Chương 10
Nọc Độc của Sự Phản Bội
Việc phản bội không hẳn hạn hiếm như chúng ta tưởng. Trong đời sống thường ngày bạn bè và người thân bỏ rơi chúng ta, và trong công việc làm, các cộng sự viên gần gũi với chúng ta quay lưng lại chúng ta hoặc âm mưu đáng gục chúng ta để đi lên. Điều này đáng ghét nhưng đó là một phần có thể tiên liệu được trong cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên phản bội đất nước của mình được số đông xem là một vị phạm trầm trọng của người công dân, bất luận quan điểm chính trị về hệ thống trong đó mình đang sống. Tôi biết rất nhiều thành phần phản bội và họ hành động do những động cơ cao cả và thấp hèn, và trong đó có những người đàn ông và đàn bà tôi đã đề cập đến, sẵn sàng tiết lộ bí mật cho một thế lực ngoại bang vì ý thức hệ, vì tiền bạc, vì chính trị, hoặc vì những lý do hoàn toàn cá nhân.
Nhưng có một hạng phản bội khiến cho người ta kinh hoàng nhưng đồng thời cuốn hút con người một cách vô cùng mãnh liệt và cần được đặc biệt phân tích: kẻ phản bội nằm trong một cơ quan tình báo tự bán mình và bán hiểu biết bí mật của mình cho kẻ khác. Một vài người nghĩ rằng ý muốn phản trác các đồng nghiệp có thể khiến cho những ai làm việc trong môi trường điệp báo được miễn nhiễm không bị ngỡ ngàng khi việc phản bội xảy ra ngay trong hàng ngũ của mình. Điều này sai. Phản bội là một độc tố của tất cả mọi cơ quan tình báo, thuốc ngừa chủng mà chúng tôi có chỉ có hiệu quả giới hạn.
Văn hóa tâm lý của cơ quan tình báo giống như văn hóa của một nhóm hoặc của một bộ tộc, trong đó cá nhân gắn bó với nhau vì một lý tưởng cao đẹp và chia sẻ với nhau cùng một bản sắc, cùng một tư tưởng hoặc một điều gì đó. Khi hệ thống này bị mở toang, nọc độc bất tín sẽ xâm nhập hệ thống. Các điệp viên trên chiến trận, ngay cả khi việc làm của họ không dính líu gì đến khu vực bị phản bội, cảm thấy lạnh gáy và dễ bị thương tổn khi họ đến gần hộp thư chết lần sau (một nơi bí mật mà điệp viên nhận và gởi một lá thư, một thông điệp, vi phim và vân vân) hoặc bắt đài để nhận lệnh đã được mã hóa từ bộ tham mưu. Ai cũng đều biết là thu nạp những điệp viên mới sau một lần đào thoát ngoạn mục rất là khó khăn.
Đối với cán bộ điều khiển điều này cũng gây nên những hậu quả khôn lường. Một cơ quan tình báo đột nhiên trở thành đối tượng được các chính trị gia chú ý đến khi lòi ra có điều gì không ổn đã xảy ra. Thí dụ, quý vị thử nhìn xem cơn động đất đã làm cho CIA hầu như tê liệt sau khi họ khám phá sự phản bội của Aldrich Ames. Kẻ phản bội nằm trong lòng của cơ quan tình báo phản bội bội phần các con số những điệp viên nam nữ mà y đã tiết lộ. Y phản bội sự toàn vẹn của cơ quan mình.
Lẽ cố nhiện có phương thức để giảm thiểu những rủi ro này. Một là tạo nên một cảm tình đoàn kết mãnh liệt, tinh thần đồng đội trong đó mỗi một người chăm sóc cho sự an nguy và an sinh của người khác trên phương diện cá nhân và nghề nghiệp. Một cách khác là xây dựng trên những cơ cấu trung thành đã có sẵn - ý thức hệ, chính trị và địa lý – bắt đầu từ thưở thơ ấu, bảo đảm mỗi một sĩ quan có ý nghĩ muốn trở thành kẻ phản bội có cảm nhận là mình làm như vậy mình phản bội chính bản thân của mình. Sự thống ngự của nhóm WASP (ldg : White Anglo-Saxon Protestants = Người Da Trắng Anglô Saxon theo đạo Tin Lành), nhóm East Coast (Người Mỹ vùng Biển Tây) trong CIA, mạng lưới Oxford và Cambridge trong nội bộ cơ quan tình báo Anh, và những triều đại dòng tộc trong nội bộ tình báo Xô Viết tất cả là những cơ chế bảo về phòng chống phản bội.
