Từ trên tháp cao của đài chỉ huy sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn xuống khu nhà ga Quốc Tế mới xây, hiện đại, khang trang, rộng rãi quá với sân đậu máy bay mênh mông và hai đường băng dài tít tắp. Chếch sang phía Đông khu nhà ga quân sự, bao nhiêu năm rồi vẫn vậy, xưa cũ, ọp ẹp, có chăng được quét vôi ve trông sáng sủa hơn, cho đỡ tương phản với khu ga thương mại mà thôi. Chính nơi đây, sân ga quân sự này, nơi khởi đầu cho chuyến đi của tôi tới nước Nga nhiều năm trước.
Vì hoàn cảnh gia đình, năm 85 đơn vị giải quyết cho tôi được chuyển ngành. Lần mò tôi cũng xin được một chân hải quan Thành Phố. Họ hứa sẵn sàng tiếp nhận, nếu quân đội có giấy giới thiệu qua.
Đùng một cái giữa năm đó Phòng tổ chức cán bộ Quân Chủng có công văn điều động 5 cán bộ cấp tiểu đoàn đi học tại học viện nước ngoài. Trong danh sách đó thế quái nào lại có tên tôi. Thế là việc chuyển ngành ra cơ quan bên ngoài phải dừng lại và cuộc đời tôi chuyển sang một ngã rẽ khác.
Trên chuyến máy bay quân sự từ Sài Gòn ra Hà Nội một sớm tháng sáu năm 1985, giữa đống hàng hóa cồng kềnh trong khoang chiếc AN – 26 lọt thỏm hai người lính.
Ngồi trên sàn máy bay cách tôi chừng vài mét là một sỹ quan, da anh đen xạm, gầy gò, chỉ có khuôn mặt thông minh và đôi mắt sáng cho biết là anh còn rất trẻ có lẽ chỉ khoảng 25, 26 tuổi. Tôi nghĩ trong bụng “dân không quân gì mà hom hem thế”. Rồi chúng tôi quen nhau.
Anh nói “Tôi ở Quân Đoàn 4, là tiểu đoàn trưởng, đang chỉ huy đánh nhau ở Pompet bên Cam Pu Chia, cực khổ, ngày nắng, đêm lạnh, sốt rét đầy mình, cái chết rình rập, đơn vị chết vãn đi, bổ sung quân đến mấy lần. Tôi về nước mới biết là được chọn đi Liên Xô, học tại học viện quốc phòng Phrunde. Nghĩ thương anh em ở lại, thực lòng tôi cũng chẳng muốn đi.”
Ngồi chuyện trò dần dà tôi nhận ra anh. Anh là con trai của một vị tướng trận mạc nổi tiếng - Hoàng Cầm, là em thằng bạn cùng học thời thiếu sinh quân và mấy năm đại học với tôi (Thủy sau này là đại tá, em Thạch mới mất hơn một năm).
Xuống sân bay Gia Lâm, Chúng tôi chia tay nhau, Anh lên thẳng đoàn 871 trên Đông Anh (nơi du học sinh quân sự tập trung trước khi đi học, do BQP quản lý). Còn tôi nhờ được chiếc xe đít vuông phi một mạch về HN. Chúng tôi nắm tay nhau tạm biệt, hẹn gặp lại nhau sau.
Về HN, tôi tìm gặp thằng bạn hồi đại học, hắn đang là Giám đốc Trung tâm thông tin của một công ty Tàu biển. Hắn tá túc ở nhờ trong cái Gara xe, nằm lọt thỏm trong khuôn viên một biệt thự cũ kỹ, xây từ thời Pháp trên đường Bùi thị Xuân. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, sau nhiều năm xa cách. Hắn nói:
- Tớ cũng đang “độc thân” có cậu thì tuyệt rồi. Vợ con tớ ở Hải Phòng chưa chuyển lên được - hắn giải thích thêm.
Thế là sau bao nhiêu năm tôi lại được sống cuộc đời dân sự đúng nghĩa trong thời gian khoảng ba bốn tuần. Thời gian này chúng tôi chủ yếu là học chính trị ngoại ngữ và làm công tác chuẩn bị trước khi du học, nên thường xuyên tôi được ở HN.
Khi biết tôi đi Liên Xô tu nghiệp, thằng bạn tôi phấn khích hắn nói “muốn giàu thì đi Đức, kiến thức thì đi Liên Xô”. Sỹ quan các ông được chọn đi Liên Xô học là “Oách” nhất rồi.
Hắn từng trải, vì đã từng Tây, Tàu mấy lần. Tâm sự với tôi hắn nói “Tôi biết các ông đi học, cái chính là tu nghiệp để nâng cao kiến thức, nhưng cũng chẳng ai cấm các ông kết hợp làm kinh tế cả. Trước tiên theo tôi ông nên nghiên cứu sơ qua văn hoá Nga để hội nhập khi qua đó, thứ nữa ông cũng phải tranh thủ, chuẩn bị lấy một ít hàng hóa để “trao đổi” với bạn, kiếm tí “chênh lệch” nhắm giảm bớt gánh nặng về tài chính khi chân ướt chân ráo mới qua”. Hai khoản này thì tôi thạo, tôi sẽ tư vấn giúp ông.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- MỘT ĐỜI NHỚ NHAU (Trần Phong k5)
- NHỚ DUY ĐẢO
- Thăm tư gia của Nhất Trung
- SINH VIÊN QUÂN SỰ CÙNG NHỮNG CHUYẾN TẦU (KQ)
- Lần đầu công bố: Những phút cuối cùng của Lưu Thế Dũng (Tư liệu gia đình)
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- Trí thức (Ngô Hạnh)
Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét