Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: "Bài ca không quên" viết từ chính cuộc đời tôi


Ca sĩ Cẩm Vân hát “Bài ca không quên” trong chương trình “Giai điệu tự hào”. 

Người nhạc sĩ từng viết “Bài ca không quên”, “Đường tàu mùa xuân”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ” (thơ Nguyễn Nhật Ánh), “Dấu chân phía trước” (thơ Hồ Thi Ca), “Mùa xuân từ những giếng dầu”, “Đất nước” (thơ Tạ Hữu Yên), “Khát vọng”… dường như đã ngấm tất cả nỗi đau, nỗi mất mát của một thời chiến tranh, để đến hôm nay, ông vẫn khắc khoải với câu hỏi: Biết bao đồng đội của mình giờ nằm ở nơi đâu?



      Thời đó, vì sao ông viết được những bài hát xúc động đến tận bây giờ?
    - Thực ra, cuộc sống của mỗi người trong chiến tranh cũng như hòa bình đều gắn với kỷ niệm. Những kỷ niệm đó, nếu biết chắt chiu, gạn lọc, tích lũy sẽ trở thành vốn sống thực tế để làm nghề. Cuộc sống hằng ngày luôn bồi bổ cho ta cả điều hay lẫn dở. Người nghệ sĩ phải biết chắt lọc những gì cần làm mà nghĩ rằng việc làm của mình có lợi cho cuộc sống. Còn những gì vụn vặt, thấy không nên thì thôi, im lặng, ghi nhớ và tránh nó đi. Người nghệ sĩ phải luôn luôn có nhân sinh quan để nhận định, đánh giá và chắt lọc những vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Đó là kim chỉ nam để tôi viết được những bài hát được công chúng yêu mến.
    Thứ hai, mỗi đề tài, tôi đều cố gắng tìm cách viết khác đi, so với những người đã viết trước đây và so với những gì mình từng viết. Rất nhiều người viết về đất nước rất hay, nhưng tôi viết về đất nước với một không gian khác. Phải nói rất cảm ơn nhà thơ Tạ Hữu Yên đã gợi ý cho tôi. Trong bài “Đất nước” đều nói về cái lớn, cái vĩ đại, nhưng ông không dùng những từ mang tính khái quát rộng lớn, mà đi vào chi tiết. Chi tiết đó rất gợi, và là hình tượng, buộc người cảm thụ phải suy nghĩ. Đó cũng là mục đích sáng tạo - viết gì để gợi cho người ta suy nghĩ chứ không phải vỗ tay rồi quên.
     Còn “Bài ca không quên” (BCKQ), dường như ngoài câu chuyện của đất nước, đồng đội, còn có câu chuyện đời ông?
    - BCKQ là ký ức thời chiến tranh. Ký ức thì có nhiều kỷ niệm, vui có, buồn cũng không ít... Vui, nhưng mình đã làm gì cho những người đã cống hiến? Trong đó, còn có câu chuyện của đời tôi, của đứa con đầu lòng đã hy sinh để cả đoàn được sống. Hay như bài “Khát vọng” lấy một ý nhỏ từ bài thơ ngắn của Đặng Viết Lợi. Tôi bắt gặp cái tứ này, phát triển lên, với tựa đề khác đi. Ai cũng có khát vọng cả, đất nước cũng có khát vọng làm sao được độc lập, tự do; mỗi người có khát vọng làm sao được no ấm, hạnh phúc; cuộc đời cũng có khát vọng làm sao có người tốt nhiều hơn kẻ xấu. Khát vọng, như tình yêu, là muôn thuở.
     Những bài hát về Sài Gòn - TPHCM của ông ghi dấu từng giai đoạn lịch sử…
    - Tôi có 5 bài viết riêng cho TPHCM. Trong đó, bài "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" về chiến tranh biên giới, về TNXP. Có bài thơ nào hay, tôi phổ nhạc, tìm giai điệu mới mẻ chứ không phải hát thơ.

    Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. 
    Bài hát của ông đẩy người nghe đến chiều sâu nào đó. Đâu là chiều sâu của một tác phẩm?
    - Một nhà văn đã nói: Bài hát hay là bài hướng con người đến những ước mơ, khát vọng và thực hiện những hoài bão đó. Một tác phẩm lớn không phải nhiều chương, đoạn, hình thức đồ sộ, mà đó chính là bài hát sống được trong lòng những người đang sống. Cái quan niệm này hiện nay đang vắng đi... Đó là suy nghĩ giản đơn quá. Thực tế, những bài hát tồn tại trong lòng công chúng đang sống, mới là tác phẩm lớn.
     Kỷ niệm lớn nhất trong đời lính, đời viết nhạc của ông?
    - Từ một thiếu niên được giác ngộ, đi theo Đảng những ngày đồng khởi, tôi đã trải qua những lúc gian khổ nhất, vất vả nhất, máu xương nhất và đó chính là kỷ niệm không thể quên của đời tôi. Chính bản thân bọn tôi lúc bấy giờ còn rất trẻ, tự tay chôn cất đồng đội, nhưng đến bây giờ không tìm thấy mộ các anh nữa vì B52 ném bom tan tác không còn đâu.
     Còn với tác giả “Tình ca” Hoàng Việt?
    - Anh ấy là một người anh, người thầy đáng kính, hóm hỉnh. Anh về Nam năm 1966 thì cuối mùa mưa 1967, anh được phân công đi chiến trường. Tôi là người duy nhất tiễn anh từ căn cứ Tiểu ban Văn nghệ R đi qua cơ quan điện ảnh giải phóng của con trai anh, hai cha con chia tay rồi anh vào chiến trường. Một thời gian không lâu sau khi anh hy sinh, ở chiến trường gửi bài hát cuối đời của anh - Đêm trăng qua đất Kiến Tường, chúng tôi dịch bản morse gửi ra miền Bắc để dựng liền và không kìm nổi xúc động khi nghe lại bài đó.
     Ông nghĩ gì về sự giao thoa văn hóa giữa hai miền Bắc - Nam sau giải phóng?
    - Sự giao thoa là tự nhiên, đất nước giải phóng, dân miền Nam ra Bắc, miền Bắc vô Nam, miền Trung vô SG. Cho nên, tôi có viết bài hát với tựa “Thành phố tôi” , trong đó khái quát hết về điều này: “Những dòng kênh xanh chảy quanh thành phố/ Như gương soi lấp lánh nụ cười/ Cô gái trẻ hồn nhiên ngồi đọc sử/ 40 năm tiếp nối 4.000 năm/ Chiếc cầu đúc bắc qua sông cổ tích/ Sài Gòn ơi con nước đầy vơi/Có người đến, người đi, người ở lại/ Ngọn đèn khuya sáng tối đục trong”…
    - Xin cảm ơn ông!

    Không có nhận xét nào: