Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

ANH NAM PHONG: NHỮNG DẤU ẤN SÂU ĐẬM (Khánh Tường)


Một ngày cuối năm 1981. Trời rét ngọt. Tôi lên Trung Giã, vào Sư đoàn 312 công tác. Sau khi làm việc với Sư đoàn trưởng, tôi đề nghị được ra bãi tập. Đồng chí Sư đoàn trưởng vui vẻ:
-Rất hoan nghênh, thế mới là phóng viên Báo quân đội. Anh sẽ thấy tận mắt sự thay đổi cách đánh của ta để đối phó với đối tượng tác chiến mới. Chiều nay, Tư lệnh Quân đoàn Lê Nam Phong đi kiểm tra huấn luyện tại thao trường, mời anh đi luôn.
Cách đây mười năm, tôi đã nghe đến tên “Lê Nam Phong”. Tôi đang ở chiến trường Lào thì trên gọi về dự tập huấn chiến thuật ở trường sĩ quan Lục quân Sơn Tây. Lớp tập huấn đi tham quan đội mẫu diễn tập “đánh địch trong phòng ngự trận địa”. Thượng tá Nguyễn Thế Bôn xem quân đỏ, quân xanh đánh nhau đã nhận xét: “Quân đỏ đánh thế này, vào Nam, chết với phi pháo Mỹ. Phải bảo Lê Nam Phong gửi tiếp chiến lệ ra mới được”. Tôi tò mò hỏi thì được biết đồng chí Nguyễn Thế Bôn nguyên là chỉ huy trưởng công trường 7 miền Đông, mới ra Bắc. Lê Nam Phong là phó, nay thay ông làm chỉ huy trưởng. Thì ra Nam Phong là ông này.


Đúng giờ hẹn, tôi có mặt ở sân sư đoàn, cũng vừa lúc chiếc U-oát trờ tới. Tư lệnh quân đoàn, đại tá Lê Nam Phong ngồi ghế trước ngó ra.
-Đồng chí phóng viên, ta đi thôi.
Tôi lên ghế sau và đóng cửa. Xe ra khỏi cổng, chạy một đoạn, Tư lệnh ngoái về phía sau:
-Đồng chí tên gì?
-Báo cáo thủ trưởng, tôi tên là Trọng, Phạm Đình Trọng.
Ông quay nhìn thẳng, miệng lẩm bẩm:
-Phạm Đình Trọng, Phạm Đình Trọng- Nguyễn Hữu Cầu…
Không biết ông gắn tôi với Quận He cho dễ nhớ hay vì sự liên tưởng gì. Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi có số vốn kha khá về việc các “sếp” hỏi tên cấp dưới, vốn tự có và vốn do lượm lặt gần xa nữa. Các sếp lớn do nhiều việc và cũng do tuổi tác, do cố tật, rất mau quên tên cấp dưới. “Cậu tên gì?” là hỏi theo thói quen, hỏi để mà hỏi. Có vị ngay cả tên người lái xe cho mình cũng không nhớ. Lên xe là “Thanh niên tên gì?” Để rồi bị lái xe chọc quê: “Dạ, em vẫn tên cũ”. Tôi tự nhủ: “Chắc ông Tư lệnh này cũng không ngoại lệ”.
Tôi đang miên man suy nghĩ về thuộc tính của các sếp lớn thì Tư lệnh hỏi:
-Ông phóng viên, vợ con đang ở đâu?
Tôi suýt phì cười bởi ý nghĩ: “Biết ngay mà. Cái tên Phạm Đình Trọng bay khỏi đầu ông rồi”.
-Dạ, nhà tôi ở Nam Định- Tôi vội trả lời trong lúc bụng bảo dạ: “Coi chừng ông nói: Đúng, phải như thế. Giống như người phải đi bằng hai chân. Vợ một nơi chồng một nơi là nhất sách. Lát nữa, nếu ông hỏi, mình sẽ bảo vợ con ở Hà Nội. Và ông lại khẳng định: Rất đúng. Vợ chồng phải tập trung mới lo được cho con”(!)
Nhưng không, bên tai tôi lại là lời tâm sự rất tình cảm:
-      Cậu một tuần hay một tháng về một lần? Lương Đại uý thì giúp gì được gia đình! Làm nghề phóng viên báo Quân đội, vất vả lắm - ngừng một lát , ông tiếp – nói thật với Trọng, mỗi lần mình vào Thành phố Hồ Chí Minh, vợ lại dúi cho mấy chục đấy. Đại tá, nghe lương thì to nhưng bà Mai quy đổi thì được có mấy chục ký tỏi. May mà bà xã mình buôn bán có đồng ra đồng vào.
Tôi xúc động và ngạc nhiên, hoá ra không phải sếp lớn nào cũng “ngơ ngác giữa đời thường”; cũng đại khái, vô tâm và dễ quên.
Xe dừng. Trên sườn đồi cỏ thoai thoải, bộ đội đang tập chiến thuật đánh địch trong công sự dã chiến. Bãi tập được cấu trúc giống như thực tế tôi gặp ở Bình Liếu. Trời chiều. Gió khan thổi bạt đồi cỏ may. Tư lệnh quân đoàn nheo mắt quan sát bộ đội xong lên trận địa “địch”.
Tôi kín đáo để ý Tư lệnh từ lúc ông xuống xe. Ông có vóc người thấp đậm, hao hao giống tướng Sa-pa-ép. Riêng dáng đi và động tác ngoái cổ nhìn phía sau thì y chang vị tướng nông dân Nga. Ở ông, độc đáo nhất là đôi mắt, một đôi mắt có cái nhìn thẳng thắn, hơi dữ nhưng thỉng thoảng lại ánh lên sự hài hước, hóm hỉnh. Đôi mắt vừa dường như từng trải, sắc sảo lại như mộc mạc, chân quê. Thật tình, chiều ấy (và nhiều tháng nhiều năm nữa), đôi mắt tiềm tàng những điều trái ngược của anh Nam Phong vẫn là ẩn số đối với tôi. Phải hơn 20 năm sau, khi anh trở thành người anh gần gũi, thành bạn vong niên, tôi mới giải mã xong.
Trở về với bãi tập sư 312 chiều đông năm nọ. Tư lệnh quân đoàn xem bộ đội thục luyện hơn một giờ rồi lệnh tập hợp toàn thể dọc chiến hào. Ông đứng đối diện ở bên kia hào, nói về đối tượng tác chiến mới khác Mỹ-nguỵ xưa kia ở chỗ nào. Ông uốn nắn bộ đội từ tư thế chạy lúc xung phong, kỹ thuật ném lựu đạn, bắn găm đến động tác khi phát triển vào tung thâm, kỹ thuật đánh giáp lá cà .v.v.. Trong chiến dịch Điện Biên năm 1954, ông đã nổi tiếng với biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc” của Đại đoàn Quân tiên phong (tức f308). Bài giảng xen lý luận với thực tế, đôi khi là những mẩu chuyện người thực việc thực nên rất hấp dẫn. Bình thường ông có vẻ chắc chắn và chậm chạp nhưng lúc cầm súng thực hành thị phạm thì ông rất nhanh nhẹn và chuẩn xác.
Trên đường về, tôi hào hứng gợi hỏi chuyện đời riêng của Tư lệnh thì ông khéo léo dẫn qua những kỉ niệm về đồng đội. Dù sao qua chuyện ông kể, tôi nhận ra rằng những ngày tháng mình được mẹ xếp vào thúng, gánh đi chạy giặc thì ông đã là vệ quốc đoàn; tôi sợ hết hồn mỗi khi đại bác Pháp ở núi Non Nước (Ninh Bình) bắn tới quê thì ông đã là đại đội trưởng. Và khi tôi còn ngồi trên ghế trường Đại học ông đã là Trung đoàn trưởng trung đoàn chủ công của Sư đoàn 7 Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Buổi tối, ăn cơm xong, tôi vội lên nhà khách Sư đoàn, tính gặp ông nhưng ông đã về Sở chỉ huy Quân đoàn ở tận Tam Điệp (Ninh Bình). Tôi ngẩn ngơ tiếc về mỏ tài liệu quí, đành ngồi tán chuyện với mấy sĩ quan trực. Họ kể rất nhiều chuyện về vị Tư lệnh của mình, từ chuyện chỉ huy huấn luyện xây dựng, tổ chức làm kinh tế, đề ra chủ trương mới đối với hậu phương quân đội đến chuyện sinh hoạt đời thường, có rất nhiều chuyện lạ, vui và giàu chất tiếu lâm có thể đưa vào tiểu thuyết.
Năm 1982, tôi và đồng chí Đào Văn Sử vào cơ quan đại diện báo Quân đội nhân dân ở phía Nam, thường xuyên đi Cam-pu-chia. Sang mặt trận 719 (tiền phương Bộ quốc phòng) mới biết anh Lê Nam Phong đã mang hàm Thiếu tướng, hiện là Tham mưu phó Mặt trận. Nhưng đất Ăng-ko không tạo ra cái duyên cho tôi gặp anh Nam Phong. Tôi chỉ được nghe về anh qua đồng đội. Ở Mặt trận 579 (Quân khu 5) tại Strung-cheng, anh Phan Hoan, phó Tư lệnh Quân khu, kể: Chiến dịch mùa khô vừa rồi, bộ đội 579 diệt được nhiều địch, bắt tù binh, thu vũ khí là nhờ luồn qua đất Thái Lan đón lõng. Việc làm này đang là bí mật, từ từ sẽ báo cáo. Nhưng do kinh nghiệm 30-40 năm trận mạc, tham mưu phó Nam Phong phát hiện ra. Ông nói  với tướng Tư lệnh quân khu 5 Nguyễn Chơn: “Biết điều mang rượu ra đây, tớ sẽ nói ông Sáu cho”. Anh Nguyễnn Chơn cười xoà, mang ra bình rượu quí. Họ vừa uống rượu vừa ôn lại những kỉ niệm khi đi học ở Liên Xô.
Có hai người tôi thường nghe cán bộ ở các địa bàn hay nhắc đó là anh Nam Phong và anh Khiếu Anh Lân, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Về Thành phố Hồ Chí Minh tôi vẫn để tâm tới hai anh. Muốn hiểu về anh Lân không khó, chỉ vào Tiền phương Bộ tổng tham mưu hỏi hoặc đi bộ qua đường Lê Duẩn sang nhà anh. Với anh Nam Phong phải kỳ công hơn, phải bỏ thời gian đi lên la cà ở Quân đoàn 4 và vào thư viện hoặc đến tận bộ phận lưu trữ tài liệu của Quân đoàn. Nhờ đó tôi biết khá nhiều trận đánh nổi tiếng một thời như: trận Nhà Đỏ-Bông Trang, Bầu Bàng, chốt chặn đường 13, giải phóng Phước Long, trận xuân Lộc đẫm máu, .v.v. đều gắn với anh Nam Phong. Một điều nhất quán, khắc nên tính riêng mang “thương hiệu” Nam Phong là, dù trong môi trường bom đạn, vẫn cứ có tiếu lâm! Những chuyện chinh chiến không mệt mỏi ấy khiến tình cảm quý mến xen lẫn sự kính trọng anh Nam Phong trong lòng tôi càng thêm sâu sắc. Khoảng 1989, trong một lần đến trường Sĩ quan Lục quân 2 (ở Nước Trong-Đồng Nai) bất ngời tôi gặp anh Lê Nam Phong với bốn ngôi sao cấp tướng lấp lánh trên vai. Tôi thăm dò:
-         Thủ trưởng còn nhớ tôi không?
Anh cười, vẫn ánh mắt gần mười năm trước, vừa thẳng thắn, chân thành vừa sắc sảo, hóm hỉnh:
- Bất chợt gặp thì không nhớ nhưng báo trước là phóng viên Báo Quân đội thì nhớ. Lâu quá rồi còn gì. Vả lại tên cậu khó quên vì nó gắn liền với Nguyễn Hữu Cầu, “Ngọc tràng nhất điểm- Thổ triệt bán hoành” (1)
-Tuyệt vời - tôi buột miệng khen-  Tuổi 60 mà anh nhớ thế.
Với trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi có mối quan hệ từ lúc thiếu tướng Mạc Đình Vịnh làm hiệu trưởng và Thiếu tướng Vương Thế Hiệp làm chính uỷ. Ở đây tôi có các chiến hữu từ ngày còn ở chiến trường Cánh đồng Chum (Lào) như các anh Nguyễn Trần Khôi, Trần Xuân Ban hiệu phó, anh Hà Bình, trưởng phòng Kế hoạch...Và tôi cũng từng nhiều đêm tâm sự với thiếu tướng Lê Thanh. Nay anh Nam Phong về làm hiệu trưởng; năm 1996 anh bạn thân Nguyễn Viết Khai lên làm phó hiệu trưởng-Bí thư Đảng uỷ, thì tình thân càng thêm bền chặt.
Nhiều lần tôi và đồng chí Trần Thế Tuyển, phó Ban đại diện báo Quân đội đến trường, ở lại nhiều ngày, thâm nhập tất cả các khoa, ban và các tiểu đoàn học viện. Mùa mưa cũng như mùa nắng, khoảng 4 giờ đồng chí Hiệu trưởng dậy, đọc và viết; đúng kẻng báo thức, anh có mặt trước sân, cùng thể dục thể thao với cán bộ. Tôi phát hiện thêm một điều thú vị: khi cần, anh phát âm rất to và vang. Sau tiếng kẻng báo thức là tiếng hô của Hiệu trưởng, ai có muốn ngủ ráng cũng chịu!
Ngoài giờ làm việc, cán bộ trẻ và học viên gọi anh Năm là “bố” xưng “con” rất tự nhiên. Tôi đã bỏ công nghien cứu hiện tượng “không đúng điều lệnh quân đội” này và vỡ ra rằng Hiệu trưởng Lê Nam Phong chăm chút cho họ và gia đình họ không chỉ tròn vai chức trách. Không chỉ ở trường mà ngay trong từng gia đình, từng lớp học, từng vườn cây…đều in dấu ấn Lê Nam Phong.
Tôi chưa chứng kiến anh nóng thế nào để có biệt danh “ Năm Lửa” nhưng nguyên do để mang tên “Năm Bình-tông” thì tôi đã rõ trong buổi kỷ niệm 35 năm thành lập trường Sĩ quan Lục quân 2. Bữa đó có nhiều vị tướng lĩnh nổi tiếng như Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Nguyễn Thế Bôn, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh các tướng lĩnh của Quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, nhà trường, học viện và đại diện Đảng, chính quyền, đoàn thể các tỉnh phía Nam… Trong một khung cảnh hoàng tráng, với tư cách chủ nhà, anh Năm không chỉ săn sóc mọi người tới nơi tới chốn mà còn tham gia hát và múa điệu nghệ với các cựu văn công Tổng cục chính trị. Chị Mai, vợ anh, phải tròn xoe mắt bởi không ngờ đức ông chồng đa tài đến vậy!
Sống hết mình ở mọi lúc mọi nơi- đó là đặc tính của anh Lê Nam Phong.



1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Những bài viết của thầy Trọng về cán bộ, chiến sĩ ngoài chiến trường rất hay và ý nghĩa. Cảm ơn thầy!