5- Nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường.
Thái Bình là tỉnh đồng bằng
Bắc Bộ bị Pháp chiếm đóng sau. Vì thế, thời kỳ 1947-1949, nhiều trí thức tên
tuổi của đất nước theo cơ quan hoặc tản cư về Thái Bình: Bùi Kỷ, Tăng Xuân An,
Trịnh Đình Rư, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tường Phượng, Hoàng Như Mai, Nguyễn Mạnh
Tường…
Tiến sĩ Luật khoa Đào Quang
Huy, học trò của Giáo sư - Tiến sĩ - Luật sư Nguyễn Mạnh Tường ở trường Bưởi
(nay là trường Trung học Quốc gia Chu Văn An - Tây Hồ - Hà Nội) kể lại một
chuyện có thật nhưng đầy huyền thoại về một phiên toà diễn ra ở làng Xuân Thọ,
huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình.
Vào thời kỳ 1947-1949 có một
câu chuyện dân gian xuất hiện, lan truyền rất nhanh. Chuyện rằng: Một thanh
niên nông dân đi làm đồng về, thấy anh Đại đội trưởng bộ đội đóng tại nhà, đang
ôm ấp vợ mình. Sẵn cái cuốc trên tay, anh ta phang một cái, Đại đội trưởng chết
ngay. Phiên toà mở ra với ý định xử thật nghiêm tội giết người và làm mờ nhạt
các tình tiết khác để giữ uy tín cho bộ đội.
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được
chỉ định bào chữa. Ông chỉ có ít phút gặp thân chủ của mình. Diễn biến phiên
toà đúng như chủ định: Anh nông dân chịu án tử hình và được phép nói lời cuối cùng.
Anh nhìn Chánh toà, nhìn Luật sư, ngập ngừng nói: “Xin phép được hôn bà Chánh
toà trước khi chết”.
Bị bất ngờ, Chánh toà không
kịp trấn tĩnh, đập bàn quát mắng anh nông dân rằng tội lỗi đến thế mà còn dám
hỗn láo, nói liều. Nhân đó, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường nói thêm: “Thưa ông Chánh
toà, ông là người có học thức, suy nghĩ chín chắn, mà trước một câu nói không
đâu của người sắp chết, còn nổi giận ghê gớm như thế. Huống chi, anh nông dân
nghèo ít học kia, trông thấy người đàn ông khác trong buồng vợ mình thì sự giận
dữ đến mức hành động thiếu suy nghĩ là điều có thể hiểu được”.
Kết quả cuối cùng, anh nông
dân được giảm án, thực chất là tha bổng vì hồi ấy Thái Bình đâu có trại giam.
Sau phiên toà, luật sư Lê Văn
Chất mắng luật sư Nguyễn Mạnh Tường: “toa xỏ moa”,
rồi hai ông cả cười. Chánh toà là luật sư Lê Văn Chất, có người vợ trẻ, đẹp. Và ai cũng hiểu rằng câu nói cuối cùng của
anh nông dân do “ai”mớm lời, chắc chắn đó là “nụ hôn Nguyễn Mạnh Tường”.
Câu chuyện có thật nêu trên được trích từ
bài viết “Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường: người thầy giáo, nhà sư phạm tài
danh” của nhà giáo Phạm Viết Hoàng, trong cuốn “Gương mặt người thầy” (NXB Giáo
dục 2008) .
5- Vụ án quân nhân Liên khu IV giết người
Mùa hè năm 1951, trăng hạ
huyền đã gác đầu non, cả thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh im lìm trong giấc ngủ say.
Riêng quán “Mẹ chiến sĩ” do bà Cửu Mân phụ trách vẫn sáng ánh lửa. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường không chợp được
mắt, dẫu cho ông vừa có một hành trình dài đạp xe từ Thanh Hoá vào Đức Thọ.
Nhiệm vụ của ngài luật sư là biện hộ cho một quân nhân phạm tội giết người. Đây
không phải là lần đầu tiên ông tranh tụng trước tòa về vụ án quân nhân. Tình
tiết vụ án lần này mà luật sư nhận được từ hồ sơ không phức tạp về lý nhưng về tình thì...
Quân nhân phạm tội đó là một
anh thanh niên lớn lên trong cảnh cha mất sớm, mẹ ở vậy nuôi anh khôn lớn, rồi
anh xung phong nhập ngũ vào chiến trường Bình Trị Thiên. Trải qua những ngày
chiến đấu gian khổ, nhưng thành tích có được đủ để anh tự hào. Được về phép,
anh như đứa trẻ háo hức muốn khoe với mẹ. Vừa bước chân vào nhà, đúng lúc đó,
anh bắt gặp một cảnh tượng mà dẫu có trong mơ không bao giờ anh ngờ tới… Mẹ anh
và ông hàng xóm... theo ngôn ngữ lúc đó gọi là hủ hóa. Sự uất ức dồn nén chen
lẫn sự mặc cảm, anh bộ đội liền vớ cái gậy đánh ông hàng xóm chết ngay tại chỗ.
Toà án quân sự Liên khu IV đem ra xét xử công khai vụ án một quân nhân giết
người ngay tại sân vận động Đức Thọ.
Lặng im bao quanh! Cơn gió
lướt qua như những cơn mưa rơi xuống vai luật sư Nguyễn Mạnh Tường. Ông đang có
mặt trên đất tỉnh Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, xã Châu Phong, một vùng quê khá đặc
biệt. Cái làng nho nhỏ nằm bên bờ La Giang này là quê hương của bốn dòng họ
lớn, thiên hướng rất khác nhau.
Đầu làng là họ Hoàng, sinh ra
Hoàng Cao Khải (1850–1933), tự Đông Minh, hiệu Thái
Xuyên, một đại thần thân Phápdưới triều nhà Nguyễn: Khâm sai Kinh lược Bắc Kỳ, tước
Duyên Mậu quận công, thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành
Thái; Thái tử Thái phó, Văn minh điện Đại học sĩ, Tổng đốc tỉnh Hà Đông,
giúp Thống sứ Bắc Kỳ soạn Nghị định về tổ chức bộ máy quản lý cấp xã ở Bắc Kỳ.
Mặc dù sau này đã xây dựng Thái Hà ấp ngoài Hà Nội, nhưng trước đó Dinh của
Hoàng Cao Khải ở Đông Thái vẫn chiếm diện tích gần nửa làng.
Cuối làng là họ Trần, học
rộng, có chức sắc trong triều, là Giải nguyên Trần Văn Phổ, tri huyện Đức Phổ
(tỉnh Quảng Ngãi) đồng thời lại là thân sinh ông Trần Phú - Tổng bí thư Đảng
Cộng sản Đông Dương năm 1930 – một ông trùm Cộng sản.
Giữa làng là hai chi của hai
dòng họ Phan. Họ Phan Đình có cụ Đình nguyên Phan Đình Phùng đã dấy binh Cần
Vương, khởi nghĩa chống Pháp, oanh liệt một thời trong suốt 10 năm (1885 –
1896). Họ Phan Văn, có Phan Văn Điện, thường gọi là cụ Đồ Điện, thông minh, trí
tuệ nhưng không đi làm quan, cũng không đi làm cách mạng. Phan Văn Điện chuyên
môn đi thi thuê, nhiều quan huyện, quan phủ và cả quan Tổng đốc đầu tỉnh đỗ đạt
được làm quan là nhờ mua các bài thi của cụ. Cụ Đồ Điện lại là thân sinh ra hai
ông luật sư Phan Anh và luật sư Phan Mỹ đang giữ trọng trách trong Chính phủ
kháng chiến Cụ Hồ. Ông Phan Anh là Bộ trưởng Kinh tế và ông Phan Mỹ là Chánh
Văn phòng Phủ Thủ tướng.
Với hoài niệm về một vùng quê
văn hiến, với mong muốn cứu người quân nhân chân thật thoát án tử hình, cả đêm
đó, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường đã lần giở lại tất cả các vụ án đã được học khi
còn là sinh viên cho đến những vụ án thực tế của người dân Việt Nam mà ông từng
biện hộ dưới hai chế độ thực dân và Chính phủ Cụ Hồ. Khi tiếng chim lảnh lót
rít lên vào lúc rạng đông, cũng là lúc luật sư Nguyễn Mạnh Tường tìm gỡ được
đầu mối vụ án. Toà
án Liên khu IV xét xử quân nhân giết người được trang trí như một sân khấu dưới
trăng, tại sân vận động huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh. Cáo trạng trong hồ sơ mà ông
Chánh án đọc lên với những lời luận tội dành cho bị cáo, nguyên là bộ đội với
mức án nghiêm khắc: tử hình! Xong, ông Chánh án nghiêng mình lịch thiệp mời
luật sư biện hộ.
