Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Ngọc Trong Đá (2)

            Đơn vị chiến đấu là môi trường tốt nhất, là nhà trường tốt nhất cho các bạn Thiếu sinh quân. Hầu như tất cả các binh chủng đều có người của khóa 3 được gửi gắm ở đó.
            - Vũ Định về đâu nhỉ? Việt Thắng hỏi.
            - Tao về Hải quân, còn mày?
            - Hình như là Phòng không – Thế mày có biết bơi không mà về Hải quân?. Thắng vừa cười vừa hỏi.
            - Biết quá đi ấy chứ, mà tại sao mày biết không? Vì sếp của tao làm ở Hải quân.
            - Sếp hả? À, tao hiểu rồi, ông già mày là sếp bên Hải quân, ông ấy phải biết bơi, cho nên, mày là con, thì tự nhiên cũng biết bơi.
            - Không dám đâu, cũng phải uống bao nhiêu là nước ở Bom Bom mới bơi được đấy mày. Thế Thắng có cái gì “Được được” không mà đòi về Phòng không?


            - Được được nghĩa là sao?
            - Ừ thì là… mắt tinh, mũi thính, các giác quan nhạy bén.
            - À, nói chung cũng… được. Nhưng đi đâu thì đi, miễn là được ăn no thì tao khoái.
            - Muốn ăn no phải sang Binh chủng thiết giáp, bên xe tăng ấy, ở đấy mỗi tháng người ta ăn 30 kí gạo đấy mày.
            - Chà chà, đã quá nhỉ, tụi mình có ai sang đấy không nhỉ?
            - Tao cũng chả biết. À đây này, hỏi thằng Chí Điền, Đông Khu, Minh Chính thử. Này, mấy người anh em, tụi mình có ai về Binh chủng thiết giáp không nhỉ?
            - Hình như… Chí Điền nhướn mày, mắt chớp chớp – Phải nhìn kỹ mới thấy nó chớp mắt, có lẽ do mắt hơi nho nhỏ, hình như… Tường Long thì phải.
            - Đâu, Tường Long về Hải quân chứ, Đông Khu cải chính. Thiết giáp là thằng Hà Đông, Tiến kẹp.
            - Ôi trời! Mấy ông ấy mà về Tăng, Thiết giáp, chỉ sợ cái chốt xích xe tăng nó đè cho sao mà ngóc lên được. Minh Chính ngỡ ngàng – Lát sau, có lẽ thấy hơi quá đáng, nó tự bào chữa, nói vui thế thôi, chứ ở đó chắc chắn là được ăn no đúng không tụi mày, mà đi đâu cũng được.
            Đi đâu mà chả được! Đúng ra, là người lính thì chỉ việc : Rõ! Xin tuân lệnh!
            Lệnh trên đã quyết, tháng 10 – 1968, 5 anh binh nhì gồm : Nguyễn Việt Thắng, Trần Thắng Lợi, Nguyễn Kích (Khóa 4 đôn lên), Lí Chí Tâm và Trình Vạn Thiện về nhận nhiệm vụ tại Đại đội 2, Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236 thuộc Sư đoàn Phòng Không 361 Hà Nội.
            Đêm nay sẽ ngủ trong nhà dân. Thì cũng như ở Đại Từ thôi. Bộ đội thì nhà cửa… mênh mông, ở đâu cũng có. Tối hôm đó, được gặp đồng chí Trung đoàn trưởng tên lửa Trần Sanh, khi đó ông mang hàm trung tá (sau này là Phó Tư lệnh binh chủng Phòng không – Không quân).
            - Mấy em đi đường có mệt không?
            - Dạ thưa Thủ trưởng, không sao đâu ạ, bọn em khỏe mà – Trình Vạn Thiện, tức Vạng – Giật – Lôi, vừa gãi đầu vừa trả lời, vừa cười xã giao. Sao? Lính Trỗi mình có tài ngoại giao, xã giao thế không biết!
            - Ngày mai các em sẽ xuống đơn vị nhé, từ từ rồi sẽ quen, mà mấy em toàn học lớp 10 cả nên tiếp thu kỹ thuật không có gì khó khăn đâu.
            - Dạ thưa Thủ trưởng, bọn em cũng phải cố gắng nhiều, và chắc còn bỡ ngỡ lắm ạ. Trần Thắng Lợi khiêm tốn, nhún nhường – Chà! Lính Trỗi mình khiêm tốn quá nha. Cụ Cửu mà biết được “Vấn đề lớn” này, chắc cũng vui lắm nhẩy, chả bù cho cái hồi lần đầu gặp gỡ, tụi nó hỗn khiếp đi được…
            - Thế các em đây quê ở đâu?
Từng đứa một chững chạc khai ra quê hương gốc gác.
            Mới xuống đơn vị, chưa đâu vào đâu mà đã được cán bộ cấp Trung đoàn hỏi thăm thì quá ư là trọng thị, chắc Thủ trưởng quí là quí cái vốn kiến thức của mấy đứa, chứ mặt bằng học vấn của anh em bộ đội mình nói chung hồi đấy còn khiêm tốn lắm. Kiếm ra được một ông lính có trình độ học vấn 10 trên 10, cũng không phải là dễ đâu; Cả Đại đội Tên lửa cũng chỉ đếm được vài người. Hôm nay có 5 ông Tân binh cùng tốt nghiệp 10 cả thì đúng là của… hiếm.
            Đấy là về học vấn, không nói thì thôi, đã nói thì nói cho hết; Về hình thức cũng chấp nhận được : Không ai quá lùn, quá cao. Không ai quá béo hoặc quá gầy; Mặt mũi thì đa số cũng sáng sủa, không đến nỗi nhìn vào là thấy hãm tài.
            Nguyễn Kích có sức khỏe cực tốt, mặt mũi phương phi, chả khác gì – Giăng Kích trong “Những người khốn khổ” của Đại Văn hào Vích to Huy gô (Giăng Van Giăng, nhân vật chính, có sức khỏe phi thường, cái lưng có thể đỡ được cỗ xe bò vài tấn, nên có biệt danh là Giăng Kích – Khỏe như một cái kích để kích ô tô vậy).
            Trình Vạn Thiện có nghệ danh là Vạng – Giật – Lôi, không biết chúng nó xây dựng tên húy của ông này từ đâu, chắc cũng từ một tác phẩm Văn học nào chăng, như Hứa Bá Thiện chẳng hạn, có nghệ danh là Hứa Gậy Gộc, là tên thằng cha trùm thổ phỉ trong tác phẩm “Rừng thẳm tuyết dày” của Trung Quốc đó sao.
Nói là nghệ danh được không nhỉ? Trong mắt Tâm, anh em mình đều là những nghệ sỹ thực thụ, ngoài nhiệm vụ của người chiến sỹ thì không nói làm chi. Này nhé : Nghệ sỹ họa, nghệ sỹ kịch, nghệ sỹ gọt máy bay, nghệ sỹ trong thể thao, trong hát hợp xướng, nghệ sỹ trong hát đồng dao (Nhớ tới năm xưa, non nước Âu Lạc Thái bình…), nhiều lắm.
            Nên bảo thằng A, thằng B, và C, nghệ danh của nó là… thì trúng quá còn gì!
            Thiện cao ráo, nét mặt ưa nhìn, còn một bí mật nữa mà Chí Tâm mới phát hiện ra, ấy là khi được Thiện mời về nhà chơi ngày chủ nhật, đó là… em gái Thiện. Em thì phải kém anh một vài tuổi, dĩ nhiên cũng thua Chí Tâm một vài tuổi. Nhưng! Đã nói từ lâu lắm rồi, từ hồi còn ở trong rừng kia, là trai gái bằng tuổi nhau thì ông con trai “tồ” lắm, còn thiếu nữ họ khôn, đa sầu, cả đa tình nữa…
            Chí Tâm thật là chủ quan và mạnh mồm nói rằng, em của Thiện cũng “y xì chóc”, nàng cũng biểu lộ tình cảm sớm và hơi đa sầu, đa cảm.
            Có người hỏi bằng chứng đâu? A ha! Muốn bằng chứng thì có bằng chứng.
            Ba của Thiện là cán bộ cấp Cục hay Vụ gì đó, có tiêu chuẩn đi ô tô con. Hai đứa quay lại đơn vị thì được đi ké xe của Thủ trưởng bố. Chí Tâm ngồi lên xe và nhìn ra ngoài, xe chưa chạy, em gái Thiện ra để tiễn anh, nhưng… Lại nhưng! Bất ngờ Tâm (thằng này tai thính như tai… chó ấy chứ) nghe thấy tiếng… thở dài của cô nàng. Tại sao lại thở dài, thở dài vì cái gì? Chí Tâm không nhầm đâu.
            Con gái bằng tuổi ấy (14, 15) mà thở dài thườn thượt trước mặt một người con trai thì là bình thường sao? Chỉ một chi tiết nhỏ xíu xìu ấy mà Chí Tâm nó nhớ hoài, nhớ mãi. Không biết đấy có phải bằng chứng không?
            Thôi không rườm rà nữa, giờ đâu phải lúc tán dóc, các cụ hỉ, tên lửa nổ cái đùng lại chạy vãi ra ấy chứ…
            Việt Thắng là người cùng Trung đội với Chí Tâm, nên cũng xuất hiện nhiều ở chương trước. Thắng cao ráo, tướng tá sáng sủa, ham thích xà đơn xà kép, cả bóng đá, bóng bàn, rất thân với Quốc Quân, mà không biết tại sao Quân lại không gả em gái cho Thắng, chắc cũng vì sem sem tuổi nên “tồ”, nên thua người ta quá chứ gì…
            Trần Thắng Lợi cũng thế, cùng Trung đội, là người sở hữu cây vợt mút chính hiệu và cả cái lò xo kéo mạ kền sáng loáng. Trang bị của Lợi thật là lợi hại, nhưng xuống Đại đội, Lợi còn đáng nể hơn, vì bạn có một chiếc đài bán dẫn mang theo.
            Cán bộ cấp Tiểu đoàn chưa chắc đã có, ấy thế mà Lợi vừa nằm ngửa trên công sự vừa ung dung mở đài nghe, thế mới oách chứ.
            Nhìn bề ngoài thì Lợi hiền lành hơn 4 cái anh Trỗi kia. Ấy thế mà 1998, sau 30 năm gặp lại, vui quá là vui, bạn mời Quang Hưng, Xuân Lý, Đức Kháng đi ăn cơm (ở Nha Trang) và khuyên đừng uống bia, uống bia bụng to, xấu; Bạn chỉ mời toàn rượu, tướng tá Lợi rất phương phi.
            Còn cái đứa cuối cùng trong “Ngũ mưu” là cái thằng Lí Chí Tâm. Dung nhan, tầm vóc nó thì ai chả biết, khỏi nói nhiều, chỉ cần nhắc lại là Chí Thành và Phi Hùng sợ ông này không có cơ hội yêu được ai nên tụi nó ưu tiên nhường bé Thảo cho; Xấu dây xấu củ không phải là không có cái lợi, các cụ hỉ? Chẳng may đẹp trai như tụi nó thì chỉ có nước phải
đấu… súng thôi. “Súng” ai… to hơn thì người đó thắng, đấu kiểu đó sẽ không có ai chết, chứ như Đại Thi hào Puskin, chỉ vì cái danh dự Tiểu tư sản mà phải đấu súng thật, chết uổng mạng; Đúng ra là chết vì… Gái.
            Sau cái đêm được cán bộ Trung đoàn hỏi thăm niềm nở, ân cần, 5 anh binh nhì được “quẳng” về các Đại đội.
            Một Tiểu đoàn tên lửa bao gồm các Đại đội bệ, chuyên phục vụ, chăm lo cho các quả đạn, Đại đội Rađa, chuyên phát hiện và bắt mục tiêu trên trời v.v.. và v.v…
            Sư đoàn 361 là Sư đoàn Phòng không có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời Thủ đô, nên các Trung đoàn, Tiểu đoàn đứng chân rải rác ở các vùng ven, vùng ngoại ô – Đó là các Trung đoàn Rađa, Tiểu đoàn kỹ thuật – đạn Tên lửa, chuyên lắp ráp và nạp nhiên liệu cho quả đạn…
            Phải kể đến cả lưới lửa tầm thấp nữa chứ, như các khẩu đại liên 12,7 li, 14,5 li của các lực lượng Tự vệ, Dân quân, Dân phòng, của các cụm Xí nghiệp, của các cơ quan, công sở cùng hàng vạn tay súng trường, tạo nên một lưới hỏa lực đan xen mọi cao độ. Chả thế mà phi công Mỹ rất kinh sợ khi bay vào vùng Châu thổ sông Hồng, đây gần như là vùng “bay chết” của lực lượng Không quân siêu đẳng của Hoa Kỳ, kể cả Át chủ bài chiến lược B52 – Trận thư hùng “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm đã chứng minh sống động, hùng hồn sức mạnh thần thánh của quân và dân Hà Nội nói chung và của lực lượng Phòng không nói riêng.
            Đại đội bệ của Chí Tâm nằm ở ven bờ đê sông Hồng; Các quả đạn đặt trong các ụ đất đắp cao xung quanh để che chắn, ngụy trang, trên ụ có trồng nhiều chuối. Đất tốt nên chuối phát triển xum xuê, xanh um và để tưởng thưởng cho người trồng, nó cũng đơm những buồng chuối nặng trĩu vàng ươm, ngọt lừ.
            Hôm nay Chí Tâm, Việt Thắng được học. Học gì? Học sơ đồ nguyên lí vận hành của bệ đỡ tên lửa; Học lí thuyết về quả đạn, cách tháo lắp đạn khỏi bệ v.v… và v.v… Không học thì không trở thành chiến sỹ giỏi và… mang tiếng lắm.
            - Thuộc bài chưa Thắng? Thắng đang vươn cổ ra ngoài xem mấy cô gái, chính xác là 2, định nói là thiếu nữ nhưng e không thực tế nên cứ nói là “cô gái” đi, nó mang tính đại chúng hơn. Các cụ nghĩ thế nào, chứ thằng Tâm nhiều khi nó cũng tự gây rắc rối cho mình lắm, không biết đó là tính khí hay tính vẽ vời. Hai thiếu nữ hình như sẽ khác với 2 cô gái, phải không nhỉ? Thiếu nữ, có nghĩa là chưa chồng, tinh khôi, trẻ trung hơn.
            Hai cái cô ở ngoài cửa sổ mà Việt Thắng nghển cổ, bỏ học dòm ra thì cũng cưng cứng tuổi rồi, 2 đứa có thể gọi là chị, nên nói là 2 cô gái mới chính xác, còn nói họ là 2 thiếu nữ thì e rằng hơi rộng rãi, dễ dãi…
            Tên lửa là thứ vũ khí cũng phải cơ động và linh hoạt, không thể cứ nằm đâu là nguyên xi, chôn chặt ở đó. Nói chung, về nguyên lý chỗ nào cũng có thể đặt bệ phóng được, suy ra, bà con địa phương cũng dễ dàng thấy nó, hiển nhiên là thấy cả người phục vụ nó – Quả tên lửa ấy.
            Hai cô gái quen đơn vị lâu chưa, nhưng thấy họ tự nhiên lắm; Cười nói vui vẻ, lại còn thử nhảy cao, nhảy xa ở cái hố nhảy có cát của Trung đội.
            - Tâm?
            - Gì thế mày?
- Kìa, có 2 em kìa. Hay tao với mày ra nhảy với người ta cho vui?
            - Thôi ông ơi! Học đi, ngồi đây xem được rồi. Chán quá cái ông này!
            Thắng lấy que chống cửa sổ lên hẳn, bộ đội thấy dân, nhân dân cũng thấy mấy cái bộ đội.
            - Mấy anh ơi! Ra đây thi nhảy xa, nhảy cao với bọn em đi! Thấy 2 anh mặt chưa có râu, cái chất lính cũng chưa đậm đà lắm, biết là Tân binh, họ chủ động mời 2 “con Trâu” ra để tìm cọc buộc? Chả biết có đúng không?


            - Cám ơn 2 em, chịu khó chút, xíu nữa có mấy anh ra đấy, bọn anh còn bận. Tâm lên tiếng, sợ cái “lão” Thắng nhà mình vì ham vui, ham gái mà quên cả việc đang làm thì… không có được.
            Sau này, nghĩa là rất lâu ấy, nghĩ lại, thấy bọn mình hiền quá, ngây thơ, trong trắng quá. Chả biết nói chuyện với gái, chả biết ve vãn, tán tỉnh… Còn bây giờ ấy à… Bây giờ già khọm rồi thì chả nói làm chi, “bây giờ” là cái thời 4, 5 sọi kia, có được 2 cái “cọc buộc” vui vẻ, dễ thương thế kia, 2 con Trâu nước này sẽ khịt khịt mũi từ đằng xa, rồi làm bộ “Nghé ọ!” sà tới ngửi lấy ngửi để, thiếu điều nhổ cả cọc đem về chuồng làm của riêng ấy chứ, hỉ?
            Được một lúc thì anh em trong Trung đội đi công tác đã về; Cánh lính già, lính thâm niên với người dân ở đây quá quen nhau. Con gái Hà Nội vùng ven sông Hồng có nước da màu phù sa đến là mê ly, tuổi choai choai như Tâm như Thắng chắc chưa đủ khả năng cảm nhận, cảm thụ được từng nét đẹp chân chất, bình dị mà mê hồn ấy đâu, phải có thời gian, phải có thực tế, phải học thêm : Học ở bạn, học ở đời, học ở chính… đối tác thì mới hoàn thiện được, phải không các cụ?
            Trung đội bệ của Tâm khoảng 7, 8 người. Nhà cửa bình dị, vách làm bằng cót, mái lợp giấy dầu. Bảy tám cái phản đơn nằm thành 2 dãy. Có một chiếc bàn gỗ, trên là một bộ ấm chén và một “ông” điện thoại ngồi chồm hỗm. Muốn gọi đi đâu thì phải quay tay quay vài vòng. Tên lửa thì hiện đại đấy, nhưng thông tin thì còn “lẹt phẹt” lắm.
            Xung quanh nhà là đất nông nghiệp, đất canh tác, bốn bề lộng gió.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào: