Nguyễn Khắc Viện yêu nước chân thành, yêu Đảng
chân thành, vì thế trước Đại hội Đảng lần thứ 7 ông đã có thư gửi Trung ương đề
nghị giải tán Đảng! Hôm đó, tôi từ TP HCM ra Hà Nội, đến chơi ông và được ông
đọc cho nghe lá thư đó. Trong thư ông phân tích: khi Liên Xô đã tan rã mà ta
đổi mới, mời tư bản vào Việt Nam mở nhà máy, xí nghiệp, công ty, thì tư bản là
bóc lột, là phá hoại môi trường, nhất là bọn tư bản châu Á mới ngoi lên… Nếu
nhà nước hợp tác với tư bản nước ngoài thì khi công nhân đình công, nhà nước sẽ
huy động công an, quân đội đến đàn áp công nhân để bảo vệ tư bản, cũng là bảo
vệ mình… Như thế thì bao công lao của Đảng với dân tộc trước đây sẽ đổ xuống
sông xuống biển hết. Chỉ có con đường giải tán Đảng, trở thành đảng đối lập với
chính quyền để bảo vệ nhân dân, bảo vệ môi trường thì những gì tốt đẹp của Đảng
Cộng sản trước kia mới giữ lại được, người Cộng sản Việt Nam mới còn có chỗ
đứng trong lịch sử dân tộc…
Thế là Nguyễn Khắc Viện trở thành phản động!
Nguyễn Văn Linh trước đây đã giơ cả hai tay đỡ lấy bài phát biểu của Nguyễn
Khắc Viện tại hội nghị các nhà văn thì nay tuyên bố: “Nước này có hai thằng
Nguyễn Khắc Viện thì tan nát!”. Bà Nhất, vợ ông Viện đã nói với tôi rằng: “Anh
Viện đã chuẩn bị sẵn một cái bị và một cái gậy, dựng ở góc nhà để sẵn sàng… đi
tù! Ở quê ông người ta đồn là ông đã đi tù. Vì thế, khi về quê, anh Viện phải
tổ chức một cuộc nói chuyện ở trường cấp 1 trong xã để “cải chính” cái tin đồn
ấy! Người ta đã ra lệnh miệng không báo nào được đăng bài của Nguyễn Khắc
Viện”.
Khi ông vô TPHCM năm 1992, ở số nhà 22 Phan
Đăng Lưu, một biệt thự của người em vợ làm Phó Giám đốc Viện Pasteur TPHCM, tôi
mượn một cái xe cứu thương của Bác sĩ Phụng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Tiền Giang lên ông chơi, chở lên biếu vợ chồng ông 1 giạ gạo, 1 cần xé trái
cây. Ông hỏi tôi: “Cậu còn dám đến chơi với mình lúc này à?”. Bác sĩ Phụng là
người hâm mộ ông Viện, ông nói, đi xe cứu thương kéo còi ủ thì càng nhanh! Thế
là chúng tôi đi xe còi ủ chỉ chở 1 giạ gạo và 1 cần xé trái cây.
Ngoài tấm hình tôi đã chụp cho bác sĩ Phụng
với bác sĩ Viện, tôi còn chụp tấm hình nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện ngồi làm
việc ở hàng hiên căn biệt thự này với cái ghế bắc mấy tấm ván chuồng heo trước
mặt làm bàn làm việc. Tấm hình “độc đáo” này tôi đã cho in vào cuốn sách tái
bản Nguyễn Khắc Viện như tôi đã biết vào đầu năm 2013 này,
nhân 100 năm ngày sinh của ông. Hồi đó, chủ nhà, chồng của người em vợ ông, chỉ
dám cho ông ngồi ngoài hiên… vì sợ liên lụy chứa chấp phản động! Ông em cọc
chèo của bác Viện là giám đốc một cơ quan lớn ở TPHCM lúc đó!
Đầu năm 1991, khi tôi đi Liên Xô, cũng là lúc
bác Viện đang là “phản động”, tôi được nghe Tổng Giám đốc Phan Quang của Đài
Tiếng nói Việt Nam, phổ biến trong cuộc họp giao ban của Đài: “Chúng ta phải có
cách cư xử đúng mức với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Không thể đánh đồng bác Viện
với những người khác!”. Thời điểm đó, có hai nhân vật nổi cộm chống Đảng là
Dương Thu Hương và Nguyễn Khắc Viện.
Có lẽ vì uy tín quá lớn của Nguyễn Khắc Viện
trên trường quốc tế và trong nước nên chính quyền đã không bắt tù ông. Hơn nữa,
thời đó chưa có Internet nên lá thư của ông gửi cho Trung ương yêu cầu giải tán
Đảng cũng chỉ ít người biết và sau đó cũng chìm dần với thời gian. Đến khi
Nguyễn Khắc Viện yếu nặng, khó lòng qua khỏi (1997), ông Đỗ Mười, đương kim
Tổng Bí thư đã đến thăm ông tại nhà riêng. Ông Đỗ Mười về rồi thì từ lúc ấy bác
sĩ Nguyễn Khắc Viện không chịu ăn gì nữa! Bà Nhất gọi điện từ Hà Nội vào cho
tôi nhờ khuyên ông ăn cháo. Tôi hỏi lại: “Vì sao phải khuyên ông ấy?”. Bà bảo:
“Ông Viện nói là, ông Đỗ Mười đã đến thăm tôi rồi mà tôi không chết nó cũng…
kỳ!”.
Thủ bút Nguyễn Khắc Viện
Suốt hơn 30 năm làm bạn vong niên với bác sĩ
Nguyễn Khắc Viện từ lúc ông về nước, tôi “phát hiện” ra rằng con người này luôn
bàn chuyện ngày mai. Càng về cuối đời, ông càng hay bàn chuyện tương lai, dự
báo 10 năm, 20 năm nữa đất nước sẽ đi về đâu, khuôn mặt Việt Nam sẽ ra sao, con
cháu sẽ sống như thế nào. Nếu có ai hỏi tôi: Ấn tượng mạnh nhất của anh về
Nguyễn Khắc Viện? Tôi sẽ trả lời không đắn đo: Suốt đời con người này dốc toàn
sức lực để dự báo những gì sẽ đến với dân tộc. Ông không run sợ khi nói lên sự
thật, nói đúng sự thật. Người phương Tây có câu ngạn ngữ: Ai nói đúng sớm quá
là nói sai! (Ceux qui ont raison trop tôt, ont tort). Cuối đời Nguyễn Khắc Viện
phải trả giá cho những cái “sai” đó!
Năm ông 82 tuổi, ông tâm sự với tôi: “Đời tôi
là một đời ngây thơ. Thơ là đi kháng chiến cứu nước, tôi giữ nó lại; ngây là đi
theo chủ nghĩa xã hội, tôi vứt nó đi. Nhưng nếu phải sống lại, tôi vẫn đi con
đường đó!”.
Nói cho thật công bằng thì trí thức yêu nước ở
Việt Nam thế kỷ 20 khó có con đường nào khác. Đó là con đường đi theo Đảng Cộng
sản để đánh Pháp đuổi Mỹ… để cuối cùng bắt tay với anh bạn 16 chữ vàng Trung
Quốc! Nhưng bắt tay xong, kiểm tra lại bàn tay thì không còn đủ năm ngón nữa!
Đó cũng là “sự hàm hồ của lịch sử” như nhà văn nữ Dương Thu Hương đã viết sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975!
L. P. K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét