Chuyện về người đàn ông mà tôi sắp kể với các bạn có một số phận “kỳ lạ”, cho tới bây
giờ chỉ còn ít ngày nữa nhận sổ hưu, sáu mươi năm của đời người vèo qua nhưng anh
cũng không hiểu nổi vì sao cuộc đời anh lại may mắn như thế, khi lứa tuổi anh
cùng quê sau, trước đều bỏ xác lại chiến trường.
Anh sinh 1948, là con trai độc nhất trong
gia đình có bốn chị em. Ông nội anh chỉ sinh được bố anh sau hai bà bác. Cụ đẻ
ra ông anh cũng vậy… Tóm lại bốn đời nhà anh mỗi đời duy nhất sinh được một
người con trai. Cho tới thế hệ anh, anh là hy vọng duy nhất của dòng họ, nhận
trách nhiệm trông nom thờ phụng tổ tiên và nối dõi tông đường.
Năm 1965, học hết lớp 10, (thời đó ở làng học
hết phổ thông là gớm ghê lắm), cả tổng cả huyện số học sinh như anh đếm trên đầu
ngón tay. Anh học giỏi và nghiễm nhiên con đường học vấn rộng mở trước mắt. Lý
lịch nhà anh chả “trong” như nước giếng làng nhưng cũng không đến nỗi đục như
nước sông mùa lũ. Họ nhà anh không có ai thoát ly làm cán bộ (kể từ cái anh cán
bộ xã trở lên) nhưng cũng chả có ai dính dáng “giúp Tây đánh ta”, chỉ thuần khiết là anh nông dân “chân đất mắt
toét” lương thiện nhưng có truyền thống coi trọng sự học và có tư chất.
Chiến tranh báo hiệu những tháng ngày cam go
ác liệt khi Mỹ ào ạt đổ quân vào cửa biển Đà Nẵng. Giữa năm 1965 trai tráng
trong làng lục tục nhập ngũ. Anh được hoãn đợt đầu tiên trong xã vì là con
“độc”. Thế là anh vào đại học. Cắt nhân khẩu khỏi địa phương và từ đó anh là "người nhà nước”, không còn dính líu gì tới danh sách nghĩa vụ quân sự của xã, của huyện. Anh học sư phạm, nghề giáo - nghề cao quý, là niềm kính trọng, là mơ
ước của xã hội, của dòng họ và của chính anh.
Anh học hết năm thứ nhất, hết hè vào năm thứ
hai được nửa học kỳ thì chiến tranh không còn là sự phỏng đoán âu lo của người
dân Việt nữa, nó đã ở đâu đó rất gần. Mỹ ném bom ác liệt ra toàn miền Bắc, chiến
tranh lan rộng cả nước với quy mô lớn hơn, ác liệt hơn. Lính mỹ hiện diện nhiều
hơn trên chiến trường.
Lúc
này bộ phận tuyển quân của Bộ Quốc phòng đã bắt đầu nhòm ngó tới đám sinh viên
các trường đại học. Đợt đầu tiên tuyển quân ở trường anh, người ta chỉ giới hạn
tuyển chọn sinh viên đang học năm thứ nhất (trong khi đó anh lại học năm thứ hai!).
Năm thứ
ba đại học bắt đầu được mấy tháng, trường lại có đợt tuyển quân mới và
lần này quy mô tuyển quân rộng hơn, phạm vi tuyển quân từ năm thứ nhất đến năm
thứ hai, thế là mọi sự chuẩn bị trở thành người lính của anh đành lỗi hẹn.
Anh học năm thứ tư. Ngay sau khi nghỉ
tết, nhà trường rục rịch chuẩn bị nhân sự cho đợt tuyển quân mới. Năm nay, chỉ tiêu số quân nhập ngũ của Bộ giao cho trường nhiều hơn do tính chất thúc
bách và ác liệt của chiến trường. Nhà trường phải huy động toàn bộ sinh viên
của cả ba năm, từ năm thứ nhất đến năm thứ ba. Thế là anh lại “trượt” vì anh đang
học năm cuối.
Đời lính cứ thế bám đuổi theo anh suốt thời
sinh viên mà chẳng bén duyên.
Ra trường năm 1969, anh được Bộ phân công về
Ty Giáo dục Hà Tĩnh. Sau cả tháng trời đi bộ, nhờ xe, tránh bom,
tránh đạn anh có mặt tại Ty Giáo dục đúng thời gian ghi trên tờ giấy
điều động. Ty phân công anh về Trường cấp ba Cẩm Xuyên đứng lớp.
Là sinh viên mới ra trường với bao háo hức, anh
lao vào công việc hăng say, nhiệt tình như chàng võ sỹ quyền anh sau khi nghe
tiếng chuông nhập trận. Mảnh đất nghèo khó đầy bom đạn nhưng lòng hiếu học và
sự tôn kính thầy cô ở cái giải đất miền Trung nắng gió này đã cho anh thêm tình
yêu nghề, níu giữ anh qua những năm tháng khó khăn.
Thế rồi tình yêu đôi lứa đến với anh trong
ác liệt của đạn bom. Cô gái có mái tóc dài và giọng nói như chim - học sinh cũ
của anh, cảm rồi yêu người thầy dạy văn trẻ trung sôi nổi. Nhưng tình cảm đầu
đời của hai người không kéo dài, cô gái đã chết trong một trận bom Mỹ đánh đoàn
xe chở hàng vào chiến trường nằm ở làng cô chờ tối để tiếp tục hành quân. Một
quả bom lạc… Và thế là anh vĩnh viễn mất người con gái ấy.
Năm 1971, trong danh sách tuyển quân của
huyện Cẩm Xuyên, Phòng Giáo dục huyện
được phân năm suất, trong đó có tên anh. Qua bốn năm vòng khám cầm tờ giấy sức
khỏe với chỉ số cân nặng 59 kg, chiều cao 1m70, “tim, gan, phèo, phổi” tốt,
anh tự tin bước vào phòng kết luận cuối cùng.
Trong phòng kết luận chỉ có anh và người bác
sỹ đã lớn tuổi. Không nhìn tờ giấy anh đưa, với giọng khu Bốn nằng nặng, vị bác
sỹ hỏi:
- Anh quê đâu?
- Tôi người miền
ngoài.
- Anh làm nghề gì?
- Tôi là giáo viên?
- Giáo viên cấp ba à! - Người bác sỹ già ngạc nhiên, nhướng mục kỉnh nhìn
anh.
Sau
một hồi im lặng kéo dài, đôi mắt vị bác sỹ hướng qua ô cửa nhìn về một nơi nào
đó như xa lắm rồi chập rãi quay lại:
- Anh vào dạy trong
này lâu chưa?
- Ngay sau khi tôi
ra trường.
... Người
bác sỹ già nhìn chàng thanh niên trí thức trẻ ngồi trước mặt lòng đầy ái ngại.
đặt bút xuống bàn lúc này ông mới đọc tờ trích ngang và phiếu kiểm tra sức khỏe
của anh, rồi ông ngẩng lên:
- Ác liệt đấy! Phía trước không đơn giản như chúng ta ngồi đây đâu, đã sẵn
sàng chưa? - Vừa nói ông vừa nhìn như đoán
định từng ý nghĩ trong đầu anh.
- Tôi đã chờ đợi
ngày này từ nhiều năm nay.
Cảm
kích thái độ của anh trước thời cuộc, cảm kích tấm lòng của người giáo viên trẻ
đã từ bỏ quê hương yên bình của mình vào tận quê ông xa xôi, nơi ác liệt của đạn
bom chiến tranh, nơi nghèo đói khắc nghiệt để đem con chữ cho lũ trẻ quê ông và
nhiều điều khác nữa nó cứ trăn trở trong lòng ông. Ông đồng cảm với anh chăng? hay ông thương
anh - “miếng mồi béo bở” của chiến tranh đang rình rập chờ anh nơi cánh rừng nào
đó phía xa kia… những dự cảm về con người, về thời cuộc cứ trộn rộn trong lòng
mà ông không sao lý giải nổi, ông thấy mến anh với cả tấm lòng kính trọng
Ngắm nhìn anh lần cuối, hình như có điều gì
đó dằn vặt trước một quyết định rất khó khăn, ông bỗng nhớ tới lời thề Hippocrates
thuở nào, khi giơ tay thề trước khi nhận tấm bằng bác sỹ. Rồi rất nhanh, khác với
vẻ chậm rãi cố hữu, chỉ sợ thời gian làm cho ông thay đổi quyết định bột phát
xuất hiện trong trái tim mình: “Người thanh niên này phải sống!”. Chiến tranh như là của ai đó chứ không phải
dành cho anh - người mà ông phải đại diện cho thế hệ học sinh trên mảnh đất Hà
Tĩnh quê ông hàm ơn.
- Tôi cảm giác anh không được khỏe, có thể
anh gặp một vài trục trặc nào đó trong cơ thể mà họ chưa phát hiện ra chăng?
Tôi sẽ khám lại cho anh.
Giọng người bác sỹ quả quyết nhìn thẳng vào
đôi mắt như ngỡ ngàng của anh. Sau
khi khám lại “thật kỹ” vị bác sỹ già cặm cụi ghi chép vào phần kết luận của tờ
phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự rồi đưa cho anh đôi mắt ông quay đi hướng khác.
- Xong rồi, anh có
thể về. Chúc anh may mắn!
Vị bác sỹ đứng dậy tiễn anh ra cửa, sau cái
bắt tay thật chặt.
Thế
là lại hỏng ăn, anh bị gạt ra khỏi danh sách trúng tuyển nghĩa vụ một lần nữa.
Ai dám tuyển anh khi trong phần kết luận của bác sỹ người có tiếng nói quyết
định trong hội đông tuyển quân “Tim có vấn đề chưa rõ căn nguyên”.
Năm 1972, anh tình nguyện nhập ngũ sau từng
ấy năm, lần này được toại nguyện. Sau huấn luyện, anh theo đơn vị vào Tây Nguyên.
Đánh nhau bao nhiêu trận suýt
chết. Khi tấn công đánh chiếm Buôn Ma Thuột đầu năm 1975, lưỡi hái tử thần một lần
nữa “chê” anh. Chiếc mũ cối bay đi giập
nát, còn cái đầu đầy chữ và thơ phú của anh thì vẫn còn nguyên, chỉ mất mảng tóc
quăn bồng bềnh trước trán.
Từ
đó cho tới khi kết thúc chiến tranh anh chẳng hề hấn gì, không một vết xước,
chiến tranh không sờ tới anh. Giải phóng Sài Gòn sau thời gian quân quản, anh viết đơn giải
ngũ, xin trở về quê với nghề dạy học. Tổ chức giải quyết theo nguyện vọng của anh.
Anh về quê với nghề "Gõ đầu trẻ" một phần cũng là vì lời hứa và trách nhiệm của
anh với người cha, với cả dòng họ, thờ phụng trông nom bàn thờ Tổ tiên.
Chuyện của anh chỉ có vậy thôi, nhưng với
thế hệ của anh, anh thực sự là người may mắn - tất cả những ai đã từng kinh qua
thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh đều bảo thế. Câu chuyện này tôi được
nghe anh kể trong một bữa rượu với vài người bạn lính trong đợt đưa vợ con ra
Bắc hè vừa rồi.
T/p Hồ Chí Minh hè năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét