnh báo với Đảng cầm quyền những THÓI HƯ, TẬT XẤU từ ngày LẬP NƯỚC. Than ôi...

TranKienQuoc nói...

Bài học sơ đẳng của Bác, ai cũng bảo đã học (thậm chí mất nhiều tiền để tổ chức học) nhưng chả ai làm theo.

Nặc danh nói...

Lãnh đạo giờ nói nhiều và làm ít. Khác cụ Hồ xưa.

Nặc danh nói...

Báo chính thống, báo mạng viết nhiều ý tưởng này rồi, nhắc nhiều, nói mãi nhưng nói nhiều làm ít cũng bằng không ! vã lại làm sao cho vừa được lòng dân, sâu thăm thẳm, không đáy

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Đúng là bây giờ chẳng có mấy cán bộ chịu đọc,chịu học,chịu làm theo lời Bác.Dù sao đây cũng là điều V.Dũng và nhiều chúng ta còn mong mỏi.