Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Vụ thảm sát Katyn – đâu là nguyên nhân? - Ngọc Phương (NuocNga.net)




Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.
Joseph (Józef) Klemens Pilsudski 
(5 tháng Chạp năm 1867 – 12 tháng Năm năm 1935)

Bài viết này không có tham vọng viết về vụ thảm sát Katyn, vì khả năng tìm kiếm tài liệu về nó là khó khăn. Nhưng người viết hy vọng sẽ cung cấp được cho các thành viên một số thông tin về mặt lịch sử để có thể tự rút ra được kết luận về một sự kiện – cũng có thể được coi là bi thảm đó.

Trên thực tế, khó có thể viết được về vấn đề này mà không dông dài một chút về những vấn đề trong lịch sử quan hệ quốc tế, nhất là trong thời gian giữa hai cuộc Đại chiến thế giới. Đó là một thời kỳ có thể nói là phức tạp nhất trong quan hệ quốc tế. Mọi mối quan hệ được hình thành trong giai đoạn này đều nhằm đến không chỉ một cái đích, mà là nhiều mục tiêu, do đó nhiều khi có thể được giải thích và đánh giá bằng những cái nhìn khác nhau, và cũng phụ thuộc nhiều vào cả các nhà chép sử nữa. 


Cần phải nhìn nhận thời gian này trong lịch sử châu Âu nói riêng và lịch sử thế giới nói chung, là thời kỳ ngoài những nghi kỵ, những âm mưu quân phiệt hóa nhằm giành lại đất đai, còn là những cố gắng để có được một nền an ninh tập thể, được đánh dầu bằng sự thành lập của Hội quốc liên (thành lập ngày 10 tháng Giêng năm 1920), tổ chức có thể nói là tiền thân của Liên Hiệp quốc ngày nay.

1 - Nước Balan sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Những mối quan hệ và những cuộc xung đột với nước Nga Xô-viết.

Chúng ta quay lại với nước Nga thời kỳ sau cuộc Cách mạng tháng Mười. Nước Nga bước ra được khỏi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất với đầy thương tích, chấm dứt chiến tranh với Đức bằng Hiệp ước Brext – Litôpxcơ, mà những thiệt thòi được giành cho Nga là chủ yếu. Thời kỳ này được xem như là thời kỳ nổi bật của chính sách can thiệp của các nước phương Tây, chủ yếu là nước Anh, vào nội bộ các nước khác trong đó có nước Nga. Xung quanh nước Nga còn rất nhiều thù trong giặc ngoài, như những bọn bạch vệ hoạt động không chỉ như những toán phỉ mà còn là những đội quân lớn, có tổ chức nhưCôntsắcĐênikin – Vrăngghen… và cả những mối quan hệ quốc tế mà đế chế Nga Sa hoàng để lại.

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc với hiệp ước Véc-xay, trong đó có đề cập đến vấn đề quan trọng là tái thành lập nước Balan, mà nóng bỏng nhất là vấn đề những đường biên giới của nước Balan mới. Nước Balan, trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất cũng là một trong những chiến trường chính và bị chiến tranh tàn phá. Sau Cách mạng tháng Mười, nước Nga Xô-viết đã tuyên bố từ bỏ quyền của Đế chế Nga đối với Balan và công nhận nền độc lập của nước Balan ngày 29 tháng Tám năm 1918, tức là chưa đầy một năm sau Cách mạng.

Một vị tướng người Balan, Joseph (Józef) Pilsudski (5 tháng Chạp năm 1867 – 12 tháng Năm năm 1935) đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Balan vào ngày 22 tháng Mười một năm 1918. Trước đó, đến trước tháng Bảy năm 1917 ông ta đã chỉ huy “Quân đoàn Balan” chống lại người Nga. Trên đất nước Balan còn tồn tại “Ủy ban quốc gia Balan”, được các nước đồng minh Anh – Pháp – Mỹ đỡ đầu, Ủy ban này bất hòa với tướng Pilsudski. Nhân tiện cần phải nói thêm, lúc này “dưới trướng” của ông ta có một nhân vật, sau này sẽ góp phần quan trọng vào câu chuyện của chúng ta: Đại tá Józef Beck, chánh văn phòng nội các của Pilsudski.

Cuối năm 1918, đầu năm 1919, nước Balan phải chiến đấu chống lại người Đức, cho đến khi nước Đứcthua hẳn, buộc phải ngừng chiến trước sức ép của các nước đồng minh vào ngày 16 tháng Hai năm 1918. Tuy nhiên, nước Balan non trẻ không định dừng lại ở đó. Ở phía đông, họ đánh nhau với Ucrainavà chiếm được thành phố Lvov. Cuộc chiến đấu này của họ khá thắng lợi. Liên minh các nước đồng minh thành lập một Ủy ban do một ông tướng người Nam Phi làm chủ tịch, ông Botha, đã không thuyết phục được người Balan ngừng chiến. Kết quả, người Balan còn chiếm thêm được toàn bộ vùng đông Galicie.

Ngày 27 tháng Năm năm 1919, Hội nghị Paris của các nước Đồng minh đã ra tuyên bố sẽ cắt đường tiếp tế cho Balan nếu tiếp tục phiêu lưu quân sự.

Ở phía bắc, không hiểu vì những lý do gì mà người Balan vẫn tiếp tục đánh nhau với người Nga, và tháng Năm năm 1919, họ chiếm được đường biên giới kéo dài đến tận thủ đô Minxcơ của xứ Bạch Nga. Ngày 22 tháng Chạp năm 1919, người Bôn-sê-vích đề nghị ngừng chiến, công nhận nền độc lập hoàn toàn của Balan và cam kết không vượt qua biên giới mà họ đã vạch ra trước đây. Cũng trong tháng này, các nước đồng minh thỏa thuận với Balan về lãnh thổ của nước này: đường biên giới sẽ đi qua Grốdnô, Vôlốpca, Nêmurốp, Brext – Litôpxcơ và phía đông Przemysl. Đường biên giới này được gọi là “Đường biên giới Curzon”, theo tên của ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ.

Người Balan đồng thời không chấp nhận cả hai đề nghị của hai phía. Hầu hết những người Balan đều muốn có được đường biên giới năm 1772 nghĩa là chiếm toàn bộ nước Ucraina. Ngày 25 tháng Tư năm 1920, họ lại tấn công vào quân Nga Xô-viết. Họ thu được những thắng lợi bước đầu, ngày 6 tháng Năm họ chiếm thủ đô Kiép của Ucraina. Nhưng họ bị Hồng quân Xô-viết dưới sự chỉ huy của hai Nguyên soáiTukhachépxki và Buđionnưi nhanh chóng đẩy lùi. Tháng Bảy, Hồng quân chiếm lại được Minxcơ, Vilna, Grốdnô, Brext – Litôpxcơ. Hồng quân còn cắt đứt đường sắt Vác-sa-va – Đăng-dích, trong khi nước Đứcvà Áo từ chối không cho vũ khí đạn dược đi qua nước mình. Balan, do chính sách hiếu chiến của mình, lâm nguy.

Đối với nước Anh, thì Balan đã thất bại, và người Anh chơi một con bài hai mặt. Một mặt, họ đề nghịHồng quân ngừng bắn, dừng lại cách Vác-sa-va 50 ki-lô-mét. Mặt khác, họ yêu cầu Balan chấp nhận cái gọi là “Đường biên giới Curzon”. Nhưng cả Nga lẫn Balan đều bác bỏ vai trò trung gian của ngườiAnh. Tuy nhiên, nếu bây giờ đánh giá lại thì người Nga đã bỏ qua một cơ hội hiếm có, vì nếu nắm được chính sách này của Anh và thi hành thắng lợi thì đó chính là những tiền đề để thành lập nước Balan cộng sản ngay từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất!

Tuy nhiên sau đó người Balan đã có được một thắng lợi ngoạn mục chưa từng có, nhưng với sự giúp đỡ của Pháp. Tổng thống Pháp lúc bầy giờ - ông Alexandre Millerand (sinh tại Paris 10 tháng Hai năm 1859 và chết tại Versailles ngày 6 tháng Tư năm 1943) - cử sang Balan tướng Weygand, cùng với sự giúp đỡ nhiều vũ khí, đạn dược. Người Balan phản công và đẩy lùi được Hồng quân 400 ki-lô-mét về phía đông. Các cuộc hòa đàm đang được đặt ra bị cắt đứt, không còn vấn đề “Đường biên giới Curzon”. Ngày 25 tháng Chín năm 1920, Ủy ban hành pháp trung ương Xô-viết toàn Nga đã từ bỏ các điều kiện đặt ra cho Balan trước đây và, từ tháng Tám họ đã bắt đầu những cuộc thương lượng mới với người Balan. Ngày 12 tháng Mười năm 1920, các hiệp định hòa bình sơ bộ đã được ký, đường biên giới phía đông của Balan nằm cách “Đường biên giới Curzon” 150 ki-lô-mét về phía đông, nghĩa là bao gồm cả những vùng đất của người Ucraina và Bêlôruxia. Các hiệp ước sơ bộ này trở thành Hiệp ước hòa bình vĩnh viễn Riga ngày 12 tháng Ba năm 1921. Đồng thời người Balan còn thu được một thắng lợi nữa, là đạt được một liên minh chiến lược với nước Pháp bằng hiệp ước ký tháng Giêng năm 1921. Về phía Pháp, là có được một liên minh chống Đức, và có lẽ, cả nước Nga Xô-viết nữa.

Kết luận: như vậy, sau Thế chiến thứ nhất, nước Balan đã giành được độc lập, cái đó xuất phát từ sự suy yếu của nước Nga, và người kế thừa là những người Bôn-sê-vích thì không đủ mạnh để thi hành chính sách quốc tế sô-vanh, tự từ bỏ quyền đế chế đối với nước các nước thuộc địa Sa hoàng cũ. Thứ hai, đó cũng chính do họ còn yếu, thời kỳ năm 1920 là thời kỳ Hồng quân phải thanh toán ĐênikinCôntsắc… do đó việc Balan có được sự ủng hộ quân sự của Pháp đã thu được thắng lợi. Thời kỳ này chấm dứt bằng việc Balan chiếm được đất của người Bạch Nga và Tiểu Nga (Bêlôruxia và Ucraina).

Không có nhận xét nào: