Tuổi thơ của tụi học
sinh Hà Nội chúng tôi mà không nhắc đến kỷ niệm về những lần được thưởng thức hương
vị thơm, mát lạnh của những que kem thì cũng là thiếu sót. Trong những ngày hè
oi bức, tụi nhóc chúng tôi đôi khi có mấy hào lẻ, lại rủ nhau đi lang thang
trên phố, khi đó chúng tôi gọi là “đi bát phố”, lên chợ Đồng Xuân ngắm cá cảnh,
hay ra phố Hàng Thiếc mân mê mấy con tàu thủy tý hon được gò bằng sắt, chạy
được dưới nước bằng dầu hỏa, rồi vòng ra Bờ Hồ ngắm xe điện, vào Bách hóa Tổng
hợp trên phố Tràng Tiền chơi… Đi lòng vòng, ngắm nghía chán chê, rồi cả bọn lại
quay về nhà.
Kem Bốn mùa ngày xưa. |
Điểm đến hấp dẫn cuối cùng là cửa hàng kem mậu dịch ở phố Tràng
Tiền. Dưới cái nắng hè oi bức, đi từ xa tới, tụi nhóc chúng tôi đã nhìn thấy
đám người đứng xếp hàng mua kem khá đông trên vỉa hè. Vừa rảo nhanh chân về
phía hàng kem, mấy đứa vừa dốc túi, góp tiền với nhau xem “ngân quĩ” có bao
nhiều để mua được mấy que kem cùng “thưởng thức”. Có khi năm, sáu đứa chỉ đủ
tiền mua hai, ba que kem, vậy mà các “chiến hữu” không hề băn khoăn, sẵn sàng
chìa que kem cho mỗi đứa cắn một miếng, xuýt xoa rất là thú vị. Sau này, lên
cấp III, thằng nào đi cùng bạn gái mà có mấy hào mua kem chiêu đãi bạn thì cảm
thấy “oách” lắm.
Thưởng thức kem về
mùa hè đã là một điều hết sức thú vị, nhưng người Hà Nội, nhất là những người
trẻ tuổi lại có cái thú mà chẳng thành phố phía Nam nào có được, đó là ăn kem
trong tiết trời lạnh giá của mùa đông. Mùa đông Hà Nội rét lắm, có lúc xuống
đến 9 – 10 độ, vậy mà vào lúc thời tiết như thế, nhiều lúc trước hiệu kem vẫn
có khách. Đó là tụi học sinh hay các đôi thanh niên “nam thanh, nữ tú”, mặc áo
rét sù sụ, đội mũ lông đến quầy mua kem, rồi vừa khoác tay nhau, vừa xuýt xoa
mút kem. Hình ảnh ăn kem mùa đông của người Hà Nội cũng thật lạ mà vui.
Kem ngon! |
Theo trí nhớ của tôi,
thì những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, Hà Nội có mấy hiệu kem mậu dịch là kem
Bốn Mùa ở phố Tràng Thi, hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng trên con phố cùng tên,
hiệu kem Hồng Vân – Long Vân, kem Thủy Tọa (đọc theo âm Hán – Việt, nghĩa là
“ngồi trên mặt nước”. Nhiều người gọi chệch là Thủy Tạ), đều ở quanh hồ Hoàn
Kiếm. Mạn ngã ba phố Hàng Bông, Phùng Hưng cũng có một hiệu kem nhỏ tên là kem Hòa
Bình. Dưới phố Huế, ngay gần ngã tư Phố Huế - Nguyễn Du là hiệu kem Cẩm Bình.
Tìm hiểu qua tài liệu
lịch sử thì được biết: năm 1936, hiệu kem đầu tiên do người Việt mở ở Hà Nội là
hiệu Zéphyr (Dê phia), ở số nhà 37 phố Cầu Gỗ. Sau ngày giải phóng Thủ đô
(1954), các cửa hàng kem, giải khát dưới sự quản lý của Mậu dịch quốc doanh
được mở lại và phát triển thêm để phục vụ nhân dân lao động. Dần dần kem Hà Nội
cũng trở thành “đặc sản” của đất kinh kỳ, và nổi tiếng trong thời bao cấp đến
mức nhiều cán bộ, người dân có dịp đi qua Thủ đô thì thể nào cũng ra Bờ Hồ,
thưởng thức que kem đậu xanh, kem cốm ở hiệu kem Tràng Tiền hay hiệu kem Hồng
Vân – Long Vân rồi mới thỏa lòng đi làm việc khác.
Thời bao cấp, lại có
cả chuyện tiếu lâm về kem Hà Nội như sau: Có mấy bác ở nông thôn có việc sắp ra
Hà Nội, người nhà dặn đi dặn lại rằng:
“Kẻ cắp Hà Nội nó nhanh lắm đấy, có gì dễ mất thì phải cẩn thận”. Thế rồi
lên đến Thủ đô, sau khi đã xong xuôi mọi việc cần làm, mấy bác cũng muốn thưởng
thức kem Tràng Tiền, nên rủ nhau lên phố Tràng Tiền, xếp hàng mua mấy que kem,
rồi vừa đứng mút mát, lại vừa thích thú nhìn quanh phố phường đông đúc, nhộn
nhịp. Chợt một bác nhớ lời dặn của người nhà là phải cẩn thận với bọn trộm cắp,
nên sau khi cắn một miếng kem nhỏ để thưởng thức vị mát lạnh trong miệng, bác
liền giấu ngay que kem ra sau lưng, vừa ngắm phố, vừa nói chuyện với mấy người
bạn. Lúc sau, chợt nhớ còn que kem đang ăn dở, bác vội cầm que kem định đưa lên
miệng, thì ôi thôi, que kem lúc nãy bác mới cắn có một miếng chỉ còn chiếc que
không trong tay. Bác vừa tiếc, vừa ngạc nhiên, quay ra nói với mấy ông bạn: “Kẻ cắp Hà Nội giỏi thật. Mình đã giấu que
kem sau lưng mà nó ăn hết lúc nào không hay”.
Sau năm 1975, học
tập cách làm kem trong thành phố Hồ Chí Minh, kem Hà Nội mới có thêm các chủng
loại phong phú như: kem hộp, kem ốc quế… với đủ mùi vị các loại hoa quả. Sau
này, vào lập nghiệp và sống trong Sài Gòn hoa lệ, sau những lúc bận rộn với
công việc, mỗi lần đưa con, cháu đi chơi vào những ngày hè hay dịp nghỉ lễ, Tết
và mua kem cho chúng ăn, tôi thích thú nhìn ánh mắt rạng rỡ của tụi trẻ, khi
chúng mút mát, xuýt xoa đưa cây kem mát lạnh lên miệng, kỷ niệm tuổi thơ thời
bao cấp lại ùa về, nhớ những que kem Hà Nội ngày xưa đến xao lòng.
7 nhận xét:
Bài Kem của VD hay quá. Nhớ ngày xưa có bài hát chế cho đội quân bán kem dạo:
Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào!
- Kem đê, kem đê! Kem 1 hào 2 chiếc, kem có đường có chuối, 1 chiếc 5 xu.
- Này, chú bán kem, có rao thì rao cho kẽ, đừng làm ồn lên thế, điếc tai hành khách đi tầu.
- Kem đê, kem đê! Kem 1 hào 2 chiếc, kem có đường có chuối, 1 chiếc 5 xu.
Bình Dị (HVKTQS):
Anh em ta trong đoàn quân vác phích
Cùng vác phích lên nào
Ai kem, ai kem
Kem một hào hai chiếc
Kem một hào hai chiếc
Một chiếc năm xu
Này chú bán kem, có rao thì rao cho khéo
Đừng mà rao láo, Công an họ bắt lên đồn
Ai kem, ai kem!
Đúng là mùa đông ra Bờ Hồ ăn kem sướng lắm, nhất là khi đi với bạn gái. Cái lạnh của mùa đông làm hồng đôi má em và cái lạnh của kem làm lạnh từ lưỡi đến trái tim.
Đoàn quân vác phích thì đúng hơn!
Hồi trường Trỗi mới giải tán. HN mới có kem cốm. Mê món này nhưng kem cốm những 2 hào (đắt nhât trong các loại kem). Không có tiền,ra chợ trời bán cái nón cối được 10 đ.Ăn cho đã.
Tuổi thơ anh em mình thiếu thốn, được thưởng thức ke là "đỉnh" rồi. Tuy nhiên trẻ con thời nào cũng đầy chất THƠ. Nhớ mãi một thời gian khó.
Đọc bài KEM HA NOI hay quá. Trói rất lạnh nhưng đoc xong lại muốn thưởng thức kem ngay ,giữa lúc trời rét có mưa phùn đầu xuân này.
Đăng nhận xét