Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

GIÁO SƯ TẠ QUANG BỬU NIỀM TỰ HÀO CỦA TRÍ THỨC NƯỚC NHÀ (Văn Chinh) - (ST: VD)

 

        GS Tạ Quang Bửu sinh ngày 23-7-1910 trong một gia đình nền nếp gia phong tại làng Hoành Sơn, xã  Nam Hoành, Nam Đàn Nghệ An; ông tạ thế ngày 21-8-1986, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới trí thức, giới đại học và cả chính giới nước nhà. Ông từng giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. 

 
Tem Tạ Quang Bửu.

      Là kẻ hậu sinh, tôi không sao hiểu được bộ óc của một con người lại có thể tích tụ vào mình lượng kiến thức trên rất nhiều lĩnh vực: Toán, vật lý, hoá học, sinh học, cơ khí, giao thông, triết học, văn học, quản lý... Lĩnh vực nào cũng uyên bác, được chính các giáo sư hàng đầu của các ngành khác nhau như: Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Sính, Nguyễn Văn Hiệu, Trần Đại Nghĩa, Hà Học Trạc, Laurent Schwartz (giải Fields, được coi như giải Nobel về toán)... đánh giá rất cao, thậm chí coi như là thầy mình. Là kẻ dốt ngoại ngữ, tôi càng kính sợ một trí nhớ phi thường: Thông thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Latin; có thể sử dụng tốt tiếng Hán, Hylạp cổ, tiếng Balan... Khi đã ngoài 40, giáo sư đã tự học tiếng Nga và chỉ trong ba tháng đã đọc được sách khoa học tiếng Nga.



      Thầy tôi, GS Nguyễn Đình Chú nói: “Về sự học giỏi, giỏi toàn diện của anh Bửu, tôi đã nghe hổi chưa đi học, đến khi ra trường làng, trường huyện rồi sau này đã dạy đại học, tôi còn nghe mãi. Tôi quê xứ Nghệ, cái xứ mà ai học giỏi lập tức cả tỉnh đều biết, các phụ huynh lấy anh làm tấm gương bắt con em mình soi vào. Đi học, đi chơi, đi chợ hay đi giỗ tết...đâu đâu cũng nghe nhắc đến tên Tạ Quang Bửu. Lên 7 tuổi, anh đã có thể viết được một bài chính tả bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp, Hán. Năm 17 tuổi, anh đỗ đầu tú tài bản xứ, đỗ đầu tú tài Tây về toán, đỗ thứ hạng cao về triết. Do đó anh được nhận học bổng của Hội Như Tây du học Trung kỳ sang Pháp học.”  Ông học mà không có chí làm quan, học nhiều ngành khoa học, nhưng chỉ có độc 1 bằng cử nhân Toán. Tại Pháp, năm 1929, ông đăng ký học hai giáo trình Hermite dành cho cử nhân và Darboux dành cho sinh viên trên đại học; đồng thời, cùng với các nhà toán học trẻ Pháp, thành lập Nhóm Nicolas Bourbaki nhằm tổng kết toàn bộ lịch sử toán học nhân loại. (Nhờ vậy, năm 1961, ông mới có thể cho ra đời tác phẩm Cấu trúc Bourbaki, xứng đáng là niềm tự hào của cả phe XHCN.) Năm sau (1930), ông thi đỗ vào Đại học Paris, đại học Bordeaux và sau mấy năm nghe giảng ở hai trường này, ông được ĐH Bordeaux cấp học bổng dành cho các sinh viên xuất sắc sang Anh. Tại Anh quốc, ông học Giao thông công chính, đặc biệt là học Vật lý lượng tử tại đại học Oxford. Như thế có thể nói, sinh viên Tạ Quang Bửu là người Việt đầu tiên được tiếp xúc với nền học ưu tú và moder nhất của thời đại.  
Các thành viên Chính phủ kháng chiến chụp ảng chung với Bác Hồ trên Việt Bắc năm 1949.
(GS Tạ - người đứng hàng cuối, thứ 5 từ trái qua)

        Nhưng điều đáng khâm phục là khả năng tự học không ngừng nghỉ của ông. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hào kể: “Chomsky, một giáo sư người Mỹ đã lập ra trường phái Toán - Ngôn ngữ, năm 1972 thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Đại học. Lần đầu ở Việt Nam mới nghe nói đến khái niệm Toán - Ngôn ngữ, cho nên cả 10 người giỏi tiếng Anh thuần tuý không dịch được bài giảng của GS Chomsky. Cuối cùng, chính Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã phải làm phiên dịch viên. Phải giỏi toán cao cấp hiện đại đã đành, lại phải giỏi ngôn ngữ học, giỏi tiếng Anh và hiểu rất sâu về tin học mới có thể dịch được bài giảng của GS Chomsky. Ông này khi về Mỹ có viết bài kể lại chuyến thăm Việt Nam in trên tờ New York Times, trong đó có câu: “Tôi đã đi nhiều nước, chưa ở đâu tôi được gặp một Bộ trưởng thông thái đến thế!”  

        Theo GS Hoàng Xuân Sính, giáo sư Bửu ở Pháp về nước năm 1935, khi còn rất nhiều bài toán nổi tiếng trong lịch sử toán học của nhân loại chưa ai giải được; nhiều nhánh của toán học hiện đại: Toán tin, toán cơ, toán điều khiển học, toán kinh tế vẫn chưa hình thành. Vậy mà, giáo sư Bửu đã tự giải, tự đọc, học trong điều kiện chiến tranh hoặc bế quan toả cảng để rồi, năm 1960 cô sinh viên toán Việt kiều Hoàng Xuân Sính xuất sắc ở Đại học Paris về nước, đã phải đi nghe giáo sư Bửu, nghe mà mới chỉ hiểu lơ mơ những bài toán mới nhất của nhân loại. Khi đó giáo sư Bửu đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa rồi sau Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông đã giảng cho các nhà khoa học trẻ vào các buổi tối và các sáng chủ nhật suốt mấy năm liền. Khi đã thành một giáo sư toán nổi tiếng, bà Sính đi dự các cuộc hội thảo toán quốc tế về khoe với thầy những cái lạ lùng trong thế giới toán học. Nào ngờ thầy Bửu còn giảng lại hay hơn các thuyết trình viên thế giới về các thuật toán hiện đại mà bà vừa lĩnh hội được.  
       Nói chung, chẳng cứ môn Toán học, GS Tạ Quang Bửu luôn luôn là “bình thông nhau” với các học giả quốc tế về rất nhiều mặt của khoa học hiện đại. Nhưng vẻ đẹp và sự khoẻ khoắn tâm hồn Tạ Quang Bửu mới thật đáng kể. Nhà văn, nhà khoa học thường là những người chỉ quan tâm sâu vào đề tài mình hứng thú, sâu đến mức họ thường bị gọi là giống người ích kỷ. Nhưng dường như Tạ Quang Bửu lại yêu sự nghiệp khoa học của đất nước hơn của chính mình. Ông hiểu hơn ai hết rằng chỉ có nó mới đủ sức mạnh đưa đất nước nghèo nàn lạc hậu và rất sớm tự mãn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng tụt hậu hiện thời. Do đó, ông đã bằng nhiều cách, kể cả cách kháng lại xu thế chung của “bộ tứ” (Lãnh đạo, Cấp ủy, Tổ chức, Công đoàn), để đưa nhiều sinh viên, giáo sư có thực tài nhưng có “vướng lý lịch” theo quan niệm cứng nhắc thời bao cấp, ra nước ngoài học tập. GS Ngô Việt Trung kể: “Theo thoả thuận với nước bạn, thì tôi không đủ tiêu chuẩn du học vì bị bại liệt từ bé. Bác Bửu đã trực tiếp nói chuyện với Thứ trưởng Bộ đại học Cộng hoà dân chủ Đức và ông này đã đặc cách nhận tôi. Mà nào bác Bửu có biết mặt tôi đâu! (Mọi thành tích học tập và nghiên cứu của Ngô Việt Trung đến tai Bộ trưởng Tạ Quang Bửu qua hệ thống ngành dọc do ông kiểm soát). Đặc biệt, bác còn bất ngờ gửi cho tôi một bức thư dài, khuyên tôi nên áp dụng những gì đã nghiên cứu về lý thuyết kỳ dị vào vật lý”.
       Tôi đã đọc 100.000 chữ trong cuốn sách GS Tạ Quang Bửu của 39 giáo sư đầu ngành viết về Ông; bài nào cũng có rất nhiều câu tỏ lòng biết ơn ông về những ân cần chỉ bảo, ân cần mà Ông đã tạo dựng cho mình. Giải thường Hồ Chí Minh dành cho GS Tạ Quang Bửu ghi rõ: “Giới thiệu khoa học kỹ thuật hiện đại, chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và quan điểm xây dựng ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp nước nhà.”. Nhưng đọc xong những đánh giá của Nhà nước, của học trò và đồng nghiệp viết về giáo sư, bên cạnh lòng kính trọng Ông, tôi không khỏi bùi ngùi buồn. Tôi biết có một vị Bộ trưởng làm chủ nhiệm 32 đề tài khoa học cả cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp trường; cái bé thì kinh phí một vài tỷ VND, cái lớn vài ba chục triệu USD; đã  nghỉ hưu dăm năm nay, nhưng còn mấy đề tài nữa chưa đến hạn báo cáo. Tôi nhẩm tính, chỉ với 1% kinh phí được hưởng một cách đương nhiên, ông Bộ trưởng ấy như vậy là đã vinh thân phì gia. Nhưng cái ngành mà ông làm quản lý, sao nó cứ bí bét thế nhỉ?  
       Năm 1954, nhờ kiến thức địa lý của Thứ trưởng Tạ Quang Bửu, miền Bắc đã “rộng hơn” hàng chục cây số bề dài. Theo các phía đàm phán Pháp, Mỹ tại Hội nghị Geneva, người ta định lấy sông Gianh chia hai vì trên nguyên tắc, nó vừa ở vĩ tuyến 17 vừa là sông “dễ” cho việc tạo vùng đệm, phi quân sự. Tạ Quang Bửu liền bám lấy ý đó, đề nghị lấy sông Hiền Lương cũng vĩ tuyến 17, lại ngắn, rất ngắn sẽ dễ cho quốc tế kiểm soát. Xin thưa, nửa thế kỷ qua, sông Hiền Lương đã đi vào thơ ca, lịch sử  nhưng vào thời điểm ấy, nó còn là vô danh ở tầm vĩ mô. Kết quả đàm phán năm 1954, cũng như các hiệp định quốc tế khác, đôi khi chỉ thuần tuý nhờ vào hiểu biết kỹ lưỡng hay sơ sài của người đàm phán trên nguyên tắc chung.

        Như trên đã nói, cả cuộc đời GS Tạ Quang Bửu học tập để cống hiến cho nước nhà. Cái tinh thần ấy chắc Ông có ảnh hưởng lớn từ truyền thống gia tộc. Gia phả họ ông còn ghi: “Phụ giáo, tử đăng khoa cử nhân tại quán” (cha dạy con thi đỗ cử nhân không ra làm quan). Tính đến ông là 11 đời như thế. Có lẽ ít nhiều nó cũng tác động để, năm 1948, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Tạ Quang Bửu viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh xin xuống làm Thứ trưởng, dành tiến cử chức ấy cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tinh thần gia tộc còn có thể có ảnh hưởng đến việc sau năm 1954, khi nửa nước đã hoà bình, ông bèn xin thôi chức Thứ trưởng Quốc phòng để làm Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Xin nhớ rằng, ngay từ năm 1947, ông đã chỉ đạo biên soạn cuốn sách Bắn máy bay bằng súng trường tập trung rồi phổ biến rộng rãi, hiệu quả ngay khiến không quân Pháp phải dè chừng vào lúc Việt Minh chưa hề có pháo. Kinh nghiệm của ông còn tiếp tục được áp dụng cho bộ đội và dân quân miền Bắc quần nhau với không lực Hoa Kỳ. Năm 1972 Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, Tạ Quang Bửu lại trực tiếp chỉ đạo nhóm nghiên cứu chế tạo khí tài chống thủy lôi (mật danh GK1), khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) cùng với GS Vũ Đình Cự. Năm 1975, hoà bình thống nhất xong, ông lại đệ đơn xin thôi các chức danh quản lý và lần này thì ông nghỉ hưu thật. Có lẽ, ngay ở lĩnh vực từ chối quyền lực, ông cũng là người cộng sản tiên khởi một thông lệ xứng đáng với sĩ phu xưa?  
       Tôi nghĩ rằng, tinh thần giáo sư Tạ Quang Bửu, cả trí tuệ lẫn lòng nhân hậu, cả công lao cống hiến lẫn cốt cách cứng cỏi... là một kết tinh sĩ phu nước Việt. Thời GS Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trí thức Việt Nam còn có người đủ tầm vóc trí tuệ làm “bình thông nhau” với thế giới. Mong sao các thế hệ kế tục có thêm người tài và Nhà nước có chính sách sử dụng người thực tài để nước Việt Nam ta ngày càng lớn mạnh và xứng đáng được hưởng niềm kính trọng của bạn bè thế giới.



******* @ *******

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Ngày cụ Bửu mất, tôi đưa mẹ đến chia buồn cùng bà Oanh. Vốn 2 gia đình thân nhay từ ngày trên Việt Bắc; lại nữa Cụ Thúy (thân sinh bà Oanh) cùng công tác với cha tôi tại nhà trường đào tạo cán bộ đầu tiên của nước VN mới. Là người đã chịu cảnh mất chồng, mẹ tôi chia sẻ nhiều với bà Oanh.
Kỉ niệm này nhớ mãi.

NH nói...

Cái thời bọn mình đi học thì Bác TQ Bửu là bộ trưởng. Tên tuổi và danh tiếng của Bác thì trí thức và lớp trẻ nể phục lắm. Khi ra quân mình tham gia kỳ thi đầu tiên tuyển sinh viên đi nước ngoài, mình vinh dự được gặp Bác trong buổi tiếp khoảng 30 HS đỗ thủ khoa và được Bác cho chọn ngành nghề. Bác còn nổi tiếng thời đó là quan tâm HS giỏi mà không quá nặng về thành phần lý lịch. Bác học ở Pháp nhưng không chú ý lấy học vị cao xu thời như hiện nay mà với bộ óc thông thái bác mở rộng các lĩnh vực kiến thức khác nhau để về phục vụ đất nước. Giá giới khoa học kỹ thuật chúng ta học được một phần của Bác thì đất nước này không đến nỗi đông GS TS mà con trâu vẫn đi trước cái cày đi sau như bây giờ.

TranKienQuoc nói...

Mà ngạc nhiên là trong phòng làm việc của bác, tủ sách toàn sách KHKT.

Minh Tâm nói...

MỘT CON NGƯỜI CÓ TÂM VÀ THỰC TÀI.