Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Sài Gòn ve chai

 Khi gọi thẳng thừng “Sài Gòn ve chai” thì thành phố này cũng chẳng có ai cãi lại, vì bản sắc nơi này đã vậy, chấp nê chi mấy chuyện lặt vặt đó. Và cũng thật, gốc tích Sài Gòn đúng nghĩa tứ chiếng, “đầu trộm đuôi cướp” bỏ xứ đi tìm đất mới lập nghiệp cũng có, mà ve chai theo nghĩa đen càng có luôn.


Đơn cử như Quách Đàm (đúng chữ là Quách Diệm, 1863-1927), người bỏ tiền túi xây chợ Bình Tây năm 1924, nay vẫn còn ở quận 6, TPHCM, xuất thân từ việc lượm ve chai. Sau này, vì đóng góp to lớn của ông mà tượng được chưng, được thờ ở nhiều nơi.


Hay như chú Hỏa (Huỳnh Văn Hoa, 1845-1901) trước đó, cũng xuất thân từ việc lượm ve chai, sau thành đại phú gia, lần lượt có hơn 20.000 căn nhà cho thuê không chỉ ở Sài Gòn, mà còn ở nhiều nơi khác, thậm chí nước khác, 13 tiệm cầm đồ lớn. Nhiều công trình của ông giờ vẫn còn (có khi đổi tên, đổi công năng) như Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bệnh viện Từ Dũ, khách sạn Majestic, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách chính phủ, nhiều trụ sở ngân hàng, chùa chiền, bệnh viện khác… Ngày nay, tên ông (Hui Bon Hoa) còn được đặt cho một con đường tại Nessa, thuộc đảo Corse của Pháp ở Địa Trung Hải, để ghi nhớ các đóng góp to lớn của ông.
Từ tinh thần đó, ca sĩ - NSƯT Cao Minh mở một quán cà phê gần chân cầu Băng Ky (quận Bình Thạnh), mà mỗi sáng Chủ nhật sẽ biến thành Sài Gòn ve chai. Quán này tồn tại 5-7 năm rồi, bán thượng vàng hạ cám, đúng nghĩa tiền nào của nấy. Chủ nhân chỉ bán cà phê, không thu bất kì chi phí nào khác, việc “kiểm định” thì giữa người mua và người bán tự thu xếp với nhau.
Sài Gòn ve chai - ảnh 1
Đến Sài Gòn ve chai, có thể tìm được nhiều thứ bất ngờ.
Có cái hay, vì chợ ve chai này hoạt động đã lâu, nên “giang hồ” quen mặt hết rồi, “có sao nói dzậy người ơi”, bán đương nhiên là phải kiếm lời, nhưng không lừa. Những ai lừa phỉnh thì khó tồn tại ở đây quá vài tuần, vì nhiều cao thủ đang “ngọa hổ tàng long” chờ thời, khó mà “múa rìu qua mắt thợ”.
Tại đây bạn có thể bắt gặp những món đồ cổ có giá “cắt cổ” nhưng vẫn phải chịu, do đã tìm kiếm quá lâu, quá hiếm gặp. Nhưng cũng có những thứ nhiều hà rầm, chỉ vài ly cà phê là mua được, có cả đồ tân thời. Nhiều đồng hồ đeo tay bán không hóa đơn bảo hành nhưng giá lên đến vài ngàn, vài chục ngàn USD, nhưng cũng có những cái rất đẹp, rất xưa, chỉ một hai triệu đồng.
Sài Gòn - Nam kỳ ngày trước có 4 đại phú gia có ảnh hưởng không chỉ trong nước, mà ra cả thế giới, dân gian đúc kết thành câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa”. Có khi vị trí thứ tư được đổi thành tứ Định, tứ Trạch…, cùng với vài người khác như Quách Đàm, Trương Văn Bền, Trần Chánh Chiếu…, họ là những người đã có đóng góp to lớn vào việc xây dựng thành phố, vùng đất. Điều thú vị là khi đến Sài Gòn ve chai, nếu có duyên, ngày nay người mua vẫn gặp những kỷ vật đến từ các đại gia đình này. Một cây đèn dầu thuộc gia đình nhà văn Trần Chánh Chiếu (do có ký hiệu riêng) từng được bán tại đây với giá 17 triệu đồng.
Sài Gòn ve chai - ảnh 2
Con trai thứ ba của tứ Trạch (1872 - 1942) là Trần Trinh Huy (1900 - 1974), nổi tiếng với biệt danh công tử Bạc Liêu - hắc công tử, là người có siêu xe và máy bay riêng, được giang hồ đồn rằng đã đeo đồng hồ “Patek Sài Gòn” từ đầu thập niên 1940. Tên đầy đủ của nó là Patek Philippe - Platinum World Time Watch (1939), gọi Patek Sài Gòn vì ngay nút chỉnh ngày giờ (vị trí 3 giờ) là tên thành phố Sài Gòn. Năm 2002, một chiếc Patek Sài Gòn thuộc đời này đã được bán hơn 4 triệu USD tại nhà đấu giá Antiquorum (Thụy Sĩ).
Có người đến Sài Gòn ve chai mua được các tờ báo quốc ngữ thời kỳ đầu như Gia Định Báo, Nam Kỳ địa phận, Lục tỉnh tân văn, Nam phong, Tiếng dân…; có người mua được những món đồ cổ giá hời, sau đó trúng mánh lớn.
Sài Gòn ve chai - ảnh 3
Ca sĩ - NSƯT Cao Minh thường hát tặng khách ngay tại Sài Gòn ve chai.
Chính vì vậy, việc đến với các phiên giao dịch kiểu Sài Gòn ve chai, ngoài việc tìm kiếm những món đồ lạ, thì còn là hành trình trở ngược lại quá khứ và quá vãng. Có khi đó là những kỷ vật thời chiến, đồ ngoại nhập, đồ xưa đồ cổ, có khi là vài quyển sách cũ, có khi là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại... Kiểu như chuyện chú Hỏa đi lượm ve chai gặp vàng ròng, nhưng phải nhờ câu chuyện làm giàu từ những người bất đắc chí do phá sản kể lại, mà từ đó phất lên.
   
Và, đôi khi đến Sài Gòn ve chai chỉ là cách thư giãn, hoặc tìm cao thủ để trao đổi, học hỏi, hoặc thực dụng như khoe hàng độc, hoặc giản dị như nhìn ngắm lại một thời Sài Gòn chưa xa. 
Có người đến Sài Gòn ve chai mua được các tờ báo quốc ngữ thời kỳ đầu như Gia Định Báo, Nam Kỳ địa phận, Lục tỉnh tân văn, Nam phong, Tiếng dân…; có người mua được những món đồ cổ giá hời, sau đó trúng mánh lớn.

Không có nhận xét nào: