Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

THAY ĐỔI ĐỊA BÀN HÀNH CHÍNH HÀ NỘI THỜI KỲ SAU TIẾP QUẢN THỦ ĐÔ CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (Việt Dũng)

Phố cổ ngày hôm nay.

       Đó là hồi tôi lên 6 hay 7 tuổi gì đó, một hôm đang chơi bi ở gần nhà cùng lũ bạn, chúng tôi thấy một bác nhân viên bưu điện già, đi một cái xe đạp cà tàng, bên hông xe là cái túi vải bạt cũ, đã bạc màu đựng đầy báo chí, thư từ, bác dừng xe cạnh lũ trẻ con chúng tôi và hỏi thăm một địa chỉ số nhà. Bác lật đi, lật lại cái phong bì màu xanh và bảo đúng địa chỉ là khu Tập thể bờ sông, nhưng lại ghi sai số nhà và tiểu khu. Rồi bác làu bàu: “Có gần chục năm mà Hà Nội đổi địa bàn hành chính nhiều quá”. Lúc đó, tôi là đứa trẻ “thò lò mũi xanh”, đâu có để ý đến câu than phiền của bác nhân viên bưu điện về việc thành phố hay đổi địa bàn hành chính. Sau này, qua nhiều nguồn tư liệu, tôi mới được biết quả có việc đó thật, và lãnh đạo thành phố làm điều đó không phải do “ngẫu nhiên”, mà vì lý do để đảm bảo an ninh, trật tự. Đây cũng là một câu chuyện ít người biết, kể cả người Hà Nội đã có những tháng năm sống và làm việc trong thời kỳ sau tiếp quản khi đó.



        Như trong phần viết về tập kết và di cư đã nêu ở trên, ngay thời điểm trước, trong và sau quá trình thực hiện “Chiến dịch di cư đi Nam” rầm rộ, các cơ quan tình báo, gián điệp của Pháp và Mỹ đã chuẩn bị cho một “Kế hoạch hậu chiến” nhằm phá hoại chính quyền nhân dân ở miền Bắc một cách qui mô và chi tiết. Nhiều tổ điệp viên và các trang bị vũ khí, điện đài đã được kẻ thù cài lại tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Gai… để chờ thời cơ, thực hiện các âm mưu thu thập tin tức, gây ra các vụ phá hoại bằng chất nổ, thực hiện các vụ ám sát cán bộ. Còn dọc khu vực biên giới Việt – Lào, Việt – Trung, ngay từ năm 1953, cơ quan Tình báo Pháp đã lập ra các đội Biệt kích hỗn hợp nhảy dù (GCMA), chúng dùng thủ đoạn mua chuộc, dọa dẫm và câu kết với các chức sắc người dân tộc thiểu số để lập ra các “mật khu”, chuẩn bị cho cuộc chiến phá hoại, lật đổ nếu chúng thua trong cuộc chiến tranh xâm lược và miền Bắc được giải phóng. Theo các tư liệu lịch sử của Bộ Công an, ngay sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện, bắt và xử lý hàng chục vụ gián điệp cài lại, gồm hàng trăm tên, khai quật thu giữ hàng chục kho vũ khí, điện đài được chôn giấu tại Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định. Nhiều vụ án gián điệp đã được đưa ra xét xử công khai như vụ Trần Minh Châu (C-30) gồm hàng chục đối tượng, vụ Nguyễn Quang Hải (H-07)… Dọc tuyến biên giới phía Tây và Tây Bắc, lực lượng Công an nhân dân vũ trang phối hợp với Quân đội và lực lượng dân quân, du kích địa phương đã tiến hành các chiến dịch truy quét, tiễu phỉ và bắt gián điệp, biệt kích. Theo số liệu của Bộ Công an, chỉ tính từ tháng 7/1954 đến tháng 4/1956, lực lượng quân đội và công an đã phối hợp truy quét, tiêu diệt 183 tên gián điệp, biệt kích hỗn hợp nhảy dù, bắt 300 tên, gọi hàng hơn 4.000 tên. Đến năm 1961, hang ổ cuối cùng của phỉ ở Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) bị xóa sổ. Những năm sau đó, nhiều toán gián điệp, biệt kích của chính quyền miền Nam thân Mỹ vẫn tiếp tục được tung ra miền Bắc bằng đường thủy và đường không. Nhưng hầu hết các toán quân này đều bị lực lượng vũ trang và dân quân du kích miền Bắc tóm gọn.

Khu phố cổ HN.

Phố xá.

         Sau khi miền bắc được giải phóng, để chống âm mưu móc nối, liên lạc của bọn gián điệp, biệt kích, với sự tham mưu của lãnh đạo Bộ Công an và được sự chuẩn y của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tại các thành phố lớn ở miền Bắc đã thực hiện nhiều lần chuyển đổi địa giới hành chính và đổi một số tên đường phố, đổi qui tắc đánh số nhà, để gây khó khăn cho việc liên lạc, móc nối của bọn gián điệp, biệt kích qua các địa chỉ “hộp thư chết” (địa điểm liên lạc bí mật cố định) được chúng qui ước từ trước. Vì vậy, tại thủ đô Hà Nội đã có một số lần thay đổi địa giới hành chính giữa các Quận, Khu như sau:

       Ngay sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), tổ chức hành chính của Hà Nội gồm:       

Quận I (Hoàn Kiếm).

Quận II (Hàng Đậu).

Quận III (Khâm Thiên).

Quận IV (khu vực Đống Đa – Thanh Xuân ngày nay).

Quận Gia Lâm.

       Từ năm 1955, dưới sự lãnh đạo của Thành uỷ và Uỷ ban hành chính Thành phố, nhân dân Thủ đô bắt tay vào thực hiện kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957). Theo quyết định của UBHC Thành phố, tháng 9-1955, nội thành chia lại ranh giới hành chính Theo đó, nội thành chia làm 4 quận:
     - Quận I (Hai Bà Trưng).
     - Quận II (Hoàn Kiếm).
     - Quận III (Ba Đình).
     - Quận IV (Đống Đa).
        Dưới chính quyền cấp quận, nội thành chia làm 36 khu phố. Mỗi khu phố có Ban đại biểu dân phố và Ban bảo vệ dân phố.
        Đến đầu năm 1958, Uỷ ban hành chính Thành phố ra quyết định bỏ cấp quận ở nội thành, lập 12 khu phố, đó là các khu:
        - Ba Đình
        - Trúc Bạch
        - Cửa Đông
        - Hàng Đào
        - Hàng Bông
        - Đồng Xuân
        - Hoàn Kiếm
        - Hàng Cỏ
        - Hai Bà Trưng
        - Bảy Mẫu
        - Ô Chợ Dừa
        - Bạch Mai.
       Mỗi khu phố lập một Ban cán sự hành chính khu và các khu Công an, thuế vụ, y tế... Giữa năm 1958, đổi tên Ban Cán sự hành chính thành Ban Hành chính Khu phố. Đến tháng 5/1959, tổ chức hành chính nội thành lại được rút gọn còn 8 khu phố gồm:
          - Trúc Bạch
          - Ba Đình
          - Đồng Xuân
          - Hoàn Kiếm
          - Hai Bà Trưng
          - Hàng Cỏ
          - Bạch Mai
          - Đống Đa.

       Cho đến những năm 60, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô, tương xứng với vị trí là trung tâm chính trị-kinh tế-văn hoá của cả nước, căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cải tạo, xây dựng và mở rộng Thủ đô, cuối tháng 4/1961, Quốc Hội đã thông qua nghị quyết mở rộng Hà Nội. Ngày 31-5-1961, Chính phủ đã ra quyết định về mở rộng Hà Nội lần thứ nhất, với tổng diện tích 586 km2, dân số 91 vạn người. Địa bàn hành chính chia làm 4 khu phố nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện ngoại thành: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm.

         Như vậy, câu chuyện vì sao trong một thời gian chưa tới 10 năm, thủ đô Hà Nội lại có tới 4 lần chuyển đổi địa giới hành chính là có lý do về an ninh – trật tự. Đây là điều không phải người dân Hà Nội nào vào thời kỳ đó cũng biết, vì vậy tôi cũng xin viết lại ra đây để bạn đọc biết thêm như một sự kiện lịch sử của Thủ đô.


1 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Bây giờ mới biết. Rất hay!