Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Một thời ấu trĩ (8.3) - Đỗ Thành Hưng

      Nhiêm vụ của tôi là chỉ huy lực lượng bảo đảm kỹ thuật cho trung đoàn tăng thiết giáp 201-B hành quân vào B2, thời gian hành quân được toàn quyền tự quyết theo thực tế sửa chữa trên đường. Đã sang tháng năm, mùa mưa sắp vào cao điểm mà chúng tôi mới ở binh trạm 36. Rồi cũng vào một buổi gần trưa thấy đoàn xe tải năm sáu chiếc ù ù vào binh trạm, nhìn kỹ hiệu xe, tôi dụi mắt, “Trường Sơn”! Xe “Trường Sơn” thật hay sao? Ôi! Đồ án tốt nhiệp của tôi có phần “giúp đỡ” của xe Trường Sơn này, nó đây ư? (Tự sự ở bài: Tôi làm đồ án tốt nghiệp)


      Nhìn ngắm chiếc xe “Trường Sơn”, một cảm xúc không diễn đạt được rõ ràng trào dâng trong tôi, kỷ niêm cũ một thời đi học, thầy, bạn, trường, lớp, đồ án tốt nghiệp ùa về, tôi còn đang đắm chìm trong hồi ức lôn xộn thì nghe gọi:                                               
    -    Hưng! Hưng! Hưng… phải không?
Giật mình nhìn phía có tiếng gọi, tôi sửng sốt, vừa chạy lại vừa la to:
   -     Thầy! Thầy! Em chào…thầy! Em chào…thầy!
Thầy trò ôm chặt lấy nhau giữa sự ngỡ ngàng của toán lính thợ xe tăng khi thấy thủ trưởng của mình gập được thầy giáo cũng là lính, cùng trên đường hành quân ra trận. 
    
    Tôi quấn quýt bên thầy Bùi Thức Hưng, hỏi thăm mọi chuyện sau hơn năm trời không biết tin các thầy, anh em cùng lớp ngoài anh Hồ Tiến. Thầy đã chuyển về cục quản lý xe, thầy biết nhiều địa chỉ của anh em cùng khóa, cùng lớp với tôi, thầy hỏi:
    -   Trên đường đi cậu có ghé thăm Công Sơn ở binh trạm 9 không?
    -   Em đâu có biết Công Sơn ở đó, lúc chưa đi B em có tới nhà Sơn vài lần nhưng cả  
        nhà đi sơ tán, chả gập được ai. Vậy là chả còn biết tới bao giờ mới gập lại Công Sơn 
Chắc thấy nét thoáng buồn của tôi thầy bảo:
    -   Thôi, vào binh trạm 37 mình ghé thăm Kháng Chiến, sau này có gập Công Sơn  
         mình chuyển lời cho. Vào tới Lộc Ninh ta đi thăm Tùng Sơn Hưng nhá!
Nghe vậy tôi bớt buồn và nói như reo lên:
    -    Kháng Chiến ở binh trạm 37 ạ? Tùng Sơn ở B2 ạ? Ôi!... Toàn cùng tiểu đội với em.        
         Anh Trần Phượng cũng đang ở B2, em vừa gập trên đường đi hồi cuối tháng một.
        Quá tuyệt! Thầy ơi!
    Hai ngày sau tôi tới binh trạm 37, thầy đang cho đoàn xe nghỉ để bảo dưỡng và chờ tôi. Đúng hẹn thầy trò lên chiếc xe vừa bảo dưỡng xong đi thăm Kháng Chiến kết hợp chạy thử kiểm tra xe. Anh Sinh lái, anh Sinh chắc thân với thầy vì thấy hai người hay đi với nhau, ngồi cùng một xe. Tôi chưa kịp tìm hiểu về anh, anh có dáng người to, cao, da trắng, khá mập so với thầy và tôi. Xe chạy chừng 30 phút thì tới trạm sửa chữa của binh trạm.        
       Xe vừa dừng, tôi và thầy nhẩy xuống, trong nhà có người ló ra hiên nhìn, vì chủ động nên thầy và tôi nhận ra ngay cu cậu. Chiến không được báo trước nên phải nheo mắt mươi giây, sững lại ngạc nhiên rồi toét cái miệng rộng ngoác ra cười, hàm răng trắng  nhởn nổi bật giữa cặp môi thâm xì, với đôi mắt trố ra hét lên:
   -    Thầy! Em chào… thầy! Ối giời ơi! Cả Thành Hưng nữa! Vào đi… vào nhà đi…!
Anh ta lính quýnh kéo ghế, gọi nhờ anh em đun nước pha trà, tất tả kiếm  ấm, chén(ly), bát, cứ như có “tư lệnh” tới thăm!  
      Nhìn hình dạng Chiến mặt mũi vêu vao, nước da xanh mướt, đôi gò má vốn đã cao nay không thể cao hơn được nữa! Cái miệng “sang” vốn đã rộng nay càng rộng ngoác ra! Có bao nhiêu cái răng như muốn khoe hết ra ngoài. Đôi mắt bồ câu nay thành đôi mắt tắc kè lồ lộ! Chỉ còn cái vóc như xưa. Tôi thấy xót xa mà lòng se lại. Mới năm rưỡi trời, cái sốt rét rừng Trường Sơn đã lấy đi gần hết những gì tráng kiện của chàng sỹ quan trẻ, lực lưỡng, trắng trẻo, đẹp trai bậc nhất tiểu đội một thời. Tôi phải giả bộ ra ngoài ngắm cảnh để cảm xúc lắng lại rồi mới vào trò chuyện với anh. Thầy trò chúng tôi thông báo tình hình bạn bè, anh em cùng lớp, cùng khóa mà chúng tôi biết cho nhau. Trưa đó Chiến đãi thầy trò tôi món kỳ đà hấp, chấm ma ri. Tôi tranh thủ hỏi tình hình bác sỹ Khanh, chị vừa ra trường, anh chị vẫn ngóng đợi tin nhau. Còn tôi chỉ có một tin vui duy nhất báo cho anh: Em đã đứng trong đội ngũ “tiên phong”.   
       Chia tay nhau trong bịn rịn và lưu luyến, tôi ôm lấy Chiến cố sờ, xoa khắp lưng để cảm nhận hai cái xương bả vai, xương sườn, xương sống của anh lồ lộ trong hai bàn tay còn chút mềm mại học trò của mình…để rồi hẹn ngày gập lại.
       (Sau này Kháng Chiến có kể cho tôi: Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ xây dựng đường ống xăng dầu, anh được thưởng về phép vào đầu tháng 4-1975. Mới về được hai ngày, đi đứng có khi còn liêu xiêu chưa vững vì sốt rét thì hai gia đình tổ chức thành hôn cho anh, với lập luận quá thuyết phục: Để thiếu úy Bác sỹ Nguyễn Thị Khanh có điều kiện chăm sóc anh đúng quy trình! Đúng sách vở! Sau gần mười năm thề non hẹn ước, vời vợi đợi chờ. Hiện anh chị đang sống hạnh phúc bên con cháu)  
       Ngày hôm sau thầy Bùi Thức Hưng dẫn đoàn xe đi tiếp, chúng tôi còn ở lại sửa chữa tiếp mấy chiếc xe bọc thép có hư hỏng nhẹ. Thầy hẹn tôi gập lại ở phòng xe cục hậu cần miền.

      Đầu tháng 6-1973, vào tới nơi tập kết, sắp xếp công việc ở đơn vị xong, tôi đến tìm thầy,  rồi hai thầy trò hai xe đạp tìm tới Tùng Sơn. Thầy đã định sẵn trạm sửa chữa xe của đoàn pháo 75 Biên Hòa trên bản đồ, thầy trò nhắm hướng  Lộc Tấn – Cầu Trắng đạp xe tới.    
       Ai đã đi xe đạp vào mùa mưa ở vùng đất đỏ miền đông thời kỳ đó mới thấu hiểu nỗi gian truân, vất vả của thầy trò tôi. Chỉ có tình đồng đội, nghĩa thầy trò, khao khát tìm nhau giữa chiến trường bom đạn, mới giúp chúng tôi vượt qua được hơn ba chục cây số đường rừng đất đỏ lầy lội để tìm nhau. Không có điều kiện hẹn trước, nhưng may mắn đã cho thầy trò, bè bạn chúng tôi tay bắt mặt mừng, dù mới xa nhau hơn năm mà cứ như cả chục năm xa cách. Phần mệt mỏi vì đường đi lầy lội, thời gian ở lại với nhau không nhiều bởi còn phải quay về. Thầy chuẩn bị ra Bắc khi hướng dẫn xử dụng xe Trường Sơn xong cho đơn vị, chưa biết bao giờ gập lại, nên tôi dành thời gian cho hai thầy trò nói chuyện. Sơn chuẩn bị lá thư gửi ra cho mẹ. Tôi hẹn Sơn tới làng 9 (Lộc Tấn) tìm tôi khi có điều kiện, hai thằng còn tâm sự nhiều, sẽ sòng phẳng mối “ân oán cựu thù” của bốn năm về trước. Cơm trưa xong, thầy trò tôi ra về, đi một quãng xa quay lại vẫn thấy cu cậu đứng tần ngần dưới bui cây le, hình như hắn lấy tay quyệt mắt… Tối mịt thầy trò tôi mới về tới Lộc Ninh. Vài ngày sau thầy cùng đoàn ra Bắc. Sau 1975 tôi về quê Thường Tín nghỉ phép, u tôi nói năm 1973 có anh bộ đội đạp xe từ Hà Nội về thăm, nói cũng tên Hưng, nhận là thầy giáo của con, mang thư của con ở miền nam ra cho u . Vâng! Tôi biết đó là thầy:    BÙI  THỨC  HƯNG   kính mến của chúng tôi .
    
       Hơn tháng sau, Tùng Sơn đến thăm tôi vào lúc gần trưa, buổi chiều hai thằng dắt nhau ra trảng cỏ gần nhà nằm dài tâm sự, thôi thì đủ kỷ niệm của thời cùng học, bạn bè, thầy cô, chị nuôi…em nọ, em kia…, đồ án toàn số ma! Số cuội! Cuối cùng thì ra cả hai thằng chẳng có em nào đưa tiễn lúc ra đi. Chả có “chiếc khăn tay” nào để mà thương, mà nhớ giữa chiến trường bom đạn chưa biết ngày về. Thôi! Lính mình tự thương, tự nhớ nhau vậy! Chúng tôi cùng chiêm nghiệm lại quãng thời gian còn đi học. Tôi hỏi:                                                                                              
-         Anh có công nhận mấy năm đầu cán bộ đại đội trở xuống mắc sai lầm trong đánh giá anh em không? Vì quá lo lắng ở trọng trách mới, công việc mới nên có cái nhìn vừa định kiến, vừa khắt khe, đặc biệt là với bọn lính trẻ chúng mình?
-         Đúng quá rồi, cán bộ đã xác định sai đối tượng, bọn lính trẻ ở cái tuổi tý táu tý mẻ chỉ được cái to mồm! Vì chuyên yêu đương là chuyện lạ, đang hấp dẫn tuổi mới lớn, chứ anh em chưa đủ bản lĩnh “làm liều” thì lại quản chặt. Đội ngũ tin cậy nhất lại là vi phạm mới chết chứ. Ba năm đầu đại đội có bẩy tám vụ tầy trời thì chỉ toàn ở đội ngũ đáng tin cẩn nhất.
-         Các anh ấy đã không hiểu mục tiêu của bọn binh nhất, binh nhì chúng tôi là các em đang cuối cấp ba hay sinh viên các trường đại học, em của mấy thằng bạn như Hồ Trí Thức, Công Sơn… Cơ! Như vậy bọn “Trỗi” khóa một ở 213 quá ngoan, không ai vi phạm kỷ luật,  toàn bị nghi oan! Trong sai lầm đó có đóng góp của đôi mắt “Lừ lừ như ông từ vào đền” của anh, đúng không?
Tùng Sơn cười hềnh hệch
-         Tớ cũng thích bỏ bà! Nhưng là tiểu đội trưởng, cấp ủy nên phải ra oai, gương mẫu. Đâu dám sống thật với mình. Đúng là một thời âu trĩ!
Anh hỏi tiếp:
      -     À này! Cái xe đạp mới trong nhà của câu đấy à?
      -     Đại đội bậc phó trở lên ai chả được cấp xe đạp, đi B tôi có quyết định là đại đội  
            trưởng đại đội sửa chữa tăng thiết giáp mà.
Tùng Sơn ngồi bật dậy
-         Thôi rồi! Bên pháo binh lại gọi là trạm sửa chữa xe pháo nên quyết định của mình là trạm trưởng, họ hiểu là cấp trung đội nên phiên sang quân giải phóng chỉ là trung đội bậc trưởng. Vậy là mỗi tháng cậu được lĩnh bốn trăm rưởi, tớ có ba trăm. Cậu có xe đạp riêng, tớ không!         (Phụ cấp tiêu vặt, dùng tiền của chính quyền Sài gòn cho bộ đội khi chưa giải phóng, Tùng Sơn phải nhận tiêu chuẩn trung đội bậc trưởng cho tới sau 30-4-1975). Tôi đùa :   
     -     Ốí ông Tùng Sơn ơi! Theo nguyên tắc hợp đồng binh chủng, cùng quân hàm, ai  
           chức vụ cao hơn người đó là cấp trên. Ba năm liền cá ăn kiến, giờ thì kiến ăn lại cá    
           rồi! Thế là sòng phẳng “ân oán cựu thù” bốn năm về trước nhá!
Tùng Sơn cười, kéo tôi cùng đứng dậy, anh rập gót đứng nghiêm giơ tay chào và dõng dạc:       
-         Tôi: Trung đội bậc trưởng Lê Tùng Sơn, báo cáo đại đội bậc phó Đỗ Thành Hưng: Tôi sẵn sàng nhận lệnh!
Hai chúng tôi ôm nhau cười sằng sặc. Rồi dắt nhau về ăn cơm tối. Đêm đó hai thằng ôm nhau  ngủ. Tình bạn của chúng tôi là như thế. Sau này dù ai cấp bậc, chức vụ gì thì trong tình cảm, ký ức của chúng tôi: Tùng Sơn, Công Sơn vẫn luôn là tiểu đội trưởng, tiểu đội phó của tôi và tất cả anh em, họ là những người đồng đội thân yêu một thời thương nhớ.
                                                                                
                                                                              Đỗ Thành Hưng B5-C213- HVKTQS               

                                                                                                S.G  ngày 6-2-2015

Không có nhận xét nào: