Thứ Ba, 17 tháng 3, 2015

Howard Gardner và Thuyết trí Thông minh Đa dạng (Trọng Bảo)

Phải chăng một cô bé không thể giải một bài toán thầy giáo đưa ra là một cô bé kém thông minh? Một cầu thủ bóng đá với những pha xử lí tình huống nhanh nhạy, linh hoạt- khi còn đi học đã  từng có kết quả tổng kết môn Văn, Toán, Anh thấp lẹt đẹt- có phải là người không thông minh?  Liệu sự thông minh của một người có phải chỉ được đo bằng chỉ số IQ mà thôi ? Tại sao thuật ngữ “thông minh” chỉ được giới hạn trong một khuôn khổ nhỏ của rất nhiều nỗ lực của con người? Từ những câu hỏi này mà lý thuyết đa trí tuệ được hình thành. 


Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences ).


Theo Gardner, trí thông minh (intelligence) được ông quan niệm như sau “là khả năng giải quyết các vấn đề hoặc tạo ra các sản phẩm mà các giải pháp hay sản phẩm này có giá trị trong một hay nhiều môi trường văn hóa” (the ability to solve problems, or to create products, that are valued within one or more cultural settings) và trí thông minh cũng không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ.
Lý thuyết của Gardner đã chỉ ra rằng mỗi người trong chúng ta đều tồn tại một vài kiểu thông minh:
1. Trí thông minh logic toán học/logic (mathematical/logical);: Đây là loại trí thông minh liên quan tới con số (toán học) và mối quan hệ logic giữa các sự vật. Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực liên quan tới con số (toán, vật lý, hóa học, ngân hàng, tài chính…)
2. Trí thông minh ngôn ngữ/lời nói (verbal/linguistic): Đây là loại trí thông minh liên quan tới năng lực sử dụng ngôn ngữ. Những người có trí thông minh này thường là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội…
3. Trí thông minh về thị giác/không gian (visual/spatial);: Những người có trí thông minh này thường làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, địa chất, vật lý thiên văn…
4. Trí thông minh về vận động (bodily/kinesthetic)  Đây là loại trí thông minh liên quan tới vận động của thân thể thường có ở những vận động viên thể thao, nghệ sĩ múa…
5. Trí thông minh về âm nhạc/giai điệu (musical/rhythmic):  Lọai trí thông minh này thể hiện ở khả năng nghe nhạc, ghi nhớ nhanh giai điệu, sáng tạo ra các bản nhạc…
6. Trí thông minh hướng nội (intrapersonal).Thể hiện ở khả năng khám phá chiều sâu của bản thân…
7. Trí thông minh hướng ngoại (interpersonal); Những người có năng lực quan hệ với mọi người, nắm bắt được suy nghĩ của người khác, giỏi hợp tác, tập hợp mọi người, lãnh đạo...
8. Trí thông minh hướng về thiên nhiên (naturalist)
Bên cạnh đó, Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác. Trường học đã bỏ rơi các em có thiên hướng học tập thông qua âm nhạc, vận động, thị giác, giao tiếp…đồng thời chèo lái tất cả mọi học sinh đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá và phán xét. Nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn nếu chúng được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng.

1 nhận xét:

Quang Vinh nói...

Cái này dân ta gọi là năng khiếu. Có điều ở nước ta nhiều người quá quan tâm đến bằng cấp mà không ngó đến thực tài nên cha mẹ thường bỏ qua năng khiếu của con mình. Người ta thường tìm trường nào dễ đỗ, dễ kiếm việc, lương cao chứ không mấy ai tìm ngành nào phù hợp với tư chất của các em. Và phần lớn năng khiếu chỉ còn thể hiện qua tài lẻ.