Thứ Năm, 9 tháng 4, 2015

Thư gửi những người trượt đại học (ST: TB)

Nói ra điều này thì bạn có thể không tin tôi. Nhưng những người trượt đại học và đỗ đại học có cùng một xuất phát điểm trong cuộc sống.
Hôm nay, rất nhiều người trong số các bạn đã biết tin mình trượt đại học. Với một số bạn, thậm chí đây không phải lần đầu tiên. Bạn buồn, bạn đau khổ, cảm thấy nhục nhã. Bạn không còn nơi nào để đi: suốt 12 năm bạn có một mái trường, có bạn bè, có một cuộc sống vui vẻ và êm đềm. Bây giờ bạn lủi thủi một mình, khi bạn bè hớn hở nhập học. Bạn không dám nói đến chuyện tương lai với gia đình, với bạn bè, với “gấu”.



Nhưng mỗi con đường đều có những lối rẽ khác nhau. Thỉnh thoảng, học đại học có thể chính là một lối rẽ đến thất bại. Đang có hàng vạn cử nhân thất nghiệp đấy – bởi vì trường đại học không phải là nơi có thể đảm bảo cho người ta thành công trong cuộc sống.


Có một thứ mà có thể bạn chưa biết: Rất nhiều trường Đại học không phải là nơi dạy nghề. Bạn thậm chí không có một cái nghề nào sau 4 năm học hành vất vả ở đó. Ví dụ, trường đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy điểm không hề thấp, là nơi nghiên cứu môn ngoại ngữ. Bản thân ngoại ngữ có phải là một nghề đâu? Bạn sẽ phải học thêm nghề dịch thuật, học thêm nghề thư ký, nghề bán hàng, đủ thứ nghề nếu muốn được dùng ngoại ngữ. Hay là rất nhiều khoa của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn và Đại học Tự nhiên – đều là nơi nghiên cứu chuyên sâu về các môn khoa học khác nhau. Ai gọi “Quốc tế học” là một nghề?



Trường đại học là nơi trang bị kiến thức về một lĩnh vực. Trừ khi bạn ở lại trường giảng dạy, nếu không kiến thức bạn được học sẽ chỉ trở thành nền cho một quá trình... học nghề sau khi ra trường. Nghề đó liên quan đến kiến thức bạn được học trong trường, đã là may cho bạn.

Đó là điều mà nhiều người lớn đã không dạy cho bạn. Có một định kiến xã hội phổ biến là học đại học sẽ đảm bảo một cái nghề. Điều này hoàn toàn sai lầm.

Ngay cả những trường Đại học đào tạo nghề – ví dụ như các đại học kỹ thuật, cũng không cho phép bạn “thành nghề” sau khi ra trường. Bạn muốn làm Kiến trúc sư hay Kỹ sư, bạn phải học một khối lượng kiến thức khổng lồ về các quy trình đấu thầu, luật xây dựng, luật giao thông, kỹ năng giao tiếp hay là hằng hà sa số các kỹ năng không tên mà không giáo trình nào viết. Hầu hết đều phải “học nghề” sau khi “học đại học”.

Ước mong được học đại học là một ước mong chính đáng. Nhưng cần tách nó ra khỏi mong ước có được một cái nghề, mong ước mưu sinh, mong ước làm giàu. Kiến thức đại học chỉ là một phần trong khối lượng kiến thức các bạn buộc phải có nếu muốn thành công trong cuộc sống.



Nếu học nghề không liên quan đến học đại học thì điều gì ngăn cản các bạn học nghề ngay từ bây giờ?

Hãy lấy ví dụ một thứ mà không trường đại học nào cho được bạn, là kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội. Bạn là một “học sinh lớp 13”, ai cấm bạn tham gia những hoạt động thanh niên, tình nguyện, các tổ chức xã hội vốn bây giờ rất nhiều và có thể dạy cho các bạn nhiều thứ? Ai cấm bạn kinh doanh nhỏ? Tại sao rất nhiều anh chị sinh viên đã học đại học rồi còn lăn lộn kinh doanh  dù gia đình không thiếu thốn, tại sao họ suốt ngày đi tình nguyện, đi tham gia các hoạt động xã hội: à, đấy là bởi họ hiểu buộc phải trang bị thêm kỹ năng. 

Đại học chỉ là một nhánh nhỏ trong con đường đi ra biển lớn. Trượt đại học là một cảm giác vô cùng nặng nề. Nhưng hãy mạnh mẽ lên: bạn còn rất nhiều việc để làm nếu muốn thành công.

Bạn hãy thử đi học bán hàng, học sửa đồ điện, sửa xe máy, học ăn học nói,... Rất nhiều người học 4 năm Kinh tế Quốc dân ra phải học bán hàng từ đầu, nếu không muốn nói là tất cả. Sau khi học bán hàng, bạn mới học kiến thức kinh tế, coi như đảo quy trình so với các bạn đỗ Đại học, chẳng hạn. Đằng nào cũng phải học hết.

Trong lúc này, có thể cha mẹ bạn cũng không tỉnh táo. Họ sẽ gây sức ép lên bạn bắt bạn phải ôn luyện cả chục tiếng mỗi ngày để năm sau thi tiếp. Họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng.

Đừng cuống. Hãy lên mạng trong 5 phút để tìm hiểu xem thanh niên đang sinh hoạt những thứ bổ ích gì, kinh doanh cái gì, sống ra sao, rồi tham gia. Họ trúng tuyển đại học nhưng có phải dành toàn bộ thời gian học đại học đâu. Cuộc sống bên ngoài cổng trường đại học mới là nơi cần dành phần lớn thời gian để học. Hãy tiếp tục học đi.

Nhà báo Đức Hoàng 

Không có nhận xét nào: