Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

NHẮC LẠI KỶ NIỆM CỦA MỘT THỜI (Chu Kỳ Minh)


Trong một lần gần đây, khi đi thăm trang trại của thầy giáo cũ tại Ba Vì  tôi đã gặp lại vợ của một anh bạn cùng tham gia với tôi trong lần phục vụ cho chiến trường biên giới phía Bắc. Nói là gặp lại vì đã lâu quá rồi tôi không hề liên hệ hay biết tin gì của vợ chồng em cả. Vả lại từ khi chồng em rời khỏi  Viện KTQS tôi có bao giờ gặp lại nhau nữa đâu. Lần này cũng tình cờ khi nói chuyện với em tôi mới biết em là vợ của Nguyễn Nam Vũ (con trai bác Nguyễn Văn Kỉnh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại CCCP những năm 60s). Cuộc gặp làm tôi nhớ lại một kỷ niệm với Nam Vũ thời còn khoác áo lính tại Viện KTQS.



….Hồi đấy là vào những năm 1982-1983 của thế kỷ trước, Viện chúng tôi có một đề tài được áp dụng trên biên giới phía Bắc. Chúng tôi phải thay nhau lên thực địa để cùng với các chiến sỹ pháo binh của Quân Khu 2 triển khai đề tài này. Hồi đó chiến tranh trên biên giới phía Bắc đang trong giai đoạn quyết liệt. Sau năm 1979, “bạn” rút hết về bên kia biên giới và làm chủ hầu hết những cao điểm nằm trên đường biên trên toàn tuyến biên giới của QK-2 quản lý. Chúng tôi cùng với các cán bộ pháo binh của QK-2 triển khai một đại đội tên lửa không điều khiển, trận địa nằm trên sân bay Phong Quang cách đường biên theo đường chim bay khoảng 15 km. Chúng tôi phải phân chia nhau làm hai bộ phận. Một vận chuyển tên lửa từ sân bay Sao Vàng Thanh Hóa ra Hà Nội. Bàn giao toàn bộ đoàn xe hơn 10 chiếc ôtô ZIN 130 chở đầy tên lửa, mỗi xe chở 05 quả tại ngoại ô Hà Nội cho người khác áp tải lên mặt trận Hà Giang. Lần ấy đến lượt tôi và Nam Vũ đi, chúng tôi mang theo những thiết bị cần thiết để bổ sung cho trận địa đang triển khai sẵn sàng chiến đấu trên sân bay Phong Quang. Ngày ấy cũng vào những ngày cuối tháng 12 này, hình như vào khoảng 18 – 20 tháng 12 thì phải. Chúng tôi chờ tại 10 Trần Hưng Đạo (nhà chị dâu tôi, chị ruột Tôn Gia Quí Trỗi K4) để đón xe do Duy (cũng là một thằng Trỗi K2, hiện là chủ nhà nghỉ “Bạn bè” Thung Nai Hòa Bình) chỉ huy lấy đạn từ Thanh Hóa ra. Cả đoàn xe chở đầy đạn qua phà Khuyến Lương tập kết tại Đông Anh, chỉ có xe chỉ huy qua Hà Nội đón bọn tôi. Theo kế hoạch thì 10 giờ phải có mặt tại Hà Nội rồi, thế mà chúng tôi chờ mãi sau trưa vẫn không thấy gì. Buổi trưa Thái (vợ Nam Vũ) có vẻ lo lắng quay lại 10 Trần Hưng Đạo xem chuyện đi đứng thế nào. Lo là phải thôi vì Nam Vũ không phải là kỹ sư vũ khí đạn (Nam Vũ học trường ngoài sau khi tốt nghiệp được điều vào Quân đội). Tôi trấn an Thái và động viên để Thái đỡ lo lắng cho chồng. Ngày đấy tôi cũng không biết rằng Thái cũng là học sinh trường Trỗi. Hai giờ chiều Duy mới ra đến Hà Nội, chúng tôi bàn giao công việc cho nhau và tôi thay Duy chỉ huy đoàn xe hướng mặt trận Hà Giang thẳng tiến. Hồi đó Quốc lộ 2 không được tốt như bây giờ nên phải chiều ngày hôm sau chúng tôi mới tới Hà Giang. Trên đường đi chúng tôi cùng chỉ huy trưởng đoàn xe là một người anh hùng lái xe thời chống Mỹ triển khai nấu ăn dọc đường hành quân. Cũng bếp lửa dã chiến, nào gạo, rau, tôm cá đủ cả, chẳng khác mấy so với hồi chiến tranh phá hoại. Có điều không phải chú ý tới khói lửa đề phòng máy bay Mỹ nữa, thiếu cái gì có thể chạy ngay vào nhà dân xin tạm tí mắm muối hay thâm chí ít gạo nấu cơm. Tập kết đạn vào nơi qui định xong chúng tôi lên báo cáo với tư lệnh tiền phương QK-2  lúc bấy giờ là Thiếu tướng Nguyễn An về sự có mặt của hai sỹ quan Viện KTQS và tình trạng, cũng như số lượng đạn tên lửa được vận chuyển lên. Tư lệnh bàn giao chúng tôi cho Cục Kỹ thuật tiền phương QK-2. Chúng tôi được nghỉ một ngày để hôm sau vào trận địa. Ra khỏi phòng Tư lệnh chợt nghe tiếng pháo nổ đầu nòng cầm canh từ bên kia biên giới mà cũng cảm thấy sờ sợ vì đã lâu lắm rồi không được nghe tiếng đó. Không nói ra nhưng lúc bấy giờ trong lòng cũng thấy nao nao khó tả. Sáng hôm sau tôi và Vũ theo cậu liên lạc còn rất trẻ vào trận địa đặt trong sân bay Phong Quang. Trước khi đi cậu liên lạc dặn chúng tôi răng: ” khi nào nghe tiếng nổ đầu nòng các Thủ trưởng thấy cháu nhẩy vào các hố cá nhân đào sẵn trên đường đi thì các Thủ trưởng phải cố gắng tìm ngay chỗ ẩn nấp cho mình”. Cũng may hôm đó tuy trời nắng đẹp, tầm nhìn xa rất rõ nhưng chúng tôi không bị một cú tập kích nào của phía bên kia bắn đến. Vào đến trận địa vào lúc trời chạng vạng tối, chúng tôi được đại đội trưởng và chính trị viên đại đội phân nằm trong hang đá tại vị trí rất an toàn của đơn vị. Khoảng 18.00 là đến giờ ăn cơm tối. Bữa cơm đầu tiên tại đơn vị tiền phương là bữa cơm kỷ niệm 39 năm ngày thành lập QĐNDVN, nhưng hôm đó làm tôi nhớ mãi. Chúng tôi ăn cơm cùng mâm với chỉ huy đơn vị. Đơn vị thịt con lợn 80 kg, làm rất nhiều món cho anh em chiến sỹ ăn. Tôi thấy nhiều thức ăn quá nên hỏi đại đội trưởng ngồi ngay cạnh tôi – sao không làm ít vừa đủ ăn thôi, còn để dành đến những ngày sau chứ - biết ngày mai còn sống mà ăn nữa đâu mà để giành hả anh. Câu trả lời ngắn gọi, đủ ý nhưng nhói đau vào trái tim tôi. Đại đội trưởng thường nhắc chúng tôi về đi lại và an toàn trên trận địa. Giọng nói của cậu ta nhẹ nhàng, mềm mỏng đến không ngờ. Tôi hiểu rằng, tại đây, cái sống và cái chết chỉ cách nhau có gang tấc. Mọi người luôn cảm thấy cần nhau, yêu quí nhau, dựa vào nhau để sống, vì vậy, không có chủ nghĩa quân phiệt như ở các đơn vị phía sau. Trên trận địa những ngày mới lên nhiều đêm không ngủ được. Hoàn toàn không phải vì sợ, mà thấy tiếc thời gian cho giấc ngủ. Cứ nghĩ rằng, mình ngủ và chẳng biết liệu ngày mai mình có còn sống để mà dậy không, nghĩ như thế là lại cố căng mắt để thức.
Thương những người lính trên trận địa vô cùng. Hồi đó cuộc sống khó khăn lắm, lương thực, thực phẩm tiếp tế lên các điểm tựa, lên các chốt tiền tiêu thiếu một cách nghiêm trọng. Cầm bát cơm người chiến sỹ liên lạc ngồi đầu nồi sới cho mà tôi không cầm được nước mắt phải đứng dậy đi ra ngoài. Gạo thì sắp mục, mùi hôi hôi. Tôi đếm trong bát cơm đúng 32 hạt thóc. Thế mà những người lính của chúng ta vẫn ngày đêm vững tay súng bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ Quốc.


Chúng tôi khắc phục những hỏng hóc của khí tài trên trận địa ngay ngày hôm sau. Hôm sau nữa trận địa đã phát hỏa sang bên kia biên giới. Đài BBC thời đó đưa tin Việt Nam đã bắn bom bay sang tiêu diệt một vài cứ điểm của phía Trung Quốc. Sau đấy trận địa chúng tôi tạm thời im hơi lặng tiếng để giữ bí mật. Được biết sau này phía Trung Quốc cũng tìm hiểu xem Việt Nam sử dụng loại vũ khí gì, nhưng có lẽ đến bây giờ cũng chẳng ai biết được đó là loại gì. Nhân dịp 35 năm ngày chiến tranh biên giới cũng muốn nhắc lại một chút kỷ niệm cuộc đời binh nghiệp của mình trên miền biên cương của Tổ quốc để anh chị em hiểu thêm “bạn” và ta.

6 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Kỉ niệm đau và đẹp. Đẹp vì ta đã góp sức cùng sĩ quan, chiến sĩ bảo vệ biên cương. Đau vì sao nhà nước chả nhắc gì sau 35 năm?

Unknown nói...

Trỗi K2 phần lớn là lính cậu, học là chính, chẳng mấy người được tham gia góp lửa như CKM. Bạn có kỷ niệm thật đẹp. Và đúng như KQ nói, đau và ức thật. Sao chiến công của mình mà mình chẳng dám tự hào? Thậm chí chẳng dám nhắc đến???Trong khi bên kia biên giới người ta nói ầm ầm, đổi trắng thay đen vô tội vạ!?????

TranKienQuoc nói...

Anh CKM: Có sửa chút về phụ huynh Nam Vũ.

BỜM nói...

Một thời để nhớ. Anh CKM sau này cũng LÃNG MẠN phết. Anh NHẨY ĐẦM rất hay. Chúc A luôn vui-khỏe.

Kỳ Minh K2 Trỗi nói...

Không cái gì có thể quên không ai được phép quên điều này bao giờ cả. Tại sao lịch sử là như thế mà nhà nước mình lại không nhắc gì đến nhỉ? Thật tội nghiệp cho những người lính đã nằm lại nơi này. Chúng tôi những học sinh thiếu sinh quân NVT luôn và mãi mãi nhớ đến các anh.
Cám ơn Quốc đã chỉnh sửa hộ một sai sót quan trọng

LuuLinh nói...

Bài của anh CKM chứa nhiều cảm xúc: vui, buồn, tự hào, xúc cảm, tình yêu và tinh thần quyết tử để Tổ quốc quyết sinh