Biết
không về được trong dịp tết, anh vợ tôi
ghé Nha Trang và Sài Gòn sớm, thăm và chúc thọ bố mẹ. Mấy ngày ngắn ngủi gặp
nhau, ngoài thời gian dành cho các cụ, trong những câu chuyện lại qua giữa hai
anh em, tôi được nghe anh kể về một người bạn của mình, câu chuyện buồn thời
hậu chiến.
Năm
1964, gia đình vợ tôi sơ tán về Bình
Giang - một huyện của tỉnh Hải Dương. Huyện lỵ Bình Giang là thị trấn Kẻ Sặt
sầm uất. Qua thị trấn vài cây số là phố Phủ, qua Phủ là làng Sồi (thuộc xã Thái
Học) - nơi gia đình vợ tôi tá túc từ năm 1964 tới 1973. Chín năm, thời gian dài
tới độ hai cô em vợ, sau hơn bốn mươi năm giờ đây giọng nói vẫn đặc sệt giọng làng
Sồi.
Xã
Thái Học có bốn làng: làng Sồi, làng Vạc, làng Tó, làng Phú Khê. Xa hơn một chút là làng Bùi và làng Lòn nhưng
thuộc địa phận xã khác. Nghe nói ngày xưa tên hai làng tục lắm, chả hiểu tại
sao? Sau này các cụ thấy ngượng mồm nên đọc trại đi, chứ nguyên thủy tên làng
Bùi, làng Lòn là…
Làng
Vạc là quê hương của nhạc sỹ tài hoa Đỗ Nhuận. Vùng quê của nhiều nghề thủ công,
nổi tiếng nhất là nghề làm lược Bí. Bây giờ nghề này không còn nữa, tôi dám
chắc nếu hỏi bất kỳ một thiếu nữ thế hệ 8X về chiếc lược Bí này thì chỉ nhọc
công vô ích.
Ngày
ấy, vợ tôi còn nhỏ, thường hay sang nhà bà Huấn - chị ruột nhạc sỹ Đỗ Nhuận, chơi và làm quản bút gia công giúp bà. Dân
làng Sồi nói riêng và cả vùng lân cận cho tới tận làng Bùi, làng Lòn ngày ấy
người ta quý cánh sơ tán lắm. Đám sơ tán về làm xôn xao, vui vẻ cái làng quê bé
nhỏ vốn yên ả, thanh bình.
Gia
đình vợ tôi được xã cấp cho miếng đất gần đường cái quan, có con mương trong
vắt chảy qua. Xã giúp rơm, rạ, tre rồi công sức làm nhà cho. Thời gian cả chục
năm, ngôi nhà ấy, vùng đất ấy, những con người nơi ấy như quê hương thứ hai của
gia đình vợ tôi vậy. Dân nơi đây tốt tới mức trong xóm, trong thôn có gì cũng
đều gọi chia phần cho. Từ rơm, rạ, mía, khoai đến cá ở ao làng, có lần được
chia cả vịt của hợp tác xã chăn nuôi được.
Gần
nhà vợ tôi có nhà cụ phó Thụ. Cụ thông thạo chữ Nho. Gia đình gia giáo nổi
tiếng trong vùng, bà con trong làng rất quý trọng gia đình cụ. Anh vợ tôi học
với con trai cụ. Hai người chơi với nhau rất thân, anh tên là Trung. Anh Trung
học giỏi, đặc biệt là chữ viết rất đẹp và mê vẽ.
Cụ
Thụ có hai người con, trên anh Trung là chị Thơ. Chồng chị Thơ là anh Chiến, bộ
đội, người cùng làng. Nhà anh Chiến nghèo lắm. Sau đám cưới được mấy ngày thì anh
Chiến theo đơn vị vào Nam .
Một
buổi sang, anh vợ tôi đi câu vừa về tới nhà thì thấy anh Trung sang chơi. Ngồi
chuyện trò, Trung nói: “Tớ sang chào hai bác, chào Huy mai tớ đi bộ đội ”. Quá
bất ngờ trước tin của bạn, mẹ tôi giữ
Trung ở lại ăn cơm, tiện có mấy con cá anh tôi vừa câu. Bữa cơm chỉ có vậy
nhưng thật cảm động.
Sớm
mùa đông năm 1966, anh vợ tôi cùng lũ bạn trong lớp bỏ học kéo nhau lên tận phố
Phủ, tiễn bạn tòng quân. Vài năm sau,
anh vợ tôi đi học xa, thỉnh thoảng mới tạt qua nhà. Mỗi lần về đều ghé thăm gia
đình cụ Phó và dò hỏi tin tức anh Trung.
Thông
tin về người bạn cứ thưa vắng dần. Rồi tới năm 1973, gia đình vợ tôi chuyển hẳn
về thị xã Hải Dương. Khoảng cách, thời
gian, nỗi lo cơm áo làm anh tôi quên đi người bạn cũ.
Quãng
năm 2000, một buổi sáng anh tôi đi mua gỗ vụn của một cơ sở mộc mỹ nghệ gần
ngoại ô thị xã về để nhóm bếp. Đang chổng mông chọn lựa thì có tiếng người phía
sau:
- Xin lỗi bác! Em nhìn bác quen quen.
Anh
tôi quay lại, trước mặt là người đàn ông khoảng 40 tuổi chững chạc trong bộ đồ
sẫm màu, chân giầy đen, khuôn mặt sáng, ánh mắt nheo nheo nhìn như dò hỏi:
-
Bác có phải là
bác Huy không?
-
Sao cậu biết tên
mình?
-
Bác không nhận ra
em à?
-
Mình chịu.
-
Em là Hưng - em
họ anh Trung làng Sồi, ngày bác sơ tán ở Bình Giang đây!
-
Thế à? - Ngắm
nhìn người đàn ông trước mặt một lúc lâu. Anh vợ tôi mừng rỡ - Mày thay đổi thế
này thì bố ai nhận ra.
Kéo
anh tôi vào văn phòng. Sau thủ tục “trà lá”, Hưng mới lần hồi: “Anh Trung em
không chết, bác ạ. Chín năm bom vùi đạn
dập, sau giải phóng lò mò về quê. Anh em đi thăm chào hỏi bà con khắp làng rồi
hỏi thăm tới bố mẹ và tin tức của bác. Nhưng
em chịu.
Tranh
thủ những ngày phép, chị Thơ giới thiệu cô em chồng của mình cho anh Trung. Cũng
cánh lính Trường Sơn vừa giải ngũ. Hai người lính, hai người đồng đội sống sót
trở về sau chiến tranh, hai người làng, lại gần gũi với nhau, còn gì hơn. Thế
là anh Trung cưới vợ. Vợ là cô Nhanh, chả biết bác có còn nhớ không?
Ở
nhà hai tháng, anh Trung quay lại Sài Gòn rồi ra quân đi học bổ túc sau đó thi
đại học. Đỗ Đại học Mỹ thuật, ra trường được giữ lại làm giáo viên. Một hai năm
sau thì về làng đón cô Nhanh vào Sài Gòn đoàn tụ.
Năm
2006, gia đình anh vợ tôi chuyển vào Cà Mau. Cuối năm ấy, anh tôi về Hải Dương
làm thủ tục cắt hộ khẩu. Anh tìm tới cơ sở mộc của Hưng để thăm, đồng thời hỏi tin anh Trung.
Hưng
kể: “Sau cái đận gặp bác, năm ấy anh Trung về quê, em có kể lại. Thế rồi lần nào ra bắc anh ấy cũng đi tìm bác, quần
nát cả thị xã Hải Dương mà hai anh em không lần ra”.
Cảm
động về tình cảm của người bạn cũ, anh tôi xin địa chỉ của anh Trung trong Sài
Gòn. Định bụng một ngày nào đó nhất định sẽ đi tìm bạn.
Rồi
cũng chả có điều kiện, vì gia đình anh vợ tôi ở mãi Cà Mau. Cách đây một năm ngồi buồn thấy địa chỉ bạn
trong sổ tay, anh tôi bốc máy gọi. Đầu máy bên kia tiếng một phụ nữ đã luống
tuổi, giọng nói vẫn còn ngọng và thô mộc của dân làng Sồi, dù đã pha âm sắc phương
nam, nghe cứ như đổ cơm nếp nát vào tai. Anh tôi đoán là tiếng cô Nhanh.
-
Xin lỗi có phải
nhà anh Trung không ạ?
-
Vấng! Anh là ai?
-
Tôi là Huy, bạn anh Trung.
-
Anh ấy đi làm chưa về.
- Nếu anh Trung về nhờ chị nói hộ là có Huy bạn
cũ điện hỏi thăm. Rồi để lại số điện thoại.
Bỏ máy, anh tôi ngồi phịch xuống ghế, cố nhớ lại
cái cô Nhanh năm nào. Có phải cô Nhanh là cái con bé đen thủi đen thui, người
quắt như mo nang, chỉ được cái tính tình, mồm miệng lanh chanh giống y như cái
tên gọi? Chả biết sau này nhớn lên đi bộ đội nhan sắc có khá hơn không ?
Ngay tối hôm đó, anh tôi nhận được điện thoại của anh Trung. Hai người đàn ông chuyện trò
tưởng cháy máy. Nghe chuyện anh, tôi mới biết, chị Thơ đã chia tay chồng từ lâu.
Sau giải phóng, anh Chiến, chồng chị Thơ, trở về
quê. Người vợ thân yêu bao nhiêu năm vò võ đợi chờ, thời gian tàn nhẫn đã giũ
sạch nhan sắc, biến một thiếu nữ tràn đầy nhựa sống hừng hực tuổi xuân thành
một thiếu phụ xác xơ. Chị khuỵu xuống trong vòng tay anh nước mắt ướt đẫm ngực
áo người lính còn thoảng mùi đạn bom.
Thời gian tương phùng chả bao lâu, đơn vị đang đợi
anh ở cái thành phố phương nam xa xôi với bao bộn bề sau giải phóng.
Quân hàm trung úy, sau thời gian Quân quản, anh chuyển
ngành về làm Trưởng phòng Tổ chức Nhà máy bột giặt mà nhà nước vừa quốc hữu
hóa.
Vị trí mới, cuộc sống mới, môi trường mới đã làm
cho người lính gốc gác nông dân nghèo kiết xác năm xưa quên hết cội nguồn tình
nghĩa. Anh rũ bỏ cuộc tình, rũ bỏ chị Thơ, mải mê chìm đắm trong hạnh phúc mới.
Chị Thơ buồn, hận đời quá đen bạc. Chị tiếc cho những
tháng năm đợi chờ mỏi mòn, giận kẻ bạc tình.
Con cái chưa có, bố mẹ quy tiên cả, chả còn ràng
buộc gì nhà chồng, chị xin thoát ly làm chân nhân viên thương nghiệp. Cuộc sống
đưa đẩy, chị gặp được người đàn ông thương chị, người đàn ông này để lại cho
chị hai đứa con. Rồi cuộc tình cũng chẳng tới đâu.
Sau này về quê, thương chị và cháu, anh Trung đưa cả
ba mẹ con vào Sài Gòn, thuê mướn nhà cho ở, cưu mang giúp đỡ chị và cháu. Rồi
với sự tần tảo chắt bóp, thời gian khó qua đi, lần hối hai đứa con chị lớn dần học
hành thành tài. Giờ cuộc sống mẹ con chị đàng hoàng sung túc.
Về Sài Gòn thăm bố mẹ lần này, anh tôi lần theo
địa chỉ tới thăm bạn. Ấn chuông trước cổng căn nhà mặt tiền to tướng với ba bốn
tầng lầu gần ngã tư Phú Nhuận. Cánh cổng hé mở. Trước mặt là một phụ nữ thoạt nhìn biết ngay
là gốc gác nông dân chính hiệu nhưng đã được canh tân. Người cao ngẳng thuộc
nhóm ”khô chân gân mặt”. Mười đầu ngón chân ngón tay cứ như hạt dưa trong bàn
trà ngày tết đã bị nhằn hết nhân, còn lại vỏ dán vào, đỏ chót.
Cô Nhanh của năm nào đây ư? Giọng nói này thì đúng
giọng làng Sồi chả trộn được đi đâu. Hình hài cô ta? Anh tôi cố hình dung mà
không thể nhận ra. Hay là nhầm. Nhìn lại
số nhà lần nữa, không thể nhầm được!
Chưa kịp mở miệng thì người đàn bà đã tấn công trước.
- Anh hỏi
ai?
- Tôi là
bạn cũ của anh Trung...
Chưa kịp nói hết câu thì người đàn bà trước mặt đã
choang choác:
-
Đây không còn là nhà của ông Trung nữa. Muốn gặp xuống Củ
Chi mà tìm.
Ngỡ ngàng đến mấy giây, biết có chuyện chẳng lành,
nhưng sao lại nhanh thế nhỉ? Anh vợ tôi lẩm bẩm. Cánh cổng vội khép lại.
Giật mình, luống cuống, anh tôi cố nói vọng vào
trong: ”Làm ơn cho tôi xin địa chỉ của anh ấy”.
Ít phút sau, một mảnh giấy được nhét qua khe cổng.
Anh tôi ngán ngẩm lắc đầu.
Về nhà theo số điện thoại anh tôi nhấn số rồi ngập
ngừng. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông trầm buồn: ”Huy hả? Ông vừa nói
là tôi nhận ra tiếng của ông ngay... - Im lặng một, lúc người đàn ông tiếp - Tôi
chờ ông đã lâu, nhớ ông. Đã bao nhiêu lần về quê tìm ông mà không gặp, giờ lại
tới lượt ông tìm tôi. Hoàn cảnh tôi giờ chán lắm, chả muốn gặp ai.Tôi vừa về
hưu. Ly dị vợ rồi ông ạ. Chả có gì to tát, chỉ là do chênh lệch quá về nhận
thức và lối sống, mà càng về già càng trở lên căng thẳng.
Nhà để lại cho bà ấy và hai đứa con, tôi về trên
này, nơi ngày xưa đóng quân. Có miếng đất, mua ít tầm vông làm mái nhà, sắm cái
chõng tre chui ra chui vào. Ngồi vẽ, nuôi con chim con gà cho khuây. Tôi đã
tính ra Bắc, về lại cái làng Sồi ngày xưa nơi tôi và ông có nhiều kỷ niệm, nơi
ông tiễn tôi đi bộ đội, nơi tôi sống sót trở về. Tôi định về hẳn đấy, chẳng đi
đâu nữa. Thế rồi cái duyên cái số thế quái nào lại dính phải cô chủ hiệu tạp hóa
trên phố Phủ, bỏ chồng và có hai con. Thế rồi lại bìu ríu nhau quay trở lại nơi
này. Cũng chả cưới xin gì ông ạ, cảnh rổ rá cạp lại, gá vào nhau ấy mà.
Thế là hai đứa mình lại đành lỗi hẹn. Xin khất ông
vào một dịp khác vậy...”.
Vậy là đúng 42 năm, hai người đàn ông, hai người
bạn sau cuộc chiến cứ ngược xuôi Bắc Nam, Nam Bắc tìm nhau mà chả nhìn thấy mặt.
SG đầu năm 2009.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét