Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Nhạc sỹ Phú Quang: “Người yêu tôi phải tính hàng nghìn cô”







“Người yêu tôi phải tính hàng nghìn cô, trẻ, đẹp lắm, nhưng là yêu ông nhạc sỹ kìa, chứ có yêu gã Phú Quang này đâu. (...) Tôi cũng từng huyễn hoặc lắm, sau dần thì tỉnh ra và đếm được trên mấy đầu ngón tay chỉ yêu vài cô mà thôi”.

Tác phẩm đầu tay, nhạc sỹ Phú Quang lấy tên là “Niềm tin”, viết sau một lần sụp đổ niềm tin, không phải chuyện tình, mà là chuyện đời. Tự ngẫm, anh thấy rằng viết nhạc cũng như cầu nguyện, để tự mình được giải thoát, tự mình trao phần thưởng cho mình…




Nhưng từ đó về sau, anh lại toàn viết nhạc tình, cứ như thể bao nhân tình thế thái, bao nông nỗi trên đời, cứ qua ngòi bút của anh lại nhẹ hẫng đi, chẳng nặng bằng nỗi nhớ một bóng hồng. Nhạc anh buồn, vì cái tạng anh thế, muốn vui vẻ, sôi nổi lên cũng chẳng được. Buồn nhưng không nẫu ruột, không sến rũ người ra, chỉ đơn giản là buồn, man mác một chút, khơi sâu vào nội tâm và đầy day dứt bởi đàn bà.


Dưới đây là những ẩn ức, nỗi niềm riêng mà nhạc sỹ của tình khúc man mác buồn muốn tâm tình cùng độc giả Dân trí.
***
“Giữa tôi và Lê Khanh có là tình yêu đâu mà nhớ”
Người yêu tôi phải tính hàng nghìn cô, trẻ, đẹp lắm, nhưng là yêu ông nhạc sỹ kìa, chứ có yêu gã Phú Quang này đâu. Thế mà không hiểu sao ai cũng bảo tôi sáng tác về hết cô này tới cô kia. Để xem. “Điều giản dị” là về Lê Khanh. Lần đó tôi được nhờ viết bài hát cho một bộ phim. Tôi băn khoăn mãi không biết viết thế nào, thì đúng lúc ngó lên TV, thấy Lê Khanh xuất hiện trong phim “Có một tình yêu như thế”. “Và anh biết một điều thật giản dị càng xa em ta càng thấy yêu em…” viết thế thôi chứ giữa tôi và Khanh có tồn tại cái gọi là tình yêu đâu mà nhớ.
Thực ra với người sáng tác có những điều là thật, cũng có điều hư cấu, nếu không thì thành kể chuyện xuông. Tác phẩm nghệ thuật đâu đơn giản mang bóng dáng của riêng anh. Tôi không viết về riêng người đàn bà nào, mà đặt mình vào câu chuyện tình yêu người khác, như nhà thơ Việt Phương trong bài “Trên đường Thanh niên”: “Ta đi yêu người ta yêu nhau/ Người ta cũng là ta khác đâu/ Ta yêu tình yêu người ta lắm/ Say đắm bao nhiêu cái hôn đầu”.
Điều quan trọng ở đây là phải viết thật với rung động của lòng mình thì sẽ chạm tới sự rung động của mọi người. Thế nên mới có “Khúc mùa thu”, phổ thơ Hồng Thanh Quang về thiên tình sử quá đẹp với ca sĩ Lê Dung. Còn “Biển nỗi nhớ và em” lại từ bài “Viết ở biển” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
Tôi cũng từng huyễn hoặc lắm, sau dần thì tỉnh ra và đếm được trên mấy đầu ngón tay chỉ yêu vài cô mà thôi. Ngày xưa có một người đã bỏ Sài Gòn, vượt biên đi rất xa mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ trở về nữa, cũng có thể gọi là mối tình đầu tiên. Album “13 chuyện bình thường”là rung cảm của tôi với người con gái đó. Là số phận hay hoàn cảnh xô đẩy thì cũng chỉ còn tiếc nuối đọng lại. Sau này đời sống cuốn đi mọi thứ, song tôi không bao giờ trách những người đàn bà đã đi qua cuộc đời mình vì muốn hay không muốn, họ cũng dành cho mình tình yêu chân thực.
Chỉ có một người đàn bà mình yêu vô điều kiện
“Thương lắm tóc dài ơi” được tôi sáng tác rất nhanh. Chuyện là năm đó con tôi đủ điều kiện đạt học bổng sang Nga du học, thế nhưng các suất học bổng thì trên Bộ lại cho mất ng rồi, trong đó cho mấy người đã không còn ở trong Nhạc Viện nữa. Thế là dù phía Bộ Văn hóa Nga đích thân gửi công hàm về, cháu cũng chỉ được sang đó học theo diện tự túc chi phí. Xin học bổng không được, khó khăn quá, vợ cũ mới gọi điện, kể lể và khóc như mưa, khiến cho tôi xót xa, thương vợ, thương cho thân phận người phụ nữ quá. Nhưng cũng không làm gì được nữa.




Họ nói thẳng với tôi: “Con ông không vào được, ông kiện đâu thì kiện”. Về sau, ông Trần Hoàn, Lưu Trung Kiên lên tiếng xin lỗi tôi vì sự quan liêu, hứa là cứ sang đó, năm sau họ sẽ cấp học bổng cho. Cuối cùng cô ấy đã bỏ hết mọi thứ để sang Nga lo cho con ăn học. Cái nông nỗi “thân cò lặn lội”, cả đời hy sinh cho con, mà cuối cùng bị “dòng đời đục trong” lừa dối khiến cho ngôn từ cứ bần bật chảy: "Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn”. Tôi viết không nhiều nhưng cũng đủ để làm ấm lòng cô ấy mỗi khi giai điệu cất lên.
Chỉ có một người đàn bà mình yêu vô điều kiện, yêu không hoài nghi, người đàn bà không bao giờ phản bội ta, đó là mẹ. Mẹ đã dạy tôi triết lý sống ở đời. Mẹ tôi hay lắm, không học cao nhưng có thể đọc làu làu Truyện Kiều, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên... và dạy tôi toàn bằng thơ Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương...
Năm 14 tuổi, khi tiễn các bạn đi du học, tôi đau khổ kinh khủng. Đêm xuống, tôi lén lấy chìa khóa nhà, mở cửa đi lang thang. Thất vọng, tôi đã toan nhảy vào đoàn tàu đi qua phố Khâm Thiên, nghĩ thế nào rồi lại thôi. Hôm sau tôi không buồn thức dậy ăn cơm. Mẹ biết chuyện, bà lên phòng tôi, chỉ nói một câu thôi nhưng làm tôi thức tỉnh: "Mợ (mẹ) biết tất cả những chuyện xảy đến với con nhưng con đừng hy vọng mợ sẽ khuyên nhủ hay dỗ dành con. Mợ chỉ muốn hỏi con rằng: Con có bao giờ nghĩ, sự thông minh của con cũng đủ đáng ghét trong mắt những kẻ ganh tỵ hay không".
Nghe mẹ nói xong, tôi ngồi dậy ăn cơm như một thằng chết đói. Cũng từ đó, không bao giờ có gì có thể làm tôi đau khổ hay gục ngã được nữa. Khi tôi ngoài 30 thì mẹ mất, lúc đó tôi đang ở Sài Gòn, cứ đi đi về về Hà Nội tới chục lần, thế nhưng những ngày cuối cùng tôi đã không có mặt, chỉ đến kịp đám tang. Đến giờ đây vẫn là nỗi ân hận lớn nhất của tôi. Chỉ đến khi gặp thơ Hồng Thanh Quang, bản “Mẹ” mới òa lên:“Mẹ/ Người đàn bà đầu tiên/ Người đàn bà mãi mãi / Không bao giờ phản bội/ Ngay cả khi con ngu dại một đời/ Còn mãi với con lời ru mẹ âu yếm/ Còn mãi với con lời ru ngày xưa ấy...”
Khi mẹ mất đi, tôi về lại, nhìn nấm mồ xanh cỏ, thương, nhớ quá. Rồi mãi đến khi tôi xây được ngôi mộ cho mẹ mình thì mới thấy thanh thản hơn. Có nhiều những chuyện không cần nói nữa làm gì, giờ nói ra chỉ thêm khuấy động lại đời sống cũng chẳng tốt. Những tình cảm đó là thật, chả có gì phải thù ghét hoặc phải đeo bộ mặt hầm hố với nhau.
Từ thâm tâm mình, tôi nghĩ họ không có gì phải ân hận, vì tôi cũng đã đối xử hết mình với họ. Chúng tôi là bạn. Viết ra một kỷ niệm thì tôi đã xây dựng lên một tượng đài, và nhờ vậy mà nó sống mãi, mình cũng nhẹ lòng. Tình yêu cũng thế. “Em như hạt mưa trên phố xưa/ Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ/ Kỷ niệm như rêu, anh níu vào chợt ngã/ Tình xưa giờ quá xa” (Khúc mưa).

“Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê, nhưng cũng thật mong manh, dễ vỡ” - Phú Quang đã từng nói vậy bởi hơn ai hết nhạc sỹ đã trải qua bao nhiêu giông tố của tình yêu nghệ sỹ, những phút đầy sung mãn kiêu hãnh, nhưng cũng không ít khi phải một mình độc ẩm trong đêm, cố vẫn không ngăn được giọt nước mắt giận dữ của một trái tim nam nhi bị tổn thương, xúc phạm đến tột cùng. Và bây giờ thì ông viết “Mùa thu giấu em” dành tặng cho Trịnh Anh Thư, người vợ hiện nay: “Có phải em mùa thu lâu đến thế/ Để cuối đường anh kịp nhận ra em/ Em ào tới chợt xôn xao lá đổ/ Xóa nỗi cô đơn lạnh giá bên thềm”.

Không có nhận xét nào: