Thứ Tư, 14 tháng 5, 2014

Nhớ về người cha là thi sĩ (Lâm Bích Thủy)

(Phác thảo chân dung nhà thơ Yến Lan 5-10-1898 - 5-10-2008)


        Tôi nhớ về cha mình bằng nỗi nhớ của người hâm mộ thơ Ông. Mặc dù Ông đã đi rất xa! nhưng tôi luôn cảm nhận lúc nào ông cũng ở bên tôi. Mỗi khi nhắc đến tên Yến Lan là những người yêu thơ, là đồng hương Bình Định đều có chung cảm nhận: “Đời hiền thơ thảo tiếng vang xa/ Để lại trần gian những cánh hoa/Thơm hương tỏa ngát tình nhân thế/ con cháu tự hào bởi ông cha” Điều đó đã khẳng định chỗ đứng của ông trong lòng mọi người. Chả là khi còn đương thời, Ông tâm sự “Điều sợ nhất của ba là mình bị mất đi trong lòng mọi người.” Mỗi khi về thăm quê, đi trên chiếc cầu tre trên dòng sông Côn, nay đã được làm lại đẹp và khang trang, lòng tôi không nguôi nhớ về người đã bị đẻ rơi ở bãi cát trên dòng sông này: 

Quê ngọai bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng”
   

       Những đêm trăng sáng, nhìn về phía xa xa, thấp thóang bóng Tháp Chàm, trong tôi lại hiện về hình ảnh “chàng kỵ mã” áo xanh:”Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly /Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/Sợ trăng vàng rơi khất lối chưa đi…

         Cứ nhắc đến tên Yến Lan thì người yêu thơ chợt nhớ về một ông lái đò u buồn đã đợi khách trên “BẾN MY LĂNG” đầy trăng. Hình ảnh “Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng” ngày nào có vẻ giống cha tôi khi về già. Thời gian tôi sống cùng gia đình ít hơn các em, nhưng bù lại, tôi thường được Ông tâm sự về chuyện đời, chuyện thơ v.v…nên có lẽ tôi hiểu Ông hơn. Hơn nữa những người nhớ về ông không còn trẻ. Vì vậy với bài viết này tôi hy vọng giúp các bạn trẻ yêu thơ hiểu thêm về cuộc đời và nghiệp làm thơ của cha tôi-người đã sống hết mình vì quê hương Bình Định và thơ.

       Ba tôi tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2/3/1916 tại làng An Ngãi thuộc phủ An Nhơn-Bình Định. Cha là một nhà nho, nhưng thi hương nhiều lần không đổ đành về làm thủ từ  tại Chùa Ông của Huyện An Nhơn-Bình Định. Năm lên 6 tuổi mẹ mất. Cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào bà chị thứ Tư.

        Từ tiếng vọng còi tàu trong hư vô đến chiếc nón Gò Găng, từ những Tháp Chàm cổ kính với ánh trăng kỳ ảo trên Cửa Đông Thành Bình Định… là những thứ đã để cha tôi đem cả đời người, đời thơ dâng tặng cho quê hương. Ngay từ thời niên thiếu ông đã sớm bộc lộ tài thơ:

        - 18 tuổi, sau khi học xong bật trung học ông sống bằng nghề dạy học tại nhà và rất chuyên tâm vào sáng tác. Lúc đó, viết được bài nào ông đem gửi cho các báo Phụ Nữ, Tiểu Thuyết Thứ Hai, Tiểu Thuyết Thứ Năm. Tuần báo này do Lê Tràng Kiều làm chủ bút, Vũ Trọng Can phụ trách Ban biên tập, còn Nguyễn Bính được báo nuôi để chuyên sáng tác, vì vậy đối với ông viết báo là để cho vui chứ báo đâu còn tiền mà trả nhuận bút cho ông!   Khi mới xuất hiện trên thi đàn, người yêu thơ đã cảm nhận ở ông một bút lực dồi dào và một cá tính độc đáo.

         - Năm 1937 ông cùng nhà thơ Chế Lan Viên góp tiền ra tờ báo “Tiếng Địch”. Tiếc thay, tờ báo chỉ ra được 1 số thì hết tiền. Ít lâu sau chia tay “Tiếng Địch” ông cùng Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Chế Lan Viên xuất bản tờ “Người Lính Thủy”. Ông đã gửi tờ báo cho Tổng Trưởng Bộ Giáo dục lúc bấy giờ là Phạm Quỳnh như là để trình vào làng báo biết rằng tại Thành Đồ Bàn-Bình Định cũng có các văn sĩ đầy tài hoa không kém các văn sĩ ở các đô thị lớn.    

       Có thể còn  nhiều người chưa biết đến Yến Lan vì ông không gặp may trong cuộc đời và trong sáng tác. Song qua các tác phẩm của hơn 60 năm sáng tác trong đời sống của ba tôi đã thể hiện được tư tưởng, đạo đức, lối sống của một trí thức Cách mạng yêu quê hương, đất nước và yêu con người. Ngay từ khi xuất hiện trên thi đàn ông đã bộc lộ một bút lực dồi dào và một cá tính độc đáo. Thời gian này ông đã có:

        - Giếng Lọan    Tràn Bơ  (gồm 25-28 bài thơ) 
        -2 tập Kết Giao  (gồm 45 bài thơ)  Và Đọng  Biếc  (gồm 30 bài thơ)
        -Năm 1941 viết vở kich thơ : Bóng giai nhân
        -Năm 1943   : Gái Trử La , Bánh xe luân hồi.
        - Nổi tiếng với tập thơ Bến My Lăng (khoảng 20 bài), với lời giới thiệu của Chế Lan Viên.

        Khi Cách Mạng bùng lên, ông cùng anh vợ trực tiếp kêu gọi nhân dân đứng lên cướp chính quyền huyện. Ai đã từng sống trong thời điểm lịch sử lúc ấy mới thấy nhà thơ Yến Lan là một nhà thơ chân chính, là một nhà thơ thuôc về CM. Chính Chế Lan Viên cũng nói với mình “Đi xa nên về muộn” Nếu có một tác giả nào sau này viết về lịch sử thơ ca CM ở Việt Nam và ở tỉnh Bình Định, thì phải thấy cho hết con người Yến Lan đã đóng góp như thế nào và đánh giá cho đúng cái tác dụng to lớn những bài thơ Yến Lan đã viết khá hay trong những ngày đầu CM như “Bình Định 1947”.

      Trên đất Bắc, những năm tháng chiến tranh ác liệt, đi thực tế nhiều nơi, ông như đã thay da đổi thịt, ông viết với niềm say mê mãnh liệt. Nhạc sĩ Văn Cao cũng phải thốt lên:  “Người ta không những ngạc nhiên về hình thức mà còn ngạc nhiên về sự thay đổi của Yến Lan trong nội dung. Trong sự chuyển biến chung của thơ ca hiện nay mong nhiều người góp sức vào để đẩy lui một qúa khứ nhạt nhẽo, trường hợp thơ của Yến Lan cũng làm nhiều người ở vào lứa tuổi của anh phải suy nghĩ.
     
        Đọc thơ cuả Yến Lan, tôi có cảm tưởng là lúc nào anh cũng bắt đầu. Một sự bắt đầu vào các luồng thơ khác nhau gần như không do dự. Tôi yêu Yến Lan ở cái chỗ luôn luôn bắt đầu đó.

       Trong làng thơ có lẽ ông là người ít nổi bật bằng những người bạn cùng thời. Nhưng khi nhắc tới tên Yến Lan thì tôi cảm nhận ở họ một tình cảm sâu lắng lạ thường, họ đều nhớ ngay “Khi chị đi lấy chồng”      

Khế chua nấu với lá mồng tơi
Em ước được ăn đến trọn đời
Tan mẹ mãn rồi, bà mối giục
Chị đi bát đũa cũng mồ côi
    
       Trong hội nghị các nhà văn Miền Trung  ở Nha Trang vào ngày 27-7-1987 ông đã phát biểu 2 quan điểm:
       1/- Cuộc sống trên trái đất cần ánh mặt trời, con người cần có tình yêu, còn thơ phải xuất phát từ trái tim và tâm hồn; người làm thơ phải có sự rung động của trái tim và cần có lý trí, tài năng để sáng tác những vần thơ hay, có giá trị nghệ thuật, thiếu một trong hai thì không thể có thơ.
          
       2/-Thơ nuôi dưỡng và thanh lọc tâm hồn : Theo ông một phần tâm hồn và trái tim thi nhân tạo ra thơ, do đó thơ trở thành một sinh thể sống động đồng hành với con người theo suốt chiều dài cuộc sống, như tri âm, tri kỷ. Người làm thơ phải lấy truyền thống làm nền tảng. Nhưng đừng nhầm lẫn giũa cái mới và cái lạ. Cái mới là cái phải chắc lọc từ bao nhiêu cái đã có để thay thế. Cái lạ là cái được thấy lần đầu nhưng thường là lạ ở chỗ này lại nhìn quen ở chỗ khác. Hơn nữa thể hiện cái lạ chưa sành thường làm cho nó thành ra lố bịch, lai căng và méo mó.
    
Hơn 60 năm sáng tác ông luôn lấy cuộc sống thực tế của mình, của những người xung quanh làm đề tài, và tạo nguồn cảm xúc từ những cảnh sắc, tâm hồn dân dã. Chính vì vậy mà cảnh trong thơ ông rất thực, rất sâu và tình thơ thật sâu xa, lắng đọng khiến người đọc rung động bởi được hiểu đời thực, thấm thía và thương đời:                               

Nghe trên đàng quạnh hiu
Cổ xe bò nặng nhọc
Người trên xe trằn trọc  
Giữa những tiếng rơm kêu

người đọc thơ ông, luôn có cảm giác thân thuộc, gần gủi :

Ở đây nắng mới võ vàng
Dừa cao lễnh khễnh
cành xoang ngoằng ngoèo
Con đàng thì ngút cheo leo
Mình đi chỉ bóng cùng theo với mình.
  
Người ta thường nói “Cả cuộc đời một thi nhân chỉ cần để lại cho đời một bài thơ hoặc một câu thơ hay là đủ. Nhưng, nhắc đến Yến Lan - ba tôi, giới yêu thơ đều biết; mỗi giai đọan lịch sử ông đều để lại dấu ấn. “Năm 20 tuổi nhà thơ đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc góp phần khẳng định sự thắng lợi của Thơ mới trong buổi đầu (Nguyễn Bao-Từ Bến My Lăng”:       
                     

Bến My lăng
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn rung người ra tiếng địch,
Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.
Vì đìu hiu, đìu hiu, trời tĩnh mịch,
Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao.

Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh,
Tơ vương trời, nhưng chỉ giải trăng… trăng.
Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh,
Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy ngành trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng…
(Bến My Lăng - Yến Lan) 
        Ông có hơn 500 bài tứ tuyệt để lại; Thơ tứ tuyệt là lọai thơ khó, kỷ thuật cao, ít chữ mà nghĩa nhiều. Mỗi bài thơ của ông là một mãng tâm hồn  mang ước vọng tiếp tục hiến dâng cho đời.                                        

Quả đu đủ góc ao                                           
Ứa nhựa hàn vết đau                 
Tĩnh yên cành gió quệt              
Quả đu đủ góc ao                     
Lặng dâng đời quả ngọt.              

Đa và Dừa
Hàng dừa tơ, tốt mã mới trồng sau
Bứt tàu lá làm gươm khua với gió
Cội đa cũ vươn tầm lên đại thọ
Gót nhựa đời buông rễ tự trên cao.
  
Quan họ                                                                      
Rạo rực bờ ao lá trúc tre                                   
Ôi “người ơi, người ở đừng về”               
Một câu quan họ mành như chỉ              
Xuyên suốt tâm hồn mọi nẻo quê           

Tuồng
Chưa xuông Tiết Nghĩa, mạo giang hùng
Đâu để nhìn ra lớp “sóng tùng”
Binh lửa vừa lui đao núi dựng
“Gian nan là nợ khách anh hùng”.
Vân dại nên đời cứ ngẩn ngơ.
    
      Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh-Phó tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam viết: “Trong gần 60 năm liên tục Yến Lan đã cống hiến nhiều truyện ngắn, kịch thơ, ca kịch, trường ca và thơ, thể lọai nào cũng có thành tựu. Chính vì vậy, cùng với Chế Lan Viên, Tế Hanh và các nhà thơ cùng thế hệ, Yến Lan đã có nhiều đóng góp lớn cho văn học, là bật thầy mẫu mực cho nhiều thế hệ các nhà văn noi theo”.



                           @@@@@@@@@@@@

1 nhận xét:

Minh Tâm nói...

Thi sĩ YẾN LAN tích cực sáng tác trong phong trào Thơ Mới. Ông được nhiều người yêu thơ các thế hệ biết tới với bài BẾN MY LĂNG. Con trai ông là nhà văn, nhà báo, nhà thơ LÂM HUY NHUẬN, anh là CCB chống Mỹ, cùng lớp với các nhà thơ TRẤN NHƯƠNG, LÊ ANh XUÂN, HOÀNG NHUẬN CẦM.