Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

Mùa Xuân, thăm khu lưu niệm Bác Hồ ở Thái Lan (Việt Dũng)

Ngôi nhà lá, Bác từng ở (năm 1928)
trong khu Lưu niệm ở Udon Thani.
           Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Lương (89 tuổi), quê gốc Hà Tĩnh, sinh ra ở Thái Lan, hiện ở thành phố Nakhon Phanom (Thái Lan), thì lưu dân Việt đã có mặt trên đất Xiêm (Thái Lan) từ những năm đầu thế kỷ 19. Trải qua hàng trăm năm vất vả mưu sinh, đến nay nhiều gia đình gốc Việt trên đất Thái đã có tới bốn đời sinh sống ở đây. Và trong những năm 1928 - 1929, nhiều bà con Việt kiều ở Bangkok, Nakhon Phanom, Khonkaen, Udon Thani… đã được gặp con người huyền thoại của dân tộc Việt Nam - lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cho đến nay, sau gần một thế kỷ với bao biến động của lịch sử, cộng đồng người Việt trên đất Thái vẫn chung sức tôn tạo, giữ gìn những địa điểm lưu dấu vị lãnh tụ thiên tài mà tất cả con dân Việt ở trong hay ngoài nước đều gọi bằng cái tên trìu mến, thân thương: “Bác Hồ”.

             Để chuẩn bị cho sự thành lập chính đảng cách mạng vô sản của giai cấp Công - nông và nhân dân lao động Việt Nam, tháng 6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mang đồng chí Hội. Cho đến cuối năm 1927 đầu 1928, Hội Việt nam Thanh niên Cách mạng đã xây dựng được nhiều cơ sở ở trong nước và cả ở Xiêm (Thái Lan). Tại vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có nhiều Việt kiều cư trú, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đã xây dựng thêm ba chi bộ ở các tỉnh Udon Thani, Xacon Nakhom và Nakhon Phanom. Ba chi bộ này đã tổ chức thành Tỉnh uỷ Udon. Tỉnh uỷ gồm các đồng chí: Canh Tân (Đặng Thái Thuyến), Tăng (Trần Văn Chấn), Đình (Võ Văn Kiều), Nghĩa (Hoàng Văn Hoan), và Hải (Dụ) do Đặng Thái Thuyến làm Bí thư. Tư đó Udon trở thành trung tâm hoạt động của Việt kiều ở vùng Đông Bắc.
Bản đồ chỉ dẫn 20 địa điểm Bác Hồ đã
dừng chân ở Thái Lan (1928-29).

Ông Trần Trọng Tài (68 tuổi), người trông coi Khu
lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani.

Tấm bảng giới thiệu Khu lưu niệm
Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon.

Báo “Thân ái” do Bác Hồ chỉ đạo xuất bản.



            Mùa thu năm 1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu đến Thái Lan bằng đường biển, trên một con tàu cập cảng Bangkok. Trong thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang hoạt động ở Xiêm (1928 - 1929), đồng chí Đặng Thái Thuyến thường đi theo Người làm nhiệm vụ dẫn đường, phiên dịch và bảo vệ.
         Thời kỳ Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Thái Lan, với các tên gọi khác nhau như Ông Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín… Người đã đi nhiều nơi như: Bangkok, Khonkaen, Udon Thani, Nakhon Phanom… để khơi gợi lòng yêu nước và tuyên truyền đường lối đấu tranh chống ách áp bức của chế độ thực dân, phong kiến, vạch ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc trong bà con Việt kiều, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ để đưa về nước hoạt động. Người đã đi hàng ngàn dặm đường qua nhiều địa phương (theo các nhà nghiên cứu thì lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tới 20 địa điểm trên đất Thái), hòa mình vào cuộc sống của cư dân bản địa, học và giao tiếp với nhân dân địa phương bằng tiếng Thái; tuyên truyền, vận động và xây dựng tổ chức các Hội thân ái hay hợp tác xã tại hầu khắp các vùng có Việt kiều ở Thái Lan. Tuy vô cùng bận rộn, Người vẫn dành nhiều thời gian dịch, biên tập sách lý luận cách mạng để làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ trong tổ chức và chỉ đạo ra tờ báo “Thân ái”.
          Trước sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt trên đất Thái, với nhiều đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế tại địa phương và xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa bà con Việt kiều và nhân dân các địa phương trên đất bạn, Chính phủ Thái Lan cũng đã nhìn nhận, đánh giá tích cực sự đóng góp của cộng đồng người Việt và đã đặc biệt là từ sau năm 1975, người Việt tại Thái Lan đã được hưởng những chính sách thỏa đáng về nhập cư, làm ăn, đi lại và an sinh xã hội. Không những thế, chính quyền Thái Lan ở một số địa phương như tỉnh Udon Thani hay Nakhon Phanom đã ra những văn bản đồng ý công nhận và cấp đất cho cộng đồng Việt kiều xây dựng, tôn tạo các khu lưu niệm mà Bác Hồ đã dừng chân năm xưa.
          Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Noọng Ôn, huyện Mương, tỉnh Udon Thani có giá trị lịch sử, văn hóa to lớn. Đây là nơi mùa thu năm 1928, Bác đã dừng chân, sống và làm việc trong sự yêu thương, đùm bọc của bà con Việt kiều. Cũng tại cái bản nhỏ bé, xa xôi, hẻo lánh ở vùng Đông Bắc Thái Lan này, năm xưa nhiều bà con người Việt, người Thái đã từng gặp gỡ, chia xẻ những buồn vui, cùng ăn những bữa cơm đạm bạc với một người Việt có tác phong giản dị, dáng vẻ gầy gò, có đôi mắt sáng tên là Thầu Chín. Họ cũng đã chứng kiến Thầu Chín sinh hoạt, lao động như một lão nông thực sự, cũng cuốc đất trồng rau, trồng cây, nuôi gà. Lớp người đã từng gặp gỡ với Thầu Chín nay cũng không còn ai, nhưng những câu chuyện, những hình ảnh về Người thì được truyền lại cho lớp cháu, con và cho đến hôm nay vẫn lung linh, sống động qua từng câu chuyện kể.
        Khu lưu niệm Bác Hồ ở tỉnh Udon Thani được nhiều thế hệ người Việt ở địa phương bảo vệ, tôn tạo, qua biết bao nhiêu khó khăn, thăng trầm của lịch sử bang giao giữa hai nước Việt - Thái. Ngày 29/10/2002, ngài Xay-da-phon Rắt-tha-na-na-kha, Tỉnh trưởng Udon Thani đã ký quyết định phê duyệt Dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương (Udon Thani). Khu di tích rộng khoảng 1,4ha, có căn nhà gỗ với mái tranh khiêm nhường ẩn dưới những tán cây xanh mát; nơi đây Bác Hồ kính yêu đã từng ở và làm việc. Trong khuôn viên khu lưu niệm, bà con Việt kiều còn dựng một căn nhà tranh, giống như nguyên mẫu ngôi nhà Bác ở Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), nơi để bàn thờ Bác và một số di vật của Người thời hoạt động ở đây, được lưu giữ trưng bày. Tôi và anh em trong đoàn thắp kính cẩn thắp nén hương trên bàn thờ Bác, lòng nghẹn ngào rưng rưng, nghĩ về chặng đường hoạt động thật gian nan, vất vả mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trải qua trên đất Thái năm xưa. Trong thời gian chỉ hơn một năm trên đất Thái Lan, Người đã đi gieo những mầm xanh cách mạng trong cộng đồng người Việt tại 20 địa điểm như Bankok, Ban Don, Khon Kaen, Udon Thani, Xacon Nakhom, Nakhon Phanom…Cuối năm 1929, Nguyễn Ái Quốc rời Thái Lan sang Trung Quốc, chuẩn bị cho quá trình thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.
        Trong không khí mùa Xuân dịu mát, bước đi trên lối nhỏ trong khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Udon Thani, nơi đã từng in dấu bao kỷ niệm của vị Cha già dân tộc, mỗi người Việt Nam chúng ta hẳn đều xúc động và tự nhủ với lòng mình: “Để có con đường đi đến độc lập, tự do cho dân tộc ta hôm nay, đã có bao thế hệ người Việt Nam tranh đấu, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp mà Đảng, Bác Hồ đã vạch ra và  kiên cường lãnh đạo toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng”.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thật đáng quý, trân trọng những nơi Bác đã qua.