Nghe
tên Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, dân chúng hiếu kỳ phía dưới bắt đầu ồn ào bàn
tán gây mất trật tự. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường bước lên, một động tác rất khéo,
rất kỹ thuật mà không ai hiểu là cố ý hay vô tình. Một cú ngã! Ông nghè sõng soài xuống
sàn và nằm chỏng chơ trước phiên toà. Đó chính là thủ pháp thu hút sự chú ý
tuyệt đối của đám đông. Phía dưới dân chúng được một tràng cười rộ lên. Cười
xong, tất cả đều im lặng, theo dõi. Lúc này luật sư Nguyễn Mạnh Tường mới bắt đầu lên tiếng
bào chữa. Ông hỏi:
- Ai là tội phạm trong vụ giết người
này?
- Luật sư hỏi chi lạ rứa ? Cáo trạng ghi rành rành ra đó - Ông Nguyễn Xuân Linh, Chánh án của phiên
tòa khẽ cười nụ - Anh quân
nhân kia là kẻ giết người chứ ai.
- Chính người bị giết, chính ông hàng
xóm kia mới là tội phạm.
Cả
phiên toà bất ngờ ồ lên. Luật sư nói tiếp:
- Hãy xem xét lại tâm thế của anh bộ
đội. Yêu mẹ, kính mẹ từ bé đến lớn. Anh đi chiến đấu vì Tổ quốc, vì lý tưởng
cao đẹp. Được nghỉ phép, anh trở về gặp mẹ trong niềm vui báo công, nhưng chính
trong hoàn cảnh ông hàng xóm hủ hóa với mẹ đã làm anh không còn là mình nữa. Sự
việc xảy ra là tác động của tình mẫu tử
thiêng liêng lên tâm trí của người quân nhân. Tội giết người do ông hàng xóm là tác nhân gây
lên. Anh bộ đội về trong tâm thế gặp mẹ, trong tình cảm hạnh phúc chứ. Chính
ông hàng xóm đẩy anh vào tình thế giết người. Vì vậy tội lỗi hoàn toàn do ông
hàng xóm gây ra.
Tiếng
luật sư Nguyễn Mạnh Tường trầm ấm:
- Thưa quý tòa, thưa bà con Liên khu IV, bây giờ chúng ta xử như thế nào?
Ta đưa một anh thanh niên, một quân nhân có thành ích giết giặc như thế này,
chỉ vì tác động của tình mẫu tử mà phạm
tội giết người, vào tội tử hình, để quân đội, để Tổ quốc mất một chiến sĩ hơn,
hay ta để cho anh trở về chiến đấu với đơn vị thì hơn?
Luật
sư vừa dứt lời, quần chúng phía dưới vỗ tay vang dội hưởng ứng.
Đứng lẫn trong đám đông người
xem hôm đó, nhà giáo Nguyễn Đình Chú không thể ngờ được, chỉ 2 năm sau, ông lại
có vinh dự trở thành người học trò của Giáo sư – Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Mạnh
Tường ở trường Dự bị Đại học Liên khu IV vào năm 1953. Sau 3 năm học, Nguyễn
Đình Chú là một trong những sinh viên khóa đầu tiên dưới mái trường Đại học của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thụ giáo các bậc “sư biểu” hàng đầu là
những nhà trí thức uyên bác tầm cỡ thế giới của thời vàng son “một đi không trở
lại” như Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trương
Tửu, Trần Văn Giàu, Phạm Huy Thông, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lân, Nguyễn Lương
Ngọc, Nguyễn Khánh Toàn… Tốt nghiệp Đại học năm 1957, Nguyễn Đình Chú được giữ
lại làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm.
3 nhận xét:
Các cụ xưa giỏi quá!
NHỮNG CON NGƯỜI TÀI DANH MỘT THƯỞ. GIWOF SAO ÍT NGƯỜI CÓ TÀI, CÓ TÂM VẬY NHỈ?
Có thì vẫn có nhưng người dùng chả muốn dùng vì đi khác đường.
Đăng nhận xét