Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA THỦ ĐOẠN “VIỄN GIAO CẬN CÔNG” (ST: DH)


Biển Đông từ đầu tháng 5 – 2014 đang sôi sùng sục bởi tàu nhỏ, tàu to và tàu khổng lồ của “Người bạn lớn” hùng hổ, hung hăng tấn công lực lượng kiểm ngư VN đang chấp pháp tại vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đây là một thách thức, một phép thử đầy toan tính và nghiêm trọng với cộng đồng quốc tế nói chung, ASEAN và VN nói riêng. Vậy nhưng, phản ứng của thế giới chỉ dè dặt ở mức độ khác nhau tùy thuộc vào lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngoài VN – đương nhiên rồi – với tư cách phát ngôn chính thức, dường như chỉ có Nhật Bản tỏ rõ thái độ, lên án hành vi nguy hiểm của TQ. Điều đó cũng dễ hiểu bởi sau Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông do TQ đơn phương áp đặt, sau những va chạm, đấu vòi rồng rồi đâm tàu quanh quần đảo Senkaku; càng thấy rõ VN và NB cùng đứng trước những thử thách nghiêm trọng mà hàng ngàn năm nay hai nước đều có mối giao cảm “đồng bệnh tương lân”…


Trong khi đó, TQ – lực lượng gây ra những căng thẳng và tình trạng nguy hiểm lại vô liêm sỉ yêu cầu VN, cũng như họ đã yêu cầu NB, Phippinnes… rút hết tàu khỏi vùng biển (mà TQ là kẻ gây tranh chấp) thì “tình hình sẽ trở lại bình thường”. Họ lừa mị rằng, TQ mong muốn “trỗi dậy hòa bình” và những căng thẳng là do các nước như NB, VN… gây ra với họ. Tiến hành nhiều thủ đoạn thâm độc, TQ đồng thời kêu gào một thông điệp mị dân: Thế giới hãy yên tâm. Chúng tôi chỉ đáp lại hành động khiêu khích các nước láng giềng mà thôi.
Đây là một thủ đoạn không mới của TQ cổ đại nhưng nó đã có bước phát triển mới.
Thủ đoạn không mới là, xin được tóm tắt: Khoảng năm 270 TCN, Tần Chiêu Tương Vương muốn thu phục nhân tâm, củng cố thế lực để bành trướng lãnh thổ, thống nhất Trung Nguyên. Ông ta trọng dụng một mưu sĩ người nước Ngụy, tên là Phạm Thư. Phạm Thư hiến kế: Nước Tề cách nước Tần rất xa, ở giữa còn có nước Hàn và nước Ngụy; đại vương đem quân đi đánh Tề, nếu đánh bại được Tề thì cũng không có cách gì nối liền Tề với Tần. Tôi trộm nghĩ thay cho đại vương, biện pháp tốt nhất là “Viễn giao cận công”, tức là giao hảo với nước ở xa, đánh nước ở gần. Do vậy, ta chưa nên đánh Tề mà trước hết nên đánh chiếm những nước lân cận, như vậy thì có thể mở rộng được nước Tần. Chiếm được một tấc là của ta một tấc, chiếm được một thước là của ta một thước… Cứ như vậy ta sẽ thôn tính được nước Hàn, nước Ngụy và đến lúc đó không đánh thì Tề cũng sẽ lung lay không thể giữ được nữa.
Tần Chiêu Tương Vương nghe Phạm Thư phân tích, như được vén mây trước mắt. Ông ta lập tức thực hiện thủ đoạn “Viễn giao cận công” và mở ra giai đoạn đầu cho nhà Tần thống nhất Trung Nguyên. Cứ như vậy, nước Trung Hoa ngày càng mở rộng và họ hầu như chỉ bị chặn đường bành trướng bởi một số ít nước, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và đế chế Nga khổng lồ ở phương Bắc…
Trong nửa sau của thế kỉ XX, nhất quán với chủ nghĩa bành trướng đã thấm vào máu thịt và vận dụng thủ đoạn “Viễn giao cận công”, TQ đã chủ động “ra tay trước” với hầu hết các nước có chung biên giới với họ: Liên Xô (1969), Ấn Độ (1962), VN (1979)… Sở dĩ TQ không gây chiến với tất cả các nước có chung biên giới, vì họ thấy không cần thiết, nhằm vừa li gián giữa các nước láng giềng quanh họ với nhau, vừa chọn trọng tâm để các nước Liên Xô, Ấn độ, VN, NB – nếu thất bại trước họ - thì đương nhiên các nước khác sẽ phải quy phục “Thiên Triều”. Đó cũng là căn nguyên sâu xa để hiện nay họ quyết tâm khuất phục trước tiên VN và NB nhằm biến TQ thành một sen đầm khu vực, tiến tới tranh chấp vị thế sen đầm quốc tế.
Vậy bước phát triển mới của thủ đoạn “Viễn giao, cận công là gì”?
Đó chính là khẩu hiệu lừa lọc mị dân trên bình diện toàn cầu: “Giấc mộng Trung Hoa vươn lên trong hòa bình”. TQ thực hiện giao hảo với các nước châu Phi xa xôi vừa để bóc lột tài nguyên và nhân công rẻ mạt, vừa xuất khẩu vô số loại hàng hóa cũng rẻ mạt và độc hại, đồng thời tạo hình ảnh “hòa bình, thân thiện”. Tuy vậy, họ đồng thời đưa công nhân đến châu Phi và nhiều nơi trên thế giới để lập nên những “làng Hoa kiều”. TQ vừa thỏa hiệp, vừa nắn gân, vừa xúi bẩy li gián tạo mâu thuẫn ngờ vực giữa các đại cường để họ, trước hết, rảnh tay vươn lên làm sen đầm ở Châu Á. Với các nước lân bang như VN, NB, Phippinnes, TQ sẵn sàng sử dụng “cây gậy” và khi cần thiết cũng phủ dụ chìa củ “cà rốt” có tẩm thạch tín… Từ vài năm nay, sau những phép thử nhằm vào Phippinnes, NB, VN, thậm chí cả Hoa Kỳ (với những vụ va chạm, đâm tàu), TQ ngày càng hung hăng và tự tin trước phản ứng của một thế giới đầy mâu thuẫn, lợi ích khác nhau…
Với những thủ đoạn đó, đặc biệt là “Viễn giao cận công”, Trung Quốc đang gặm nhấm dần cả thế giới. Đường lưỡi bò rồi sẽ được mở rộng ra Thái Bình dương, Ấn Độ dương, Đại Tây dương… Thậm chí, sẽ có ngày TQ tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Mặt Trăng và có thể là cả Mặt Trời.
Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!


(Trần Duy Hiển - Hà Nội, ngày Trường Sa nhớ, tháng Hoàng Sa thương, năm Bạch Đằng cuộn sóng)

Không có nhận xét nào: