Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Sao lại vô danh ??? (Ngô Hạnh)

Mỗi dịp trở lại chiến trường xưa, chúng tôi lại vào Nghĩa trang Đường 9,  Nghĩa trang Trường Sơn để thắp cho các đồng đội nén nhang. Nhưng khi ra về cảm thấy bùi ngùi vì những gì được chứng kiến. Những người quản trang cho biết phần lớn những ngôi mộ là vô danh vì làm sao biết tên tuổi của các bộ hài cốt ấy!.... Với tôi chữ Vô danh như xúc phạm tâm linh các liệt sĩ, như trách móc những người còn sống sót sau chiến cuộc là chúng tôi. Tôi trộm nghĩ, thay vì làm nghia trang thật rộng thật to, nên làm tượng đài uy nghiêm đẹp đẽ có bức tường khắc ghi tên tuổi đơn vị của các chiến sĩ đã hy sinh. Mỗi khi thăm viếng mọi người đến đặt những bông hoa tươi, được đọc tên các anh thì ấm áp bao nhiêu, thay vì lạc lõng giữa bạt ngàn những nấm mộ vô danh và thậm chí dưới mộ không có ai nằm!

Sao lại vô danh
Tại sao hai chữ vô danh
Lại ghi trên mộ các anh thế này
Nếu không tên tuổi tháng ngày
Cũng ghi Người Lính ở đây vì đời
Làm chi xây cất vẽ vời
Nhiều hàng lắm lối không ai dưới mồ!
Nghĩa trang dẫu rộng dẫu to
Chữ vô danh vẫn nhạt nhòa đau thương!
                          *
Mỗi khi trở lại chiến trường
Ghé qua đường 9 nghĩa trang năm nào
Các anh ngã xuống nơi đâu
Vẫn trong ký ức làm sao phai mờ
Biết rồi nhưng vẫn làm ngơ
Tốn tiền để tạo nấm mồ vô danh
Sao không xây bức tường thành
Khắc ghi bài vị các anh để đời
Dẫu nằm rải rác muôn nơi
Tên anh mãi được lòng người khắc ghi!
                                             CCB Đường 9

8 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Một góp ý chí lý, chân thành chỉ của những người lính đã qua cuộc chiến đau thương và mất mát mới có thể nói ra được!

TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
TranKienQuoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nặc danh nói...

Cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đành. Đến chiến tranh biên giới đánh Tàu, đánh Ponpot cũng vẫn vậy, Chỉ cần 1 tấm thẻ bài quàng cổ thì làm sao còn những nấm mồ vô danh cua những người lính nữa. Nghĩa trang Phú Quốc có rất nhiều những liệt sỹ vô danh được quy tập trong chiến tranh biên giới tây nam.Buồn thật.

Nặc danh nói...

Tác giả nói trúng suy nghĩ của nhiều người. Các chiến sĩ hy sinh ở Campuchia, ở Biên giới phía Bắc còn bị lãng quên nữa kia! đau lắm! đau lắm!

Đàm Thị Ngọc Thơ nói...

Lối nghĩ của một tấm lòng.NH đã nói lên cái mà nhiều người đồng cảm nhưng chưa ai nói ra được.Cảm ơn em.Cô cũng có một người em là liệt sĩ thời chống Mỹ cũng không biết phần mộ ở nơi nào!

NH nói...

Em cảm ơn Cô Thơ và các bạn. Các bạn chiến đấu của đơn vị em còn nằm ở Quảng Trị trong các đồi cao su bạt ngàn, mảnh đất nào chẳng có xương cốt của họ. Theo thuyết của đạo Phật thì xương cốt đâu còn quan trọng mà cái chinh là linh hồn. Gần đây vào Nghĩa Trang Đường 9, em chỉ mong rằng ở đâu đó ghi đủ tên các anh đã nằm lại tại chiến trường này. Thiết nghĩ đây cũng là mong muốn của các gia đình liệt sĩ.

Nặc danh nói...

Nói đi, cũng phải nói lại. Chỉ có những người thực sự sống qua những giây phút thực của những tình huống chiến đấu muôn hình vạn trạng của chiến tranh mới thầu hiểu hoàn cảnh cụ thể của những người lính hy sinh tại chiến trường. Đâu có phải lúc nào ở cổ người chiến sỹ cũng có đeo thẻ lính! ( trong lao tù Phú quốc chẳng hạn) hoặc như đâu có phải lúc hy sinh ,ai cũng có cái áo có gắn số hiệu, loại máu bên mình-đang nằm trong bệnh viện trước cuộc oanh tạc giải thảm của B52 khi mà toàn trạm tiền phương bị xóa sổ!...
Việc thất lạc, không tìm ra tên...của liệt sỹ là khó tránh khỏi. Vấn đề là, sau chiến thắng, sau cuộc chiến , những người sống đối sử, hành sử thế nào với những hy sinh, cống hiến của những người anh hùng còn chưa tìm ra tên ấy.
Những năm qua, tuy chưa thể đối với tất cả( vẫn còn rất nhiều trường hợp), nhưng về số lớn, về cố gắng lớn có thể , chúng ta thấy, nhân dân, Tổ quốc đã không quên ơn Họ.