Việc bội phản có những hậu quả quá đỗi trầm trọng cho nên ngay cả một mối nghi ngờ nhỏ cũng phải được xem trọng. Tôi không bao giờ làm việc với ảo tưởng là các sĩ quan của tôi không bị cám dỗ, mặc dù tôi biết trong các cơ quan khác của khối Đông Âu, các giám đốc tình báo khó mà chấp nhận việc chứa chấp một nhân viên đặc tình phá hoại trong hàng ngũ của họ.
Trong tất cả các mối liên hệ giữa các cơ quan tình báo Đông Âu, liên hệ của nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức với người Ba Lan là đáng sợ nhất. Cho dù đảng viên Cộng Sản có trung thành đến mấy với Moscow và đồng minh, lịch sử Châu Âu đã ghi dấu ấn những hiềm khích về quyền lực của cả hai nước Đức và nước Nga đã để lại những vết thương. Những công tác phối hợp của chúng tôi đòi hỏi rất nhiều khéo léo trong vấn đề ngoại giao cũng như tình báo.
Một lần tôi nhận được thông tin của một điệp viên nằm vùng trong cơ quan tình báo Tây Đức báo cho biết có một nhân viên cao cấp của Bộ Nội Vụ Ba Lan sẵn sàng làm gián điệp cho Tây Đức qua trung gian một viên chức làm việc trong ban giải mã của Tòa Đại Sứ Bonn tại Warsaw. Tôi quyết định đến Ba Lan một cách âm thầm để cảnh báo cho các đồng nghiệp của tôi và nhận lời mời đã có từ lâu của ông Thứ Trưởng Công An BaLan, Franciszek Szlachcic để đi săn cuối tuần tròng vùng săn bắn dành riêng cho Bộ tại vùng Thượng Silesia. Trong lúc chúng tôi lùng heo rừng trong các lùm cây rậm rạp, tôi báo cho ông biết việc trên. Chúng tôi đồng ý phương thức tốt nhất là gặp gỡ riêng với giám đốc phản gián của ông và lập kế hoạch để gài bắt. Kế hoạch là bắt kẻ tình nghi tại trận bằng cách vời y về để thi hành một công tác ma trong đó một vài sĩ quan của tôi sẽ giả dạng là người Tây Đức.
Trong buổi họp mặt riêng với giám đốc cơ quan phản gián, tôi ngã ngửa thấy Szlachcic, vì muốn chứng tỏ với tôi là ông quan tâm nhiều đến vấn đề này, mời một số sĩ quan cao cấp để giúp hoàn thiện kế hoạch. Quá nhiều thầy thợ nên nồi cơm hỏng . Chúng tôi dàn dựng bẫy và vô công chờ mãi không thấy người này đến điểm hẹn tại quán hoa. Một lần hẹn khác cũng không thấy gì. Tôi thấy rõ là đã có thất thoát trong nội bộ Bộ Công An Ba Lan từ một người trong số những người biết chuyện. Điều cuối cùng tôi nghe là kẻ chực phản bội Ba Lan đã tiếp xúc với phía bên Anh. Tôi không còn hứng thú để bố trí lại toàn bộ cộng tác và để mặc cho người Ba Lan giải quyết.
Tôi chưa bao giờ quả quyết cơ quan của tôi không có những phần tử xấu. Bài học đau đớn trước đây của những vụ đào thoát không cho phép tôi tin vào tinh thần đạo đức cao của nhân viên tôi, mặc dù tôi nghĩ rằng sự gắn bó ý thức hệ đã thắt chặt chúng tôi lại với nhau là một gắn bó chặt chẽ. Thách đố của hai cơ quan tình báo của hai nước Đức sau cuộc thế chiến là xây dựng một cảm nhận căn cơ đồng nhất và nhập thuộc mạnh mẽ để giảm thiểu nguy cơ bị phản bội từ bên trong. Chúng tôi làm việc này hiệu quả hơn người Tây Đức, vì họ luôn xem những hoạt động tình báo là một sinh hoạt phụ thuộc vào sinh hoạt xã hội dân sự thay vì cố gắng thúc đẩy, như chúng tôi đã làm, tinh thần huynh đệ chi binh, tình đồng chí để ứng phó với những hiểm nguy vốn sẵn có trong ngành điệp báo.
*
Mỗi một cuộc đào thoát đều có tiến trình riêng và mỗi lần đều có bài học để rút tiả. Cuộc đào thoát gây chấn thương mạnh nhất đối với tôi xảy ra năm 1979, lúc Chiến Tranh Lạnh đặt đến độ căng thẳng nhất tại Châu Âu. Nó liên quan đến một sĩ quan nằm trong một trong những ban bí mất và hiệu quả nhất của tôi, Ban B, thuộc Ngành Khoa Học và Kỹ Thuật, được biết theo chữ tắt tiếng Đức là SWT (SektorWissenschaft und Technik).
Ngày 19 tháng Giêng năm 1979, ngày sinh nhật của tôi, tôi đang ngồi trong một buổi họp với các giám đốc tình báo trong vùng Karl-Marx-Stadt. Buổi họp chưa kịp bắt đầu thì có điện thoại gọi tôi. Một trong những phụ tá của tôi ở đầu giây và tôi cảm nhận sự căng thẳng trong tiếng nói. Anh đi thẳng vào vấn đề : « Tại SWT, có người đã bỏ đi rồi!». Phản ứng tức khắc của tôi, tôi nghĩ cũng được các giám đốc tình báo thế giới chia sẻ, là lên tiếng chửi rủa thậm tệ. « Nhưng, thưa Xếp, chưa hết chuyện tai hại », giọng nói đầu giây tiếp tục : «Tủ an toàn bị mở, có vài giấy tờ bị mất và, tổ sư nó, căn cước thông hành để qua biên giới cũng đi luôn». Đây là thông hành - mỗi ban chỉ có một cái - để cho nhân viên của ban này có kinh doanh dùng để di qua cửa ngõ chính biên giới Bá Linh, trạm kiểm soát Friedrichstrasse. Các vệ binh canh gác biên giới Đông Bá Linh cho phép người này đi qua phía Tây Bá Linh.
Hai ngày trước đó, tại một buổi họp cán bộ cao cấp của tôi trong khuôn khổ Đảng, tôi ngỏ lời chúc mừng Năm Mới theo truyền thống. Tôi nói : « Các đồng chí, đừng bao giờ quên, điều tệ hại nhất có thể đến với chúng ta là kẻ thù tìm cách len lỏi xâm nhập vào hàng ngũ của chúng ta». Đó là một huấn thị đạo đức, nhưng bây giờ việc này xảy ra và tôi đâm ra bàng hoàng. Đặc biệt đau đớn cho tôi khi tôi được biết việc đào thoát xuất phát từ SWT, một ban mà tôi đặc biệt chú ý vì tôi tin tưởng là điệp báo giỏi nhất thế giới cũng vô dụng nếu chúng tôi không bắt kịp với đà tiến triển khoa học và kỹ thuật của Tây Phương.
Trong cuộc điều tra, vệ binh tại biên giới cho biết là thông hành đã được sử dụng vào lúc 9g 30 chiều hôm qua, như vậy kẻ đào thoát đã đi được 12 tiếng đồng hồ rồi mới bị phát giác. Y đã cẩn thận chọn lựa thời điểm, vào mùa nghỉ mùa Đông. Tại bộ Tham Mưu của Tình Báo Hải Ngoại HVA ở Đông Bá linh, một kiến trúc to lớn và kiên cố được bảo vệ chặt chẽ tại đường Normannenstrasse, họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những thu xếp ngày nghỉ của nhân viên và điện thoại về nhà họ, với mục đích tìm kiếm sĩ quan đang vui thú hưởng thụ ngày nghỉ mùa Đông và xem ai là kẻ phản bội.
