Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

"Con đường đẹp nhất !" (Giang Mèo)

GM FB – Bữa nay thấy bạn Faith Ttvn nói chuyện, ở cực Bắc xa xôi, nơi đỉnh đèo hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Mã Pì Lèng có mỏm đá nhô ra giữa vách đá trăm thước, cắm thẳng xuống dòng Nho Quế thi ca… bị người ta đổ nền, đóng cọc, thu phí… Vậy là kiến tạo triệu năm của tạo hóa một lần nữa đổi thay. Có lẽ hàng vạn người đến Đồng Văn thì cũng chừng ấy người biết mỏm đá này, nó đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy bi tráng như chính câu chuyện huyền sử về miền đá trời nơi biên cương đất nước. Mình dù sao cũng may mắn dăm lần đi qua, ngắm nghía, tận hưởng nơi này và rồi để nhớ…

9 năm trước, lần đầu tiên mình đến Hà Giang, dù chưa kịp đi Đồng Văn – Mèo Vạc để biết Mã Pí Lèng nhưng đã phải mò mẫm tìm đến Bảo tàng Lịch sử Hà Giang xem chai mỡ người năm xưa và thăm huyền thoại cao nguyên đá Vừ Mý Kẻ để nghe ông kể câu chuyện về con đường hạnh phúc. Thế gian này có những con đường mang tên thật đặc biệt, ở miền cao nguyên đá của tỉnh Hà Giang có một con đường mang tên Hạnh Phúc. Cái tên được chính Bác Hồ đặt cho quốc lộ 4C dài 185km từ thị xã Hà Giang lên 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Hơn 50 năm sau ngày khởi công làm con đường hạnh phúc (10 – 1959), cuộc sống hàng vạn đồng bào nơi miền cực Bắc đã thay đổi nhờ có đường. Câu chuyện bi tráng của một thời oanh liệt xẻ núi đá, ngăn vực sâu làm đường của nhân dân 8 tỉnh Cao-Bắc-Lạng và Thái-Hà-Tuyên và Hải Hưng, Nam Định sẽ còn được kể mãi. Hàng vạn lượt người, trong 9 năm ròng từ năm 1959 đến năm 1966 đã tay búa tay choòng phá đá một cách thủ công nhất, trong thời gian hơn 2 triệu ngày công để mở đường lên cao nguyên Đồng Văn - Mèo Vạc, nơi hoang sơ mà tự thuở hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ. Khi đó huyện Đồng Văn rộng hơn cả tỉnh Bắc Kạn, bao gồm cả Quản Bạ, Yên Minh, và Mèo Vạc, nhiều người Mông nói rằng bao giờ đá mọc trên đầu người được, con trâu đực đẻ con được thì Việt Minh mới làm được đường lên cao nguyên đá.

Tháng 10-1959, Bác Hồ cho khởi công con đường và giao trọng trách cho ông Vừ Mý Kẻ (từng làm nô bộc trong nhà Vương Chí Sình) khi đó là Chủ tịch huyện Đồng Văn lãnh đạo, vận động đồng bào tham gia làm đường. Tháng 12-1959, nhiều toán phỉ đã chiếm các cổng trời Cán Tỷ, Mã Pì Lèng, Quản Bạ để ngăn không cho làm đường lên cao nguyên đá. Chúng cướp cửa hàng lương thực Lũng Phìn, cắt cổ cán bộ đem rán mỡ để răn đe cách mạng (chai mỡ người hiện vẫn còn lưu giữ trong bảo tàng lịch sử Hà Giang). Ngay sau đó Bác Hồ đã cử Tướng Chu Văn Tấn, Chủ tịch Khu ủy Khu tự trị Cao Bắc Lạng-Thái Hà Tuyên đưa quân đội cùng hơn 1.000 thanh niên sang hỗ trợ việc làm đường. Tới năm 1964, Đường Hạnh Phúc thông tới Đồng Văn, Tướng Phan Trọng Tuệ, Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn, kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông đã lên cắt băng khánh thành con đường trong niềm vui vỡ hòa của hàng vạn đồng bào. 2 năm sau, con đường được làm tiếp tới Mèo Vạc dưới sự chủ trì trực tiếp của ông Sùng Tài Dùng, Chủ tịch huyện Mèo Vạc (Nay con trai ông là Sùng Đại Hùng đang làm Bí thư huyện Đồng Văn)...

Cái ngày mình lên tới đỉnh đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống con đường Hạnh Phúc như sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo là tầng tầng, lớp lớp núi đá. Dòng Nho Quế trong xanh uốn lượn vắt qua từng khối núi xắm ngắt đá tai mèo lởm chởm dãy nọ xếp lên dãy kia, xen lẫn trong đá là những thân ngô đã héo vàng sau thu hoạch. Loáng thoáng có bóng dáng một người đàn ông Mông lặng lẽ dắt ngựa thồ đi về hướng nhà tận miết phía xa, sau trùng điệp sắc đá. Vài đoạn có xuất hiện khe nước rỉ rả chảy rừ mỏm núi, men theo con đường, tưới đẫm lên vài cành hoa dại đang nở bung sắc dưới ánh nắng hanh hao của mùa thu cao nguyên. Thấp thoáng xong xám ngắt màu đá có bản làng người Mông lúp xúp những ngôi nhà trình tường đất dầy như lô cốt, mái lợp ngói xi măng rêu cũ ngả màu thời gian. Trước hiên nhà, bên cạnh bờ rào đá bắt ngang 1-2 sợi dây phơi, vắt lên đó chiếc váy xòe hoa truyền thống lâu ngày chưa giặt và vài bộ quần áo trẻ con rách sờn. Ánh mắt trong veo cùng nụ cười hồn nhiên và cái vẫy tay thơ dại của đám trẻ thơ thẩn bên vệ đường vầy đất vầy cát khiến cho tâm trạng ai cũng chùng xuống. Bỗng dưng nhói một khoảnh khắc day dứt về cuộc sống của con người cứ tự nhiên, hoang dại như cây rừng, như đá núi, như cánh hoa xuyến chi trắng muốt mọc lan man khắp dải biên giới này...
Cả triệu năm thiên nhiên kiến tạo giữ gìn, triệu ngày công với mồ hôi và xương máu hàng vạn người mới vun đắp hình thành một trong những con đường đẹp nhất thế gian, trong đó có mỏm đá Mã Pí Lèng… Vậy mà… !"

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Quá hay khi biết được đồng bào dân tộc ta hy sinh như thế nào để mở con đường bằng máu qua núi đá lên miền Tây Bắc địa đầu của Tổ quốc.

TranKienQuoc nói...

Giang Mèo là phóng viên trẻ của Báo QĐND. Em vừa có bài hay về Tướng Lê Liêm.