Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Chú HUÂN – Người được Bác Hồ nhắc đến trong thư gửi bác sĩ Trần Hữu Tước vào tháng 9 năm 1947 là ai? (Việt Dũng)

Trong chuyến đi thăm nước Cộng hòa Pháp cuối năm 1946 với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ các trí thức Việt kiều và động viên họ trở về Tổ quốc chung tay với đồng bào cả nước trong sự nghiệp “Kháng chiến, kiến quốc”. Tháng 9 năm 1946, trên chuyến tàu biển về Việt Nam với Bác Hồ, có những nhà trí thức tài giỏi như Trần Hữu Tước, Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa), Võ Quí Huân, họ đã từ bỏ con đường công danh mở rộng tại Pháp để về Tổ quốc tham gia kháng chiến.
1- Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 SL thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.
Bác Hồ bế cháu Việt Nga, con của Kỹ sư Võ Quí Huân tại Paris (năm 1946).


Đến đầu năm 1947, chiến sự lan rộng, quân đội Pháp với binh khí kỹ thuật tối tân đã dần mở rộng vùng chiếm đóng cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Lúc này TƯ Đảng và Bác Hồ chỉ đạo: Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và chế tạo vũ khí là công việc hết sức cấp bách. Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, một trong những ưu tiên quan trọng của Đảng và Chính phủ ta là tập trung xây dựng lực lượng vũ trang để đánh bại mọi âm mưu và hành động gây hấn của kẻ thù, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Trong các mặt công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, việc thành lập một cơ quan chuyên môn làm công tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là đồng chí Võ Nguyên Giáp đặt ra từ rất sớm. Ngày 15/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 SL thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam. Đến tháng 2/1947, Cục Quân giới được thành lập, do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu trực tiếp phụ trách, sau này khi từ Pháp trở về nước, kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức Trần Đại Nghĩa) được cấp trên giao cương vị Cục trưởng.

Theo chỉ thị của Cục Quân giới, được sự giúp đỡ của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đều thành lập các xưởng quân giới, ngoài sản xuất các loại vũ khí như mìn, lựu đạn, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quân giới, các công binh xưởng lớn ở Liên khu III, Liên khu IV, Liên khu V và Nam Bộ đều tập hợp các kỹ sư và đội ngũ kỹ thuật viên giỏi, bước đầu nghiên cứu các loại vũ khí có sức công phá lớn như mìn, địa lôi điều khiển bằng điện, thuỷ lôi, súng công phá lô cốt theo nguyên lý đạn lõm… Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, đồng chí Tạ Quang Bửu quyết định cho ngành Quân giới thành lập thêm Nha Nghiên cứu kỹ thuật (NCKT), bên cạnh các Nha Sản xuất, Nha Mậu dịch đã có. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Cục Quân giới và Nha NCKT đã hợp tác, nghiên cứu và hướng dẫn các công binh xưởng Liên khu chế tạo ra một số loại vũ khí bộ binh gọn, nhẹ, tính cơ động cao mà hiệu quả, điển hình là loại súng bắn đạn lõm đánh xe bọc thép và công phá lô- cốt hiệu quả mang tên SKZ (súng không giật). Cuối năm 1946, súng bắn đạn lõm (được gọi là Bazooka Việt Nam) đã được quân giới Việt Nam mang đi bắn thử tại Thái Nguyên, kỹ sư Trần Đại Nghĩa vừa ở Pháp về đã tham gia vào quá trình hoàn thiện loại vũ khí lợi hại này.
 Tháng 3/1947, sau khi Trung đoàn Thủ đô hoàn thành cuộc phòng thủ thần kỳ trong 60 ngày đêm, đã rút khỏi nội thành Hà Nội, để nhanh chóng cung cấp một loại vũ khí mới chống xe cơ giới của Pháp trên chiến trường Bắc Bộ, quân giới Khu III dưới sự chỉ đạo của Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã khẩn trương hoàn thiện 10 viên đạn lõm và 1 súng để bàn giao cho lực lượng bộ đội do đồng chí Vương Thừa Vũ chỉ huy đang bảo vệ các cơ quan Chính phủ đóng tại địa bàn Quốc Oai (Sơn Tây). Sáng sớm ngày 3/3/1947, một đoàn cơ giới Pháp hành quân càn quét, có 4 xe tăng dẫn đầu, vượt Hà Đông, Mai Lĩnh tiến qua hướng chùa Trầm vào Sơn Lộ - Quốc Oai. Đoàn xe cơ giới lọt vào trận địa phục kích của ta, bị Bazoka Việt Nam lần đầu xuất trận bắn 2 quả đạn, tiêu diệt chiếc xe đi đầu, bắn cháy chiếc đi thứ hai. Lập tức cả đoàn xe của Pháp quay đầu rút lui. Tin vui bay về làm nức lòng các cấp lãnh đạo, đặc biệt vui sướng, tự hào là những người kỹ sư và lính thợ đã trực tiếp nghiên cứu, chế tạo ra loại vũ khí có sức công phá uy lực.
 Trước không khí khẩn trương, sôi động của cuộc kháng chiến chống xâm lược đang diễn ra trên khắp các chiến trường, kỹ sư Võ Quí Huân càng nóng lòng muốn xuống bám cơ sở để có thể đem kiến thức của mình đóng góp hiệu quả cho kháng chiến. Sau một thời gian ngắn công tác tại Bộ Kinh tế, kỹ sư Võ Quí Huân xin cấp trên xuống cơ sở công tác. Được cấp trên ủng hộ, tháng 4/1947, kỹ sư Võ Quí Huân đeo ba lô, mang theo khối tài sản quí báu nhất là những cuốn sách, bản vẽ kỹ thuật mang từ bên Pháp về, theo đường giao liên kháng chiến trở vào Liên khu IV, ông được phân công đảm trách cương vị Giám đốc Sở Khoáng chất-Kỹ nghệ Trung bộ, kiêm Tổng Thư ký Hội đồng sản xuất Kỹ nghệ miền Nam và Liên khu IV.
Trên cương vị mới, được sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình và hiệu quả của cấp uỷ Đảng, chính quyền Liên khu, Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng), đặc biệt là được các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng uỷ và Ủy ban hành chính- Kháng chiến Liên khu IV là Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Viết Lượng trực tiếp chỉ đạo giúp đỡ. Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ - Võ Quí Huân đã tích cực bắt tay vào công cuộc xây dựng nền móng của ngành đúc - luyện kim trong kháng chiến. Trong hoàn cảnh kháng chiến ác liệt và vô cùng thiếu thốn, an toàn khu kháng chiến đóng xa các trung tâm đô thị, không điện, không thiết bị công nghiệp, địch thường xuyên lùng sục, đánh phá bằng bộ binh và không quân, vậy mà nhiệm vụ kháng chiến đặt ra là phải khẩn trương nghiên cứu, sản xuất ra gang ở qui mô công nghiệp nhỏ để chế tạo các loại vũ khí như mìn, lựu đạn… và cả các loại nông cụ để phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Không chỉ quan tâm đến công tác luyện kim của ngành Quân giới, từ năm 1947-1950, trên cương vị Thư ký Ban phụ trách các công xưởng ở Liên khu IV do Khu ủy tổ chức và lãnh đạo, kỹ sư Võ Quí Huân còn cùng các đồng nghiệp nghiên cứu sản xuất ra các thiết bị máy móc phục vụ nền kinh tế kháng chiến. Tháng 10 năm 1947, ông đã chế tạo thành công máy nghiền giấy đầu tiên của liên khu IV (được Sở Kinh tế Liên khu IV khen) và chế tạo các máy hơi cùng với các thiết bị đi kèm, giải quyết được vấn đề thiếu máy móc cho các công xưởng của Liên khu IV. Với tư cách là Giám đốc Sở Khoáng chất Kỹ nghệ Trung Bộ, ông đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật tìm tòi, khảo sát các mỏ khoáng sản để nghiên cứu tìm các loại quặng có trữ lượng tốt để luyện gang và chế tạo a-xit, máy hàn các loại máy hơi nhỏ phục vụ các công binh xưởng và trang bị cho các cơ quan trên chiến khu.
Thư Bác Hồ gửi B.S Trần Hữu Tước.

Khuyến khíc tinh thần công tác tận tụy của các trí thức từ Pháp về Tổ quốc tham gia kháng chiến, ngày 20/9/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho bác sĩ Trần Hữu Tước, trong đó có nhắc đến “chú Huân” và “chú Nghĩa”. Nội dung bức thư của Bác Hồ như sau:
           “Chú Tước thân mến!
            Đã lâu không gặp, lại không được tin tức, nhớ chú lắm. Hỏi thăm, người thì nói chú khoẻ, kẻ thì nói chú yếu. Nhưng họ cũng chỉ nghe nói thôi. Mong chú cho tôi biết tin tức.
             Nói để chú biết, chú mừng: Tôi vẫn mạnh khoẻ luôn. Mấy anh em cùng về một lần với chúng ta, chú Nghĩa và chú Huân làm việc rất hăng hái và đắc lực, đã giúp sức rất nhiều trong công việc kháng chiến.
             Chào thân ái và quyết thắng.
                                                                       Hồ Chí Minh

Ông Lê Huy Yêm, một trong những học sinh Trường Cán bộ kỹ thuật Trung bộ Khoá I (sau này đảm nhiệm các cương vị Trưởng ban thanh tra Cơ khí và Luyện kim; ủy viên Hội Đúc và Luyện kim khoá I) bồi hồi nhớ lại:
- “Ở cương vị Giám đốc Sở Khoáng chất-Kỹ nghệ Trung bộ, thầy Võ Quí Huân đã cho sơ tán khoảng 5.000 tấn thiết bị, dụng cụ, vật liệu của các nhà máy Trường Thi, Bến Thuỷ, thành lập 5 cơ sở sản xuất phân tán để sản xuất các lò sinh khí, nhằm làm nhiên liệu thay thế et-xăng chạy ô tô, ca nô. Nghiên cứu đóng ca nô giải quyết phương tiện vận tải đường sông, sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ kháng chiến như: Cồn công nghiệp 90 độ, máy nghiền bột giấy, máy công cụ nhỏ, lốp xe đạp… Thầy có vinh dự hướng dẫn cán bộ, công nhân xưởng Kim khí kháng chiến (3KC) sản xuất thí nghiệm thành công mẻ gang đầu tiên từ quặng sắt Vân Trình (Nghệ An) và đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân luyện gang đầu tiên cho đất nước.
Nhưng thành tích nổi bật nhất, có tác dụng rộng rãi và lâu dài nhất là với cương vị Hiệu trưởng trường Cán bộ Kỹ thuật từ năm 1947 và Hiệu trưởng Trường Trung cấp kỹ thuật I sau này, thầy đã đào tạo được nhiều thế hệ cán bộ kỹ thuật giỏi với rất nhiều ngành cho đất nước”.



3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Có hai ý kiến:
- Một là: ông Trần Đại Nghĩa là người góp phần hoàn thiện súng SKZ Việt nam chứ ko phải là người phát minh ra thứ vũ khí này.
- Hai: Kỹ sư Võ Quí Huân trước khi về VN đã có vợ người Pháp và một con gái ở Paris. Ông vẫn dũng cảm từ bỏ sự nghiệp, gia đình theo bác Hồ về nước tham gia KC

Nặc danh nói...

Góp thêm với KC:
Về nguyên lý, SKZ(súng không đật) không có gì mới ( Bazoka có từ thời chiến tranh 1) và không coi là phát minh của TĐN. Hoàn thiện viên đạn để nó thành "KZ" mới là vấn đề, khoa học Việt nam gọi là nguyên lý ĐKZ. Khi viên đạn nổ trong nòng súng, làm sao lực đẩy đạn đi, cân bằng với lực khí phụt ra phía sau thì khẩu súng sẽ đứng im "KZ". Không có lực phá ra theo chiều ngang thì khẩu súng chỉ là ống thep, tôn mỏng cũng không bị phá vỡ! Khi bắn, khẩu súng đặt lên vai xạ thủ cũng chẳng sao, chỉ nghiêm cấm việc có vật cản phía sau nòng súng! Khó khăn kỹ thuật là ở viên đạn nên có thể KS TĐN có công lớn trong điều kiện "VN 1947" là hoàn thiện kết cấu cho viên đạn thỏa mãn tính năng KZ .

Bờm nói...

Cám ơn độc giả đã có nhận xét thứ 2. Cho mọi người biết về nguyên lý của viên đạn KZ.