Họ thiết lập danh sách các người tình nghi. Và khi tôi đến Đông Bá Linh ba giờ sau, chúng tôi phát hiện người chúng tôi tìm là Đại Úy Werner Stiller, một sĩ quan Phó Ban 1, chuyên về vật lý hạt nhân, hóa học và vi khuẩn học. Là một trong những sĩ quan xuất sắc trong Ban, anh lả một người dễ thương, có nhiều tự tin và vừa mới được chọn làm đệ nhất bí thư Đảng trong Ban của mình, một chức vụ trao cho một người được xem là đặc biệt cứng cỏi và đáng tin cậy. Stiller chắc chắn là một biến cố đào thoát tệ hại nhất xảy ra trong mười năm nay. (Năm 1959 Đại Tá Max Heim, một khuôn mặt trụ cột trong công tác đánh phá đảng Dân Chủ Xã Hội đã đào thoát, dẫn đến việc bắt giữ hành chục điệp viên của chúng tôi. Năm 1961, Walter Glasse, một sĩ quan có trách nhiệm công tác đánh phá các tổ chức Hoa Kỳ tại Tây Đức, đào thoát và làm nguy hại đến một số công tác của chúng tôi. Cả hai người sinh sống tại Bá Linh và hợp tác với tình báo Tây Đức mỗi khi họ cần đến.
Tất cả những báo động cấp bách đều vận chuyển. Những điện thư được gởi đến các điệp viên và mật báo viên do Stiller điều khiển ở Tây Đức, báo cho họ biết phải án binh bất động và hủy bỏ tất cả những hồ sơ liên lụy, trong khi đó các chuyên viên nghiên cứu của chúng tôi xem xét danh sách các hồ sơ, cố gắng tìm những vật liệu Stiller đã đánh cắp. Chúng tôi phải chạy đua gấp báo những người dễ bị tổn thương trước khi tình báo Tây Đức khai thác những vật liệu do Stiller cung cấp để đánh vào những điểm này.
Họ nhận ra Stiller đã đánh cắp những hồ sơ danh sách các mật báo viên. Trong hồ sơ có những danh sách gọi là ban đồng hành thông tin của cả Ban Khoa Học và Kỹ Thuật, những bản tóm tắt những báo cáo gần đây của các điệp viên và nguồn tin và bí danh của những người đã soạn thảo. Chúng không tiết lộ danh tính và nơi ở của các điệp viên và nguồn tin, nhưng phản gián tại Cologne có thể dùng chúng để xác định những nghi ngờ họ có trước đó. Tôi phải thú nhận là Stiller bạo gan và chuẩn bị chu đáo việc đào tẩu của y. Lấy cắp những hồ sơ của mật báo viên có nghĩa là đương sự có món quà cụ thể để biếu cho phiá bên kia khi anh sang đến Tây Bá Linh. Đương sự nhất quyết đào thoát để sẵn sàng chấp nhận án tử hình nếu bị bắt trên tay với những vật liệu này. Điều này có nghĩa là kẻ thụ đã mua chuộc anh hoặc anh có ý định nhận sự mua chuộc.
Đúng vào lúc tôi nghĩ không còn gì tệ hại hơn nữa thì sự việc xảy đến. Giọng nói hốt hoảng của Mielke ở đầu bên kia đường giây điện thoại khẩn cấp báo cho tôi là một loạt những hồ sơ không còn trong tủ sắt kín nữa: những hộp đựng những diễn văn và lệnh của ông. Vì những lời tuyên bố thường lúc ngoắt nghéo và trùng lập của Mielke, việc này khiến cho tôi không biết ăn nói làm sao và xem ra đây là một vấn đề trầm trọng nhất trong ngày. Nhưng ông bộ trưởng không nhìn dưới khía cạnh này. Tôi không dứt ông ra được khỏi đầu giây. « Đ. mẹ, lộn xộn quá! Mời mẹ kẻ thù nó đến họp với chúng ta và cấu kết với chúng cho rồi! Tao chán bọn bay quá rồi».
Tôi bậm môi để kìm hãm cơn giận, mặc dù tôi vẫn muốn quát lại. Nhưng tôi đã kinh qua những cơn giận trẻ con của ông và để cho ông xả hơi. Sau đó tôi làm bản sao những tài liệu của ông từ một văn khố khác và gởi đi với ghi chú như sau: « Đính kèm đây là bản sao những tài liệu có chữ ký của ông, hiện nay nằm trong tay kẻ địch». Điều này cho ông thời gian để tiếp thu chấn động trước khi những tài liệu này được các kẻ thù trong tình báo Tây Đức vui vẻ giao cho báo giới và theo đó được phát hành để cho mọi người đọc.
Để hiểu sức công phá ghê gớm do việc đào thóat của Stiller gây nên, quý vị phải hiểu tầm mức quan trọng của ngành điệp báo khoa học và kỹ thuật vào lúc đó tại các nước xã hội chủ nghĩa. SWT được tổ chức vào thập niên 1950 dưới hình thức một tiểu ban nhỏ giúp chúng tôi bắt kịp đà phát triển của Tây phương về kỹ thuật làm vũ khí hạt nhân. Nhiều chuyên viên cao cấp về vật lý học và sinh vật học của Tây Phương, lo sợ viễn tượng Tây Đức tái trang bị vũ khí, bắt đầu báo cáo cho chúng tôi là việc xây cất các lò nguyên tử tại Tây Đức được tổ chức sao cho những công trình biến hóa những nhiên liệu và phân cách chất đồng vị có thể chuyển biến nhanh để dùng cho mục đích quân sự.
Đây là vào lúc chiến tranh tuyên truyền không ngừng nghỉ. Quần chúng phản ứng một cách lo ngại đối với tất cả những ý kiến cho rằng tái trang bị quân sự có thể dùng cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân.Chúng tôi bận rộn theo dõi Tây Đức trong quá nhiều hoạt động kín ; những tiến bộ kỹ thuật trong việc chiết xuất plutonium tiến nhanh, một thế hệ doanh nhân mới thời hậu chiến đầu tư vào các nước Thế Giới Thứ Ba có tham vọng được kỹ thuật hạt nhân, chẳng hạn như Brazil, Argentina, Libya, Pakistan và Nam Phi.
Nhưng vấn đề hạt nhân cũng rất nhạy cảm tại Đông Đức. Nước chúng tôi không có chương trình khai thác tách biệt với Liên Bang Xô Viết. Moscow đã kiểm soát những hoạt động khai thác quặng mỏ uranium của Đông Đức và tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho đến khi Đông Đức sụp đổ và nước Đức thống nhất năm 1990. Hãng Wismut AG, có trụ sở chính tại miền Nam CHDCĐ, ngoài mặt là do liên hợp Đức - Xô Viết quản lý nhưng trên thực tế là một nước trong một nước do quân đội Nga điều khiển các quản trị viên, kỹ sư và khoa học gia người Đức.
(Em trai của tôi, Koni, đã phát hành một trong những phim hay nhất về Wismut, Sonnensucher - Đi tìm mặt trời – trong đó Koni mô tả thực tế của thế giới hầm mỏ uranium trong những năm đầu, một loại Miền Đông Hoang Dã đầy những kẻ vô công rỗi nghề, tội phạm và quân nhân giải giới tìm cách kiếm tiền nhanh chóng dưới sự giám sát chặt chẽ của những mật báo viên và của quân đội. Koni dự định trình chiếu phim này để trình bày lần đầu tiên một cách tương đối lương thiện về sự hiện diện của Xô Viết tại Đông Đức và vết chấn thương tồn tại giữa hai quốc tịch trước đây là kẻ thù đáng ghét nay cố gắng tìm cách hòa thuận với nhau. Bích chương của phim được gắn khắp cùng Bá Linh vào năm 1956, và chúng tôi đang chuẩn bị trình chiếu lần đầu thì Walter Ulbricht hoảng hốt vì ông được biết Đại Sứ Xô Viết, Pyotr Abrassimov, không muốn đề cập đến những công trình hạt nhân. Các vệ binh của sư đoàn Felix Dzerzhinsky, các binh lính của Bộ Công An được phái đi về đêm để gỡ bỏ những bích chương và cuộn phim được cất vào kho chờ 10 năm nữa.)
Việc kiểm soát liên tục của Nga vẫn còn sau khi tất cả những hợp tác khác đã được giao lại cho chúng tôi, đồng thời với việc Xô Viết chuyển tải những tài nguyên giá trị của Đông Đức cho nhu cầu của quân đội họ, đã khiến cho dự án về uranium là một dự án nhạy cảm nhất về chính trị trong nước.
Tình thế bấp bênh về năng lượng và những vấn đề cán cân chi phó của nước chúng tôi đưa đến những lời kêu gọi chúng tôi phải thiết lập chương trình năng lượng hạt nhân cho chính nước chính tôi. Điều này đã được khoa học gia Klaus Fuchs ủng hộ. Klaus Fuchs đã định cư tại Dresden sau khi ông ra khỏi nhà tù Anh Quốc vì tội chuyển giao những bí mật của phưong Tây về bom hạt nhân cho Moscow. Fuchs cũng đoan quyết Liên Bang Xô Viết đã đánh lừa nước CHDCĐ khi trả giá uranium quá thấp.
Tôi nghĩ là ông nói đúng và cơ quan của tôi nằm ngay trong thế kẹt. Một mặt chúng tôi trao cho Xô Viết phần lớn những thông tin khoa học và kỹ thuật chúng tôi thu thập được. Mặt khác, các khoa học gia trong nước biện luận chúng tôi chỉ có thể cạnh tranh với phương Tây bằng phương cách phát triển chính kỹ thuật của mình. Cấp lãnh đạo càng lúc càng chú ý đến việc lượng định các loại máy phát điện và áp lực đè nặng lên Ban Khao Học và Kỹ Thuật của tôi ép chúng tôi phải cung cấp những thông tin nhưng không cho người Xô Viết biết chúng tôi đang tính đến chuyện này.
Tôi đến gặp Heinrich Weinberg, đầu óc già dặn khôn ngoan của SWT, để hỏi ý kiến về đường hướng tình báo chúng tôi phải đi. Ông là một học giả hàn lâm và giống như một loại quái nhân không phù hợp với nhóm thủ cựu Cộng Sản ẩn nấp thời tiền chiến và nay chiếm giữ phần lớn những chức vụ quan trọng trong bộ máy Công An Nhà Nước. Thực ra, kinh nghiệm chính trị duy nhất ông có là gia nhập Phong Trào Thể Thao Đỏ và ông là tay đua xe đạp say mê. Ông không hề có lối suy nghi đẳng cấp, một lối suy nghĩ phổ biến trong văn hóa văn phòng của chúng tôi, khinh khi những lợi thế của chức vụ mình và nhất quyết đi làm trên chiếc xe đạp. Điều này biến ông thành đối tượng chế diễu của các nhân viên trung cấp và cao cấp vốn thích khoe khoang có được những chiếc xe ngoại nhập Golf VW hoặc Citroën và Ford dành riêng cho những viên chức thượng cấp.
Weiberg muốn soi sáng cho tôi tất cả những chi tiết về máy phát điện, cho dù tôi có hiểu hay không hiểu những gì ông nói. Tôi quen thuộc với những câu trả lời ngắn gọn của các giám đốc ban, nhưng ông không biết cách chuyển đạt nào khác là thuyết trình dài dòng, vì vậy tôi nhã nhặn xin đị học lớp tốt nghiệp về vật lý học. Weiberg tin tưởng mãnh liệt vào các lò phản ứng hạt nhân trung tử nhanh nhạy đang được xây cất tại Tây Đức. Chúng tôi bị kẹt với lò mẫu Xô Viết và Weiberg xét thấy có nhiều rủi ro. « Chúng ta phải tiến lên, đồng chí Wolf. Anh có thể nói cho họ (Bộ Chính Trị) biết đây là đầu mối của tương lai ».
May mắn cho chúng tôi quyết định khởi sự chương trình hạt nhân của chúng tôi không bao giờ được thực hiện, phần lớn vì chi phí nhưng cũng vì cấp lãnh đạo lo ngài những hệ lụy với Moscow. Một vài năm sau, sau giai đoạn này, Tây Đức bỏ rơi kỹ thuật trung tử nhanh vì không giải quyết được vấn đề làm nguội sodium. Lợi ích duy nhất của khóa cấp tốc về vật lý hạt nhân đem lại cho tôi là tiếng tăm không lấy gì làm thích đáng tại Moscow tôi là một loại người thời Phục Sinh có thể bắt nắm khoa học cũng như những lãnh vực chuyên môn khác của tôi. Tôi học hỏi khá nhiều những luận điểm của Weiberg để có thể hỏi những câu hỏi chính xác khi tôi đến tham quan một trung tâm nghiên cứu nguyên tử lực gần quê quán Ulyanovsk của Lênin trên sông Volga. Họ gởi báo cáo về cho các đồng nghiệp Moscow khen ngợi sự ám tường vấn đề của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét